Facebook và Google đang tìm cách cắt ‘cơn nghiện quảng cáo’
Facebook và Google hiện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào quảng cáo số, nhưng đang phải tìm cách mở rộng nguồn thu trước mối đe dọa từ Web3, TikTok.
Theo eMarketer, Google và Facebook chiếm hơn một nửa thị trường quảng cáo kỹ thuật số.
Trong báo cáo tài chính mới nhất, quảng cáo chiếm 98% doanh thu của Meta và 81% với Alphabet (công ty mẹ của Google). Cả hai cũng là những cái tên tiên phong trong việc biến quảng cáo trực tuyến thành thứ kiếm ra tiền tỷ, từ những năm 2000.
Nhưng sau 20 năm, thế giới xung quanh Google và Facebook thay đổi rất khác, khiến việc phụ thuộc quá nhiều vào kinh doanh quảng cáo trở thành nguy cơ tiềm ẩn.
Dấu hiệu cho điều đó được thể hiện qua việc Facebook lần đầu giảm số người dùng hàng ngày trong quý kể từ khi thành lập năm 2004.
Theo các chuyên gia, bước tiến mới về công nghệ như Web3 – nơi các nền tảng trực tuyến lớn sẽ được thay thế bằng các hệ thống xây dựng trên blockchain – sẽ buộc các ông lớn phụ thuộc quảng cáo như Facebook, Google phải xem lại cách kinh doanh của mình.
Nhưng trước mắt, khó khăn của họ sẽ đến từ các nhà quản lý chống độc quyền, từ xu hướng giới trẻ thích nội dung mới mẻ và không bị quá nhiều quảng cáo xâm chiếm như TikTok.
“Nhưng khi nào Facebook, Google bị tác động mạnh mẽ? Có lẽ không phải 2-3 năm tới. Nhưng trong 5 năm nữa, nhiều thứ có thể thay đổi”, Bloomberg bình luận.
Giới quan sát dự đoán, sự đi xuống của Facebook và Google sau gần 20 năm đi theo mô hình quảng cáo trực tuyến là khó tránh khỏi, buộc họ phải tìm cách cắt “cơn nghiện quảng cáo”. Thay thế họ trong nửa thập kỷ tới có thể là Amazon và Microsoft – những công ty đã chuyển hướng sang dịch vụ những năm qua.
Sự chuyển đổi của Microsoft, Amazon.
Microsoft được đánh giá đã trở thành hình mẫu cho một tập đoàn Big Tech đa dạng. Năm 2014, dưới thời Satya Nadella, công ty chuyển hướng tập trung vào công nghệ điện toán đám mây sau khi chứng kiến doanh số PC ngày một giảm.
Kết quả, hãng phần mềm hiện chiếm 20% thị trường cloud toàn cầu, đứng thứ hai sau Amazon, đồng thời giá cổ phiếu liên tục tăng trong 5 năm qua.
Ngoài mảng phần mềm, Microsoft còn đầu tư vào lĩnh vực trò chơi và truyền thông xã hội. Theo báo cáo doanh thu trong quý đầu của năm tài chính 2022, hai lĩnh vực này hiện chiếm lần lượt 8% và 7% doanh thu của tập đoàn.
Amazon cũng xoay trục sang điện toán đám mây và thành công với vị trí dẫn đầu. Công ty có ưu thế lớn do có sẵn hệ thống trung tâm dữ liệu rộng lớn dùng cho các hoạt động thương mại điện tử, nên việc chuyển đổi dễ dàng. Kinh doanh điện toán đám mây của Amazon hiện mang về lợi nhuận hơn 60%.
Google và Facebook làm gì?
Alphabet cũng cố gắng trong hơn một thập kỷ qua để điều hành doanh nghiệp điện toán đám mây Google Cloud, nhưng thành tựu chưa như kỳ vọng. Mảng này hiện đóng góp 7,5% doanh thu cho của Alphabet, đứng thứ ba toàn cầu quý IV/2021 với thị phần 9%.
“Về mặt văn hóa, Alphabet khó có thể thực hiện chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh mới trước chỉ số cao ngất ngưởng của quảng cáo”, Sridhar Ramaswamy, người từng điều hành mảng quảng cáo của Google giai đoạn 2013-2018, nhận xét.
Trong khi đó, Meta chưa có động thái nào để làm mới mình. Công ty hướng đến dự án tiền điện tử Diem nhưng sớm thất bại. Việc phát triển đồng hồ Facebook Watch hay trợ lý ảo phục vụ thương mại điện tử trên Messenger vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Giờ đây, Meta theo đuổi một tham vọng khác, với kỳ vọng mọi người sẽ tương tác với nhau thông qua thế giới ảo metaverse. Công ty đổi tên từ Facebook sang Meta, đẩy mạnh mảng thiết bị thực tế ảo Oculus.
Dù vậy, chiến lược của CEO Mark Zuckerberg về cách kiếm tiền trong metaverse vẫn chưa rõ ràng, trong khi vấn đề tốc độ tăng trưởng người dùng đã bắt đầu giảm.
Facebook và Google áp đảo thị trường quảng cáo kỹ thuật số, nhưng các đối thủ nặng ký như Amazon, Alibaba, JD… cũng đang tăng mạnh thị phần.
Ramaswamy dự đoán, thị trường này sẽ sớm lắng xuống trong vài năm tới, với mức tăng trưởng đạt 1-2%. “Những ngày tháng tăng 20% sẽ càng khó đạt hơn”, Ramaswamy bình luận.
Một số chuyên gia khác cho rằng, Google và Facebook có thể đã nhận ra “cơn nghiện quảng cáo” của mình sẽ không thể kéo dài mãi đà tăng trưởng và đang phải tìm cách giảm sự phụ thuộc. Dù vậy, giống như các “cơn nghiện” khác, việc dứt bỏ luôn rất khó khăn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen