Vì sao Netflix mất hàng triệu người dùng trong thời gian gần đây
Netflix đã mất gần 1,2 triệu người dùng trong năm 2022. Liệu đây có phải khởi đầu cho sự kết thúc của dịch vụ streaming phổ biến nhất thế giới?
Trong quý II, 970.000 người dùng quyết định đóng tài khoản Netflix, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp Netflix bị mất thuê bao.
Sự sụt giảm này không hề gây bất ngờ nếu xét tới những động thái gần đây của “ông lớn” streaming. Trong khi đó, công ty tiếp tục đổ lỗi cho tình trạng chia sẻ tài khoản và cạnh tranh từ đối thủ.
Cùng tìm hiểu một số lý do khiến người dùng rời bỏ Netflix.
1. Netflix dừng hoạt động tại Nga.
Sau khi Nga tấn công Ukraine, Netflix gia nhập danh sách hàng trăm công ty khác rút khỏi Nga. Công ty thừa nhận mất khoảng 700.000 người dùng.
Bên cạnh đó, cuộc chiến cũng tác động lớn đến giá cả. Khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, dễ hiểu khi mọi người hủy các gói Netflix để chi tiền cho những thứ thiết thực hơn như thực phẩm, thuê nhà hay hóa đơn khác.
2. Netflix tăng giá tại Mỹ và Canada.
Từ đầu năm 2022, Netflix tăng giá các gói tại Mỹ và Canada. Đối mặt với sự thật này, nhiều người quyết định đóng tài khoản thay vì trả thêm tiền. Netflix cho biết 600.000 người dùng tại Bắc Mỹ đã hủy bỏ đăng ký do giá tăng từ tháng 1.
3. Tình trạng dùng chung tài khoản.
Một trong những vấn đề trầm trọng nhất mà Netflix gặp phải trong các năm qua là dùng chung tài khoản. Nhiều người dùng chia sẻ mật khẩu với nhau dù điều này bị cấm trong Điều khoản sử dụng.
Công ty ước tính 100 triệu hộ gia đình trên toàn cầu, trong đó có 30 triệu tại Mỹ và Canada, đang dùng dịch vụ mà không phải trả tiền. Xét tới việc Netflix có 220,67 triệu thuê bao trên thế giới, 100 triệu thực sự là con số lớn.
4. Thiệt hại nội dung.
Nhiều nội dung của các kênh lớn tại Mỹ đã chuyển từ Netflix sang các nền tảng streaming khác. Những công ty truyền thông như HBO Max, Discovery+ nổi lên và ra mắt dịch vụ truyền phát riêng, tích cực quảng bá nội dung thông qua kênh riêng thay vì chiếu trên Netflix.
Điều đó buộc Netflix phải chi hàng tỷ USD sản xuất nội dung gốc. Dù vậy, nhiều người vẫn muốn xem các chương trình truyền hình yêu thích hơn.
5. Chất lượng nội dung (Content).
Chất lượng nội dung cũng là điều đáng bàn trên Netflix. Nhiều chương trình và phim ảnh có chất lượng kém. Rõ ràng, Netflix đang chú trọng về số lượng hơn chất lượng với hi vọng chỉ cần vài tựa phim thành công là được.
Không may, người xem nếu không hài lòng với những “món ăn” được bày sẵn trên bàn sẽ lập tức hủy đăng ký. Ngoài ra, họ cũng khó chịu vì Netflix thường hủy bỏ các mùa tiếp theo sau khi công chiếu một mùa.
6. Nhiều dịch vụ streaming mới đang nổi lên.
Ngày nay, có quá nhiều dịch vụ streaming để người dùng chọn lựa. Bên cạnh Netflix, chúng ta có Hulu, HBO Max, Amazon Prime Video, Peacock, Paramount+, Disney+, Apple TV+, ESPN+…
Mỗi nền tảng lại có một bộ sưu tập chương trình và phim phù hợp với thị hiếu của khán giả, vì vậy, Netflix mất người dùng là điều dễ hiểu, đặc biệt khi gói cước của họ cao hơn các đối thủ.
Netflix đang áp dụng nhiều chiến lược nhằm đối phó với tình trạng suy giảm người dùng. Chẳng hạn, tại Mỹ Latinh, nền tảng thu thêm 3 USD nếu các hộ gia đình chia sẻ với hộ khác. Hãng cũng lên kế hoạch giới thiệu gói cước rẻ hơn, kèm quảng cáo. Hầu hết các dịch vụ khác đều cung cấp gói cước như vậy, bao gồm Hulu, Peacock và Paramount+.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen | MarketingTrips