Skip to main content

Doanh nghiệp cần xây dựng văn hoá tăng trưởng thay vì áp lực hiệu suất

10 Tháng Mười, 2023

Trong khi thoạt nghe thì dường như “văn hoá tăng trưởng” và “văn hoá hiệu suất” là 2 thuật ngữ giống nhau, ý nghĩa và sức tác động của nó thì hoàn toàn ngược lại. Doanh nghiệp cần xây dựng văn hoá tăng trưởng thay vì tạo ra các áp lực công việc dựa trên hiệu suất.

Doanh nghiệp cần xây dựng văn hoá tăng trưởng thay vì áp lực hiệu suất
Doanh nghiệp cần xây dựng văn hoá tăng trưởng thay vì áp lực hiệu suất

Bởi chịu nhiều sự ảnh hưởng khác nhau, từ tư duy lãnh đạo đến các yếu tố vĩ mô, nhiều doanh nghiệp chọn cách xây văn hoá doanh nghiệp đè nặng lên yếu tố hiệu suất hay nói cách khác là tập trung vào hiệu suất cao. Sự thật là cách tiếp cận này có thể không phải là cách tốt nhất, lành mạnh nhất hoặc bền vững nhất để thúc đẩy kết quả (trong dài hạn).

Giải pháp thay thế cho doanh nghiệp là coi trọng văn hoá tăng trưởng, nó chính là sự kết hợp giữa các thành phần cá nhân và tổ chức khác nhau như: một môi trường làm việc mang lại cảm giác an toàn, tập trung vào việc học hỏi liên tục, không ngừng thử nghiệm và xây dựng một vòng phản hồi liên tục.

Trong nền văn hoá dựa trên hiệu suất, thứ duy nhất mà doanh nghiệp tập trung vào đó là hiệu suất công việc của nhân viên. Nói một cách dễ hiểu, các chỉ số hiệu suất (KPIs) chính là kết nối duy nhất giữa cá nhân với tổ chức, các quá trình tạo ra nó, cảm xúc của nhân viên hay văn hoá mà nó được sinh ra dường như không được đề cập tới. Nỗi sợ hãi và né tránh từ nhân viên là điều khó tránh khỏi.

Bỏ qua những lý do giải thích cho cách tiếp cận này, thứ mà doanh nghiệp cần nhận ra đó là văn hoá đó đang ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển lành mạnh và bền vững của doanh nghiệp.

Trái ngược với văn hoá dựa trên hiệu suất, văn hoá tăng trưởng hay văn hoá phát triển lại coi trọng yếu tố con người. Tại đây, nhân viên có thể thừa nhận những bất an, thiếu sót hay có cơ hội để bày tỏ ý kiến và cảm xúc của họ. Giá trị cá nhân của họ cũng được quan tâm theo cách tương tự.

Trong bối cảnh kinh tế mới, khi mọi người ngày càng có nhiều lựa chọn hơn, khi các kết nối về cảm xúc và giá trị là một phần không thể thiếu giữa nhân viên và tổ chức, văn hoá tăng trưởng rõ ràng là đang chứng minh được lợi thế của nó.

Văn hoá tăng trưởng là văn hoá kết hợp giữa các yếu tố cá nhân và tổ chức, dưới đây là một số thành phần quan trọng hay dấu hiệu để nhận diện văn hoá này:

  • Một môi trường mang lại cảm giác an toàn, được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo sẵn sàng làm gương và chịu trách nhiệm cá nhân về những thiếu sót và sai lầm của họ.
  • Tập trung vào việc học hỏi liên tục thông qua quá trình tìm hiểu, tò mò và minh bạch, thay vì phán xét, né tránh và tự bảo vệ.
  • Văn hoá tăng trưởng cũng coi trọng các thử nghiệm liên tục, xoá bỏ tư duy “thử nghiệm cái mới là rủi ro”.
  • Vòng phản hồi liên tục: Một tổ chức có văn hoá tăng trưởng sẽ tập trung vào việc xây dựng một vòng phản hồi liên tục, từ dưới lên và từ trên xuống, từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong. Cam kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển và trở nên tốt hơn cũng là điểm nhận dạng quan trọng trong các tổ chức có văn hoá tăng trưởng.

Khác với những gì mà bạn biết về văn hoá tăng trưởng, trong các tổ chức có văn hoá hiệu suất hay văn hoá làm việc chỉ coi trọng hiệu suất, hoặc là bạn là người thành công (vẻ vang) hoặc là kẻ thất bại (ê chề). “Người thành công” và “Kẻ thất bại” luôn được đề cập và tách biệt.

Điều này không có nghĩa là yếu tố kết quả sẽ không được coi trọng trong các nền văn hoá tăng trưởng, hay thành tích là thứ không được nhận diện. Ngoài việc khen thưởng cho các thành tích hay cá nhân xuất sắc, các tổ chức có văn hoá này cũng coi thất bại và thiếu sót là cần thiết, là cơ hội để học hỏi, tối ưu cho cả cá nhân và tổ chức.

Hệ luỵ từ văn hoá chỉ coi trọng hiệu suất.

Như một bản năng tất yếu, con người thường có xu hướng che giấu, hợp lý hóa, giảm thiểu, che đậy và phủ nhận những điểm yếu cũng như sai lầm của mình vì chúng khiến họ cảm thấy dễ bị tổn thương, gặp rủi ro và ít có giá trị. Những nỗi sợ hãi này theo thời gian sẽ làm thu hẹp và hạn chế tầm nhìn của họ thay vì mở rộng nó.

Trong các tổ chức chỉ coi trọng hiệu suất, nơi mà mọi sai lầm đều được xem là điều cấm kỵ, các cá nhân thường cũng sẽ chọn cho họ những “vị trí an toàn”, che giấu hơn là phản hồi hay bày tỏ ý kiến, đổi mới sáng tạo theo đó là điều rất xa xỉ. Hậu quả cuối cùng hiển nhiên vẫn sẽ thuộc về phía doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần làm gì để theo đuổi văn hoá tăng trưởng.

Ngoài việc tích cực xây dựng doanh nghiệp theo các điểm nhận diện của một tổ chức được xem là có văn hoá tăng trưởng như ở trên, việc tuyển mới một số nhà lãnh đạo kiểu mới, với các kỹ năng mới khác nhau, để đáp ứng những giá trị mới cho cả nhân viên lẫn khách hàng là chiến lược ưu tiên hàng đầu.

Thúc đẩy sự tăng trưởng đòi hỏi sự cân bằng tinh tế giữa các thử thách và nuôi dưỡng. Điều này có nghĩa là thay vì an toàn với những kết quả hiện có, thay vì sợ hãi với những rủi ro mà cái mới có thể mang lại, các cá nhân lẫn tổ chức cần được khuyến khích để vượt ra khỏi vùng an toàn của họ – suy cho cùng, không có thành công nào được xây dựng mà thiếu vắng bóng dáng của sự thất bại cả.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …