Skip to main content

Grab báo lỗ hàng tỷ USD vì “đốt tiền” cho ưu đãi

15 Tháng Bảy, 2022

Tính riêng năm 2021, các khoản chi tiêu dành cho ưu đãi phục vụ tài xế đối tác và người dùng đều vượt quá doanh thu ghi nhận của Grab.

Mashable SEA

Theo công ty nghiên cứu Euromonitor, dựa trên tổng giá trị hàng hóa (GMV), Grab đang là siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á với 3 mảng kinh doanh cốt lõi gồm giao hàng, di chuyển và dịch vụ tài chính. Hiện hãng có mặt tại 480 thành phố thuộc 8 quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam.

Trong năm 2021, mảng di chuyển của Grab tiếp tục áp đảo các đối thủ nhờ sở hữu 71% thị phần. Hãng cũng chiếm 51% thị phần lĩnh vực giao đồ ăn và 21% ở lĩnh vực ví điện tử.

Grab sở hữu lợi thế lớn nhờ nguồn lực tài chính khổng lồ bất chấp sự cạnh tranh gay gắt cũng như xu hướng đa dạng hóa của thị trường. Tuy nhiên, sau 10 năm ra đời, hoạt động kinh doanh của hãng vẫn chìm trong thua lỗ.

Advertisement

Chỉ 1 trong 3 mảng kinh doanh có lãi.

Theo báo cáo tài chính chưa qua kiểm toán của năm 2021, GMV của Grab vượt 16 tỷ USD, tăng 29% so với con số 12,4 tỷ USD ghi nhận vào năm trước đó. Doanh nghiệp này thu về khoảng 675 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2020.

Grab chi hơn 1 tỷ USD cho hoạt động ưu đãi, khuyến mãi tới khách hàng và 717 triệu USD cho đối tác tài xế. Con số này tăng lần lượt 73% và 15% so với năm trước.

Gộp cùng các chi phí tài chính khác, ứng dụng lỗ ròng khoảng 3,5 tỷ USD, cao hơn 30% so với năm 2020. Trong ba mảng kinh doanh chính, chỉ có lĩnh vực di chuyển của Grab phát sinh lợi nhuận.

Trước sự ảnh hưởng của đại dịch, GMV phân khúc này đạt 2,8 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Advertisement

Doanh thu cả năm tăng 4% lên 456 triệu USD trong khi EBITDA đã điều chỉnh (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) đạt 345 triệu USD, biên lợi nhuận trên GMV cải thiện khoảng 12,4%.

Mặt khác, EBITDA của lĩnh vực giao hàng và dịch vụ tài chính thiệt hại lần lượt 130 triệu USD và 349 triệu USD.

Trên thị trường chứng khoán, những số liệu thiếu thuyết phục cũng khiến cổ phiếu của Grab giảm sâu. Kể từ cuối năm 2021, thời điểm ứng dụng niêm yết trên sàn Nasdaq thông qua thỏa thuận sáp nhập SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt, IPO), cổ phiếu đã giảm xuống còn 2,5 USD/đơn vị, bốc hơi khoảng 81% giá trị.

So với mức định giá gần 40 tỷ USD trước khi niêm yết, vốn hóa của Grab nay thu hẹp còn 9,5 tỷ USD.

Advertisement

Đặt mục tiêu hòa vốn mảng giao hàng.

Bước sang năm mới, kết quả kinh doanh của hãng cải thiện rõ rệt nhờ sự phục hồi nhu cầu sau đại dịch. Dẫu vậy, Grab vẫn tiếp tục bội chi, tập trung vào các chương trình ưu đãi cho khách hàng và đối tác tài xế nhằm kích thích tiêu dùng.

Hãng chi tới 560 triệu USD cho hoạt động ưu đãi, khuyến mãi dù doanh thu ghi nhận ở mức 228 triệu USD. Quý I, ứng dụng chứng kiến khoản lỗ ròng 435 triệu USD.

Tương tự năm 2021, di chuyển là lĩnh vực duy nhất đem lại lợi nhuận, EBITDA đã điều chỉnh trong quý đạt 82 triệu USD. Mặt khác, mảng giao hàng và dịch vụ tài chính của Grab vẫn báo số âm.

Vào giữa tháng 5, Grab tuyên bố bắt đầu cắt giảm các ưu đãi dành cho tài xế đối tác trong nửa cuối năm nếu lực lượng này duy trì được sự ổn định. Theo CEO Anthony Tan, công ty sẽ tập trung đáp ứng các mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng bền vững.

Advertisement

Thông qua cái gọi là “quản lý chi phí có kỷ luật”, ứng dụng đặt mục tiêu hòa vốn mảng giao hàng dựa trên cơ sở EBITDA đã điều chỉnh vào cuối năm 2023.

Doanh thu của Grab có liên kết chặt chẽ với các ưu đãi dành cho tài xế, đối tác bán hàng lẫn người dùng. Trên thực tế, hãng vẫn mạnh tay chi tiền để tạo thói quen sử dụng cho người dùng, thu hút khách hàng mới và chiếm thị phần.

Ngoài ra, tình trạng giá cả nhiên liệu leo thang buộc hãng phải điều chỉnh giá cước lẫn ưu đãi của tài xế để giữ chân lao động.

Trong năm 2022, hãng kỳ vọng tăng GMV thêm 30-35%. Doanh thu dự kiến dao động 1,2-1,3 tỷ USD, tức gấp 2 lần năm ngoái.

Advertisement

Lỗ hàng nghìn tỷ đồng tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, Grab đang là đối thủ của hàng loạt ứng dụng như Gojek, be, ShopeeFood, Baemin, Ahamove… Song, đây vẫn là hãng gọi xe công nghệ thành công nhất tính đến nay.

Theo số liệu của Q&Me công bố tháng 6/2021, ứng dụng này sở hữu khoảng 200.000 tài xế cùng 60% thị phần ở mảng xe 2 bánh, 66% ở mảng xe 4 bánh, bỏ xa hai đối thủ chính là Gojek và be.

Doanh nghiệp lần đầu xuất hiện tại thị trường trong nước vào năm 2014 với pháp nhân là Công ty TNHH GrabTaxi (tiền thân của Công ty TNHH Grab). Tháng 10/2014, hãng chính thức triển khai dịch vụ GrabBike và bắt đầu chiêu mộ tài xế xe 2 bánh.

Tổng tài sản, nguồn vốn của GrabTaxi thời điểm mới xuất hiện chỉ khoảng 4,4 tỷ đồng. Trong năm 2014, doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 1,5 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng.

Advertisement

Tuy nhiên, việc được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép thí điểm hoạt động tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng vào năm 2015 đã giúp quy mô của Grab mở rộng, nâng doanh số các năm 2015, 2016, 2017 đạt lần lượt 32 tỷ đồng188 tỷ đồng và 759 tỷ đồng.

Đến năm 2018, ứng dụng hoàn tất thương vụ thâu tóm đối thủ là Uber ở thị trường Đông Nam Á. Đây cũng là thời điểm doanh thu của Grab bùng nổ mạnh mẽ, đạt 2.194 tỷ đồng và 3.382 tỷ đồng vào năm sau đó.

Trái ngược với doanh thu, lợi nhuận của hãng giảm liên tục theo từng năm, đạt lần lượt –442 tỷ đồng (2015), –445 tỷ đồng (2016), –789 tỷ đồng (2017), –885 tỷ đồng (2018) và –1.670 tỷ đồng (2019). Lỗ lũy kế tính đến năm 2019 khoảng 4.300 tỷ đồng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Advertisement

Hà Anh 

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Các siêu ứng dụng có thể không còn là lợi thế của các nền tảng

22 Tháng Mười Một, 2024
Câu chuyện về siêu ứng dụng tại Đông Nam Á từng là giấc mơ của nhiều startup công nghệ. Với 17 tỷ…

Đọc nhiều

McKinsey: Các xu hướng tiêu dùng chính tại Việt Nam năm 2024

28 Tháng Mười Hai, 2023
Từ sự gia tăng trải nghiệm đa kênh cho đến các hoạt động bền vững, là những bước phát triển quan …
Advertisement