Châu Âu tiếp tục thắt chặt việc kiểm soát nội dung trên các nền tảng mạng xã hội
Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực từ đầu tuần sau. Đạo luật điều chỉnh hành vi của các nền tảng như Google, TikTok, Apple, Facebook hay Amazon. Mục tiêu của đạo luật là bảo đảm công bằng và minh bạch cho người dùng.
Đạo luật sắp có hiệu lực của Liên minh châu Âu buộc các nền tảng kỹ thuật số và công ty công nghệ phải kiểm soát nội dung và cho người dùng nhiều quyền lựa chọn hơn. Những hệ thống khép kín đang triệt tiêu cạnh tranh, củng cố độc quyền.
Trước đó, người dùng iPhone chỉ có thể mua và cài ứng dụng từ cửa hàng của Apple, bất cứ ai tạo ra ứng dụng mới muốn bán cho người dùng iPhone cũng không có cách nào khác là thông qua cửa hàng của Apple.
Đã dùng đồng hồ Galaxy thì hầu như bắt buộc phải mua điện thoại Samsung, máy tính Samsung. Hoặc Amazon môi giới bán hàng luôn luôn tìm cách ngăn cản bên mua bên bán gửi tin nhắn trực tiếp cho nhau. Những hành vi đó nằm trong khuôn khổ điều chỉnh của Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số.
Bà Christel Schaldemose – Báo cáo viên về Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số – cho biết: “Tôi có thể nói rằng, Internet và các nền tảng sẽ an toàn hơn, công bằng hơn và minh bạch hơn. Đối với doanh nghiệp, cạnh tranh sẽ lành mạnh hơn.
Người tiêu dùng sẽ thấy an toàn hơn khi mua hàng, người tham gia mạng xã hội an toàn hơn khi thảo luận trên mạng. Nếu vi phạm, các công ty cung cấp dịch vụ và sản phẩm có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu”.
Một đạo luật khác cũng được thông qua, cùng thời điểm đầu tháng 7 vừa rồi, liên quan tới thị trường kỹ thuật số nhưng phải chờ tới năm sau mới có hiệu lực. Tuần sau, Uỷ ban châu Âu sẽ bắt đầu thông báo cho các công ty công nghệ biết, dịch vụ nào của họ chịu sự chi phối của Đạo luật Thị trường.
Ông Andreas Schwab – Báo cáo viên về Đạo luật Thị trường kỹ thuật số – cho rằng: “Đạo luật Thị trường kỹ thuật số sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về luật công nghệ, nhờ việc thay đổi nghĩa vụ chứng minh.
Chính các công ty công nghệ lớn sẽ phải chủ động chứng minh rằng họ tuân thủ luật pháp, chứ Ủy ban châu Âu không còn phải mất công tìm kiếm lỗi sai của họ nữa”.
Mặc dù các quy định mới chỉ áp dụng trong lãnh thổ Liên minh châu Âu nhưng tác động rồi sẽ lan rộng trên toàn cầu, do việc các quy định của Liên minh châu Âu thường là khuôn mẫu cho những khu vực khác.
Ví dụ gần nhất là Quy định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng từ 5 năm trở lại đây, đang được nhiều nước bên ngoài Liên minh châu Âu sử dụng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips