TikTok giới hạn thời gian sử dụng 60 phút cho người dùng tuổi teen
TikTok sẽ thực hiện tự động kiểm soát thời gian sử dụng đối với người dùng dưới 18 tuổi. Thay đổi này diễn ra khi công ty đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý.
Theo CNBC, TikTok hôm 1.3 cho biết sẽ tự động giới hạn thời gian sử dụng ứng dụng là 60 phút đối với tất cả người dùng dưới 18 tuổi.
Khi đạt đến giới hạn thời gian này, người dùng dưới 18 tuổi sẽ được nhắc nhập mật mã để tiếp tục xem video trên TikTok, vì công ty muốn người dùng “đưa ra quyết định chủ động” tỉnh táo hơn, thay vì bị động xem liên tục trong nhiều giờ.
Thanh thiếu niên sẽ có thể chọn không tham gia tính năng nêu trên nếu muốn, nhưng ứng dụng sẽ nhắc họ đặt giới hạn sử dụng nếu dành “hơn 100 phút cho TikTok trong một ngày”.
Ngoài ra, TikTok cũng giới thiệu tùy chọn tắt tiếng thông báo theo lịch trình, một tính năng đã được triển khai ở các mức độ khác nhau cho người dùng từ 13 đến 17 tuổi.
Động thái mới của TikTok được đưa ra khi công ty đang chịu sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý và các nhà lập pháp, đặc biệt đối với vấn đề bảo mật và an toàn của trẻ em trên nền tảng.
Theo nghiên cứu từ công ty nghiên cứu thị trường Pew Research Center vào tháng 8.2022, khoảng 67% thanh thiếu niên Mỹ đã sử dụng mạng xã hội TikTok, trong đó có 16% thanh thiếu niên nói rằng họ đã sử dụng ứng dụng “liên tục”.
Theo một thông cáo báo chí, TikTok cho biết đang nỗ lực tăng cường tiếp cận với các bậc cha mẹ như một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm “mang lại niềm vui và đóng vai trò tích cực trong cách mọi người thể hiện bản thân”.
“Mỗi thanh thiếu niên đều khác nhau, và mỗi gia đình cũng vậy. Đó là lý do tại sao chúng tôi tập trung vào việc tiếp cận cha mẹ, đưa ra thông tin họ cần về TikTok”, người đứng đầu bộ phận tin cậy và an toàn của TikTok Cormac Keenan nói.
Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew sẽ làm chứng trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng của Hạ viện Mỹ vào cuối tháng này, khi công ty đang phải đối mặt với cả cuộc điều tra an ninh quốc gia và sự giám sát gia tăng sau nhiều tranh cãi liên tiếp, bao gồm cả những tiết lộ rằng nhân viên TikTok đã theo dõi hai nhà báo và truy cập dữ liệu riêng tư của người dùng Mỹ.
Được biết, công ty mẹ của mạng xã hội TikTok là ByteDance đang chịu điều tra từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) về những lo ngại liên quan đến an ninh quốc gia.
Cuộc điều tra đã được tiến hành trong nhiều năm, kể từ khi ByteDance mua lại Musical.ly vào năm 2017, nhưng đang tăng tốc cả về phạm vi và sự giám sát bên ngoài trong những tháng gần đây.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer