Những bước để xây dựng một bản kế hoạch marketing toàn diện (P2)
Trước khi bắt đầu bất cứ điều gì, thứ bạn cần là xây dựng một bản kế hoạch đầy đủ và bao quát nhất, dưới đây là cách bạn làm điều đó với marketing.
“Bộ ba” Marketing.
Một bản kế hoạch marketing hoặc thương hiệu thường trải qua 3 giai đoạn theo tuần tự. Đầu tiên, chúng ta chẩn đoán tình hình bằng cách sử dụng dữ liệu. Thứ hai, chúng ta đưa ra một chiến lược (strategy) thống nhất và thứ ba, chúng ta hoạch định các chiến thuật (tactics) để đạt được mục tiêu chiến lược và thành công trên thị trường.
Về cơ bản, quá trình này sẽ xoay vòng liên tục (thường theo năm), tức là cứ hết năm chúng ta bắt đầu xem xét và chẩn đoán lại vấn đề, sửa đổi chiến lược nếu có và cập nhật các chiến thuật mới.
Một kế hoạch marketing hay thương hiệu tốt sẽ nên tuân theo ba giai đoạn này trong cấu trúc của nó. Mỗi chẩn đoán nên kết thúc bằng một phần chiến lược và cuối cùng là các chiến thuật và ngân sách liên quan đến chúng.
Bạn cũng cần lưu ý rằng, sẽ không có bất cứ một định dạng hay mô hình lập kế hoạch marketing nào là lý tưởng và duy nhất.
Một trong những hiểu lầm của chủ yếu những người làm marketing trẻ (newbie) đó là họ nghĩ rằng họ có thể tìm thấy một bản kế hoạch mẫu có sẵn nào đó cho doanh nghiệp hay thương hiệu của họ. Tuy nhiên trên thực tế, mọi mô hình chỉ là để tham khảo, còn nhiệm vụ của bạn là vận dụng chúng một cách linh hoạt vào các tình huống cụ thể của mình.
Cuối cùng, ở một khía cạnh tổng thể thì 3 giai đoạn nói trên thường có ở hầu hết mọi kế hoạch marketing hoặc thương hiệu.
Cần khởi động trước khi bắt đầu.
Các kế hoạch marketing hay thương hiệu tốt nhất nên bắt đầu sau khi xem xét những số liệu cụ thể của năm trước đó. Hình dáng của tất cả các kế hoạch marketing nên là hình tròn vì nó sẽ xoay vòng liên tục.
Điều này có nghĩa là những trang trình bày đầu tiên trong một bản kế hoạch marketing mới phải là những nội dung tóm tắt các mục tiêu đã được đặt ra và đạt được trong kế hoạch năm trước đó, phân tích xem liệu bạn đã đạt mục tiêu hay không, vì sao.
Quá trình này sẽ cho bạn bốn bài học quan trọng. Nó cho bạn xem lại những gì vừa qua. Nó cho bạn những bài học và kinh nghiệm. Nó cung cấp bối cảnh cho năm mới. Và nó cũng cung cấp các điểm làm tiêu chuẩn (benchmarks) cho kế hoạch mới.
Nếu bạn chưa đặt ra bất kỳ mục tiêu nào cho thương hiệu hoặc bạn là người mới cho vị trí này, bạn có thể bỏ qua phần này. Còn ngược lại, bạn khoan nói đến các chiến lược hay mục tiêu mới xa xôi nếu bạn chưa hiểu được các mục tiêu hiện có.
Một lời khuyên (chân thành) cho những bạn mới đó là, bạn không nên sợ hãi khi không đạt được mục tiêu. Về bản chất, các nhà điều hành hay quản lý cấp cao quan trọng việc bạn nỗ lực hết mình và có được những hiểu biết sâu sắc về các vấn đề gặp phải hơn là việc bạn đã đạt được gì. Chân thành và kiên trì là chìa khoá dành cho bạn.
Nghiên cứu thị trường – nhưng đừng quá chi tiết.
Một bản kế hoạch marketing hay thương hiệu tốt được xây dựng dựa trên các dữ liệu hay hiểu biết (insights) cụ thể về khách hàng và thị trường.
Bạn không nên đưa ra các giả định (assumptions) chủ quan hoặc đề cập đến những thông tin quá lỗi thời từ một thị trường đang thay đổi nhanh chóng từng ngày.
Tuy nhiên, có một sai lầm phổ biến của không ít những người làm marketing đó là sử dụng quá nhiều thông tin chi tiết không liên quan đến nghiên cứu thị trường, sử dụng những dữ liệu quá chi tiết hoặc không hiểu những gì nó tiết lộ về thị trường.
Bạn nên nhớ rằng, đây là một bản kế hoạch marketing (mang tính chiến lược) chứ không phải là những nghiên cứu về insights (mang tính chiến thuật). Những insights hay phát hiện của bạn từ thị trường nên chạy xuyên suốt trên tất cả các slide.
Đừng lãng phí quá nhiều thời gian chỉ để nói về những khảo sát quá nhỏ hay những buổi phỏng vấn nhóm tập trung (focus group).
Lời khuyên cho bạn là nên liệt kê tất cả các nghiên cứu bạn đã sử dụng để xây dựng kế hoạch và một vài dòng insights chính cho mỗi phần của nghiên cứu.
Nhiều marketer rất thích nói về những dữ liệu họ có được, những không hiểu rằng không ai quan tâm đến nó cả. Nghiên cứu chỉ là nền tảng cho việc lập kế hoạch, chứ không phải là các hành động hay kết quả cụ thể.
Phân khúc thị trường (Segmentation) sau chẩn đoán.
Một trong những sai lầm lớn của người làm marketing khi phân khúc thị trường đó là họ nghĩ rằng phân khúc liên quan đến thương hiệu hay doanh nghiệp của họ.
Khái niệm phân khúc thị trường vốn không liên quan gì đến tổ chức của bạn mà nó liên quan đến thị trường. Điều đó có nghĩa là, ít nhất về mặt lý thuyết, đối thủ cạnh tranh của bạn có thể phân khúc chính xác giống như bạn.
Phân khúc không phải là chiến lược, nó như là bản đồ của thị trường và do đó nó là một phần của những chẩn đoán (giai đoạn đầu tiên đã đề cập ở trên). Bạn nên sử dụng dữ liệu của mình để xây dựng các mô hình phân khúc – chưa liên quan đến việc nhắm mục tiêu (targeting), mà chỉ là phân khúc tổng quan về toàn bộ thị trường.
Một vài lời khuyên cho bạn ở giai đoạn này là. Đầu tiên, bạn nên đưa toàn bộ phân đoạn vào một slide duy nhất. Tiếp theo, đảm bảo các phân khúc của bạn sẽ dựa trên hành vi (chứ không phải nhắm mục tiêu), quy mô dân số, giá trị và thị phần ước tính.
Đừng nên thêm bất cứ thứ gì khác ngoài bốn nội dung này.
Cuối cùng, hãy đảm bảo dữ liệu của bạn được cập nhật liên tục. Một phân khúc tốt không nên thay đổi từ năm này sang năm khác trong một thị trường ổn định.
Hết phần 2!
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Giang Nguyễn