Skip to main content

GDP là gì? Cách tính và ý nghĩa của chỉ số GDP trong Kinh tế

31 Tháng Mười, 2023

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu tất cả các thông tin nền tảng quan trọng cần biết về thuật ngữ GDP (GDP là từ viết tắt của Gross Domestic Product) như: GDP là gì, thấu hiểu chỉ số GDP trong bối cảnh kinh tế, công thức tính GDP, phân biệt GDP với GNP và GNI, phân loại GDP, cách sử dụng dữ liệu GDP (Tổng sản phẩm quốc dân) để đo lường sức khoẻ của một quốc gia, và nhiều nội dung liên quan khác.

GDP là gì
GDP là gì? Khái niệm và công thức tính GDP (Gross Domestic Product).

Dù bạn có phải là một người làm việc trong chính phủ, các tổ chức nhà nước, tại doanh nghiệp hay thậm chí là làm việc trong lĩnh vực kinh tế hay không, việc có được các kiến thức nền tảng về kinh tế vĩ mô là vô cùng cần thiết. Khi các chỉ số như GDP (Gross Domestic Product) có thể giúp bạn tính toán và xác định về sức khoẻ hay độ lớn của một quốc gia, có được những sự hiểu biết về thuật ngữ này là vô cùng hữu ích.

GDP là gì?

GDP là từ viết tắt từ chữ tiếng Anh Gross Domestic Product trong tiếng Việt có nghĩa là tổng sản phẩm quốc dân hoặc tổng sản phẩm nội địa.

GDP là tổng giá trị tiền tệ hoặc thị trường của tất cả các sản phẩm là dịch vụ và hàng hoá thành phẩm được sản xuất trong biên giới của một quốc gia trong một khoảng thời gian cụ thể.

GDP là một thước đo tổng thể về dung lượng sản xuất trong nước, nó có chức năng như là một điểm đánh giá toàn diện về sức khỏe kinh tế hay vị thế kinh tế của một quốc gia nhất định.

Mặc dù chỉ số GDP thường được tính theo năm nhưng đôi khi nó cũng được tính theo quý tuỳ vào từng quốc gia ở từng thời điểm khác nhau.

Ví dụ, ở Việt Nam, GDP thường được tính theo năm tuy nhiên vẫn có thể chia nhỏ theo quý để phục vụ cho một mục đích đặc biệt nào đó.

Thấu hiểu khái niệm GDP (Gross Domestic Product).

  • GDP là giá trị tính bằng đơn vị tiền tệ của tất cả các sản phẩm là hàng hóa thành phẩm và dịch vụ được sản xuất trong một quốc gia trong một khoảng thời gian cụ thể.
  • GDP cung cấp một bức tranh tổng thể về tiềm lực kinh tế của một quốc gia hay nói cách khác là mức độ giàu có ở cấp độ quốc gia nói chung.
  • GDP có thể được tính theo ba cách, sử dụng theo mức chi tiêu, sản xuất hoặc thu nhập. GDP có thể được đối sánh theo lạm phát và dân số để có được những góc nhìn khách quan và chính xác hơn.
  • Trong khi GDP thực (Real GDP) có tính đến ảnh hưởng của lạm phát (Inflation), GDP danh nghĩa (nominal GDP) thì không.
  • Mặc dù cũng có những điểm hạn chế nhất định, chỉ số GDP vẫn là công cụ quan trọng để các chính phủ hay người làm chính sách dựa vào để đưa ra phương án hành động. Nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng sử dụng chỉ số GDP để ra quyết định chiến lược.

Một số lưu ý quan trọng cần hiểu về chỉ số GDP.

Việc tính toán chỉ số hay dữ liệu GDP của một quốc gia bao gồm tất cả các chỉ số tiêu dùng cá nhân và công cộng, chi tiêu của chính phủ, đầu tư, các chi phí xây dựng và cán cân thương mại nước ngoài.

Trong khi dữ liệu xuất khẩu (sang các quốc gia khác) được cộng vào giá trị của GDP, dữ liệu nhập khẩu thì được trừ đi vì nó không được sản xuất trên lãnh thổ của chính quốc gia đang tính toán.

Trong tất cả các thành phần tạo nên chỉ số GDP của một quốc gia, cán cân thương mại nước ngoài hay còn được gọi là cán cân ngoại thương (FBT) là đặc biệt quan trọng.

Về tổng thể, GDP của một quốc gia có xu hướng tăng khi tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà các nhà sản xuất trong nước bán ra nước ngoài vượt quá tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ của nước ngoài mà người tiêu dùng (doanh nghiệp) trong nước mua hay nhập vào.

Khi tình huống này xảy ra, một quốc gia được cho là có thặng dư thương mại hay còn được gọi với một cái tên khác đó là xuất siêu (xuất khẩu cao hơn nhập khẩu).

Trong tình huống ngược lại – tức là nếu số tiền mà người tiêu dùng trong nước chi cho hàng hóa nước ngoài lớn hơn tổng số tiền mà nhà sản xuất trong nước có thể bán cho người tiêu dùng nước ngoài – thì đó được gọi là thâm hụt thương mại. Trong tình huống này, GDP của một quốc gia có xu hướng giảm.

Một quốc gia “khoẻ mạnh” là quốc gia xuất siêu và có thặng dư thương mại cao.

GDP có thể được tính toán trên cơ sở danh nghĩa hoặc thực tế, tính toán dựa trên thực tế tức là có tính đến yếu tố lạm phát.

Về bản chất, vì có thể phản ánh được những gì thực tế đang diễn ra, GDP tính theo cơ sở thực tế là một phương pháp chính xác.

Giả sử một quốc gia có GDP danh nghĩa là 100 tỷ USD vào năm 2012. Đến năm 2022, GDP danh nghĩa của quốc gia đó đã tăng lên thành 150 tỷ USD. Chỉ số giá cả cũng tăng 100% trong cùng thời gian.

Trong ví dụ này, nếu bạn chỉ nhìn vào GDP danh nghĩa (nominal GDP,) thì nền kinh tế của quốc gia này dường như đang rất khoẻ.

Tuy nhiên, vì GDP thực tế (tính theo tỷ giá USD năm 2012) sẽ chỉ là 75 tỷ USD, nó lại không được “khoẻ” như bạn nghĩ.

Các loại chỉ số GDP phổ biến trên thế giới (và tại Việt Nam).

Trên thực tế, chỉ số GDP được tính toán theo rất nhiều cách khác nhau tuỳ theo từng cách phân loại khác nhau. Mỗi cách tính GDP đều mang những ý nghĩa thú vị khác nhau.

Đươi đây là các loại chỉ số GDP phổ biến nhất.

GDP danh nghĩa.

GDP danh nghĩa là chỉ số GDP được sử dụng để đánh giá về tình hình sản xuất kinh tế trong một nền kinh tế bao gồm các mức giá hiện hành. Nói cách khác, GDP danh nghĩa không loại bỏ yếu tố lạm phát hoặc sự biến động về giá tiêu dùng (CPI), những yếu tố có thể làm thay đổi chỉ số GDP nói chung.

Tất cả các sản phẩm là hàng hóa và dịch vụ được tính trong GDP danh nghĩa đều được định giá theo giá mà những hàng hóa và dịch vụ đó thực sự được bán trong năm đó.

GDP danh nghĩa thường được sử dụng khi so sánh các quý sản lượng khác nhau trong cùng một năm. Khi so sánh GDP từ hai năm trở lên, GDP thực tế lại được sử dụng thay thế.

GDP thực tế.

Ngược lại với GDP danh nghĩa, GDP thực tế (Real GDP) là thước đo được điều chỉnh theo chỉ số lạm phát, phản ánh chính xác số lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi một nền kinh tế trong một năm nhất định, với giá cả không đổi từ năm này sang năm khác để tách biệt tác động của lạm phát hoặc giảm phát (Deflation).

Giá cả tăng có xu hướng làm tăng GDP của một quốc gia, nhưng điều này không nhất thiết phản ánh bất kỳ thay đổi nào về số lượng hoặc chất lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi quốc gia đó. Do đó, nếu chỉ nhìn vào GDP danh nghĩa của một nền kinh tế, bạn có thể khó biết được liệu con số này tăng lên do sự mở rộng sản xuất thực tế hay đơn giản là do giá cả tăng cao.

GDP thực tế được tính bằng cách sử dụng chỉ số giảm phát giá GDP (GDP Price Deflator), là mức chênh lệch giá giữa năm hiện tại và năm cơ sở được tính toán.

Ví dụ: nếu giá tăng 5% kể từ năm cơ sở thì hệ số giảm phát sẽ là 1,05. GDP danh nghĩa thì được chia cho chỉ số giảm phát này. GDP danh nghĩa thường cao hơn GDP thực tế vì lạm phát thường là số dương.

GDP thực tế cũng tính đến những thay đổi trong yếu tố giá trị thị trường (market value) và do đó nó có thể làm thu hẹp sự khác biệt giữa các số liệu sản lượng từ năm này sang năm khác. Nếu có sự chênh lệch lớn giữa GDP thực tế và GDP danh nghĩa của một quốc gia thì đây có thể là dấu hiệu của lạm phát hoặc giảm phát trong thời kỳ tính toán.

GDP bình quân đầu người (GDP Per Capita).

GDP bình quân đầu người hay còn được gọi là thu nhập bình quân đầu người là thước đo GDP tính bình quân trên từng đầu người trong tổng lượng dân số của một quốc gia. GDP bình quân đầu người có thể biểu thị năng suất trung bình hoặc mức sống trung bình của người dân trên một quốc gia nhất định.

GDP bình quân đầu người có thể được biểu thị theo danh nghĩa hoặc thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) hoặc ngang giá sức mua (PPP).

Theo cách giải thích cơ bản, GDP bình quân đầu người cho thấy giá trị sản xuất kinh tế có thể được phân bổ cho mỗi cá nhân là bao nhiêu.

Vì GDP bình quân đầu người được tính từ GDP tổng của một quốc gia và dân số của quốc gia đó, điều quan trọng là phải hiểu mỗi yếu tố đóng góp như thế nào vào kết quả chung và nó giúp phản ánh điều gì về sức khoẻ của nền kinh tế.

Ví dụ: nếu GDP bình quân đầu người của một quốc gia đang tăng lên với mức dân số ổn định, thì đó có thể là kết quả của những tiến bộ công nghệ đang tạo ra nhiều sản phẩm hơn với cùng mức dân số tương ứng.

Một số quốc gia có thể có GDP bình quân đầu người cao nhưng dân số thấp, điều này thường có nghĩa là họ đã xây dựng được một nền kinh tế tự chủ (tự cung tự cấp) dựa trên nguồn lực đặc biệt dồi dào.

Công thức tính chỉ số GDP.

Như đã phân tích ở trên, GDP có thể được xác định thông qua ba phương pháp chính là tính theo mức chi tiêu, theo sản xuất (đầu ra) và theo thu nhập. Cả ba phương pháp đều cùng mang lại một chỉ số cuối cùng giống nhau.

Theo đó công thức được sử dụng để tính toán chỉ số GDP là:

GDP (Gross Domestic Product) = C + G + I + NX

Trong đó, C là mức tiêu dùng, G là mức chi tiêu của chính phủ, I là mức đầu tư, và cuối cùng NX là chỉ số xuất khẩu ròng.

Phân biệt chỉ số GDP với GNP và GNI.

Mặc dù GDP là thước đo được sử dụng rộng rãi để đánh giá mức độ quy mô hay sức khoẻ kinh tế của một quốc gia, vẫn có nhiều cách khác để đo lường tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.

Trong khi GDP (Tổng sản phẩm quốc dân) đo lường hoạt động kinh tế trong phạm vi biên giới vật lý của một quốc gia (cho dù nhà sản xuất là người bản địa ở quốc gia đó hay các tổ chức thuộc sở hữu nước ngoài), thì GNP (Tổng sản phẩm quốc nội) là thước đo tổng sản lượng hàng hoá và dịch vụ được tạo ra chỉ bởi các cá nhân và tổ chức trong nước, bao gồm cả những tổ chức (và cá nhân) có trụ sở ở nước ngoài nhưng thuộc quốc gia đang tính toán.

GNP không bao gồm sản lượng được sản xuất bởi các cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài, dù các hàng hoá và dịch vụ được tạo ra trên chính lãnh thổ của quốc gia đang tính toán.

GNI (Tổng thu nhập quốc nội) là một thước đo khác của tăng trưởng kinh tế. Nó là tổng của tất cả các khoản thu nhập mà toàn bộ công dân của một quốc gia kiếm được (bất kể hoạt động kiếm tiền được diễn ra trong nước hay nước ngoài).

Mối quan hệ giữa GNP và GNI tương tự như mối quan hệ giữa phương pháp sản xuất (sản lượng) và phương pháp thu nhập được sử dụng để tính GDP.

GNP sử dụng phương pháp sản xuất, trong khi GNI sử dụng phương pháp thu nhập. Với GNI, thu nhập của một quốc gia được tính bằng thu nhập trong nước cộng với thuế kinh doanh gián tiếp và khấu hao.

Con số thu nhập ròng từ yếu tố nước ngoài được tính bằng cách trừ tất cả các khoản thanh toán cho các công ty và cá nhân nước ngoài khỏi tất cả các khoản thanh toán cho các doanh nghiệp trong nước.

Trong nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, GNI được coi là thước đo tốt hơn cho sức khỏe tổng thể của nền kinh tế so với GDP. Bởi vì một số quốc gia có phần lớn thu nhập được các tổ chức và cá nhân nước ngoài rút ra nước ngoài nên con số GDP của họ cao hơn nhiều so với con số thể hiện qua GNI.

Ví dụ, vào năm 2019, Luxembourg có sự chênh lệch đáng kể giữa GDP và GNI, chủ yếu là do các khoản thanh toán lớn được thực hiện cho phần còn lại của thế giới thông qua các tập đoàn nước ngoài kinh doanh tại Luxembourg.

GDP của Mỹ hiện là khoảng 26,80 nghìn tỷ USD tính đến quý 2 năm 2023 trong khi GNI của nước này là khoảng 25,84 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2022.

Cách sử dụng dữ liệu GDP.

Hầu hết các quốc gia đều công bố dữ liệu GDP hàng tháng và hàng quý. Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê là cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo và công bố chỉ số này.

Chỉ tiêu GDP của Việt Nam hàng quý, năm được biên soạn theo 2 phương pháp, từ góc độ sản xuất gọi là phương pháp sản xuất và từ góc độ sử dụng gọi là phương pháp sử dụng. Hai phương pháp này dựa vào hoạt động sản xuất và hành vi tiêu dùng của các chủ thể của toàn bộ nền kinh tế. Đây là cách làm khoa học, vừa đảm bảo xem xét được đầy đủ hoạt động sản xuất và hành vi tiêu dùng cũng như vừa có thể so sánh, đối chiếu để đánh giá tính chính xác của từng phương pháp, bổ trợ thông tin để kiểm tra chéo về chuỗi các hoạt động sản xuất – tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định.

Theo phương pháp sản xuất, kết quả sản xuất của các ngành kinh tế của cả nước tạo ra trong quý được tiếp cận từ các đơn vị sản xuất gồm: Doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, hộ sản xuất nông, lâm thủy sản, cơ sở kinh doanh cá thể phi nông lâm thủy sản, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, các đơn vị sự nghiệp… qua các chỉ tiêu về doanh thu, chi phí, sản lượng, diện tích… từ các nguồn gồm: Điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê quốc gia, hồ sơ hành chính…

Theo phương pháp sử dụng, GDP được tính toán dựa vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ; số liệu về thu, chi ngân sách Nhà nước (từ Bộ tài chính); trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ (số liệu từ Tổng cục Hải quan); kết quả hoạt động xây dựng, nhập khẩu máy móc thiết bị và từ kết quả nhiều cuộc điều tra khác…

GDP thực tế là chỉ số nói lên nhiều nhất về sức khỏe của nền kinh tế. Nó được theo dõi và thảo luận rộng rãi bởi các nhà kinh tế, nhà phân tích, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách hay cả từ các lãnh đạo doanh nghiệp.

Kết luận.

Trên đây là tất cả các giải đáp về những kiến thức liên quan cho câu hỏi GDP là gì cũng như cách tính toán và sử dụng dữ liệu GDP để đánh giá sức khoẻ của một quốc gia. Hy vọng với các thông tin có được giờ đây bạn đã có thể bắt đầu tìm hiểu các kiến thức nền tảng khác về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô và hơn thế nữa một cách dễ dàng hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …