Chi tiêu ngành hàng FMCG đang hướng về mức đỉnh mới
Trong bối cảnh đợt bùng phát Covid-19, nhu cầu thực phẩm thiết yếu, tập trung vào các dòng sản phẩm FMCG cơ bản và thực phẩm đóng gói sẽ chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm 2021 dưới tác động của tình trạng giãn cách xã hội quyết liệt hơn theo Chỉ thị 16.
Theo khảo sát năm 2020 của Deloitte, 84% và 70% người tiêu dùng sẽ gia tăng chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói trong trường hợp xuất hiện các làn sóng Covid-19.
Những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm 2021, khi ảnh hưởng của Covid-19 đang trở nên nghiêm trọng hơn và giãn cách xã hội quyết liệt hơn so với làn sóng Covid-19 đầu tiên.
Phạm vi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lớn hơn, lan rộng ở miền Nam và Hà Nội, sẽ thúc đẩy hoạt động tích trữ hàng hóa gia tăng mạnh mẽ hơn so với năm 2020.
Ngược lại, gần 40% và 70% người tiêu dùng sẽ thắt chặt ngân sách chi tiêu của họ cho ngành hàng điện tử tiêu dùng và giải trí cá nhân dưới ảnh hưởng của Covid-19.
Với việc áp dụng Chỉ thị 16 tại Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu tháng 7/2021, giá trị chi tiêu FMCG tại bốn thành phố trọng điểm ở Việt Nam (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) đã tăng nhanh chóng và đang hướng về mức đỉnh của 6 tháng đầu năm 2020 (dưới ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ nhất).
Đáng chú ý, giá trị tiêu dùng FMCG hiện tại chỉ mất một tuần để gần đạt đến mức đỉnh của làn sóng thứ nhất, xuất phát từ sự hạn chế khả năng tiếp cận mua hàng thông qua kênh mua hàng truyền thống.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, tác động của đợt bùng phát Covid-19 hiện tại sẽ dai dẳng hơn và dẫn tới khoảng thời gian giãn cách xã hội dài hơn so với năm ngoái, qua đó thúc đẩy xu hướng chi tiêu và tích trữ thực phẩm tươi sống và FMCG đạt mức đỉnh mới trong quý 3/2021.
Tỷ trọng giá trị tiêu dùng theo các dòng sản phẩm FMCG đang thể hiện cùng xu hướng với làn sóng Covid-19 thứ nhất. Giá trị tiêu dùng cho thực phẩm đóng gói gia tăng mạnh mẽ và phá vỡ mức đỉnh của năm 2020.
Trong khi đó, chi tiêu cho sản phẩm chăm sóc cá nhân và đồ uống vẫn duy trì ổn định nhưng tỷ trọng giá trị tiêu dùng đang suy giảm nhẹ đến từ sự chuyển hướng ưu tiên chi tiêu của khách hàng sang các sản phẩm thiết yếu hơn (thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói).
Ở chiều ngược lại, mặc dù gia tăng trong làn sóng Covid-19 thứ nhất, giá trị tiêu dùng các sản phẩm sữa đang suy giảm trong hai tuần đầu tháng 7/2021 khi kênh thương mại truyền thống, kênh bán sữa lớn nhất của các công ty sữa ở Thành phố Hồ Chí Minh, phải đóng cửa ở nhiều quận huyện.
Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng tổng chi tiêu ngành sữa sẽ không suy giảm mạnh khi chi tiêu qua kênh thương mại hiện đại (MT) đang gia tăng nhanh chóng (hiện tại đã đóng góp hơn 50% vào tổng chi tiêu ngành hàng sữa) sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm chi tiêu qua kênh thương mại truyền thống.
Tương tự VDSC, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán SSI dự báo trong nửa cuối năm 2021, những doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thực phẩm, gia vị như Masan sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Không chỉ phát triển nhanh nhờ thói quen tiêu dùng thay đổi trong đại dịch, Masan còn hưởng lợi lớn từ quá trình cao cấp hóa sản phẩm đang diễn ra trên thị trường FMCG Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sữa như Vinamilk hay bia của Sabeco có phần chững lại do cơ sở so sánh cùng kỳ năm trước không ở mức thấp.
Sang năm 2022, SSI ước tính Masan có thể đạt mức tăng trưởng hai con số, trong khi đó, Vinamilk và Sabeco có thể tăng trưởng ở mức một con số hoặc chỉ hơn 10%, với giả định rằng nhu cầu sẽ phục hồi từ quý 2/2022 và giá nguyên liệu sẽ giảm xuống.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh