Skip to main content

Trung bình mỗi ngày người Việt chi 800 tỷ đồng để mua sắm online

24 Tháng Bảy, 2024

Báo cáo Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến nửa đầu năm 2024 do Metric công bố cho thấy thương mại điện tử Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng trên 54% cả về doanh số và sản lượng. Các sàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop đều đạt kết quả tích cực, phản ánh tiềm năng trong việc khai thác thị trường này.

Nửa đầu năm, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop ghi nhận doanh số 143.900 tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công tới tay khách hàng, tăng lần lượt 54,91% và 65,55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng trưởng phản ánh sự dịch chuyển mua sắm từ offline sang online vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Theo báo cáo, một xu hướng nổi bật khác là sự gia tăng thị phần của các Shop Mall – gian hàng chính hãng của nhà sản xuất.

Trong 6 tháng đầu năm, số lượng Shop Mall đã tăng 12.29% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm từ thương hiệu chính hãng hoặc nhà bán có uy tín.

Các nhà bán trên Shopee có doanh số cao chủ yếu đều sở hữu các kho hàng đặt tại Hà Nội và TP HCM – hai trung tâm kinh tế hàng đầu với hệ thống logistics phát triển. Ngoài ra, khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng được chuyên gia Metric đánh giá là khu vực đầy tiềm năng với nhiều kho hàng có doanh số cao, nhờ vào mật độ dân cư đông đúc và nhu cầu tiêu dùng lớn.

Trong các ngành hàng, làm đẹp, thời trang nữ và nhà cửa – đời sống tiếp tục dẫn đầu về doanh số và sản lượng trên cả 5 sàn thương mại điện tử. Trong đó, phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn duy trì sức hấp dẫn mạnh mẽ, với thị phần tăng thêm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Với nhiều biền động của tình hình kinh tề hiện nay, “thắt chặt chi tiêu” vẫn là tiêu chí được nhiều gia đình áp dụng. Vì vậy, người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền.

Nửa đầu năm, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự thống trị của các thương hiệu lớn thuộc ngành hàng điện thoại – máy tính bảng. Trong top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất, có tới 4 thương hiệu thuộc ngành này, bao gồm những cái tên quen thuộc như Apple, Samsung, Xiaomi. Điều này cho thấy nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với các sản phẩm công nghệ.

Thêm vào đó, Honda lần đầu xuất hiện trong danh sách, chứng minh rằng người Việt giờ đây đã tin tưởng và sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm có giá trị cao trên nền tảng trực tuyến. Sự phát triển của hạ tầng logistics và các dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy xu hướng mua sắm này.

Top 10 nhà bán trong hai quý đầu năm chứng kiến sự xuất hiện duy nhất của thương hiệu Việt Nam là Vinamilk. Điều đó cho thấy mức cạnh tranh khốc liệt của nền tảng thương mại điện tử và các thương hiệu nội địa cần chiến lược kinh doanh khéo léo hơn để tăng cường sức cạnh tranh trên các sàn mua sắm trực tuyến ngay tại sân nhà.

Dự báo nửa cuối năm, Metric cho biết giai đoạn cuối tháng 8 và đầu tháng 9, mùa tựu trường luôn là thời điểm “vàng” cho ngành hàng văn phòng phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Doanh số ngành hàng này trong hai tháng gần đây tăng mạnh, với tháng 8/2023 ghi nhận doanh số lên tới 254 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với tháng trước đó.

Người tiêu dùng đổ xô mua sắm bút, sách, và họa cụ để chuẩn bị cho năm học mới, khiến thị trường trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Ngành Văn phòng phẩm sẽ tập trung doanh số ở phân khúc giá rẻ dưới 50.000 đồng. Các sản phẩm phổ biến được người tiêu dùng quan tâm sẽ là bút, sổ, giấy các loại.

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Meta ra mắt Edits và muốn thay thế CapCut của TikTok

20 Tháng Một, 2025
Meta vừa chính thức trình làng công cụ chỉnh sửa video mới Edits trong bối cảnh mạng xã hội TikTo…

Đọc nhiều

Top 10+ xu hướng Marketing sẽ thống trị trong năm 2025 (từ Kantar)

18 Tháng Một, 2025
Theo báo cáo từ Kantar Media (một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường,…