Nghiên cứu: Môi trường làm việc tích cực là chìa khoá để thúc đẩy hiệu suất
Trong khi có không ít nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng một môi trường làm việc hà khắc, áp lực mới có thể giúp nhân viên chủ động làm việc, các nghiên cứu mới đây đang chứng minh điều ngược lại.
Các dữ liệu từ nghiên cứu cho thấy một môi trường làm việc tích cực sẽ mang lại những lợi ích đáng kể cho cả người sử dụng lao động (doanh nghiệp), nhân viên và lợi nhuận.
Mặc dù, từng có các nhận định cho rằng sự căng thẳng và áp lực sẽ thúc đẩy nhân viên làm việc nhiều hơn, tốt hơn và nhanh hơn, nhưng điều mà các tổ chức này không nhận ra đó là những rủi ro tiềm ẩn đằng sau cách tiếp cận đó là rất lớn.
Đầu tiên, nghiên cứu cho thấy chi phí chăm sóc sức khỏe tại các doanh nghiệp có áp lực cao cao hơn gần 50% so với các tổ chức khác.
Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) ước tính rằng hơn 500 tỷ USD bị bòn rút khỏi nền kinh tế Mỹ vì căng thẳng tại nơi làm việc và 550 triệu ngày làm việc bị mất đi mỗi năm do căng thẳng (stress) trong công việc.
Từ 60% đến 80% các vụ tai nạn tại nơi làm việc là do căng thẳng và hơn 80% số lần nhân viên đi khám bác sĩ là do căng thẳng. Căng thẳng tại nơi làm việc có liên quan trực tiếp đến các vấn đề sức khỏe, từ hội chứng chuyển hóa đến bệnh tim mạch và tử vong.
Trong một nghiên cứu quy mô lớn với hơn 3.000 nhân viên do Anna Nyberg tại Viện Karolinska thực hiện, kết quả cho thấy có một mối liên hệ chặt chẽ giữa hành vi lãnh đạo và bệnh tim của nhân viên. Những nhà lãnh đạo hay vị Sếp tạo ra sự căng thẳng thực sự có hại cho tim mạch của nhân viên và những người liên quan.
Thứ hai là “cái giá phải trả của sự thiếu gắn bó”. Mặc dù một môi trường làm việc hà khắc và văn hóa sợ hãi có thể đảm bảo tạo ra sự gắn kết (và đôi khi thậm chí là sự phấn khích) trong một khoảng thời gian, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng sự là nguồn gốc của sự buông thả hay thiếu gắn bó giữa nhân viên với doanh nghiệp trong dài hạn.
Sự gắn bó với công việc vốn là văn hoá gắn liền với cảm giác có giá trị, an toàn, được hỗ trợ và tôn trọng – nhân viên càng muốn gắn bó thì doanh nghiệp càng được hưởng lợi, sự thiếu gắn đó theo đó là một vấn đề lớn của doanh nghiệp.
Trong các nghiên cứu của Trường Kinh doanh Queens và của Tổ chức tư vấn nhân sự Gallup, những người lao động thiếu gắn bó có tỷ lệ vắng mặt cao hơn 37%, tai nạn nhiều hơn 49%, sai sót và khiếm khuyết nhiều hơn 60%.
Trong các tổ chức có điểm số gắn bó (gắn kết) của nhân viên thấp, các doanh nghiệp này có năng suất thấp hơn 18%, lợi nhuận thấp hơn 16%, tăng trưởng việc làm thấp hơn 37% và giá cổ phiếu thấp hơn 65% theo thời gian. Điều quan trọng là, các doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên gắn bó cao có tỷ lệ nộp đơn xin việc nhiều hơn 100%.
Thiếu lòng trung thành là một cái giá phải trả khác của các tổ chức có môi trường làm việc căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy căng thẳng tại nơi làm việc là nguyên nhân dẫn đến tăng gần 50% cái gọi là “Tự nguyện luân chuyển” (voluntary turnover), hiện tượng xảy ra khi nhân viên chủ động tìm kiếm các cơ hội mới hoặc rời đi khi họ không hài lòng với vai trò hiện tại vì nhiều lý do khác nhau.
Khi điều này xảy ra, mọi người (người lao động) tham gia vào thị trường việc làm mà không cần được thăng chức (và từ chối việc tự xin nghỉ việc). Chi phí luân chuyển ảnh hưởng đến việc tuyển dụng, đào tạo, giảm năng suất, mất kiến thức chuyên môn…và hơn thế nữa. Nghiên cứu ước tính rằng việc thay thế một nhân viên mới sẽ tiêu tốn khoảng 20% tiền lương của chính nhân viên đó.
Vì những lý do này, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm cách đưa ra nhiều phúc lợi hơn cho nhân viên, từ văn hoá làm việc tại nhà đến nhiều quyền lợi tại văn phòng (ví dụ phòng Gym hay Cafe miễn phí).
Tuy nhiên, có một thứ quan trọng khác mà các doanh nghiệp này chưa thực sự hiểu hoặc chưa tính tới. Một nghiên cứu của Gallup cho thấy, ngay cả khi nơi làm việc mang lại những lợi ích như trên (làm việc linh hoạt, cafe và phòng tập miễn phí…), sự gắn bó thực sự hay sự hạnh phúc của nhân viên lại nằm ngoài những thứ này.
Hạnh phúc thực sự của nhân viên đến từ một thứ và chỉ một thứ duy nhất – một nền văn hóa hay môi trường làm việc tích cực.
Nghiên cứu cho thấy, một môi trường hay văn hoá làm việc tích cực sẽ thể hiện các đặc điểm chính sau:
- Quan tâm, giúp đỡ, có trách nhiệm với đồng nghiệp như bạn bè của mình.
- Tích cực hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm cả việc thể hiện lòng tốt và lòng trắc ẩn khi những người khác đang gặp khó khăn.
- Tránh đổ lỗi và tha thứ cho các lỗi lầm.
- Truyền cảm hứng cho nhau trong công việc.
- Nhấn mạnh tầm quan trọng về ý nghĩa của công việc.
- Đối xử với nhau bằng sự tôn trọng, biết ơn, tin tưởng và chính trực.
Với tư cách là một nhà lãnh đạo, dưới đây là những gì bạn có thể làm để thúc đẩy văn hoá làm việc tích cực:
1. Thúc đẩy các mối quan hệ xã hội.
Các nghiên cứu thực nghiệm xác nhận rằng các kết nối xã hội tích cực tại nơi làm việc có thể tạo ra những kết quả rất đáng mong đợi.
Ví dụ, mọi người ít bị ốm hơn, phục hồi nhanh hơn, ít bị trầm cảm hơn, học nhanh hơn và nhớ lâu hơn, chịu đựng sự khó chịu tốt hơn, tinh thần minh mẫn hơn và thực hiện công việc tốt hơn.
Ngược lại, một nơi làm việc độc hại và đầy căng thẳng ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ xã hội và do đó ảnh hưởng đến hiệu suất chung của doanh nghiệp.
2. Thể hiện sự đồng cảm.
Là một nhà lãnh đạo, bạn phải là người có tác động lớn nhất đến cảm nhận của nhân viên.
Một nghiên cứu hình về não bộ đã phát hiện ra rằng, khi nhân viên nhớ lại hình ảnh của một vị Sếp không tử tế hoặc không đồng cảm, não bộ của họ cho thấy sự kích hoạt gia tăng ở các vùng não liên quan đến sự trốn tránh và cảm xúc tiêu cực. Khi họ nhớ về một vị Sếp với đầy sự đồng cảm, các kết quả có được là hoàn toàn trái ngược, họ thể hiện sự gắn bó và cảm xúc tích cực.
Một nghiên cứu khác của Đại học Michigan gợi ý rằng các nhà lãnh đạo thể hiện lòng trắc ẩn đối với nhân viên sẽ thúc đẩy khả năng phục hồi của cá nhân và tập thể trong những thời điểm thử thách nhất, khi doanh nghiệp khó khăn nhất.
3. Cố gắng hết sức để giúp đỡ.
Bạn thử hình dung xem bạn sẽ có những cảm xúc gì hay sự gắn bó ra sao nếu bạn làm việc trong một môi trường hay doanh nghiệp mà ở đó những người quản lý không ngừng hỗ trợ bạn?
Các nghiên cứu từ Đại học New York cho thấy rằng khi các nhà lãnh đạo không chỉ thể hiện sự công bằng mà còn biết hy sinh hay giúp đỡ, nhân viên của họ sẽ thực sự cảm động và được truyền cảm hứng để trở nên trung thành và cam kết hơn.
Nghiên cứu khác của Trường Quản lý Rotterdam chỉ ra rằng nhân viên của những nhà lãnh đạo có tinh thần biết hy sinh sẽ hợp tác nhiều hơn vì họ tin tưởng vào nhà lãnh đạo của mình hơn, họ cũng làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn.
4. Khuyến khích mọi người trò chuyện nhiều hơn – đặc biệt là về những vấn đề riêng của họ.
Không có gì ngạc nhiên hay khó hiểu khi tin rằng một người lãnh đạo luôn quan tâm đến lợi ích tốt nhất của nhân viên sẽ giúp cải thiện hiệu suất của chính nhân viên đó.
Các nghiên cứu của Harvard đã chứng minh rằng một nền văn hóa làm việc an toàn, tức là trong đó các nhà lãnh đạo thể hiện sự hòa nhập, khiêm tốn và khuyến khích nhân viên của họ lên tiếng hoặc yêu cầu giúp đỡ, hiệu suất có được là vô cùng tích cực.
Thay vì tạo ra một nền văn hóa luôn sợ hãi những hậu quả tiêu cực, cảm giác an toàn tại nơi làm việc giúp khuyến khích tinh thần thử nghiệm và sáng tạo của nhân viên, thứ cuối cùng sẽ rất quan trọng đối với sự đổi mới và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Trong khi một môi trường làm việc hà khắc có liên quan một cách tiêu cực đến sức khỏe của nhân viên, thì ngược lại với môi trường làm việc tích cực, nơi nhân viên có xu hướng có nhịp tim và huyết áp thấp hơn cũng như hệ thống miễn dịch mạnh hơn sẽ mang lại hiệu suất cao hơn.
Một môi trường làm việc tích cực cũng dẫn đến một nền văn hóa tích cực, một lần nữa, chúng là động lực thúc đẩy sự cam kết, gắn bó và hiệu suất. Những nhân viên hạnh phúc hơn không chỉ tạo ra một nơi làm việc thân thiện hơn mà còn cải thiện dịch vụ khách hàng một cách tích cực hơn.
Kết quả là, một nền văn hóa vui vẻ và giàu năng lượng tích cực tại nơi làm việc không chỉ cải thiện sức khỏe và năng suất của nhân viên mà còn cải thiện kết quả sức khỏe và sự hài lòng của khách hàng.
Tóm lại, một nơi làm việc tích cực sẽ giúp doanh nghiệp thành công hơn theo thời gian vì nó làm tăng cảm xúc tích cực và hạnh phúc.
Khi các tổ chức phát triển nền văn hóa tích cực, có đạo đức, họ sẽ đạt được những mức độ hiệu quả cao hơn đáng kể — bao gồm hiệu quả về tài chính, sự hài lòng của khách hàng, năng suất và cả sự gắn kết của nhân viên.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips