Skip to main content

Các đại gia ngành bán lẻ vẫn tích cực với cuộc đua giành thị phần

13 Tháng Mười Một, 2022

Thị trường bán lẻ đang chứng kiến cuộc đua khốc liệt giữa các ông lớn trong việc mở rộng điểm bán, chiếm lĩnh thị phần.

retail là gì
Retail là gì? Thấu hiểu về ngành hàng Retails

Mặc dù có nhiều lo ngại về nguy cơ lạm phát, suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến sức mua, chi phí đầu vào của một số mặt hàng tăng khiến giá tăng ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, tuy nhiên thị trường bán lẻ vẫn đang chứng kiến cuộc đua khốc liệt của các ông lớn trong việc mở rộng điểm bán, chiếm thị phần.

Đơn cử như, đầu tháng 11 vừa qua, THISO thành viên của Tập đoàn THACO đã khai trương siêu thị Emart thứ hai tại khu đô thị Sala thuộc TP. Thủ Đức (TP.HCM).

Dù có mặt tại Việt Nam 7 năm nhưng tập đoàn bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc Emart gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ một năm sau khi bắt tay với THACO thì siêu thị mang thương hiệu Emart thứ hai được khai trương.

Dù gia nhập “cuộc chơi” muộn hơn nhưng ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO Trần Bá Dương không hề dấu tham vọng khi đặt mục tiêu đạt 20 siêu thị đến năm 2026.

Doanh thu mảng bán lẻ của THACO trong 5 năm tới đạt 1 tỷ USD, trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 tại Việt Nam.

Siêu thị Emart sẽ đi theo chiến lược bắt đầu từ những thị trường đông dân, có tiềm năng.

Sau khi các đại siêu thị hiện hữu đảm bảo hệ thống tiêu chí cơ bản về doanh thu và tỷ suất lợi nhuận thì THACO sẽ phát triển mô hình cửa hàng nhỏ mà Emart thành công trên thế giới.

Cùng thời điểm với THISO, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan là Central Retail cũng vừa mở thêm hai trung tâm thương mại mới là GO! Phú Thạnh ở TP.HCM và GO! Bình Dương.

GO là tên gọi mới của một cái tên đã hết sức quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam là BigC, được Central Retail thay đổi sau khi mua lại từ Tập đoàn Casino (Pháp).

Mới đây Central Retail cũng tiết lộ kế hoạch chi 30 tỷ Baht (tương đương 790 triệu USD) để mở rộng gấp đôi quy mô điểm bán tại Việt Nam từ 340 cửa hàng lên ít nhất 710 cửa hàng vào năm 2026.

Ông lớn bán lẻ đến từ Nhật Bản là AEON cũng dự định sẽ tăng từ 6 trung tâm thương mại như hiện nay lên 16 tới năm 2025.

Một ông lớn bán lẻ nội, được coi “anh cả” về tuổi đời trên thị trường là Saigon Co.op sau thời gian chững lại do lãnh đạo dính pháp lý thì năm nay cũng dự kiến mở thêm 100 siêu thị.

Hệ thống bán lẻ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua là WinMart thuộc Tập đoàn Masan cũng tiếp tục mở rộng điểm bán.

Cụ thể mới đây ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan cho biết, để thúc đẩy chiến lược Point of Life, Masan đã khai trương 30 cửa hàng WIN trong quý 3.

Thời gian tới, Masan sẽ ra mắt mô hình cửa hàng mới phục vụ người tiêu dùng tại khu vực nông thôn.

“Tới thời điểm này, Masan đã nắm giữ 50% thị phần cửa hàng bán lẻ hiện đại trên toàn quốc và chúng tôi không ngừng đổi mới để phục vụ người tiêu dùng các trải nghiệm vượt trội”, ông Quang nói thêm.

Được biết đến là đơn vị duy nhất sở hữu cả hệ thống phân phối hành tiêu dùng nhanh (Bách Hoá Xanh) và hàng tiêu dùng lâu bền (Điện Máy Xanh), Thế Giới Di Động là công ty duy nhất đi “ngược chiều” khi cho biết trong quý 4/2022 sẽ tạm dừng mở mới cửa hàng ở tất cả các chuỗi.

Tuy nhiên việc tạm dừng của Thế Giới Di Động không áp dụng đối với một số ít cửa hàng đang thử nghiệm hoặc các cửa hàng mang lại lợi nhuận ngay.

Nhiều triển vọng

Trái ngược với tình trạng ảm đạm khi hàng loạt các cửa hàng phải đóng cửa để chống dịch cách đây một năm, hiện nay thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại.

Cụ thể, khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.170 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh trong tháng 8/2022 cũng cho thấy 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ đã bằng và vượt mức trước đại dịch.

Điều này cho thấy ngành bán lẻ đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng giữa các doanh nghiệp bán lẻ có sự phân hóa giữa các nhóm hàng hóa khác nhau.

Đơn cử doanh nghiệp bán lẻ hàng lâu bền tăng trưởng cao so với hàng tiêu dùng nhanh.Còn những doanh nghiệp có quy mô lớn, chiến lược kinh doanh bài bản ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn so với nhóm doanh nghiệp còn lại.

Dựa vào những lợi thế của thị trường Việt Nam như GDP tiếp tục tăng trưởng, tỷ lệ dân số ở độ tuổi từ 30 đến 40 lớn nên 92% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan.

Chỉ có 16% doanh nghiệp tỏ ra thận trọng do lo ngại lạm phát và suy thoái kinh tế đang trở thành rủi ro lớn nhất hiện nay đối với tăng trưởng ngành bán lẻ.

Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ cũng đang thay đổi theo hướng mua sắm trực tuyến sẽ trở nên phổ biến hơn nhờ 2 động lực là: dịch Covid-19 thúc đẩy hoạt động mua sắm trực tuyến trở thành thói quen của người dùng; điện thoại thông minh, thiết bị di động và dịch vụ internet ngày càng phổ biến.

Còn theo Cushman & Wakefield đánh giá thị trường bán lẻ đã qua thời thương hiệu nội hay ngoại, mà doanh nghiệp bán lẻ nào nhanh tay hơn và có chiến lược trong việc tập trung vào trải nghiệm của khách hàng sẽ dành chiến thắng.

Sau thời gian “thử nghiệm” bán hàng trực tuyến bất đắc dĩ mùa giãn cách, các nhà bán lẻ đã tự tin hơn, cũng như thói quen của người tiêu dùng trong và sau Covid-19 cũng thay đổi, đòi hỏi những toan tính mới của chính mỗi doanh nghiệp hơn khi triển khai mô hình kinh doanh kết hợp đa kênh (Omni Channel).

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …