Facebook đứng đầu các nền tảng nơi diễn ra lừa đảo, sau đó là Telegram, Google và TikTok
Tại lễ kỷ niệm 3 năm thành lập dự án Chống lừa đảo do ông Nguyễn Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) sáng lập, các chuyên gia an ninh mạng đã có nhiều chia sẻ, cảnh báo về lừa đảo qua mạng, theo Cổng TTĐT Chính phủ, trang TP HCM.
Ông Philip Hùng Cao, chuyên gia về an toàn thông tin cho biết Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo đã phối hợp công bố báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023.
“Có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng”, ông Philip Hùng Cao chia sẻ.
Theo báo cáo trên, ngành công nghiệp, lừa đảo qua mạng có tỷ suất lợi nhuận 2.500% trong năm qua, dự đoán năm 2024 tỷ suất lợi nhuận càng tăng.
Ông Philip đưa ra giải pháp đơn giản cho người sử dụng mạng trước những rủi ro lừa đảo như: người dùng chậm lại; nín thở 7 giây trước khi click chuột; hoặc tắt hết các kết nối khi không cần dùng đến như WiFi, bluetooth…
Còn theo ông Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa), lừa đảo qua mạng hiện nay là ngành công nghiệp, không phải xuất phát là cá nhân hay nhóm nhỏ.
“Họ có giáo trình, có phương pháp về mặt tâm lý học và công cụ hiện đại tiếp cận nạn nhân. Trong khi độ hiểu biết và sử dụng công nghệ, và môi trường tại Việt Nam rất ‘đắc địa’ để tội phạm khai thác thu về lợi nhuận cao”, ông Khang cho biết.
Tại sự kiện, ông Hiếu cho biết từng khảo sát 1.000 người, có nhiều nạn nhân và lừa đảo rất phức tạp. Hiếu PC cũng thông tin tháng 7/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông có tổng kết 24 hình thức lừa đảo qua mạng, trong đó có ba hình thức chủ yếu: lừa đảo làm cộng tác viên, lừa đảo đầu tư và tình cảm.
“Qua các bước như từ mạng xã hội, cuộc gọi điện thoại, sau đó nạn nhân của lừa đảo qua mạng sẽ bị dẫn dụ vào Telegram. Khi đến bước này thì khả năng bị lừa đã là 95%”, ông Hiếu nói về thủ đoạn của kẻ lừa đảo.
Liên quan đến việc doanh nghiệp bị lộ thông tin khách hàng, ông Hiếu cho rằng Việt Nam có nhiều giải pháp, những ứng dụng lừa đảo, các trang web, áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, truy vết và truy quét, sản phẩm an toàn thông tin cũng không thiếu nhưng thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp vẫn bị mua bán trên mạng.
“Dự án Chongluadao là dự án hoàn toàn miễn phí, với phương châm cộng đồng cùng nhau bảo vệ cộng đồng. Dự án ra đời nhằm nâng cao nhận thức cho cộng động mạng Việt Nam, bảo vệ mọi người trên không gian mạng bằng công cụ, kỹ thuật và kết hợp với nhiều tổ chức tập đoàn bảo mật lớn trên thế giới để bảo vệ người Việt tránh khỏi các trang web độc hại, giả mạo, lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo số liệu công bố, Facebook là nền tảng lớn nhất diễn ra các cuộc lừa đảo (hơn 70%) sau đó là Telegram, Google và TikTok.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer