Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter
Mô hình 5 áp lực hay lực lượng cạnh tranh của Michael Porter (tiếng Anh: Porter’s Five Forces) là một mô hình xác định và phân tích năm lực lượng cạnh tranh trong mọi ngành công nghiệp và giúp xác định điểm yếu và điểm mạnh của ngành.
Cùng tìm hiểu về các nội dung như mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter, các thành phần trong mô hình là gì, cùng một số nội dung khác.
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter.
Mô hình 5 áp lực hay lực lượng cạnh tranh của Michael Porter hay năm tác động của Porter trong tiếng Anh được gọi là Porter’s Five Forces.
Porter’s Five Forces là một mô hình xác định và phân tích năm lực lượng cạnh tranh trong mọi ngành công nghiệp và giúp xác định điểm yếu và điểm mạnh của ngành.
Thường được sử dụng để xác định cấu trúc của một ngành để xác định chiến lược của công ty, mô hình của Porter có thể được áp dụng cho bất kì phân khúc thị trường nào của nền kinh tế để tìm kiếm lợi nhuận và tính hấp dẫn.
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter nhằm mục tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh và vị trí của một tổ chức trong môi trường hoạt động của nó.
Mô hình này được xây dựng dựa trên giả thiết là có 5 lực lượng môi trường ngành sẽ xác định mức độ cạnh tranh và tính hấp dẫn của một thị trường hay ngành; mô hình sẽ giúp chúng ta hiểu vị trí cạnh tranh hiện tại của tổ chức và vị trí mà tổ chức mong muốn đạt tới trong tương lai.
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Giáo sư kinh tế học, Michael Porter bao gồm: sự tranh giành giữa các đối thủ hiện có, sức mạnh của nhà cung cấp, sức mạnh của người mua, mối đe dọa từ các sản phẩm thay thế và mối đe dọa từ các đối thủ mới gia nhập ngành.
Về cơ bản, ý tưởng của mô hình này là đo lường khả năng sinh lời bằng cách tập trung ít hơn vào các yếu tố nội bộ như sản phẩm hay đối tượng mục tiêu và nhiều hơn vào các yếu tố ảnh từ bên ngoài như sự cạnh tranh hay thị trường.
Sử dụng cách phân tích theo mô hình này có thể là một cách đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để hiểu được năng lực cạnh tranh của thương hiệu trong môi trường kinh doanh chung.
5 áp lực từ môi trường ngành trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter.
Theo Porter, nhà quản lý chiến lược cần phải phân tích được các lực lượng này và xây dựng một chương trình gây ảnh hưởng tới chúng nhằm tìm ra một khu vực đặc biệt hấp dẫn và dành riêng cho tổ chức.
Dưới đây là từng áp lực trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter.
Áp lực từ nhà cung cấp.
Khả năng thương lượng (quyền lực) của nhà cung cấp các yếu tố đầu vào cho tổ chức được đánh giá bởi việc các nhà cung cấp có khả năng “ép” giá dễ đến đâu.
Điều này được quyết định bởi các yếu tố như số lượng các nhà cung cấp, tính khác biệt của các sản phẩm/dịch vụ mà họ cung cấp, qui mô và sức mạnh của nhà cung cấp, chi phí chuyển từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác…
Áp lực từ khách hàng.
Khả năng thương lượng (quyền lực) của khách hàng được đánh giá bởi việc khách hàng có khả năng gây áp lực tới tổ chức hay giảm giá sản phẩm/dịch vụ mà tổ chức cung cấp dễ đến đâu.
Điều này được quyết định bởi số lượng khách hàng, tầm quan trọng của từng khách hàng đối với tổ chức, chi phí để một khách hàng chuyển từ nhà cung cấp (tổ chức) này sang tổ chức khác…
Áp lực từ đối thủ cạnh tranh.
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đối thủ trong cùng một ngành/lĩnh vực (competitive rivalry) trên nhiều phương diện sẽ là một lực lượng quan trọng hàng đầu quyết định mức độ cạnh tranh trong ngành đó.
Yếu tố quyết định chính là số lượng và năng lực của các đối thủ cạnh tranh; nếu trong một ngành/lĩnh vực có nhiều đối thủ cạnh tranh cung cấp các sản phẩm, dịch vụ giống nhau thì mức hấp dẫn của ngành/lĩnh vực đó sẽ giảm đi.
Áp lực hay mối đe doạ từ các sản phẩm thay thế.
Mối đe doạ từ những sản phẩm, dịch vụ thay thế có thể là một áp lực đáng kể trong cạnh tranh. Mối đe doạ từ các đối thủ mới luôn là một yếu tố đáng quan tâm. Nhiều khi cán cân cạnh tranh có thể bị thay đổi toàn bộ khi xuất hiện các đối thủ “nặng kí” mới.
Ngành hấp dẫn sẽ thu hút nhiều đối thủ tiềm năng, đòi hỏi tổ chức cần có rào cản mạnh mẽ và vững chắc cho việc gia nhập ngành, ví dụ như lợi thế về qui mô, bằng sáng chế, đòi hỏi vốn lớn hoặc chính sách của nhà nước…
Kết luận.
Với hầu hết các doanh nghiệp hay người làm marketing, mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter được xem là kim chỉ nam để phân tích và thấu hiểu doanh nghiệp của mình trong một bối cảnh thị trường nhất định.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips