Skip to main content

Thẻ: trí thông minh cảm xúc

10 cách phát triển trí thông minh cảm xúc của bản thân

Trí thông minh cảm xúc là khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của mình cũng như của người khác, phân biệt chúng, và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình.

cách phát triển trí thông minh cảm xúc
10 cách phát triển trí thông minh cảm xúc của bản thân

Đó là định nghĩa được đưa ra bởi Peter Salovey và John D.Mayer – những người được xem là cha đẻ của khung lý thuyết về trí thông minh cảm xúc (Emotion Intelligence Quotient – EQ).

Và theo nhà tâm lý học lâm sàng Steven J.Stein – CEO của Multi-Health System (MHS), công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xuất bản các bài kiểm tra – thì nhận thức và kiểm soát cảm xúc là một trong những bí quyết để đạt được thành công trong cuộc sống cá nhân cũng như tại nơi làm việc.

Chuyên gia tâm lý cũng cho biết, chúng ta hoàn toàn có thể tự nâng cao trí thông minh cảm xúc của mình, và cách tốt nhất để tôi rèn kỹ năng này là thực chiến trong cuộc sống.

“Thông qua luyện tập và nhận được phản hồi về hành động của bản thân, đặc biệt là từ những người có kinh nghiệm, bạn có thể tự điều chỉnh hành vi của mình, đồng thời hiệu quả hơn trong việc nhận ra và kiểm soát cảm xúc tự thân cũng như cảm xúc của người khác”, Stein viết trong cuốn Trí thông minh cảm xúc  (Emotional Intelligence For Dummies).

Trong sách trên, Stein phân tích về những phương pháp tác động đến trí thông minh cảm xúc, giúp bạn tạo ra những thay đổi bước đầu và dần nâng cao EQ của bản thân.

Mỗi phương pháp mà chuyên gia đưa ra mang những giá trị khác nhau, như giúp bạn nhận thức và kiểm soát bản thân tốt hơn từ đó sử dụng hiệu quả nguồn nguồn lực nội tại của bản thân, hay cảm thông được với người khác từ đó xây dựng được các mối quan hệ tốt…

Tùy theo nhu cầu hiện tại của chính mình, bạn có thể đặt mức độ ưu tiên trong kế hoạch rèn luyện và nâng cao trí thông minh cảm xúc của bản thân từ những hướng dẫn sau của tiến sĩ Steven J.Stein.

Nhận thức bản thân tốt hơn.

Một trong những lĩnh vực cốt lõi của trí thông minh cảm xúc chính là nhận thức bản thân. Theo nhiều cách, đây là nền tảng của tất cả các phương diện khác. Để nhận thức được cảm xúc của người khác, bạn phải nhận thức được cảm xúc của chính mình đã.

Bạn có thể nhận thức các cảm xúc của bản thân tốt hơn thông qua các hình thức thiền hoặc chánh niệm. Bằng cách tham gia một khóa học, giao lưu với một nhóm hoặc thuê một hướng dẫn viên, bạn có thể tận dụng những kỹ năng này để nhận thức tốt hơn thân thể, cảm xúc hay suy nghĩ của chính mình.

Một cách nữa để nhận thức bản thân tốt hơn là ghi lại vào sổ tay cảm xúc của mình qua nhiều khoảng thời gian.

Thông qua việc nâng cao vốn từ vựng cảm xúc và dùng chúng để miêu tả hằng hà cung bậc suy nghĩ ở những khoảnh khắc khác nhau trong ngày, bạn sẽ tìm ra cách để chú ý nhiều hơn đến cảm xúc của mình.

Thêm vào đó, hãy chú trọng đến cường độ cảm xúc. Hãy đánh giá cảm xúc theo thang điểm từ 1 đến 10. Bạn càng định lượng rõ bao nhiêu, bạn càng dễ trong việc kiểm soát và thay đổi chúng bấy nhiêu.

Bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin.

Biết được cách bộc lộ cảm xúc thường giúp bạn quản lý chúng. Đương nhiên là bạn có thể lưu giữ tất cả, không chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin cho người khác.

Nhưng điều này không chỉ rất khó để thực hiện mà còn làm cho cuộc sống của bạn trở nên cô độc hơn. Không một ai có thể hiểu bạn cũng như bạn cũng sẽ không thể hiểu bất kỳ ai.

Tất cả mọi người đều có ước vọng có mối quan hệ thân thiết với một số ít người mà họ thật sự tin tưởng.

Ngược lại, bạn có thể chọn cách ba hoa suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin của mình cho tất cả mọi người. Cách làm này thực ra có thể là một sai lầm.

Trước hết, không phải ai cũng thực sự quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của bạn. Tiếp đến, sẽ có người cảm thấy khó chịu với sự bộc lộ của bạn và cảm thấy chúng thật thô lỗ.

Hãy nhắm tới tầng giữa, hay tôi còn gọi là sự quyết đoán. Quyết đoán là sự chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ và niềm tin một cách thích hợp. Nói một cách đơn giản là bạn nên để cho người phù hợp, vào lúc phù hợp, biết quan điểm của bạn.

Khám phá đam mê nội tại.

Ngày qua ngày, mọi người có xu hướng ra đường đi làm công việc họ phải làm, nhưng liệu có mấy người thực sự yêu thích công việc đó?

Tôi từng gặp nhiều người cảm thấy như bị mắc kẹt trong công việc họ đang làm. Nhưng hiếm ai có thể tự dứt ra một cách thần kỳ và đi tới nơi mà họ nên đến. Thông thường, do chạy theo cơ hội và tiền bạc, con người dừng chân tại chỗ mà họ đang đứng.

Một số người nỗ lực đấu tranh để được làm công việc mà họ thật sự yêu thích. Ai cũng có đam mê với một công việc, hoạt động hay sở thích cá nhân đặc thù, nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận ra chúng.

Bạn có thể gặp một anh chàng họa sĩ đang đứng trước nguy cơ đói ăn nhưng vẫn nhất quyết từ chối những công việc bình thường chỉ để hy vọng có thể biến ước mơ của bản thân thành hiện thực.

Có thể xã hội không dễ dàng để được công việc bạn thật sự đam mê, nhưng nếu biết cách chuẩn bị phù hợp, bạn sẽ làm được.

Biết được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

Có người luôn nghĩ rằng họ biết tất cả mọi thứ, trong khi có người lại có xu hướng liên tục đánh giá thấp khả năng của mình. Lý tưởng nhất là phải biết chính xác điểm mạnh và điểm yếu của mình ở đâu.

Hiểu được bản thân hỗ trợ rất nhiều trong việc đưa ra lựa chọn trong cuộc sống. Ví dụ như nếu biết tập trung vào sở trường của mình, bạn có thể lấy được nhiều thứ mình muốn từ cuộc sống hơn. Theo đuổi và đam mê những gì mà bạn có khả năng đều giúp bạn sống một cuộc sống viên mãn và trọn vẹn hơn.

Việc tập trung thái quá vào điểm yếu của mình, trừ khi điều đó đang ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, sẽ ngăn cản bạn chạm tay tới những thứ đáng giá hơn trong cuộc sống.

Dường như vào lúc phải đưa ra một quyết định, chúng ta thường nhận được những thông điệp từ bên trong bản thân. Có những quyết định đem lại cảm giác thật tuyệt, trong khi số khác lại làm ta thấy nôn nao.

Bạn có thể coi những cảm giác đó là thông điệp nảy lên từ trái tim, thay vì từ lý trí. Mọi người thường được tri thức cảm xúc dẫn đường nhưng chỉ có số ít trong chúng ta thật sự chú ý đến nó.

Đứng trên lập trường của người khác.

Đồng cảm là một trạng thái cảm xúc mạnh mẽ tột cùng. Hầu hết các chính trị gia thành công (như Bill Clinton), nhà từ thiện (như Công nương Diana), ngôi sao truyền thông (như Opah), người đứng đầu trong cộng đồng cũng như trong thương trường đều có khả năng đồng cảm.

Học cách nâng cao kỹ năng đồng cảm giúp chúng ta gần gũi với những người khác hơn, có được sự trợ giúp của họ khi ta cần, giảm thiểu những gánh nặng có thể gặp trong tương lai.

Việc chỉ ra cho một người bạn thật sự hiểu anh ta như thế nào đem lại cho bạn sự tôn trọng nhất định từ đối phương. Bạn hãy bày tỏ rằng bạn không phải là người chỉ biết quan tâm đến bản thân.

Công việc đầu tiên của bài học đồng cảm là chú ý đến người khác hơn. Hãy lắng nghe thật cẩn thận khi giao tiếp với ai đó cả những gì họ đang nói với bạn lẫn những gì họ muốn bạn tiếp nhận. Tiến bộ hơn trong việc nắm bắt câu chuyện và chú tâm vào thứ đối phương đang muốn bộc lộ khiến ta trở nên đồng cảm hơn.

Quản lý cảm xúc của người khác.

Nếu có khả năng quản lý cảm xúc của những người xung quanh, có nghĩa là bạn đang nắm trong tay một kỹ năng rất ấn tượng. Chắc bạn đã chứng kiến những lãnh đạo có khả năng làm hạ nhiệt cả một đám đông đang giận dữ.

Một ví dụ điển hình cho việc quản lý cảm xúc phải nói đến cách mà thị trưởng thành phố New York Rudy Giuliani xử lý hậu quả của cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ.

Ông nằm trong số ít những chính trị gia liên tục xuất hiện đối mặt với truyền thông, tham dự các buổi phúng viếng, giải đáp mọi thắc mắc.

Ông kiềm chế được sự bất an của người dân, mặc dù thật ra không ai có câu trả lời hay giải pháp thực sự cho tình huống tồi tệ lúc ấy.

Mặt khác, bạn hẳn đã thấy khá nhiều người không biết cách giải quyết vấn đề cảm xúc của người khác. Hãy nghĩ đến những thời điểm khủng hoảng mà các CEO của một công ty nào đó buộc phải đứng trước truyền thông mà không có sự chuẩn bị kỹ càng.

Việc sử dụng sai ngôn ngữ cơ thể, sai sắc thái giọng nói, hoặc lảng tránh trả lời câu hỏi khiến cho người xem cảm thấy thêm bực mình hoặc buồn bực.

Quản lý cảm xúc người khác gồm hai bước. Bạn chỉ cần làm theo từng bước sau:

1/ Nâng cao sự đồng cảm của bản thân

Bạn cần đặt bản thân vào tình cảnh của người khác, cảm nhận nỗi đau, sự hân hoan, hy vọng hay nỗi sợ hãi của họ. Một cách để tiếp cận chính là đặt câu hỏi cho đối phương.

Cố gắng tìm hiểu thông qua việc hỏi và quan sát. Anh ấy có thích thể dục thể thao không? Đội hoặc hoạt động yêu thích của anh ấy là gì? Cô ấy thích ăn gì? Điều gì làm cô ấy vui hoặc buồn?

2/ Đáp lại người khác theo cách mà bạn mong muốn để xoa dịu nỗi đau

Quản lý cảm xúc của người khác đòi hỏi một vài kỹ năng nhất định. Đầu tiên, bạn phải xác định được bạn muốn hướng đối phương đến đâu.

Bạn muốn làm người đó vui vẻ, an tĩnh, thận trọng hay chú tâm? Sau khi quyết định được bạn muốn người đó cảm thấy gì, bước kế tiếp là hiểu được cách để dẫn họ đến đích.

Hãy nhớ lại lần cuối bạn được nghe một bài diễn thuyết đầy cảm hứng, xem một bộ phim thật sự tác động đến bạn. Một trải nghiệm mạnh mẽ thông thường được tạo nên từ sự xây dựng từng cung bậc cảm xúc mà diễn giả hoặc đạo diễn phim muốn bạn đạt đến.

Bạn có thể tự gây dựng nên mô hình này bằng cách lập ra một điểm đích hoặc cho đối phương biết bạn đang muốn đi đâu.

Việc tập trung thái quá vào điểm yếu của mình, trừ khi điều đó đang ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, sẽ ngăn cản bạn chạm tay tới những thứ đáng giá hơn trong cuộc sống.

Chẳng hạn như:

•    Chúng ta phải bình tĩnh đối mặt với tình huống này.

•    Là một gia đình, chúng ta phải nhận thức rõ những gì đang diễn ra.

•    Có vài thứ tệ hại đang diễn ra, chúng ta phải tỉnh táo.

Sau đó, bạn có thể tiếp tục xây đắp mục tiêu bằng các câu chuyện hoặc ví dụ. Bạn cần phải truyền tải cho người kia thấy được rằng bạn và họ đang đứng chung thuyền – và việc hợp tác với nhau sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho cả hai.

Kiên định trong thái độ, cử chỉ, giọng nói và thông điệp, bạn có thể mang đến ảnh hưởng mạnh mẽ đưa cảm xúc của đối phương tiến tới gần hơn nơi mà bạn muốn họ đạt đến.

Có trách nhiệm xã hội.

Trách nhiệm xã hội là một trong những cảnh giới cao nhất của trải nghiệm cảm xúc. Nó chỉ ra rằng bạn thật sự quan tâm đến người xung quanh, đặc biệt là những người kém may mắn. Trách nhiệm xã hội không mang ý nghĩa cá nhân – mà là những gì bạn có thể đóng góp để giúp đỡ người khác.

Trách nhiệm xã hội có nhiều mức độ:

• Ở mức cơ bản, bạn có thể quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện hoặc cho những ý tưởng xứng đáng. Dù bạn muốn đưa quyên góp thành một phần trong bất kỳ dự định trách nhiệm xã hội nào thì đây cũng chỉ đóng vai trò là bước khởi đầu.

• Ở mức tiếp theo, bạn tiến tới giúp đỡ các tổ chức quyên góp tiền. Bạn có thể nhờ bạn bè, người thân, hàng xóm hoặc đồng nghiệp. Bạn có thể tham gia các sự kiện để gây quỹ như chạy bộ, đi bộ, nấu ăn hoặc đạp xe.

• Phần có tác động lớn nhất của trách nhiệm xã hội đòi hỏi cá nhân bạn phải tự mình hành động vì một lý tưởng cao cả. Hãy nghĩ cách để giúp đỡ những người khó khăn.

Bạn có thể bắt đầu bằng việc xác định lý tưởng nào là quan trọng nhất với mình. Bạn có thể cảm thấy đặc biệt quan tâm đến bạo lực gia đình, vô gia cư, xây dựng các điểm phát thức ăn từ thiện, chăm sóc sức khỏe người già …

Sau khi đã xác định được lý tưởng bạn muốn hỗ trợ, tiếp theo hãy nghĩ đến cách nào để cống hiến tốt nhất. Bạn có thể tham gia phục vụ tổ chức, đăng ký làm tình nguyện viên, tham gia vào các hoạt động tương tự khác.

Quản lý cơn bốc đồng của bản thân.

Quản lý cảm xúc của mình, đặc biệt là cơn bốc đồng, đóng vai trò như một cột trụ khác của trí thông minh cảm xúc (bên cạnh việc nhận thức cảm xúc cá nhân và quản lý cảm xúc của những người xung quanh). Thông qua việc nhận thức cảm xúc của mình, bạn sẽ chuẩn bị tốt hơn cho việc quản lý cảm xúc của mình.

Có 3 cách cơ bản để quản lý cơn bốc đồng:

• Phân tâm: Khi bạn cảm thấy việc kiểm soát cơn bốc đồng đang gặp trở ngại, hãy nhanh chóng làm phân tâm mình. Chuyển hướng dòng suy nghĩ bằng cách đếm từ một đến mười hoặc tập trung vào các suy nghĩ giúp phân tâm đã được chuẩn bị sẵn từ trước.

Bạn có thể luyện tập để tự thay đổi tư duy, hoặc chủ đề đối thoại một cách nhanh chóng sang các vấn đề như thời tiết, bữa sáng, địa điểm du lịch sắp tới, dự án mà bạn đang tiến hành hoặc bất kỳ một sự kiện nào khác.

• Phân tích: Phương pháp phân tích đòi hỏi phải tạm dừng để phân tích suy nghĩ mỗi khi bạn cảm thấy bốc đồng. Có thể tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:

+ Tại sao mình lại phải nghĩ đến vấn đề hoặc sự kiện căng thẳng này?

+ Việc nghĩ về vấn đề và sự kiện này có giúp gì được mình không?

+ Mình có thể nghĩ về thứ khác được không?

+ Vậy nghĩ gì khác thì tốt?

• Đương đầu: Chiến thuật đương đầu yêu cầu một cơ số suy nghĩ đương đầu đã được bạn chuẩn bị sẵn. Những suy nghĩ dạng này bao gồm:

+ Mình biết mình có thể điều chỉnh suy nghĩ.

+ Mình chỉ cần chậm lại một chút.

+ Phải suy nghĩ cẩn thận lại.

+Mình không phải đưa ra câu trả lời ngay lập tức.

+ Mình có thể nghĩ ra phương pháp thay thế.

Những chiến thuật đã được đề cập ở trên có thể giúp bạn thành công trong việc đối mặt với các vấn đề hoặc sự kiện căng thẳng nếu như bạn chịu dành thời gian luyện tập trước.

Việc sử dụng chiến thuật không thông qua chuẩn bị sẽ chẳng thể có hiệu quả được. Lên kế hoạch và luyện tập sẽ giúp ích rất nhiều trong việc đối mặt với những suy nghĩ, lời nói và hành động bốc đồng.

Các kỹ năng trên có tác dụng tốt với cơn bốc đồng ở mức độ trung bình. Nếu như bạn gặp vấn đề liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, bạn cần các giải pháp mạnh tay hơn.

Nên hỏi ý kiến tư vấn từ các bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tâm thần nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn nghi ngờ bản thân hoặc những người thân xung quanh có dấu hiệu khó tập trung.

Hãy linh hoạt hơn.

Hầu hết tất cả mọi người đều có các thói quen hằng ngày hoặc những cách thức làm việc quen thuộc. Để hoạt động hiệu quả, xã hội cần một số quy tắc nhất định.

Tuy nhiên, việc đó dẫn đến nguy cơ đóng khuôn hành động và mất khả năng thay đổi linh hoạt. Quá cứng nhắc sẽ làm tuột mất cơ hội, tụt hậu với kỹ năng và nhận thức mới cũng như dẫn đến việc sử dụng các phương pháp cũ không còn hiệu quả để xử lý nhiều vấn đề trong cuộc sống cá nhân và công việc.

Người thông minh trong cảm xúc là người biết khi nào nên tiếp tục và khi nào nên thay đổi trạng thái cảm xúc. Khi thời điểm cần bước tới đã đến, những người này đều có khả năng tạo ra sự điều chỉnh cần thiết.

Nếu bạn cảm thấy thay đổi thật khó khăn thì hãy nghĩ đến những kết quả có thể xảy ra. Nếu vẫn có giữ nguyên hiện trạng thì sao?

Trái lại, nếu thuận theo tự nhiên thì sao? Thay đổi là một phần của sự phát triển. Những trải nghiệm mới, cơ hội mới đem đến sự hoàn thiện cho bản thân, và điều ta cần làm là mở rộng cửa chào đón những thay đổi đó.

Dù sẽ có chút khó khăn khi thử những điều mới lạ, đa số mọi người đều cảm thấy đau đớn ngắn hạn xứng đáng đánh đổi cho lợi ích dài hạn. Trưởng thành bao gồm việc học các kỹ năng mới, kiến thức mới và đi qua những mối quan hệ hay nơi chốn mới.

Hãy hạnh phúc.

Bạn hạnh phúc thế nào? Trên thang điểm từ 1 đến 10, bạn đạt được bao nhiêu, 5 hay nhiều hơn? Hay là 9?

Những người thông minh trong cảm xúc đều là những người hạnh phúc. Và họ hạnh phúc không chỉ đơn thuần từ những việc như ý đến với họ.

Hạnh phúc (hạnh phúc thật sự, như dòng chảy ấm áp, đều đặn đi qua cơ thể bạn) đến từ bên trong. Một người điều chỉnh được cảm xúc sẽ thức dậy với tâm trạng sảng khoái.

Và kể cả có đụng độ với những thử thách trong ngày, họ sẽ vẫn giữ được một mức độ hạnh phúc nhất định cho riêng mình.

Thật ra, hạnh phúc giống như chiếc phao giữ tâm hồn họ nổi lên trên những khó khăn, đau khổ từ cuộc sống thường ngày, làm cho tâm trí họ sáng suốt, gạt bỏ các cảm xúc vô ích khác. Người hạnh phúc hay có các giải pháp cho vấn đề của họ hơn là người hay buồn rầu hoặc u sầu.

Dù cho người buồn rầu thường hay để ý chi tiết hơn người hạnh phúc nhưng người hạnh phúc lại thường đạt được nhiều thứ hơn. Đương nhiên, bởi hạnh phúc hay buồn rầu đều là cảm xúc, nên chúng có thể thay đổi.

Chính vì vậy, bạn hoàn toàn có thể điều khiển tâm trạng để phục vụ cho mục đích của bản thân. Thông minh trong cảm xúc nghĩa là biết lúc nào nên vui, buồn, hào hứng, lo lắng hay thậm chí là thận trọng.

Con người thường thích ở cạnh những người hạnh phúc. Những lãnh đạo hạnh phúc thường có các nhân viên mẫn cán.

Bạn sẽ nhận thấy rất nhiều lợi ích khi bạn là người hạnh phúc. Mọi người sẽ đánh giá cao bạn hơn, bạn sẽ vượt qua được khoảng thời gian khó khăn dễ dàng hơn, bạn sẽ trở nên hữu ích hơn cho người khác.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng những người hạnh phúc thường sống lâu hơn (hay người hay buồn rầu thường có tuổi thọ ngắn hơn).

Rất ít người biết được cách để quản lý hạnh phúc của mình. Đa số đều gắn hạnh phúc với vật chất hoặc với việc lấy được thứ gì đó ở người khác. Người cho đi mới là người hạnh phúc thật sự. Người lan truyền hạnh phúc sẽ luôn cảm thấy bản thân hạnh phúc hơn nữa.

Hy vọng bạn nhớ rằng, khi nâng cao trí thông minh cảm xúc, bạn sẽ không tốn đồng nào để chia sẻ hạnh phúc, nhưng thứ bạn nhận lại được là vô giá.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Những dấu hiệu này cho thấy một nhà lãnh đạo sẽ có nhiều cơ hội để thành công hơn

Các nhà lãnh đạo kinh doanh hiệu quả phải làm việc chăm chỉ và thường xuyên trau dồi chiến lược, tuy nhiên có một thứ khác có thể giúp họ có nhiều cơ hội để thành công hơn so với những người còn lại.

Những dấu hiệu này cho thấy một nhà lãnh đạo sẽ có nhiều cơ hội để thành công hơn

Bạn cần gì để có thể xây dựng một doanh nghiệp từ con số 0?

Một số người cho rằng đó chỉ đơn giản là vấn đề về làm việc chăm chỉ – sự kết hợp hoàn hảo giữa kỷ luật và sự kiên trì.

Những người khác nghĩ rằng chiến lược là thành phần quan trọng nhất, trong khi một số cũng lại nói rằng tinh thần doanh nhân là tất cả những gì bạn cần.

Thật không may, không có bất cứ một công thức bí mật nào để phát triển doanh nghiệp thành công cả.

Các doanh nhân thành công, vào một thời điểm nào đó, sẽ áp dụng tất cả những kỹ năng này để tạo ra một tổ chức phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nếu nói có thứ gì đó có thể giúp một nhà lãnh đạo xây dựng được một doanh nghiệp vững mạnh thì đó có lẽ là sự bền bỉ và tầm nhìn – và cả 2 yếu tố này đều dựa trên một thành phần quan trọng duy nhất: sự trưởng thành về mặt cảm xúc của nhà lãnh đạo.

Dưới đây là những gì mà bạn có thể tham khảo:

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc là gì?

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc cũng giống như việc bạn tiếp xúc với chính cảm xúc của bạn và quan trọng hơn là bạn biết cách để sử dụng chúng.

Một biểu hiện quan trọng của sự trưởng thành về mặt cảm xúc là khả năng chuyển đổi giữa suy nghĩ và cảm xúc, bạn biết cách ưu tiên và thể hiện chúng khi cần thiết.

Phản ứng đầu tiên của bạn đối với lỗi lầm của một nhân viên có thể là sửa chữa và sau đó là tiếp tục hoàn thiện và tiến lên.

Một nhà lãnh đạo trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ nhận thấy sự thôi thúc đó ở trong họ, sau đó họ suy nghĩ về việc dành thời gian để lắng nghe suy nghĩ của nhân viên.

Một cách khác để nhìn nhận sự trưởng thành về mặt cảm xúc đó là thông qua lăng kính của trí tuệ cảm xúc của nhà lãnh đạo đó – thứ thường được gọi là EQ.

Khả năng này không chỉ là một công cụ mạnh mẽ để phát triển cá nhân mà nó còn thậm chí là một công cụ để cải thiện các mối quan hệ của bạn.

Theo một bài kiểm tra về kỹ năng tại nơi làm việc của TalentSmart, trí tuệ cảm xúc là yếu tố được dự báo là quan trọng nhất liên quan đến hiệu suất làm việc của nhân viên – nó chi phối đến 58% sự thành công của một nhân viên.

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc có thể giúp xây dựng các đội nhóm vững mạnh.

Suy cho cùng, một doanh nghiệp thành công hay không không phải là sản phẩm của riêng người dẫn đầu. Đó phải là sự kết hợp của toàn bộ tổ chức.

Chuyên gia tư vấn kinh doanh Britt Andreatta viết:

“Mọi tổ chức đều có thể đạt được mục tiêu của mình thông qua một loạt các cuộc trò chuyện, tương tác và quyết định hàng ngày.

Những điều này nhất thiết phải liên quan đến con người và chúng ta càng thông minh về mặt cảm xúc, chúng ta sẽ càng trở nên hiệu quả hơn ở mọi cấp độ.”

Bằng cách đầu tư vào con người và hạnh phúc của họ, bạn đang đầu tư vào sự trường tồn và thành công của một doanh nghiệp.

Khi đội nhóm của bạn được kết nối và đồng bộ hóa, họ sẽ được trao quyền để làm việc cùng nhau và tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại nhiều ý nghĩa cho cuộc sống của mọi người, đó chính là thứ mà mọi khách hàng đều cần.

Có một doanh nhân từng viết: “Trí tuệ cảm xúc giúp bạn thiết lập một nền văn hóa tích cực, ở đó nhân viên luôn được khuyến khích nỗ lực hết mình ”.

Những người luôn cảm thấy thân thuộc và được kết nối tại nơi làm việc sẽ có khả năng sáng tạo và chiến lược hơn vì họ cảm thấy an toàn khi chia sẻ các ý tưởng và chấp nhận những rủi ro có thể đến, điều không thể xảy ra với một nhà lãnh đạo mà bạn luôn e ngại.

Một nghiên cứu của Initiative One Leadership Institute cho thấy rằng người lao động “ít có khả năng bỏ việc hơn 400% nếu họ có một người quản lý có EQ cao.”

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc giúp kinh doanh hiệu quả hơn.

Một dấu hiệu quan trọng của sự trưởng thành về mặt cảm xúc là sự đồng cảm (empathy) – đó là khả năng có thể thấu hiểu các vấn đề của người khác bởi vì bạn luôn đặt mình vào hoàn cảnh của họ và nhìn thấy chính mình trong đó.

Sự đồng cảm là một phần cần thiết của yếu tố con người và ngoài việc nó có thể giúp xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, nó cũng có thể là một công cụ kinh doanh hiệu quả.

Một doanh nghiệp được xây dựng dựa trên các giá trị quan hệ như sự đồng cảm sẽ hấp dẫn hơn đối với những người bên ngoài (có thể là đối tác của bạn) bởi vì nó thường được xây dựng bởi một nhà lãnh đạo đầy cảm xúc và đồng cảm.

Nhận thức đầy đủ về cảm xúc cũng có thể giúp bạn hiểu đối tượng mục tiêu của mình và nỗi đau của họ hơn, về lâu dài, điều này cũng có thể chuyển hoá thành việc xây dựng một sản phẩm tốt hơn và kết thúc bằng doanh số bán hàng tốt hơn.

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc giúp bạn đưa ra những quyết định tốt hơn.

Nếu một bản thiết kế hoặc chiến lược marketing không phù hợp với phong cách hay quan điểm của bạn, như một cách tự nhiên, bạn lập tức từ chối nó mà không cần nghe bất cứ phản hồi nào từ cấp dưới.

Cuối cùng, những quyết định hấp tấp của bạn đã không những không đóng góp vào sự thịnh vượng chung của tổ chức mà còn tạo ra vô số những ‘khoảng trống’ với những cộng sự của mình.

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc là “luôn nhận thức được cảm xúc của bạn để bạn có thể kiểm soát chúng và hiểu chúng ảnh hưởng đến bạn như thế nào trong công việc hàng ngày”. Loại trưởng thành này cũng đòi hỏi sự khiêm tốn và linh hoạt.

Khi bạn nhận thức được cảm xúc của mình, bạn cũng nhận thức được ‘điểm mù’ của mình – và cách chúng có thể cản trở các quyết định khôn ngoan hoặc có lợi của bạn.

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc giúp nuôi dưỡng khả năng tự phục hồi tốt hơn.

Nếu bạn lắng nghe chia sẻ từ các doanh nhân, thì việc có một ý tưởng thành công ngay lần đầu tiên là rất hiếm. Từ tầm nhìn của bạn đến sự thành công đòi hỏi sự gan dạ và kiên trì, điều này không phải lúc nào cũng đến một cách tự nhiên.

Những người không bỏ cuộc sau thất bại là những người trưởng thành về mặt cảm xúc bởi vì họ không coi thất bại là điều gì đó quá tồi tệ.

Thay vào đó, họ nhìn thấy cơ hội để phát triển – để thay đổi cách tiếp cận và tiến lên theo một cách mới.

Ở cấp độ vi mô, loại khả năng tự phục hồi này cũng có thể thúc đẩy năng suất. Những người trưởng thành về mặt cảm xúc thường không cần sự hài lòng ngay lập tức, họ chấp nhận một viễn cảnh xa hơn của tương lai.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

‘First Things First’: Quy tắc giải quyết vấn đề của những người có trí thông minh cảm xúc

Bằng cách vận dụng quy tắc ‘First Things First’, bạn có thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực, tiến về phía trước và làm những gì bạn cần làm.

'First Things First': Quy tắc giải quyết vấn đề của những người có trí thông minh cảm xúc

Sau nhiều giấc mơ với đầy những thứ tiêu cực, tôi nhận ra những giấc mơ đó có liên quan đến các hoàn cảnh thực tế.

Nó chính là nguồn gốc thực sự của sự lo lắng và cảm giác bất an trong thế giới thực.

Sau khi đối mặt với những tình huống này lặp đi lặp lại nhiều lần, tôi đã phát hiện ra một quy luật giúp tôi vượt qua được những cảm xúc tiêu cực đó, tiến lên và làm những gì tôi cần làm.

Tôi muốn gọi nó là ‘First Things First’ hay “những điều đầu tiên trước tiên.”

Những điều đầu tiên trước tiên.

Khi tôi phải đối diện với những tình huống khó khăn, tôi tự nhủ:

Tôi cần phải tập trung vào những điều đầu tiên trước tiên.

Nói cách khác, tôi cần phải thu hẹp phạm vi hay tầm nhìn của mình để tập trung vào một số việc đầu tiên tôi cần làm.

Điều này cho phép tôi tránh bị choáng ngợp bởi sự rộng lớn và mơ hồ của tình huống hoặc hàng tá nhiệm vụ khổng lồ trước mắt.

Thay vào đó, tôi lập ra một danh sách mới chỉ gồm hai hoặc ba việc mà tôi cần phải hoàn thành vào ngày hôm đó.

Và cứ như thế, tôi hoàn thành từng nhiệm vụ một.

Quy tắc First things first có rất nhiều lợi ích, nhưng dưới đây là 04 lợi ích cơ bản nhất:

1. Nó giúp bạn nhanh nhẹn hơn.

Khi bạn có nhiều việc hơn khả năng bạn có thể xử lý, thì một sự thật thường xảy ra đó là bạn không thể làm bất cứ điều gì tốt đẹp.

Nhưng bằng cách xây dựng một danh sách mới chỉ gồm hai hoặc ba nhiệm vụ đầu tiên, mọi thứ có vẻ sẽ dễ xử lý hơn trở lại. Bạn giành lại quyền kiểm soát cảm xúc của mình, cho phép bạn một lần nữa hoàn thành nhiệm vụ một cách hiệu quả..

2. Nó tạo ra cho bạn nhiều động lực.

Hãy nghĩ về những cảm giác mà bạn trải qua khi hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Sau đó, nhiệm vụ khác. Và tiếp đến nhiệm vụ khác.

Đến đây điều mà bạn thấy được là gì, bạn đang bị cuốn vào dòng nhiệm vụ một cách nhẹ nhàng. Bạn thấy kết quả sau mỗi nhiệm vụ, vì vậy bạn tiếp tục – và cũng tại thời điểm này, bạn hiểu việc tiếp tục dễ dàng hơn là dừng lại.

Đây là điều mà nhà tâm lý học nổi tiếng Mihaly Csikszentmihalyi mô tả là “dòng chảy” – một trạng thái tinh thần tập trung cao độ rất có lợi cho năng suất.

3. Bạn nhận thức mọi thứ rõ ràng hơn.

Khi bạn bị nhấm chìm trong những sự hoảng loạn, bạn không có bất cứ ánh sáng nào cuối đường hầm kia. Và trên thực tế, không có đường hầm nào cho bạn cả. Đó chỉ là một ngọn núi cao vời bạn không thể vượt qua.

Nhưng một khi bạn bắt đầu xây dựng cho mình những động lực, bạn sẽ tự xây dựng những đường hầm. Và một khi bạn đạt đủ tiến bộ, bạn có thể thấy rõ cả con đường phía trước.

4. Bạn tin tưởng nhiều hơn.

Đến đây, mọi thứ đã không còn tăm tối nữa.

Nhiệm vụ bất khả thi đã không còn là nhiệm vụ bất khả thi như nó đã từng.

Bạn nhìn thấy con đường phía trước biến thành hy vọng, và hy vọng biến thành hiện thực.

Theo đuổi quy tắc First things first hay những điều đầu tiên trước tiên là:

  • Các doanh nhân biến các vấn đề phức tạp thành các giải pháp đơn giản – và sau đó xây dựng doanh nghiệp dựa trên những điều đó.
  • Ca sĩ biến những giai điệu thành các album.
  • Tác giả biến lời nói thành những cuốn sách.
  • Các nghệ sĩ biến các bản phác thảo đơn giản thành các kiệt tác.

Trong một cuộc sống đầy bất ổn, khi mọi thứ diễn ra với tốc độ nhanh chóng, bạn dường như cảm thấy bất lực với thực tại, quy tắc đơn giản này có thể giúp bạn đưa mọi xáo trộn đó trở về sự cân bằng và từng bước bạn sẽ vượt qua nó một cách dễ dàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips