Một vài chiến lược Marketing cho các doanh nghiệp thương mại điện tử (P2)
Nếu bạn đang phụ trách các công việc liên quan đến thương mại điện tử, những chiến lược marketing được MarketingTrips đề cập trong bài sẽ rất hữu ích với bạn.
Với giá trị dự kiến đạt hơn 7000 tỷ USD vào năm 2025, thương mại điện tử (eCommerce) được xem là nền kinh tế mũi nhọn của các quốc gia và doanh nghiệp, để có thể tận dụng tốt các cơ hội mới, những chiến lược marketing phù hợp với doanh nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Trong khi tuỳ thuộc vào từng mục tiêu khác nhau, các doanh nghiệp có thể cần những chiến lược tiếp cận khác nhau, dưới đây là một số chiến lược marketing dành riêng cho các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Email Marketing.
Theo thống kê từ Litmus, email marketing hay tiếp thị qua email là hình thức marketing có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận đầu tư (ROI) lên tới 45 đồng cho mỗi đồng mà các doanh nghiệp thương mại điện tử đã chi tiêu.
Về tổng thể, chiến lược email marketing trong lĩnh vực thương mại điện tử có nhiều lợi thế hơn so với các ngành hàng khác.
Vì phần lớn các khách hàng thương mại điện tử mong muốn thường xuyên nhận được các thông tin về các chương trình khuyến mãi từ thương hiệu, điều này khiến cho quá trình gửi và nhận email trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, khi các sàn thương mại điện tử được tích hợp với các nền tảng CRM, việc cá nhân hoá nội dung email cũng là một chiến thuật khác bạn nên thử.
Dưới đây là một số trường thông tin bạn nên cân nhắc khi cá nhân hoá nội dung:
- Tên khách hàng
- Sinh nhật
- Giới tính
- Địa điểm
- Lịch sử mua hàng
- Các email đã mở
- Các trang web đã truy cập
- …
Ngoài các chiến thuật về cá nhân hoá, tự động hoá quá trình gửi email tiếp tục là một cách tiếp cận mà bạn không thể bỏ qua. Dưới đây là một số kiểu email tự động bạn có thể tham khảo cho chiến lược tổng thể của mình.
- Email chào mừng khách hàng mới
- Email nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng (Lead)
- Email quảng cáo
- Email về giỏ hàng chưa được thanh toán
- Email bán thêm và bán kèm (Up-sell and cross-sell)
- Email giới thiệu
- Email tương tác lại
Truyền thông mạng xã hội – Social Media.
Bên cạnh mục tiêu chính là để kết nối với bạn bè, người dùng cũng cũng sử dụng các nền tảng mạng xã hội để nghiên cứu và tương tác với các thương hiệu.
Các thương hiệu thương mại điện tử có thể cung cấp giá trị cho khách hàng mục tiêu của họ thông qua những nội dung có thể giải quyết các vấn đề của riêng họ.
Dưới đây là một số cách các thương hiệu có thể tiếp cận thông qua các nội dung (Content) của mình.
- Đăng các lời khuyên trong quá trình sử dụng sản phẩm
- Truyền tải cách các sản phẩm được sử dụng trong thực tế (use case)
- Cung cấp thông tin ngành
- Công bố các sản phẩm mới hay tính năng mới của sản phẩm
- Chia sẻ các nội dung do người dùng tạo ra (UGC)
- Chia sẻ những nội dung hợp tác với những người có ảnh hưởng (Influencer – KOL)
- Bán sản phẩm hoặc dịch vụ
- Chăm sóc khách hàng
Trong khi Social Commerce hay thương mại xã hội tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Instagram hay Facebook, việc bán hàng trực tiếp trên nền tảng ngày càng trở nên phổ biến và đơn giản hơn.
Tiếp thị liên kết – Affiliate Marketing.
Trong bối cảnh kinh doanh mới, ngoài việc dựa vào năng lực nội tại của doanh nghiệp để tăng trưởng, sử dụng năng lực của các bên thứ 3 cũng là một chiến lược mang lại thành công cho không ít các doanh nghiệp thương mại điện tử.
Bằng cách hợp tác với các nhà xuất bản, những nhà sáng tạo nội dung tự do hay các nhà quảng cáo, họ có thể giúp doanh nghiệp hiển thị nội dung sản phẩm và bán hàng thông qua mạng lưới của họ.
Theo Backlinko, “40% các đơn vị bán hàng thương mại điện tử đã coi các chương trình tiếp thị liên kết là phương thức thu hút khách hàng hàng đầu của họ”.
Nhiệm vụ của bạn cũng hết sức đơn giản, chọn các nền tảng tiếp thị liên kết (hoặc xây dựng chương trình liên kết trực tiếp), xây dựng các chính sách trả thưởng và sau đó là trả thưởng dựa trên các hiệu suất bán hàng thực tế của bên liên kết bán hàng.
Tối ưu hóa giao diện người dùng hay trải nghiệm của họ với website (app) – UI/UX.
Với hầu hết các doanh nghiệp, dù cho bạn làm marketing ở đâu hay theo phương thức nào thì khách hàng vẫn cần một nơi để xem và tìm hiểu về sản phẩm, website hay ứng dụng (app) là điểm đến mục tiêu cuối cùng.
Trong khi các sản phẩm về cơ bản là cố định hoặc trong nhiều trường hợp, nó không có bất cứ sự khác biệt nào so với đối thủ khi nền tảng thương mại điện tử đó chỉ là trung gian phân phối lại các sản phẩm đã có.
Khi này, tất cả các điểm chạm hay trải nghiệm của người dùng trên nền tảng là yếu tố mang tính quyết định đến khả năng mua hàng (và mua lại) của khách hàng.
Một giao diện website hiệu quả là giao diện giúp khách hàng thực hiện quá trình tìm hiểu sản phẩm cũng như mua hàng một cách đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Bằng cách tối ưu hoá tốc độ tải trang, tối ưu hoá điều hướng trên trang, tối thiểu hoá các lần nhấp chuột của khách hàng từ lúc nghiên cứu đến mua hàng, sử dụng các công cụ hỗ trợ 24/24 hay đơn giản là tối ưu hoá các lời kêu gọi hành động (CTA) trên trang, doanh nghiệp có thể từng bước chinh phục khách hàng tiềm năng của mình.
Ngày nay, khi phần lớn người mua hàng thực hiện các giao dịch trên thiết bị di động, thân thiện với các thiết bị di động là một yêu cầu bắt buộc khác bạn nên cân nhắc.
Kết luận.
Khi ngày càng có nhiều người mua sắm trực tuyến hơn, các doanh nghiệp thương mại điện tử nên chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn.
Tuy nhiên, dù cho chiến lược mà thương hiệu chọn là gì và được sử dụng trong bối cảnh nào, bạn nên nhớ rằng, khách hàng là điểm đầu cũng như là điểm cuối quyết định các chiến lược hành động hay ưu tiên của mình.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen