Mua sắm hoàn tiền: Xu hướng mới hay ‘chiêu trò mới’ của thị trường
Nhiều website, trang thương mại điện tử hứa hẹn khi khách mua hàng sẽ được hoàn tiền (cashback) vào ví từ 80 đến 100%, thậm chí cao hơn và nếu mời bạn bè cùng tham gia còn có hoa hồng hậu hĩnh.
Phát hiện app “mua sắm hoàn tiền”, chị Nghi Anh (nhân viên văn phòng, Q.3, TP HCM) hào hứng thử nghiệm. Chị tải app về điện thoại, cả trăm thương hiệu từ nhà hàng, thẩm mỹ viện, shop thời trang, rạp chiếu phim… với các mức chiết khấu hấp dẫn hiện lên.
Mỗi hóa đơn giao dịch thành công, số tiền tương ứng với hóa đơn sẽ được chuyển tài khoản cho khách, có thể tích lũy và rút tiền mặt hoặc để mua hàng lần sau.
“Hiện nay, có nhiều ứng dụng gọi món, đặt chỗ trước liên kết với nhà hàng, khách sạn ưu đãi đến vài chục phần trăm giá cho khách hàng theo hình thức trừ tiền trực tiếp khi thanh toán.
Trên mạng có rất nhiều ứng dụng hoàn tiền, có nơi còn quảng cáo chiết khấu rất hấp dẫn, lên tới 100%. Tôi đã cài ít nhất 3 ứng dụng, app hoàn tiền để tích lũy nhiều ưu đãi”, chị Nghi Anh nói.
Theo tìm hiểu, hiện có khá nhiều app, ứng dụng cashback như Cashbag, Rungrinh, Tichluy, Clingme, Shopback…
Tuy quảng cáo hoàn tiền vào tài khoản ngay khi mua sắm, nhưng số tiền này đều được quy thành điểm thưởng, tiền điện tử (coin). Ví dụ 100.000 đồng tiền hoàn tương đương với 1 điểm thưởng, khi được 50 điểm thưởng mới được rút tiền mặt hoặc dùng để mua sắm nội bộ.
Ngoài ra, ứng dụng hoàn tiền này còn dẫn dụ khách hàng mời bạn bè, người thân cùng tham gia mua sắm sẽ được chiết khấu hoa hồng.
Cụ thể, nếu khách đầu tiên mời được một người tải app từ link hoặc mã giới thiệu của mình, thì trong 12 tháng tiếp theo, bất kỳ khi nào người này mua hàng và nhận được hoàn tiền từ các đối tác cashback, người mời đều nhận lại đến 40% từ số tiền này. Càng thăng hạng, tiền hoa hồng càng cao.
Lừa đảo trá hình
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định: “Cashback tuy hợp pháp nhưng cố tình làm cho người dùng hiểu sai mức chiết khấu, tưởng được hoàn tiền cao nhưng thực ra rất ít. Đây là thủ đoạn lừa đảo người tiêu dùng”.
Theo TS. Hiếu, cashback là mô hình thương mại điện tử B2C (business to consumer) kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng. Đây là một hình thức hợp pháp và ở Mỹ đã có từ lâu, khi bạn mua hàng và muốn có thêm tiền mặt từ cashback thì siêu thị sẽ trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng và cashback bằng tiền mặt.
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) thuộc Bộ Công Thương đã cảnh báo cashback có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép.
Cụ thể, khi sử dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử này để giao dịch mua sắm, người tham gia (bao gồm cả tài khoản của nhà cung cấp và người tiêu dùng) được “vẽ” là luôn luôn có lợi với giá trị hoàn tiền/chiết khấu cho mỗi giao dịch được quảng cáo rất hấp dẫn từ 80-100%, thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua.
Tuy nhiên, việc “hoàn tiền” với giá trị % cao như vậy chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo các tỷ lệ % rất nhỏ, không đáng kể (thường chỉ khoảng từ 0,05-0,1%/ ngày), không có ý nghĩa về việc “hoàn tiền” như đã quảng cáo.
Việc tích điểm trên hệ thống nội bộ của những website và ứng dụng này thường có liên quan tới một hoặc một số loại tiền ảo, ví điện tử (Gem, CBP, Silling, USDT, ETH, ONE, VNDC…).
“Những mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử có những biểu hiện như trên hoặc tương tự như trên đều không rõ ràng, không minh bạch sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép” – VCCA cảnh báo.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips via NDH