Shopee thừa nhận vi phạm luật độc quyền ở Indonesia
Cơ quan chống độc quyền của Indonesia cho biết Công ty thương mại điện tử Shopee thừa nhận đã vi phạm quy định độc quyền đối với dịch vụ chuyển phát nhanh ở Indonesia.
Trong thông báo ngày 26-6, Cơ quan chống độc quyền Indonesia (KPPU) cũng cho biết Shopee đã đồng ý thực hiện các điều chỉnh trong phương thức hoạt động.
Shopee chưa đưa ra bình luận về tuyên bố của cơ quan. Tháng trước, đại diện Shopee cho biết công ty đã tuân thủ yêu cầu của KPPU và khẳng định công ty cam kết tuân thủ luật pháp Indonesia.
Theo Hãng tin Reuters, KPPU cáo buộc đơn vị địa phương của Shopee vi phạm các quy tắc chống cạnh tranh bằng cách hướng khách hàng sử dụng một số dịch vụ giao hàng nhất định.
Cụ thể, KPPU cho rằng từ tháng 3-2021, Shopee đã ngừng liệt kê một số nhà cung cấp dịch vụ giao hàng mà họ đã sử dụng trước đó, khiến khách hàng chỉ còn 2 lựa chọn. Một trong số dịch vụ đó có giám đốc điều hành của Shopee Indonesia trong ban giám đốc.
“Động thái này ngăn cản người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ chuyển phát nhanh từ các công ty khác với mức giá mong muốn”, người phát ngôn Deswin Nur của KPPU nói khi thông báo cuộc điều tra hồi tháng 2-2024.
Ông nói thêm rằng cách làm như vậy đã dẫn đến “khối lượng vận chuyển tăng đáng kể” cho các đơn vị liên kết này, đặc biệt là Shop Xpress.
Theo ông Nur, nếu bị kết tội, công ty sẽ phải đối mặt với mức phạt tối thiểu 1 tỉ rupiah (khoảng 64.000 USD) và tối đa 50% lợi nhuận ròng, hoặc 10% tổng doanh thu kiếm được trong thời gian vi phạm.
Shopee hiện là công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng ở Indonesia và thuộc sở hữu của Công ty công nghệ Sea (Singapore).
Ngoài Shopee, KPPU cũng đang điều tra đơn vị địa phương của một nền tảng thương mại điện tử khác là Lazada, chi nhánh Đông Nam Á của Alibaba.
Tháng trước, KPPU nói đã tìm thấy các dấu hiệu Lazada vi phạm luật độc quyền của Indonesia và đang thu thập bằng chứng. Theo cáo buộc, từ năm 2021, Lazada được cho là đã thực hiện các hành động phân biệt đối xử có khả năng cản trở cạnh tranh kinh doanh và gây hại cho khách hàng hoặc người tiêu dùng.
“Nếu sau đó được chứng minh là vi phạm pháp luật, Lazada có thể bị phạt với mức phạt tối đa là 50% lợi nhuận ròng hoặc 10% tổng doanh thu mà họ thu được trên thị trường liên quan trong thời gian vi phạm”, ông M. Fanshurullah Asa, lãnh đạo KPPU, cho biết trong tuyên bố ngày 27-5.
Special Offer từ MarketingTrips:
- Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
- Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
- Đăng ký (dành cho Agency): Sign up
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer