Skip to main content

Những kỹ năng lãnh đạo chính khi áp dụng Agile Marketing

5 Tháng Tư, 2022

Khi Agile Marketing hay tiếp thị nhanh tiếp tục là chủ đề được nhiều người làm marketing quan tâm, đâu là những kỹ năng chính mà các nhà lãnh đạo Agile Marketing cần có.

kỹ năng lãnh đạo Agile Marketing
Những kỹ năng lãnh đạo chính khi áp dụng Agile Marketing

Từ tập trung đến các kết quả đầu ra (Outcome-driven), khiêm tốn, tập trung vào yếu tố con người đến đào tạo nhân viên là những kỹ năng lãnh đạo chính của các nhà tiếp thị khi áp dụng chiến lược Agile Marketing.

Agile Marketing là gì?

Theo Mckinsey, “Agile Marketing là việc sử dụng và phân tích dữ liệu để liên tục cung cấp các cơ hội đầy hứa hẹn hoặc giải pháp tới một vấn đề nào đó một cách tức thời (Real-time).

Khi áp dụng Agile Marketing, các thành viên trong đội nhóm marketing sẽ triển khai các thử nghiệm, đánh giá kết quả và lặp lại quy trình một cách thường xuyên và nhanh chóng”.

Xem thêm: Agile Marketing là gì?

7 kỹ năng lãnh đạo chính khi áp dụng chiến lược Agile Marketing.

Khiêm tốn.

Như bản chất của yếu tố Agile (nhanh nhẹn, linh hoạt, tức thời…) trong thuật ngữ Agile Marketing, khi các nhà lãnh đạo áp dụng chiến lược tiếp thị nhanh tức là họ hiểu rằng mọi thứ xung quanh họ như khách hàng, công nghệ, đối thủ đang thay đổi nhanh chóng.

Trong bối cảnh này, một nhà lãnh đạo tiếp thị thành công là người thay vì đặt bản thân họ ở vị trí trung tâm, họ chọn cách thừa nhận vai trò của các thành viên khác trong đội nhóm, thừa nhận họ không thể biết hết tất cả mọi thứ và để thành công, họ cần đoàn kết lại với nhau và cùng hướng tới mục tiêu chung.

Hướng đến kết quả.

Các nhà lãnh đạo hướng đến kết quả tập trung vào việc phân tích các kết quả liên quan đến các mục tiêu kinh doanh đã xác định, thay vì là năng suất cá nhân, hay các chỉ số không liên quan khác.

Để trở thành một nhà lãnh đạo dựa trên kết quả hay định hướng bởi kết quả, bạn cần đặt ra các mục tiêu rõ ràng đồng thời tin tưởng rằng các thành viên trong đội nhóm có thể hoàn thành chúng.

Thay vì bạn nói với các thành viên khác rằng “Chúng ta cần một kết quả tốt hơn”, bạn nên nói, “Chúng ta cần thêm 1000 khách hàng tiềm năng đủ điều kiện mới.”

Trong khi với phương thức làm việc theo kiểu cũ, các nhân viên được khuyến khích hoàn thành các mục tiêu cá nhân, với Agile Marketing hay tiếp thị nhanh, tất cả đều cần hướng đến mục tiêu chung.

Bạn cứ thử hình dung như thế này, nếu công việc của bạn là phụ trách về Social Media, việc bạn hoàn thành mục tiêu số lượng các bài đăng hay số lượt người tiếp cận sẽ không có ý nghĩa gì mấy nếu mục tiêu cuối cùng của nhóm là khách hàng và doanh số thất bại.

Linh hoạt.

Các nhà lãnh đạo linh hoạt hiểu rằng khi các yếu tố bên ngoài thay đổi, chiến lược cần thay đổi. Họ cởi mở với những ý tưởng và cách làm việc mới.

Lập kế hoạch cho các hoạt động marketing là cần thiết, nhưng khi mọi thứ đã thay đổi, với tư cách là người dẫn đầu, việc đáp ứng các nhu cầu mới của thị trường cần được ưu tiên nhiều hơn so với việc theo đuổi các kế hoạch trước đó.

Nếu COVID-19 đã dạy chúng ta bất cứ điều gì, thì đó là chúng ta đang sống trong một thế giới mới, mơ hồ hơn, bất định hơn, phức tạp hơn và khó đoán hơn, thứ mà người ta vẫn gọi là VUCA.

Là một nhà lãnh đạo marketing trong bối cảnh mới, bạn hiểu rằng thứ duy nhất sẽ không bao giờ thay đổi đó là các bản kế hoạch sẽ luôn thay đổi. Vì vậy, thay vì cứ mãi bám vào những thứ xưa cũ, hãy quyết định hướng đi mới của bạn, hãy chuẩn bị nhiều phương án hơn để hoàn thành mục tiêu.

Huấn luyện.

Một nhà huấn luyện viên là người sẽ giúp mọi người tự học để trở nên tốt hơn bằng cách đặt câu hỏi thay vì đưa ra sẵn các câu trả lời.

Trong khi nhiều người nghĩ rằng cách tốt nhất để hướng dẫn người khác là cho họ các câu trả lời cụ thể và chi tiết, sự thật là, nếu chúng ta luôn cho họ các câu trả lời, họ sẽ ngày càng phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn, “thay vì cho họ con cá hay cho họ cần câu.”

Bằng cách hướng dẫn mọi người có thể giải quyết các vấn đề của riêng họ, bạn sẽ dần nhận được những kết quả tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng có nhiều thời gian cho chính mình hơn thay vì chỉ là đi giải quyết các vấn đề cho họ.

Hợp tác.

Như đã phân tích ban đầu, trong thế giới mới, mọi người cần làm việc với nhau nhiều hơn, cùng phối hợp với nhau để đạt được mục tiêu chung thay vì là hoàn thành các mục tiêu cá nhân riêng lẻ.

Khi mọi thứ ngày càng trở nên phức tạp hơn, để giải quyết một vấn đề hay một nhu cầu mới, bạn cần nhiều người hơn cùng tham gia vào quá trình phân tích và xử lý.

Tập trung vào yếu tố con người.

Xây dựng và thúc đẩy các thành viên khác trong đội nhóm là trọng tâm lớn nhất của các nhà lãnh đạo, các nhà lãnh đạo Agile Marketing cũng không phải là ngoại lệ.

Để mọi người có thể nỗ lực và cống hiến nhiều hơn, họ cần cảm thấy được trân trọng nhiều hơn, “có giá trị” nhiều hơn đồng thời có cơ hội học hỏi và phát triển tốt hơn.

Liên quan đến vấn đề này, có một sai lầm mà không ít các nhà lãnh đạo mắc phải đó là, thay vì hỗ trợ và nhìn nhận nhân viên, họ tìm cách kiểm soát nhân viên.

Bạn cần hiểu rằng mục tiêu của bạn là để họ làm công việc của chính họ, chứ không phải làm vì bạn hay làm để báo cáo cho các cấp liên quan.

Bạn cần là một Game-changer.

Với Agile Marketing, bạn cần trở thành một người có thể thay đổi cuộc chơi (game-changer).

Để có thể trở nên nhanh nhẹn hơn, thay vì thực hiện các công việc mà nhiều người vẫn làm, bạn phải sẵn sàng thách thức lại những cách suy nghĩ thông thường.

Văn hóa nhanh nhẹn coi trọng việc thử nghiệm và sáng tạo, vì vậy nếu những ý tưởng mới của bạn tỏ ra chưa phù hợp, hãy coi đó là điều bình thường, hãy sẵn sàng loại bỏ chúng, thừa nhận chúng đã sai và bạn cần thử đi theo một hướng mới.

Marketing là một ngành luôn phát triển và thay đổi cùng với các bối cảnh kinh tế và xã hội, và do đó việc trở thành người có thể thay đổi cuộc chơi là điều bắt buộc để bạn có thể tiếp tục ít nhất là tồn tại.

Thế giới đã thay đổi và bạn cũng cần phải thay đổi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

VinVentures công bố báo cáo xu hướng đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2024

2 Tháng Một, 2025
Quỹ VinVentures cho biết giá trị đầu tư vào các startup tại Việt Nam trong năm 2024 giảm mạnh 30%…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …