Sáng tạo là gì? Khái niệm cần biết về Tư duy sáng tạo
Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu tất cả các thông tin về thuật ngữ Sáng tạo (Tiếng Anh có nghĩa là Creative) như: Sáng tạo là gì? Quy trình sáng tạo để tìm kiếm ý tưởng mới? Vì sao phải sáng tạo hay ý nghĩa của việc sáng tạo là gì? Ví dụ về các phương pháp chính để rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo là gì? Và hơn thế nữa.
Sáng tạo là quá trình tư duy có chủ đích nhằm mục tiêu tìm kiếm, sáng chế, hay phát minh ra những thứ mới. Thứ mới có thể là thứ chưa từng tồn tại trước đó, hoặc đã từng có nhưng lại được xây dựng theo một cách mới (cải tiến hơn).
Hiểu được khái niệm hay bản chất của sự sáng tạo, bạn có thể nhận thấy rằng nó đóng một vai trò vô cùng lớn trong cuộc sống. Dù bạn là người làm sáng tạo hay chỉ đơn giản là người cần các sản phẩm sáng tạo để thúc đẩy giá trị của bản thân, một tư duy và tinh thần luôn sẵn sàng sáng tạo là vô cùng cần thiết.
Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:
- Sáng tạo là gì?
- Tư duy sáng tạo là gì?
- Quy trình triển khai ý tưởng sáng tạo.
- Các phương pháp rèn luyện và phát triển tư duy sáng tạo là gì?
- Những câu hỏi thường gặp với thuật ngữ sáng tạo (FAQs).
Bên dưới là nội dung chi tiết.
I. Sáng tạo là gì?
Sáng tạo trong tiếng Anh có nghĩa là Creative (Creativity).
Sáng tạo là khái niệm mô tả quá trình tạo ra những cái mới hoàn toàn hoặc sắp xếp những cái cũ theo một cách thức mới (để tạo ra những cái mới).
Sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau xoay quanh thuật ngữ sáng tạo khi bạn tìm hiểu chúng thực sự có ý nghĩa là gì, nhưng chung quy lại chúng ta có thể hiểu đơn giản đây là thuật ngữ dùng để chỉ việc tìm tòi, phát minh ra một phương pháp, sáng chế ra một cái mới.
Sáng tạo là khi bạn vẫn thực hiện những công việc cũ nhưng không theo lối mòn cũ mà áp dụng những phương thức, tư duy mới để đem lại hiệu quả công việc cao hơn.
Hay sáng tạo cũng có thể được hiểu là đem lại sự mới mẻ, nhiều lợi ích tốt hơn cho con người về năng suất, công sức hay tiền bạc,…
Hãy thử nghĩ xem tuy cũng cùng một công việc đó, nếu thực hiện theo cách cũ sẽ mất cả ngày trời nhưng khi biết tư duy, phát triển những phương thức sáng tạo có thể rút gọn thời gian hoàn thành chỉ còn nửa ngày mà chất lượng không hề giảm nhiều thậm chí là còn được nâng cao hơn thì rất tốt đúng không nào?
Liên quan đến khái niệm sáng tạo, không thể không kể đến cách định nghĩa của thiên tài Albert Einstein, ông định nghĩa về sự sáng tạo như sau: “Sáng tạo là dấu hiệu thực sự của trí thông minh nhưng nó không phải là kiến thức mà là về trí tưởng tượng.”
Theo Albert Einstein, sáng tạo trước hết là tưởng tượng ra những thứ mới.
* Dưới đây là một số cách định nghĩa khác về cái được gọi là Sáng tạo.
– Theo quan điểm của Từ điển Triết học: Sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần, mới về chất. Các loại hình sáng tạo được xác định bởi đặc trưng nghề nghiệp như khoa học, kỹ thuật, văn học nghệ thuật, tổ chức, quân sự. Sáng tạo có mặt trong mọi lĩnh vực của thế giới vật chất và tinh thần.
– Theo từ điển Cambridge: Sáng tạo là khái niệm gắn liền với sự đổi mới hay tư duy đổi mới. Sáng tạo là khả năng tạo ra những ý tưởng hay thứ gì đó mới (nguyên bản), và không giống với những gì đang có.
II. Vì sao phải sáng tạo?
Khi nói đến khái niệm sáng tạo, có một câu hỏi được đặt ra nhiều nhất đó là vì sao con người phải cần sáng tạo, tức sáng tạo có thể mang lại những giá trị là gì?
Trên thực tế, sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực và có nhiều lý do chính đáng để thúc đẩy nó, dưới đây là một số giá trị mà sáng tạo có thể mang lại.
1. **Giải quyết vấn đề**: Sáng tạo giúp tìm ra những giải pháp mới cho những vấn đề khó khăn hoặc chưa được giải quyết. Nó cho phép chúng ta nghĩ ra những cách tiếp cận mới và hiệu quả hơn.
2. **Tiến bộ và đổi mới**: Sáng tạo là động lực chính của sự phát triển và tiến bộ trong khoa học, công nghệ, nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác. Nó giúp chúng ta cải thiện công nghệ hiện có và phát triển những công nghệ mới.
3. **Khả năng thích nghi**: Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, khả năng sáng tạo giúp con người chúng ta thích nghi với các tình huống mới và không lường trước được.
4. **Tạo ra giá trị và cơ hội**: Sáng tạo cũng có thể dẫn đến việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, từ đó tạo ra giá trị kinh tế và cơ hội nghề nghiệp mới.
5. **Khám phá bản thân**: Sáng tạo không chỉ là về việc tạo ra cái gì đó mới, mà còn là cách khám phá và thể hiện bản thân. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sở thích, khả năng và giá trị cá nhân.
6. **Xây dựng mối quan hệ**: Những ý tưởng sáng tạo có thể tạo ra cơ hội kết nối và cộng tác với người khác, mở rộng mạng lưới xã hội và làm phong phú thêm các mối quan hệ.
7. **Tăng cường sự thỏa mãn và hạnh phúc**: Thực hiện những ý tưởng sáng tạo có thể mang lại cảm giác thành tựu và niềm vui, góp phần nâng cao sự thỏa mãn cá nhân và tinh thần.
Tóm lại, sáng tạo không chỉ là việc phát minh ra những thứ mới mẻ mà còn là một phần thiết yếu giúp chúng ta phát triển, giải quyết vấn đề và sống một cuộc sống nhiều giá trị hơn.
III. Tư duy sáng tạo là gì?
Tư duy sáng tạo là việc mà não bộ chúng ta phải liên tục hoạt động, suy nghĩ, các giác quan hoạt động nhạy bén để có thể nhìn nhận ra những điểm thiếu sót hoặc chưa hiệu quả trong một vấn đề, công việc nào đó.
Từ đó đúc kết, phân tích và tìm ra phương thức giải quyết các nhược điểm đó một cách hiệu quả, giúp mọi thứ trở nên đơn giản và năng suất hơn.
Để có một tư duy tốt trước tiên chúng ta cần rèn luyện các kỹ năng mềm trong cuộc sống như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nhìn nhận giải quyết vấn đề,… Qua những quá trình đó dần dần não bộ sẽ có khả năng phản ứng với công việc, cuộc sống nhạy bén hơn, năng lực tư duy cũng nhờ vậy mà có cơ hội phát triển.
IV. Quy trình 5 bước sáng tạo để khai phá ý tưởng mới.
Để bạn có thể sáng tạo ra những ý tưởng mới và đóng góp nhiều hơn vào hiệu suất của công việc, dưới đây là những gì bạn cần làm.
1. Bắt đầu từ việc thu thập thông tin và học hỏi kiến thức.
Nhiều người cho rằng sáng tạo là bản năng của mỗi người, ý kiến này cũng có phần đúng nhưng không phải chính xác hoàn toàn. Trong xã hội, đúng là có những thiên tài bẩm sinh họ đã có những tư duy, trí tuệ hơn người.
Nhưng bạn nên nhớ rằng dù là vậy đi nữa thì tất cả đều cần trải qua sự học tập và trải nghiệm thì mới có thể phát huy tối đa được sự sáng tạo.
Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể cố gắng tiếp thu, rèn luyện để có thể sở hữu sự sáng tạo cho riêng mình theo một góc độ, chừng mực nào đó.
Không cần phải sáng tạo ra những điều to lớn, mà chỉ đơn giản là khi bạn sáng tạo những điều nhỏ bé, hữu ích cho riêng mình, cho gia đình để giúp cuộc sống của bạn trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
2. Sáng tạo là sắp xếp những gì cũ kỹ nhưng dưới góc nhìn mới.
Đôi khi việc sáng tạo ra những thứ mới là việc cực kỳ khó khăn, do vậy bạn có thể tiếp cận và rèn luyện tư duy sáng tạo thông qua việc làm mới những kiến thức cũ theo hướng hiệu quả hơn.
Đối với nhiều công việc khi bạn đã cạn kiệt ý tưởng thì đừng ngại ngần dừng hẳn công việc đó để thử thách trong một lĩnh vực mới.
Sau một khoảng thời gian khi đã làm quen với môi trường mới dần dần bạn sẽ tìm lại được cho mình niềm cảm hứng sáng tạo riêng và khác biệt.
3. Thả lỏng đồng nghĩa với việc tạo ra năng lực cho bản thân.
Sáng tạo khi bị gò bó vào những khuôn khổ, những áp lực thì không thể nào phát triển một cách hiệu quả.
Đừng cố gắng tạo áp lực cho bản thân, những lúc mệt mỏi hãy thả lỏng bản thân, làm một điều gì đó mới mẻ, tận hưởng ly cà phê buổi sớm, xem bộ phim bạn thích, ghé thăm những địa điểm yên bình mà bạn yêu thích, lúc đó đầu óc thư giãn biết đâu sẽ bừng lên những ý tưởng thú vị.
4. Để ý tưởng tự nhiên tìm đến bạn.
Nghe có vẻ hơi nực cười và khó tin nhưng điều này rất thực tế. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua và cảm thấy thú vị với sự ra đời của định luật nổi tiếng “Luật hấp dẫn của Newton” được phát hiện trong giây phút vô cùng tình cờ khi quả táo rơi xuống đầu.
Với sự việc tình cờ đó cùng bộ óc thiên tài của mình ông đã suy nghĩ, tìm tòi và cho ra đời định luật vạn vật hấp dẫn. Một ví dụ điển hình cho việc hãy để ý tưởng (Big Idea) tự nhiên tìm đến.
5. Phát triển tư duy sáng tạo từ những ý kiến phản hồi.
Phát triển tư duy sáng tạo từ những ý kiến phản hồi là một phương thức hiệu quả hiện nay.
Điều này thường được áp dụng trong lĩnh vực Nhà hàng – Khách sạn, Marketing, đặc biệt là nghiên cứu thị trường. Đôi khi bạn nghĩ sản phẩm, điều mình nghĩ ra đã là hoàn hảo rồi nhưng với rất nhiều cá nhân, khách hàng họ nhìn thấy được những thiếu sót.
Họ đưa ra những ý kiến góp ý, phàn nàn hay cũng có thể là chê trách, nhưng dù là gì thì bạn hãy liên tục tiếp thu để phát huy những điểm mạnh, những điểm được mọi người yêu thích và tìm giải pháp khắc phục những nhược điểm qua lời phê bình để đem lại cho mọi người những trải nghiệm tốt nhất.
V. Các phương pháp rèn luyện tư duy sáng tạo là gì?
1. Bắt tay vào hành động.
Không chỉ riêng tư duy sáng tạo mà hầu như bất kì kỹ năng nào cũng đều có những phương pháp rèn luyện hiệu quả và phổ biến nhất chính là bắt tay vào hành động.
Nếu bạn cứ suy nghĩ và để nó trong đầu thì dần dần ý tưởng đó sẽ bị mai một, bạn cuống cuồng với vòng xoay cuộc sống dẫn đến chúng sẽ ngủ quên mãi mãi.
Khi có một ý tưởng nào mà bạn cảm thấy khả thi, có thể thực hiện được lóe lên thì đừng chần chừ mà hãy bắt tay vào việc tìm cách tiến hành ý tưởng đó ngay.
Việc tiến hành hành động ngay lúc đó sẽ khích lệ, bớt đi những lo sợ khi bạn suy nghĩ quá lâu và giúp mỗi người có nhiều thời gian để thử nghiệm, hành động hơn.
2. Cân bằng giữa thực tế và lý tưởng.
Nên nhớ rằng cho dù sáng tạo là điều tốt, là việc đem lại cho bạn những hứng thú, cảm giác mới mẻ nhưng không có nghĩa là chúng có thể quá viển vông, vô lý.
Đừng vì quá vội vàng hay vì muốn làm những điều khác biệt với mọi người mà đưa ra những ý tưởng phi thực tế.
Nhưng cũng đừng để nỗi sợ đó làm bạn bỏ mất những ý tưởng táo bạo, tuyệt vời mà bạn suy nghĩ ra. Nói chung bản thân bạn sẽ là người quyết định, hãy đưa ra những lựa chọn chính xác tùy theo môi trường, hoàn cảnh và cả những điều kiện mà bản thân mình có.
3. Trở nên thoải mái và cởi mở.
Hãy trở nên thoải mái và cởi mở hơn vì những ý tưởng có thể bừng sáng, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra những ý tưởng tuyệt vời hơn khi tâm trạng tốt.
Khi tâm trạng bạn tốt, cơ thể thoải mái và cởi mở khiến não bộ ở trạng thái tích cực, chúng sẽ dễ dàng nhận biết, tiếp cận những thông tin mới. Bên cạnh đó, quá trình xử lý thông tin trong não bộ diễn ra cũng nhanh và hiệu quả hơn.
4. Đừng lo lắng quá nhiều về những vướng mắc.
Bạn nên nhớ rằng mọi thành công lớn đều gặp phải những vướng mắc, đều phải đương đầu với những khó khăn, thử thách thì mới có thể đạt được.
Khi gặp những vấn đề khó giải quyết, những điều bạn cảm thấy áp lực thì đừng nản chí, đừng quá lo lắng vì nó hoàn toàn không tốt cho việc phát triển tư duy sáng tạo.
Thay vào đó hãy thật bình tĩnh, nhìn nhận một cách chuyên sâu vấn đề và tìm ra những biện pháp giải quyết sáng suốt nhất.
5. Phá bỏ những nguyên tắc và giới hạn.
Những nguyên tắc gò bó, những giới hạn do chính chúng ta dựng lên như một hàng rào gai vững chắc kìm hãm sự phát triển của tư duy sáng tạo.
Hãy cởi bỏ tấm vỏ bọc an toàn nặng nề để thỏa sức vùng vẫy, thực hiện những ý tưởng táo bạo của mình. Sẵn sàng bỏ lại các nguyên tắc, làm những điều khác biệt và phá bỏ những giới hạn của bản thân, lúc đó tư duy sáng tạo của bạn cũng dần trở nên tốt hơn.
6. Dám dấn thân và không phụ thuộc.
Để có thể làm được điều mình nghĩ trước tiên bạn phải tin tưởng vào bản thân mình trước, tin tưởng rằng ý tưởng của mình là có thể thực hiện được lúc đó bạn mới có thế dùng hết tâm huyết, dấn thân vì điều đó.
Đừng vì sợ hãi mà không dám bắt tay thực hiện, đừng để ý quá nhiều đến sự dèm pha của người đời, tiếp thu những góp ý chân thành để từng bước tiến về phía trước.
Chắc chắn trên con đường chinh phục ý tưởng mới sẽ gặp không ít khó khăn thậm chí là thất bại. Mỗi khi như vậy hãy nghĩ đến nhà bác học vĩ đại Thomas Edison đã phát minh ra dây tóc bóng đèn điện sau sự thất bại của hàng nghìn thí nghiệm khác nhau.
Hãy coi từng thất bại là bài học để rút ra kinh nghiệm cho bản thân và tiến đến những mục tiêu, thành công mà mình đặt ra.
Những câu hỏi thường gặp với thuật ngữ sáng tạo (FAQs).
- Sáng tạo là gì trong Triết học?
Theo quan điểm của Triết học, sáng tạo là phương tiện thể hiện bản thân, và là một phần tạo nên con người. Sáng tạo là sự tương tác cả về thể chất và xã hội, thái độ và thuộc tính, và là một quy trình giải quyết một vấn đề nào đó để tạo ra một sản phẩm hay ý tưởng mới.
- Tính sáng tạo là gì?
Tính sáng tạo chính là những đặc điểm hay dấu hiệu để nhận biết một vấn đề hay sáng kiến nào đó được ra là có ý nghĩa về mặt sáng tạo.
Ví dụ, “tính sáng tạo của iPhone 14 vừa mới ra mắt trong 2022 là kết hợp nhiều tính năng đồng bộ mới với Apple Watch.”
- Ý tưởng sáng tạo là gì?
Ý tưởng sáng tạo là những ý kiến, quan điểm, khái niệm (concept) hay đề xuất mới mang tính khác biệt, tức chưa từng xuất hiện trước đó.
Các ý tưởng sáng tạo có được là do quá trình rèn luyện và không ngừng “tự vấn” về bản thân, những người có ý tưởng sáng tạo luôn tìm cách suy nghĩ theo kiểu vượt ra ngoài những khuôn khổ hiện tại (out of box).
- Tư duy sáng tạo là gì?
Tư duy sáng tạo là khả năng tự suy nghĩ và phân tích để tìm ra các ý tưởng hay sản phẩm sáng tạo. Để có được cái gọi là tư duy sáng tạo, con người cần nhiều thời gian cho việc trải nghiệm thực tế hơn là chỉ học qua trong sách vở.
- Người sáng tạo là gì?
Người sáng tạo trong tiếng Anh có nghĩa là Creator, chính là người trực tiếp tham gia làm các công việc về sáng tạo.
- Óc sáng tạo là gì?
Là khái niệm đề cập đến năng lực hay khả năng tư duy sáng tạo của một người nào đó.
- Nền kinh tế sáng tạo là gì?
Là nền kinh tế được xây dựng và phát triển trên cơ sở là sự sáng tạo.
Về bản chất, không có định nghĩa thống nhất về “nền kinh tế sáng tạo” hay “các ngành công nghiệp sáng tạo”, do đó, người ta thường lấy khái niệm “sáng tạo” làm một đặc điểm chủ đạo ở đây.
Ngày nay, sáng tạo thường được coi là một nguồn lực chính trong nền kinh tế tri thức, dẫn tới những sáng tạo và thay đổi về công nghệ, đồng thời đem lại lợi thế cạnh tranh về kinh doanh và các nền kinh tế quốc gia.
Sự biến đổi của những ý tưởng sáng tạo đã góp phần làm gia tăng cả các sản phẩm hữu hình và dịch vụ vô hình – gọi chung là “các hàng hóa và dịch vụ sáng tạo”.
“Các hàng hóa và dịch vụ văn hóa” tạo thành một tập hợp con của các ngành công nghiệp sáng tạo – một khái niệm rộng hơn tập trung vào các loại hình nghệ thuật nhưng không chỉ giới hạn ở đó.
Các ngành công nghiệp sáng tạo được định nghĩa là một tập hợp các sản phẩm tri thức, có nội dung sáng tạo, có giá trị về văn hóa và kinh tế, và có các mục tiêu thị trường.
Tập hợp này bao gồm chu kỳ sáng tạo, sản xuất, và phân phối hàng hóa và dịch vụ, trong đó sáng tạo và tài sản trí tuệ là các nguyên liệu đầu vào chủ đạo.
Vì lý do này mà nhiều quốc gia sử dụng định nghĩa về “các ngành công nghiệp sáng tạo văn hóa”. Các mô hình nền kinh tế sáng tạo khác nhau có các cách xác định và phân loại các ngành công nghiệp sáng tạo khác nhau.
- Phương pháp sáng tạo là gì?
Là cách thức để một người nào đó tạo ra sự sáng tạo hay các sản phẩm gắn liền với sự sáng tạo. Phương pháp sáng tạo có thể là việc “dấn thân” vào thực tiễn hoặc không ngừng nghiên cứu để tìm ra các ý tưởng sáng tạo.
- Ý nghĩa của sự sáng tạo là gì?
Mục đích hay ý nghĩa chính của sáng tạo là tạo ra những cái mới tối ưu hơn cái cũ, tuỳ thuộc vào từng bối cảnh cụ thể, khái niệm “tối ưu” có thể được hiểu theo những cách khác nhau với các chỉ số đo lường khác nhau.
Kết luận.
Trong bối cảnh khi mà mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng, khi mà nhiều tư duy kiểu cũ đã không còn phù hợp với điều kiện mới, sáng tạo hay đổi mới được xem là chìa khoá chính, là những gì thương hiệu cần làm để xây dựng lợi thế cạnh tranh và phát triển.
Bằng cách hiểu bản chất của sáng tạo là gì cũng như các bước để rèn luyện tư duy sáng tạo, bạn có nhiều cách hơn để xây dựng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips