Skip to main content

Thương mại điện tử toàn cầu tiếp tục bùng nổ trong tháng 10

7 Tháng Mười Một, 2021

Tháng 10 mở màn lễ hội mua sắm cuối năm với chuỗi ưu đãi lớn từ các sàn thương mại điện tử, là bước đệm doanh số vững vàng cho Ngày độc thân 11/11.

Thương mại điện tử toàn cầu tiếp tục bùng nổ trong tháng 10
Source: Forbes

Quý IV hàng năm với lễ hội Halloween, Ngày độc thân 11/11, Giáng sinh, Tết… là thời điểm “vàng” cho các doanh nghiệp thương mại điện tử đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu.

Hàng loạt những sự kiện mua sắm với chương trình ưu đãi lớn mạnh với nhiều lợi ích đi kèm thôi thúc người tiêu dùng mạnh dạn mở hầu bao, sắm sửa chuẩn bị cho mùa lễ hội và năm mới 2022.

Đặc biệt, sau khi trải qua hơn nửa năm 2021 với nhiều trở ngại, khó khăn do dịch bệnh, người dân ở những nước bị phong tỏa, giãn cách xã hội trong nhiều tháng có xu hướng chi tiêu mạnh tay hơn.

Đa phần, họ tập trung mua sắm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thiết yếu, tiêu dùng nhanh…; giảm bớt chi phí cho những mặt hàng xa xỉ phẩm, đồ điện tử.

Dù có sự chuyển đổi rõ rệt về thói quen tiêu dùng, song doanh số ghi nhận từ các sàn thương mại điện tử trong tháng 10 vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, tại châu Âu, số liệu ghi nhận từ Euromonitor cho thấy Amazon tiếp tục giữ vững vị thế nằm trong top 3 sàn thương mại điện tử được yêu thích, có doanh số cao và tăng trưởng ổn định.

Hai thị trường nổi trội nhất của ông lớn ngành e-commerce này là Pháp và Tây Ban Nha. Chỉ trong quý III/2021, thời điểm đại dịch bùng phát trở lại tại một số nước châu Âu, doanh số của Amazon giữ nguyên mức tăng trưởng ổn định với 19,3%. Trong khi đó, thị phần của “ông lớn” Alibaba cũng tăng đến 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cũng cho thấy ngành hàng tiêu dùng nhanh với các danh mục thực phẩm, thức uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình ghi nhận doanh số thương mại điện tử tăng gấp đôi tại Italy và Tây Ban Nha trong quý đầu tiên của năm nay và vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cho đến tháng 10/2021.

Với khu vực châu Á, mạng lưới vận chuyển Cainiao ghi nhận tăng trưởng đến 286% về số lượng mặt hàng thương mại điện tử xuất khẩu từ Nhật Bản sang Trung Quốc. 10 triệu sản phẩm được chuẩn bị từ tháng 10, sẵn sàng cho Ngày hội mua sắm toàn cầu 11/11 lớn nhất năm của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Điều đó phần nào thể hiện nhu cầu mua sắm online của người dân tại đây chẳng những không suy giảm do dịch, ngược lại còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với những năm trước.

Trong số các nước Đông Nam Á, Indonesia được đánh giá là mảnh đất màu mỡ của thương mại điện tử khi liên tục ghi nhận tăng trưởng trong những năm gần đây. Mới đây, ông Perry Warjiyo, Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI) đã đưa ra dự báo mới đây rằng giá trị thương mại điện tử của quốc gia này sẽ tăng tới 48,4% trong năm nay.

Ông cho biết các giao dịch thương mại kỹ thuật số tăng trưởng rất cao nhờ sự hỗ trợ từ các dịch vụ thanh toán trực tuyến dễ dàng.

Thêm vào đó, như những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, mua sắm trực tuyến của người dân trong bối cảnh đại dịch cũng thay đổi mạnh mẽ, chính là lực đẩy khiến thương mại điện tử nước này bùng nổ trong tháng 10 vừa qua.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Tây Java lần thứ ba năm 2021 tổ chức ngày 21/10, vị Thống đốc đã đưa ra các con số ấn tượng về lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số và ngân hàng kỹ thuật số. Ông dự đoán cả hai mảng này đều có thể tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ lần lượt là 35,7% và 30,1% trong những tháng tiếp theo.

Không kém cạnh về mặt bùng nổ thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á, thị trường tại Việt Nam cũng sôi nổi với các đợt lễ hội mua sắm 9/9 và 10/10. Việt Nam còn là một trong những quốc gia tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử B2B.

Thương mại điện tử toàn cầu tiếp tục bùng nổ trong tháng 10
Source: Magento

Số liệu ghi nhận năm 2020 cho thấy Việt Nam đứng đầu về mức độ phát triển trong khu vực và tiềm năng dẫn đầu ngành tại khối Đông Nam Á. Bên cạnh tiềm lực về B2B, thị trường thương mại điện tử bán lẻ B2C tháng 10 vừa qua cũng nhộn nhịp không kém.

Là một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam, số liệu từ báo cáo quý III/2021 cho thấy hình thức mua sắm vẫn tiếp tục là lựa chọn tối ưu của phần đông người dân do ảnh hưởng dịch bệnh.

Cụ thể, sàn ghi nhận lượng lớn khách hàng truy cập hàng ngày, số lượng đơn hàng và khách mua hàng trên nền tảng đều tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh số tăng mạnh ở các ngành hàng bách hóa, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, phục vụ nhu cầu giải trí tại nhà… Trong đó, ngành hàng bách hóa trên Lazada đứng đầu doanh thu với mức tăng trưởng hơn gấp 4 lần so với quý III/2019 Riêng thực phẩm tươi sống đạt con số tăng trưởng ấn tượng khi cao gấp 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái

Đây cũng là ngành hàng có lượt tìm kiếm nhiều nhất vào cuối tháng 8 khi chỉ thị 16 được ban hành và liên tục tăng trưởng xuyên suốt quý.

Ngoài hình thức mua hàng online truyền thống, hình thức “săn sale” trên livestream cũng được người tiêu dùng dần quen thuộc và đặc biệt ưa chuộng trong hai tháng 9 và 10.

Tổng doanh thu thông qua LazLive tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái và lập kỷ lục với doanh thu 700 triệu đồng, được ghi nhận chỉ trong 2 giờ livestream vào “Lễ hội mua sắm 9.9”.

Với các số liệu trên từ một số quốc gia ở các châu lục lớn bao gồm cả Việt Nam, thị trường thương mại điện tử vẫn không ngừng lớn mạnh và dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ trong những tháng cuối năm.

Ngày độc thân 11/11 hứa hẹn sẽ là đỉnh điểm tăng trưởng khi không chỉ Trung Quốc, quốc gia tiên phong xem ngày này là ngày mua sắm toàn cầu, mà cả thế giới đều hưởng ứng nhiệt tình.

Đây hứa hẹn sẽ là bước đệm vững vàng cho ngành thương mại điện tử trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2022.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …