Skip to main content

Cuộc đời bi kịch của Charlie Munger: Mỗi bất hạnh là một cơ hội để tiến lên phía trước

1 Tháng Mười Hai, 2023

Ly dị vợ, bị mù mắt, con trai 9 tuổi qua đời vì ung thư…Cuộc đời của tỷ phú Munger là một tấn bi kịch nhưng ông vẫn không ngừng vươn lên và trở thành nhà đầu tư đại tài của nước Mỹ.

Cuộc đời bi kịch của Charlie Munger: Mỗi bất hạnh là một cơ hội để tiến lên phía trước
Cuộc đời bi kịch của Charlie Munger: Mỗi bất hạnh là một cơ hội để tiến lên phía trước

Tỷ phú Charlie Munger sinh năm 1924, ông được biết đến là đối tác làm ăn lâu năm, người bạn thân nhất và là cánh tay phải của tỷ phú Warren Buffett tại Berkshire Hathaway Inc. Ngoài ra, tỷ phú Charlie Munger từng là Chủ tịch tập đoàn tài chính Wesco từ 1984 đến 2011, cựu Chủ tịch hãng tin Daily Journal và là một trong những giám đốc của Tập đoàn bán lẻ Costco.

Câu chuyện cuộc đời ông là biểu tượng cho sự kiên cường và kiên trì khi đối mặt với những trở ngại, mất mát cùng cực. Bất chấp những khó khăn này, ông vẫn tiếp tục trở thành một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong thời đại của mình.

Theo đó, bước ngoặt đầy kịch tính đầu tiên là khi ông bỏ học đại học vào năm 1943 để tham gia Quân đoàn Không quân Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai. Mặc dù không có bằng đại học nhưng quyết tâm của Munger đã giúp ông trở thành một sĩ quan và được đào tạo thành một nhà khí tượng học.

Advertisement

Ông sau đó hoàn thành các khóa học và được nhận vào Trường luật Harvard. Chàng trai trẻ bắt đầu sự nghiệp luật sư tại công ty Wright & Garrett với thu nhập 3.300 USD một năm.

Năm 1953, ở tuổi 29, cuộc đời Munger có một biến động lớn. Cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm của ông kết thúc bằng ly hôn, một sự kỳ thị đáng kể của xã hội vào thời điểm đó, đánh dấu trở ngại đầu tiên trong số nhiều rào cản mà Munger sẽ phải đối mặt.

Cuộc ly hôn khiến ông rơi vào tình trạng tài chính tồi tệ, bởi vợ ông nhận phần lớn tài sản, bao gồm cả ngôi nhà. Theo bạn bè, ông Munger đã sống trong tình cảnh rất nghèo khó sau khi chia tay.

Quyết tâm lấy lại sự ổn định tài chính của mình, Munger đắm mình vào công việc để phục hồi sau tổn thất. Nhưng cuộc đời còn nhiều thử thách chờ đợi ông.

Advertisement

Một năm sau ly dị, con trai 8 tuổi Teddy của Charlie Munger bị ung thư máu. Trong thời đại không có bảo hiểm y tế và phương pháp điều trị hiệu quả, ông Munger gồng gánh các chi phí y tế trong khi vật lộn chứng rối loạn cảm xúc về căn bệnh của con trai. Ông chứng kiến sức khỏe của Teddy suy giảm trong khi vẫn phải có trách nhiệm làm cha với những đứa con khác và điều hành công việc luật sư. Teddy qua đời một năm sau đó.

Bạn của Munger – Rick Guerin nhớ lại những khoảnh khắc đau lòng mà Munger đã trải qua tại bệnh viện cùng Teddy và những chuyến đi một mình qua Pasadena, California, tràn ngập đau buồn. Cái chết của Teddy khiến Munger tan vỡ.

Ở tuổi 31, ông Munger đối mặt sự bất ổn về kinh tế, nỗi đau sâu sắc của việc mất con và hệ lụy sau ly hôn. Nhưng ông không đầu hàng số phận mà chọn cách tiến về phía trước.

Tỷ phú 99 tuổi từng nói: “Sự ghen tị, oán hận, trả thù và tự than vãn là lối suy nghĩ tai hại. Lòng thương hại bản thân gần giống với chứng hoang tưởng. Mỗi bất hạnh trong cuộc đời là một cơ hội để học hỏi và ứng xử tốt hơn. Đừng chìm đắm vào sự tủi thân mà hãy tận dụng những rủi ro ấy”.

Advertisement

Những lời này thậm chí còn có sức nặng hơn đối với những trải nghiệm cá nhân của Munger, bao gồm cả việc mất con trai.

Những thách thức của Munger vẫn tiếp tục. Ở tuổi 52, ông bị đục thủy tinh thể và một cuộc phẫu thuật thất bại khiến ông bị mù một mắt. Dù đau đớn và mất thị lực nhưng tinh thần bất khuất của ông vẫn không ngừng dừng lại. Ông đã học chữ nổi, thể hiện quyết tâm thích nghi và học hỏi trong bất kể hoàn cảnh nào.

Có thể nói, hành trình của Munger được đánh dấu bằng những bi kịch cá nhân và thất bại nghề nghiệp. Điều này là minh chứng cho câu nói thành công không bao giờ là điều dễ dàng. Ở đó luôn ẩn chứa nỗi đau, mất mát, thách thức khả năng chịu đựng của con người.

Khi giải quyết các thách thức trong đầu tư và cuộc sống, tỷ phú người Mỹ áp dụng câu nói nổi tiếng coi chiến thắng và thảm họa như nhau của nhà báo, tiểu thuyết gia Anh Rudyard Kipling. Cách tiếp cận chấp nhận thất bại như một phần bình thường của cuộc sống và học hỏi từ nó thay vì đắm chìm vào đó thể hiện tư duy thực dụng và kiên cường của ông.

Advertisement

Yahoo nhận xét: “Cuộc đời Munger, bên cạnh sự nhạy bén về đầu tư kinh doanh, còn là bài học sâu sắc về việc vượt qua nghịch cảnh. Hành trình của ông là minh chứng cho khả năng kiên trì, học hỏi và phát triển của tinh thần con người, biến ngay cả những trải nghiệm khó khăn và thách thức nhất thành cơ hội để phát triển bản thân cũng như trí tuệ”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Starbucks chọn ‘địa phương hóa’ làm chiến lược phát triển bền vững

14 Tháng Mười Một, 2024
Cuối tháng 9, gã khổng lồ ngành F&B Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ở…

Đọc nhiều

Tìm hiểu về Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha

15 Tháng Tám, 2021
Sự khác biệt lớn giữa các thế hệ (Generation) Baby Boomers, Gen X, Gen Y, Gen Z và Gen Alpha đang…
Advertisement