Có một thực tế là bên cạnh những tác động vô cùng khủng khiếp, khiến xã hội, thế giới giãn cách thì dịch bệnh COVID-19 vô tình cũng trở thành một động lực “thổi bùng” đà tăng tốc của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).
Mới đây, ông Daniel Zhang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Alibaba cho biết sự kiện Lễ hội mua sắm toàn cầu 11.11 vừa qua do Tập đoàn này đứng sau đã đạt được những kỷ lục mới trong ngành TMĐT. Theo đó, sự kiện này đã thu hút đến hơn 800 triệu người tiêu dùng trong suốt giai đoạn 11 ngày của Lễ hội.
Từ chỗ là một mô hình xa lạ, mua hàng online qua mạng đã trở thành một thế lực đáng gờm đe fọa các loại hình thương mại bán lẻ truyền thống. Theo đó, trong chiến dịch 11.11 năm nay, chỉ riêng các nền tảng TMĐT của Alibaba đã đạt 74,1 tỷ USD (khoảng trên 1,7 triệu tỷ đồng) tổng giá trị hàng hóa (GMV) được tạo ra từ ngày 1 đến ngày 11 tháng 11, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đại diện Alibaba, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chính là động lực mạnh tạo ra những con số ấn tượng như trên. Thông qua việc tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái rộng lớn của mình, nền tảng công nghệ cho phép xử lý 583.000 đơn đặt hàng mỗi giây trong thời gian cao điểm, cả chiến dịch đã có 2,32 tỷ đơn giao hàng trong thời gian 11 ngày.
Tại Việt Nam, các sàn TMĐT trong nước cũng ghi nhận việc ứng dụng các công nghệ mới nhằm đa dạng các hình thức bán hàng như video trực tuyến (livestream) giúp tăng tính tương tác giữa người mua và người bán.
Theo đó, mức doanh số bán hàng của ngày 11/11 tiếp tục lập những kỷ lục ấn tượng. Theo đó, chỉ tính riêng trong ngày 11.11, sàn TMĐT Tiki báo mức tăng trưởng 50% so với dịp 10/10, Lazada tăng gấp đôi đơn hàng và khách hàng so với năm ngoái trong khi Shopee bán ra hơn 200 triệu sản phẩm với một nhà bán hàng đạt doanh thu 2 tỷ đồng chỉ trong một ngày 11/11.
Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy mạnh mẽ TMĐT. Theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thì năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức ước trên 30% và quy mô TMĐT sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Còn theo tính toán của các tập đoàn như Google, Temasek và Bain&Company về khả năng tăng trưởng quy mô TMĐT tại Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Theo nhận định của ông Daniel Zhang thì chìa khóa của kết quả kỷ lục mà tập đoàn Alibaba đạt được trong dịp Lễ hội mua sắm vừa qua phần lớn đến từ việc tăng tốc số hóa doanh nghiệp.
Năm 2020, trong bối cảnh hậu COVID-19, Alibaba đã tăng cường áp dụng công nghệ số hóa để nhà bán hàng tham gia có thể sử dụng đến hai “cửa sổ” mua sắm để tối đa hóa kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các nhà bán hàng nhỏ lẻ.
Theo đó, ông Zhang cho rằng đại dịch đã và đang thúc đẩy quá trình số hóa để giờ đây nó đã trở thành một nhu cầu thiết yếu hơn là một lựa chọn. Việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số như phát hình trực tiếp (livestream) để tạo ra trải nghiệm bán lẻ phong phú và hấp dẫn cho cả người tiêu dùng và người bán hàng.
Số lượng người tiêu dùng trẻ ngày càng tăng và thói quen và sở thích của người mua sắm cũng ngày càng trẻ hóa. Thực tế, những gì chúng tôi đang vận hành là một phong cách sống, và chúng tôi phải bắt kịp xu hướng thời đại, ông Zhang nhận định.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips
Theo enternews