Skip to main content

OKR là gì? Hiểu đúng để làm đúng mô hình quản trị OKRs

20 Tháng Một, 2024

OKR là mô hình quản trị theo mục tiêu và kết quả thường được các tổ chức hay doanh nghiệp sử dụng để thiết lập các mục tiêu cần đạt được. Hãy hình dung thế này, tổ chức (cá nhân hoặc doanh nghiệp) của bạn có một mục tiêu mới đầy tham vọng đó là giảm thời gian chờ đợi và cải thiện sự hài lòng của khách hàng. Bởi vì mục tiêu này liên quan đến nhiều khía cạnh kinh doanh khác nhau, để giải quyết nó, tổ chức của bạn phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan khác. Và đó chính là lúc khái niệm OKR (Mục tiêu và Kết quả then chốt) phát huy tác dụng. OKR (Objectives và Key Results) là một mô hình quản trị theo mục tiêu mà doanh nghiệp có thể sử dụng để xác định, điều phối và hoàn thành mục tiêu của mình trên toàn bộ tổ chức. Trong phạm vi bài viết này, các khái niệm cơ bản như OKR là gì, vai trò và lợi ích của OKR, các loại OKR phổ biến nhất hiện nay hay cách ứng dụng OKR ra sao vào doanh nghiệp sẽ được phân tích một cách chi tiết và rõ ràng nhất.

OKR là gì
OKR là gì? Tìm hiểu về mô hình quản trị theo mục tiêu OKR

Mục lục bài viết:

  • OKR là gì?
  • OKR được sử dụng như thế nào?
  • Ví dụ về mô hình quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt OKR.
  • Các loại OKR chính phổ biến hiện nay là gì?
  • Lợi ích khi áp dụng mô hình quản trị theo mục tiêu OKR vào tổ chức.

OKR là gì?

OKR là từ viết tắt của từ tiếng Anh “Objectives and Key Results” trong tiếng Việt có nghĩa là “Mục tiêu và Kết quả then chốt” hoặc “Mục tiêu và Kết quả chính”.

OKR là mô hình quản trị theo mục tiêu và kết quả thường được các tổ chức hay doanh nghiệp sử dụng để thiết lập các mục tiêu cần đạt được. Kể từ khi được áp dụng lần đầu, OKR đã giúp nhiều tổ chức như Apple, Google hay Intel tạo ra nhiều kết quả kinh doanh tích cực.

Phương pháp quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt OKR lần đầu được phát triển vào những năm 1970 bởi Giám đốc điều hành Intel Andrew Grove, và được ứng dụng trong lĩnh vực bán hàng.

Kể từ thời điểm đó, các tổ chức lớn trên toàn cầu, bao gồm Disney, Samsung và Amazon, đều sử dụng OKR để quản trị doanh nghiệp theo hướng tập trung vào các nguồn lực có thể tạo ra giá trị và hoàn thành các mục tiêu được cho là quan trọng nhất.

OKR khác gì KPI?

Mặc dù cùng là các mô hình quản trị theo kết quả thường được sử dụng để theo dõi và đánh giá hiệu suất của nhân viên, bản chất của OKR và KPI lại có nhiều điểm khác nhau.

KPI là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Key Performance Indicator, trong tiếng Việt có thể hiểu theo nghĩa là Chỉ số hiệu suất chính hoặc Chỉ số hiệu quả chính

OKR (Objective – Key Results) là mô hình quản trị theo mục tiêu và kết quả thường được các tổ chức hay doanh nghiệp sử dụng để thiết lập các mục tiêu cần đạt được

Nếu như với KPI, các cá nhân hoặc đội nhóm chỉ cần nỗ lực và đạt được các chỉ số (chỉ tiêu) của mình, OKR lại đặt ra câu hỏi là các KPI đó đang hướng đến mục tiêu gì và liệu đạt được KPI thì mục tiêu chung của doanh nghiệp có được hoàn thành hay không.

Trong khi cả KPI và OKR đều có các chỉ số đánh giá có thể đo lường được, OKR lại hướng đến mục tiêu chung của tổ chức nhiều hơn. Nói cách khác, với OKR, các chỉ số đo lường cần có giá trị thực sự và có tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhược điểm của OKR là gì?

Về bản chất, so với các mô hình quản trị và đo lường hiệu suất khác như KPI, OKR được xem là mô hình quản trị theo mục tiêu hiện đại và hiệu quả hơn nhiều.

Tuy nhiên, bởi đơn giản nó chỉ là mô hình, nó không thể là thứ gì đó hoàn hảo, nó cũng tồn tại một số hạn chế và nhược điểm nhất định.

Dưới đây là các nhược điểm chính của OKR:

  • Quá tập trung vào kết quả:
    • Đôi khi, sự tập trung chủ yếu vào kết quả có thể làm giảm chất lượng công việc hoặc tạo ra những áp lực không cần thiết đối với nhân viên. Việc chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng có thể làm mất đi sự quan trọng của quá trình làm việc, thứ có thể giúp hình thành cái gọi là lịch sử, văn hoá và lợi thế của doanh nghiệp.
  • Nguy cơ bất chấp để chạy theo số liệu:
    • Khi áp dụng mô hình OKR, nếu doanh nghiệp không cân nhắc kỹ về cách chọn lựa các kết quả chính (key results), doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro là “chạy theo số liệu”, khái niệm mô trả việc một cá nhân hoặc tổ chức bất chấp để đạt được các số liệu trong khi nó không giúp mang lại giá trị thực sự.
  • OKR có thể khiến nhân viên và lãnh đạo bị stress.
    • Áp lực để đạt được các kết quả chính yếu (key results) có thể tạo ra một môi trường làm việc căng thẳng và stress, đặc biệt là nếu các mục tiêu (objective) được đặt quá cao hoặc không thực tế.
  • Khó khăn trong việc phối hợp giữa các đội nhóm:
    • Một trong những điểm quan trọng quyết định việc liệu doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị theo mục tiêu OKR có thành công hay không phụ thuộc vào văn hoá của chính doanh nghiệp đó. OKR khó có thể được thực hiện thành công trong các doanh nghiệp “mệnh ai nấy làm”. Việc triển khai OKR theo đó có thể đòi hỏi sự thay đổi về văn hóa tổ chức và sự cam kết từ tất cả các cấp độ trong tổ chức.

Mặc dù có không ít các nhược điểm, nhưng khi sử dụng đúng cách và kết hợp với phương pháp quản lý chặt chẽ, OKR vẫn là một công cụ quản lý mục tiêu hiệu quả cho nhiều tổ chức.

OKR được sử dụng như thế nào?

Cũng có phần tương tự như mô hình KPI, OKR được sử dụng để giúp các thành viên trong đội nhóm hoặc các bộ phận chức năng trong tổ chức hiểu rõ những gì họ cần cố gắng đạt được cũng như cách họ đo lường các mục tiêu được đề ra.

Mô hình OKR trên thực tế chủ yếu được sử dụng cho các đội nhóm thay vì là cho từng cá nhân, OKR giúp các bộ phận chức năng trong doanh nghiệp cùng nhau hướng tới các mục tiêu chung. Mục tiêu chung chỉ đạt được khi mục tiêu của các nhóm chức năng này đạt được.

Đúng như khái niệm của nó, OKR được tạo thành từ 2 thành phần đó là Mục tiêu (Objective) và các Kết quả then chốt (Key Results). Một Mục tiêu thường được theo sau bởi ít nhất là 2 hoặc 3 Kết quả then chốt.

Mục tiêu là những mục tiêu cụ thể, được xác định rõ ràng và sẽ có tác động lớn đến doanh nghiệp. Mục tiêu phải có thể đạt được và phù hợp với các mục tiêu chiến lược chung của cả tổ chức.

Kết quả then chốt hay Kết quả chính là cách đo lường một mục tiêu cụ thể bằng các con số có thể đo lường được. Kết quả then chốt đóng vai trò là kết quả minh chứng về việc liệu mục tiêu đã được hoàn thành hay chưa.

Để có thể hình dung rõ hơn về khái niệm hay cách ứng dụng OKR trong thực tế, bạn có thể sử dụng mẫu câu này:

Chúng tôi sẽ… (Mục tiêu – Objective)…được đo bằng…(Kết quả then chốt – Key Results).

Ví dụ, chúng tôi sẽ thúc đẩy lượng khách hàng tiềm năng mới mỗi tháng bằng cách tăng từ con số 1000 hiện tại lên 2000.

Khi nào nên sử dụng OKR.

Thay vì theo đuổi các mục tiêu mơ hồ, không thể đo lường được, thiếu tính thực tế, hay các mục tiêu vốn không có sức tác động đến mục tiêu chung của tổ chức, việc đặt ra các mục tiêu cụ thể (Objective) với các chỉ số kết quả then chốt (Key Results) rõ ràng, doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn để đạt được mục tiêu và phát triển bền vững.

OKR có thể được sử dụng để thiết lập mục tiêu hàng quý, sáu tháng hoặc hàng năm, tùy thuộc vào nhu cầu của từng tổ chức hay đội nhóm chức năng mà OKR cũng có thể được áp dụng theo các cách khác nhau. Tuy nhiên, có một thực tế là OKR ít khi được sử dụng để theo dõi kết quả trong một khoảng thời gian ngắn ví dụ như theo tuần hay theo tháng.

Khi xu hướng làm việc từ xa hoặc làm việc kết hợp đang ngày càng trở nên phổ biến và khi nhân viên cũng mong muốn ít bị kiểm soát vi mô hơn, việc xây dựng và áp dụng sớm các mô hinh quản trị theo mục tiêu và kết quả then chốt là rất cần thiết.

Thay vì nhân viên hay đội nhóm phải báo cáo rất nhiều thứ gây mất thời gian, họ cần chỉ cần đảm bảo hoàn thành được các mục tiêu của mình.

Ví dụ về OKR.

Như đã phân tích ở trên, bạn thấy rằng OKR là một trong những công cụ hay mô hình quản trị theo mục tiêu và kết quả đơn giản nhất để mọi loại hình doanh nghiệp thuộc mọi quy mô có thể sử dụng.

Việc triển khai OKR bắt đầu bằng việc viết ra một tuyên bố về mục tiêu bao gồm các mốc thời gian cụ thể.

Bước tiếp theo là quyết định từ 3 đến khoảng 5 kết quả chính cần đạt được gắn liền với mục tiêu đó. Kết quả chính phải là các con số cụ thể có thể đo lường được.

Ví dụ về OKR sử dụng cho Marketing.

Mục tiêu – Objective: Tăng mức độ nhận thức về thương hiệu (Brand Awareness) vào năm 2024.

Kết quả chính – Key Results:
  • Đạt được ít nhất 10.000 người theo dõi mới trên mạng xã hội Facebook.
  • Tăng lượng tiếp cận và tương tác lên 50%.
  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi lên 3%.

Ví dụ về OKR sử dụng cho Bán hàng (Sales).

Mục tiêu – Objective: Tăng tỷ lệ gia hạn hợp đồng đối với các khách hàng đã hoàn thành hợp đồng (đã ký).

Kết quả chính – Key Results:
  • Gặp gỡ và hỗ trợ các khách hàng đã và đang sử dụng sản phẩm ít nhất 1 lần 1 tuần.
  • Cập nhật các tính năng và khuyến mãi của ít nhất 5 đối thủ có khả năng thay thế.

Các loại OKR.

Với sự trợ giúp của OKR, các tổ chức có thể xác định, thiết lập và đáp ứng các mục tiêu trước mắt (ngắn hạn) của mình, nhưng đồng thời cũng có thể chuẩn bị cho những thách thức lớn hơn trong tương lai (dài hạn).

Theo cách tiếp cận này, OKR thường được chia thành 2 loại đó là OKR cam kết (cần phải đạt được) và OKR mục tiêu (nỗ lực hướng tới).

OKR cam kết.

OKR cam kết là những OKR bao gồm các mục tiêu và kết quả chính (kết quả then chốt) mang tính thực tế mà các đội nhóm có thể đạt được.

Chúng là những mục tiêu quan trọng nhất, những mục tiêu mà mọi người đều đồng ý cần phải hoàn thành và sẵn sàng điều chỉnh các nguồn lực để đạt được.

OKR mục tiêu.

OKR mục tiêu hay cũng có thể gọi là OKR tham vọng, là những mục tiêu cao cả, đầy tham vọng nhưng rất có thể sẽ không đạt được. Thất bại là điều được mong đợi đối với các OKR đầy tham vọng này.

Những lợi ích chính của OKR là gì?

Những lợi ích chính của OKR là gì?
Những lợi ích chính của OKR là gì?

Nếu bạn đã có thể hiểu rõ bản chất của OKR là gì, bạn thấy rằng đây là mô hình quản trị theo hướng mục tiêu và kết quả đạt được có thể mang lại rất nhiều giá trị cho doanh nghiệp hay tổ chức.

Dưới đây là những lợi ích mà quản trị theo hướng OKR có thể mang lại.

OKR giúp doanh nghiệp tập trung vào những gì thực sự có giá trị.

Thay vì theo đuổi các mục tiêu không thực tế hay thậm chí là mơ hồ, điều này có thể khiến cho doanh nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro khi các kết quả hay mục tiêu kinh doanh không thể được hoàn thành. Mô hình quản trị theo hướng mục tiêu và kết quả then chốt giúp đảm bảo doanh nghiệp luôn đặt ra những kỳ vọng thực tế và có giá trị thực sự.

OKR cũng giúp doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kỳ vọng theo từng bối cảnh cụ thể.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay bắt đầu sử dụng OKR với mục tiêu điều chỉnh, nghĩa là mọi người đều đầu tư vào tầm nhìn và kết quả có thể đạt được. OKR giữ cho các đội nhóm được thống nhất, thay vì mọi người làm việc riêng lẻ hoặc di chuyển theo các hướng khác nhau, họ đồng hành cùng nhau vì mục tiêu chung.

OKR đóng vai trò cam kết.

Để có thể đạt được các mục tiêu và kết quả đã đề ra, các đội nhóm và cá nhân luôn chủ động trong các hành động và nhiệm vụ của họ. Họ cũng biết nên ưu tiên vào điều gì để hiện thực hoá các mục tiêu.

OKR giúp doanh nghiệp hay các nhà lãnh đạo theo dõi hiệu suất của các đội nhóm và doanh nghiệp.

Việc đo lường OKR có thể được thực hiện một cách đơn giản thông qua việc theo dõi các kết quả đạt được với các kết quả đưa ra trước đó. Vì nó là con số và có thể đo lường được, quá trình đánh giá mức độ hoàn thành là vô cùng đơn giản.

Một số câu hỏi thường gặp về thuật ngữ OKR (FAQ).

OKR là viết tắt của từ nào?

OKRs (Mục tiêu và Kết quả then chốt) là một mô hình quản trị và đánh giá kết quả giúp doanh nghiệp xác định mục tiêu của mình cũng như cách đo lường chúng. OKR được tạo thành từ 2 thành phần: Mục tiêu là các mục tiêu cụ thể và được xác định rõ ràng và Kết quả then chốt là cách đo lường hoặc theo dõi tiến độ của mục tiêu.

OKR có giống với KPI không?

Mặc dù cả OKR và KPI đều là những phương pháp phổ biến được sử dụng để theo dõi và đánh giá kết quả, về bản chất chúng lại khác nhau. KPI là thước đo được sử dụng để đánh giá tiến độ trong khi OKR là phương pháp được thiết lập để theo dõi và đánh giá theo các mục tiêu. Có thể nói OKR là mô hình rộng hơn và bao gồm luôn cả KPI.

Kết luận.

Trên đây là toàn bộ các giải đáp của MarketingTrips xoay quanh thuật ngữ OKR (Objective – Key Results). Từ các khái niệm  cơ bản như OKR là gì đến các kiến thức nâng cao như các loại OKR hay cách sử dụng OKR sao cho hiệu quả trong doanh nghiệp. Hy vọng với các nền tảng có được, bạn giờ đây có thể bắt đầu tự thiết lập cho mình các mục tiêu và kết quả then chốt cần đạt được, đó chính là nền tảng để vận hành và quản trị một doanh nghiệp bền vững.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Microsoft 365 bắt người dùng trả thêm tiền cho trợ lý AI Copilot tại một số quốc gia

29 Tháng Mười Hai, 2024
Microsoft đang thử nghiệm tích hợp Copilot lên dịch vụ 365 tại một số quốc gia. Điều này đồng ngh…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …