Skip to main content

05 xu hướng thương mại điện tử nổi bật trong 2021

25 Tháng Một, 2022

Mua sắm kết hợp giải trí, mua sắm hàng bách hoá trực tuyến, kinh doanh trực tuyến, đầu tư vào logistics nội bộ và hoạt động vì cộng đồng là những xu hướng thương mại điện tử nổi bật năm 2021.

xu hướng thương mại điện tử 2021
Getty Images

Trong giai đoạn 2020 – 2021, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam chứng kiến nhiều thay đổi tích cực về thói quen mua sắm trực tuyến, tạo nên những xu hướng mới.

Báo cáo toàn cảnh ngành thương mại điện tử do Lazada thực hiện cho thấy, có năm xu hướng thương mại điện tử nổi bật trong năm 2021.

Thứ nhất, mua sắm kết hợp giải trí đã thâm nhập một cách hiệu quả vào thói quen của người tiêu dùng trực tuyến và trở thành xu hướng dẫn đầu trên thương mại điện tử năm 2021 nhờ các trải nghiệm tương tác phong phú.

Hình thức này được đánh giá là chiến lược chinh phục trái tim và tâm trí người dùng trên hành trình trải nghiệm số với các hoạt động tương tác như: phát sóng trực tiếp, trò chơi với phần thưởng là các voucher mua sắm hoặc xu để quy đổi thành tiền và khấu trừ trực tiếp trên đơn hàng.

Không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị cho người tiêu dùng, ở chiều ngược lại, mua sắm kết hợp giải trí cũng mang lại lợi ích cho nhà bán hàng bằng cách cho phép họ có không gian để tương tác với khách hàng tiềm năng và phát triển kinh doanh hiệu quả.

Theo báo cáo quý III/2021 của Lazada Việt Nam cũng là thời điểm giãn cách xã hội, kênh LazLive trên ứng dụng Lazada đã ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng về doanh số bán hàng và khách hàng mới.

Cụ thể, trong lễ hội mua sắm 9/9, tổng doanh thu thông qua LazLive tăng hơn tám lần so với cùng kỳ năm 2020, đạt mức doanh thu kỷ lục 700 triệu đồng chỉ trong vòng hai giờ.

So với trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam, doanh số hằng ngày ghi nhận từ những buổi phát trực tiếp tăng gấp năm lần; lượng người mua trung bình mỗi ngày thông qua buổi phát trực tiếp tăng hơn 120%; và số lượt xem trung bình mỗi ngày tăng gấp hai lần.

Thứ hai, mua sắm hàng bách hoá chuyển từ ngoại tuyến sang trực tuyến. 

Theo báo cáo của Deloitte, bách hoá trực tuyến là ngành hàng duy nhất duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ khi đại dịch bắt đầu xảy ra ở Việt Nam.

Theo báo cáo của iPrice, lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa bách hóa trực tuyến tăng 223% trong quý II/2021.

Lượt tìm kiếm trong tháng 7 tăng 11 lần so với tháng 5 và 3,6 lần so với tháng 6– ngay trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được triển khai tại một số tỉnh thành.

Các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày, trước đây vốn được tiêu thụ chủ yếu thông qua các kênh truyền thống, giờ đã trở thành mặt hàng trực tuyến bán chạy nhất trong thời kỳ giãn cách xã hội.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google,Temasek, Bain & Company, trong số các ngành hàng trên thương mại điện tử, bách hoá trực tuyến dự kiến sẽ là động lực phát triển chính cho nền thương mại điện tử của Đông Nam Á trong vài năm tới.

Theo đó, 58% người tiêu dùng Việt được khảo sát cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trên nền tảng thương mại điện tử bởi sự tiện lợi và 53% người tiêu dùng Việt thừa nhận rằng mua hàng bách hoá trực tuyến đã trở thành một phần trong thói quen của họ.

Thứ ba, mô hình kinh doanh trực tuyến trở nên thịnh hành và gia tăng mạnh mẽ hơn dưới tác động của Covid-19.

Giai đoạn cao điểm của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam, Lazada cho biết ghi nhận lượng nhà bán hàng đăng ký lên nền tảng này tăng gấp 1,5 lần trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm trước.

Việc xây dựng mô hình kinh doanh trực tuyến nói chung và kinh doanh trên thương mại điện tử nói riêng được cho là sẽ giúp thu hẹp khoảng cách vật lý giữa nhà bán hàng và khách hàng tiềm năng, thiết lập kênh kinh doanh hiệu quả, thông suốt, rút ngắn khoảng cách cung – cầu bằng cách theo dõi dữ liệu cụ thể và tận dụng các công cụ kỹ thuật số linh hoạt.

Thứ tư, logistics nội bộ là chìa khoá tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh. 

Trước Covid-19, phần lớn các nền tảng thương mại điện tử và nhà bán lẻ thường chọn hình thức giao hàng bởi các đối tác logistics để tiết kiệm chi phí và đầu tư vào các hạng mục công nghệ khác.

Tuy nhiên, Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và địa phương, thách thức sự phối hợp giữa người bán và nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ, kho bãi và hậu cần trong việc cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Trước những thách thức này, bên cạnh việc duy trì hợp tác với các đối tác logistics, các nền tảng cũng dành mối quan tâm và đầu tư lớn hơn vào việc phát triển dịch vụ logistics nội bộ nhằm đảm bảo trải nghiệm khách hàng luôn được thông suốt.

Thứ năm, hoạt động vì cộng đồng giúp các thương hiệu nâng cao giá trị và kết nối với người tiêu dùng. 

Người tiêu dùng ngày nay có xu hướng lựa chọn các thương hiệu tạo ra giá trị khác biệt và có ý nghĩa trong cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch.

Báo cáo “Global Marketing Trends 2020” của Deloitte cho thấy, các công ty có nhiều hoạt động, sáng kiến vì cộng đồng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng hơn, cả về thị phần và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm, đồng thời đạt được sự hài lòng của nhân viên và khách hàng cao hơn.

Một báo cáo toàn cầu gần đây của HavasMedia Group cũng chỉ ra, các công ty công nghệ đã nâng cao giá trị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch bằng cách cung cấp dịch vụ giao hàng bách hóa nhanh chóng, giá cả phải chăng và không ngừng sáng tạo ra các cách thức mới để kết nối với khách hàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | Theo The Leader

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Volkswagen dự kiến sa thải hàng chục ngàn nhân viên

25 Tháng Mười Hai, 2024
Nhà sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu Volkswagen đạt thỏa thuận với công đoàn trong việc cắt giảm hơn…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …