Thị phần là gì? Cách tính thị phần và ví dụ về thị phần
Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu tất cả các thông tin về thuật ngữ Thị phần (tiếng Anh là Market Share) trong bối cảnh ngành marketing và kinh doanh như: Thị phần là gì? Cách thức tính thị phần tăng trưởng cho doanh nghiệp? Thị phần tương đối là gì? Vai trò của thị phần đối với sự tăng trưởng của doanh nghiệp? Những yếu tố nào ảnh hưởng đến thị phần của một thương hiệu? và hơn thế nữa.
Thị phần (Market Share) là khái niệm mô tả độ lớn hay mức độ bao phủ của một thương hiệu, một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể nào đó trên từng thị trường nhất định. Thị phần là số phần trăm mà thương hiệu có trên thị trường. Với những người làm marketing và kinh doanh thì mở rộng thị phần là mục tiêu hàng đầu kể từ khi xuất hiện trên thị trường.
Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài về chủ đề “thị phần là gì” bao gồm:
- Thị phần là gì?
- Thị phần tương đối là gì?
- Thấu hiểu khái niệm Thị phần.
- Một số điểm chính cần lưu ý khi tìm hiểu về thuật ngữ thị phần.
- Vai trò của thị phần là gì đối với sự phát triển của thương hiệu?
- Thị phần ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp.
- Các công thức hay cách tính thị phần là gì?
- Sự khác biệt giữa khái niệm Thị phần và Thị trường.
- Các chiến lược chính mà thương hiệu có thể sử dụng để xây dựng thị phần là gì?
- Một số ví dụ về thị phần của các thương hiệu.
- FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh chủ đề thị phần.
Bên dưới là nội dung chi tiết.
Thị phần là gì?
Trong phạm vi marketing và kinh doanh, Thị phần là khái niệm đề cập đến tỷ lệ phần trăm tổng doanh số (hay sản lượng) bán hàng của một sản phẩm, thương hiệu hay doanh nghiệp cụ thể trong một ngành hàng (ngành công nghiệp) cụ thể.
Thị phần được tính bằng cách lấy toàn bộ doanh số bán hàng của một sản phẩm hay doanh nghiệp trong một thời kỳ nào đó chia cho tổng doanh số bán hàng của toàn ngành trong cùng một thời kỳ tính toán.
Ví dụ, nếu Apple bán 50% số lượng iPhone ra thị trường điện thoại thông minh trong năm 2021 so với tổng toàn bộ số lượng điện thoại thông minh được tiêu thụ trên cùng thị trường, có thể nói rằng iPhone chiếm 50% thị phần của thị trường điện thoại thông minh trong năm 2021.
Trong thực tế, thị phần của iPhone chiếm trung bình khoảng 15% thị trường điện thoại thông minh (smart phone) toàn cầu.
Khái niệm thị phần được sử dụng để biểu thị quy mô hay độ lớn của một thương hiệu hay doanh nghiệp trong mối quan hệ với toàn thị trường và các đối thủ cạnh tranh hiện có trong thị trường đó.
Thương hiệu hay doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trong ngành được gọi là “Market Leader”, có nghĩa là “Thương hiệu dẫn đầu thị trường”.
Thị phần trong tiếng Anh có nghĩa là Market Share.
Thị phần tương đối là gì?
Thị phần tương đối là khái niệm mô tả thị phần của một doanh nghiệp nào đó so với một doanh nghiệp khác lớn hơn (lớn nhất) cùng ngành.
Mục tiêu chính của doanh nghiệp khi tính toán thị phần tương đối đó là họ muốn biết xem so với đối thủ hàng đầu thì họ đang ở đâu.
Thấu hiểu khái niệm Thị phần.
Thị phần của một doanh nghiệp, đúng như thuật ngữ hay tên gọi của nó, là một phần trong toàn bộ tổng doanh số bán hàng (sản lượng) trong thị trường hoặc ngành hàng mà doanh nghiệp đó đang hoạt động.
Để tính toán thị phần của một doanh nghiệp hay sản phẩm, điều đầu tiên cần làm là hãy xác định khoảng thời gian hay thời kì mà bạn muốn kiểm tra. Nó có thể là một quý, một năm hoặc nhiều năm tuỳ thuộc vào nhu cầu đo lường của từng doanh nghiệp.
Tiếp theo, hãy tính tổng doanh thu hay sản lượng bán hàng của doanh nghiệp trong khoảng thời gian đó. Sau đó, hãy tìm hiểu tổng doanh thu của cả ngành hàng mà doanh nghiệp đang hoạt động.
Cuối cùng, lấy tổng doanh thu của riêng doanh nghiệp chia cho tổng doanh thu của toàn bộ ngành (bao gồm các công ty đối thủ cùng ngành).
Ví dụ: nếu một doanh nghiệp F&B nào đó đã bán được 100 triệu USD doanh thu là sản phẩm nước giải khát (nước ngọt) có ga vào năm 2021 và tổng doanh số của toàn bộ ngành nước giải khát trong năm này tại Việt Nam là 1 tỷ USD, thị phần của doanh nghiệp này sẽ là 100.000.000/1.000.000.000 = 10%.
Trong thực tế, khái niệm thị phần thường chỉ được quan tâm hay tính toán bởi các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp toàn cầu kinh doanh trên nhiều thị trường hay khu vực địa lý khác nhau.
Các doanh nghiệp nhỏ ít khi quan tâm đến thị phần mà chỉ là quan tâm đến sự tăng giảm của doanh số bán hàng (so với chính doanh nghiệp trong từng thời kỳ hoặc so với một đối thủ bán hàng tương tự nào đó.)
Bạn có thể lấy dữ liệu về thị phần từ nhiều nguồn độc lập khác nhau, chẳng hạn như từ các tổ chức thương mại, các công ty nghiên cứu thị trường, các cơ quan quản lý, hay từ chính các doanh nghiệp; tuy nhiên, một số ngành hàng nhất định sẽ khó đo lường chính xác về thị phần hơn những ngành khác.
Phân biệt khái niệm Thị phần và Thị trường.
Như bạn có thể thấy, ngay bản chất câu từ cũng đã khác nhau. Thị phần là Market Share còn Thị trường là Market.
Trong khi thị phần đề cập đến độ lớn của một sản phẩm hay doanh nghiệp nào đó cụ thể, nó là con số phần trăm, thuật ngữ thị trường mang ý nghĩa chung chung.
Thị trường là khái niệm lớn bao gồm nhiều doanh nghiệp có từng mức thị phần khác nhau, họ là những phần tử tồn tại trên thị trường.
Một số điểm chính cần lưu ý khi tìm hiểu về thuật ngữ thị phần.
- Thị phần thể hiện tỷ lệ phần trăm trong tổng doanh số bán hàng của một ngành hoặc thị trường mà một doanh nghiệp cụ thể đạt được trong một khoảng thời gian cụ thể.
- Thị phần được tính bằng cách lấy doanh số bán hàng của doanh nghiệp chia cho tổng doanh số bán hàng của cả ngành trong cùng thời kỳ.
- Thị phần được sử dụng để mô tả về quy mô của một doanh nghiệp hay sản phẩm cụ thể trong mối quan hệ với toàn bộ thị trường và các đối thủ cạnh tranh hiện có.
- Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường là doanh nghiệp có thị phần cao nhất và thường có sức ảnh hưởng lớn nhất.
- Tuỳ vào từng ngành hàng khác nhau, các doanh nghiệp cần thực hiện các chiến lược khác nhau để thúc đẩy hay gia tăng thị phần của mình.
Vai trò của thị phần là gì đối với sự phát triển của thương hiệu hay doanh nghiệp?
Đến đây, khi bạn đã có thể hiểu được bản chất của thị phần là gì hay bạn có thể tính toán nó như thế nào, một câu hỏi được đặt ra là vậy thị phần quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của một doanh nghiệp hay thương hiệu trên thị trường.
Ở góc nhìn của các nhà đầu tư, bạn muốn biết chính xác thị phần của một doanh nghiệp hay sản phẩm cụ thể nào đó trên thị trường để bạn có thể quyết định liệu bạn có nên đầu tư vào nó hay không.
Hay bằng cách theo dõi sự tăng giảm của thị phần qua các thời kỳ, bạn có thể biết được tình hình kinh doanh của một doanh nghiệp là như thế nào.
Với tư cách là chủ doanh nghiệp, và bạn cũng có thể cần các cơ hội nhận được đầu tư, khi này, rõ ràng là bạn sẽ có lợi nhiều hơn nếu bạn có thị phần cao hơn.
Ở góc nhìn quy mô của thị trường, khi tổng (cầu) của thị trường cho một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó tăng lên, một doanh nghiệp có thể duy trì được thị phần của mình đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này đang có mức doanh thu tăng lên tương ứng với mức tăng của toàn bộ sản lượng của thị trường.
Một doanh nghiệp có thị phần tăng sẽ tăng doanh thu nhanh hơn so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành còn lại.
Việc gia tăng thị phần cũng cho phép một doanh nghiệp đạt được quy mô lớn hơn với các hoạt động của mình và mức độ lợi nhuận theo đó cũng tốt hơn.
Ngoài ra, thông qua chỉ số thị phần, một doanh nghiệp có thể xác định mức độ cạnh tranh của ngành, hay cụ thể là với các đối thủ còn lại trên thị trường.
Đây chính là động lực thiết thực nhất để doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược, thay đổi cách thức marketing, bán hàng và hơn thế nữa để không ngừng gia tăng thị phần.
Khi theo đuổi hay tính toán thị phần, có một điều mà bạn cần hiểu đó là, thị phần giảm không có nghĩa là doanh số sẽ giảm và ngược lại.
Ví dụ, nếu thị phần của doanh nghiệp của bạn giảm tuy nhiên tổng cầu hay dung lượng của toàn ngành tăng lên, khi này doanh số của bạn vẫn có thể tăng bình thường.
Ngược lại, nếu thị phần của bạn tăng lên, tuy nhiên, dung lượng toàn ngành lại giảm, khi này việc tăng lên về thị phần có thể không giúp bạn có nhiều doanh số hơn.
Cuối cùng, việc một doanh nghiệp hay đối thủ nào đó có thị phần rất cao, tăng rất nhanh hay thậm chí là Market Leader, điều này cũng không có nghĩa là doanh nghiệp đó đang “ăn nên làm ra” hay có lợi nhuận cao.
Thử nhìn vào thực tế các chiến lược “đốt tiền chiếm thị phần“, bạn có thể hiểu được ẩn ý đằng sau điều này.
Cách thức tính thị phần (công thức tính thị phần) là gì?
Như đã đề cập ở trên, cách tính thị phần, công thức tính toán hay đo lường thị phần khá đơn giản, bạn có thể sử dụng ngay công thức bên dưới.
Thị phần = Doanh thu thực của doanh nghiệp / Tổng doanh thu toàn bộ ngành (thị trường) * 100.
Ngoài ra, như đã đề cập ở trên về khái niệm thị phần tương đối, bạn cũng có thể tính toán chỉ số này thông qua công thức bên dưới.
Thị phần tương đối = Thị phần của doanh nghiệp / Thị phần của đối thủ (thường là doanh nghiệp có thị phần cao nhất ngành) * 100.
Thị phần ảnh hưởng như thế nào đến sự tồn tại hay tăng trưởng của doanh nghiệp.
Thị phần có thể có tác động hay ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn trưởng thành của chu kỳ kinh doanh, các doanh nghiệp bán các sản phẩm có vòng đời sản phẩm (Product Life Cycle) ngắn hoặc doanh nghiệp kinh doanh trong những ngành có tốc độ tăng trưởng chậm (hay thậm chí là không tăng).
Trong các ngành kinh doanh có tính chu kỳ, hoặc ngành nhạy cảm cao với chu kỳ kinh doanh tổng thể, thị phần thường có tác động mạnh nhất và có thể có tác động tiêu cực đáng kể đối với các doanh nghiệp không chiếm được thị phần lớn.
Trong các ngành tăng trưởng mạnh, hoặc các ngành có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các ngành khác, thị phần có ít ảnh hưởng hơn vì nó liên tục thay đổi (thời gian dài hơn và doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn).
Sự thay đổi của thị phần theo đó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ suất lợi nhuận, thu nhập và doanh số bán hàng hay thậm chí là quyết định việc một doanh nghiệp nào đó có thể “tiếp tục ở lại” trên thị trường nữa hay không.
Trong các ngành có tính chu kỳ hay “winner takes all” (người chiến thắng sẽ lấy hết), các doanh nghiệp có thể sẵn sàng “đốt tiền” để chiếm thị phần bằng mọi giá, buộc các đối thủ cạnh tranh còn lại phải từ bỏ cuộc chơi hoặc chuyển sang một thị trường khác.
Theo quan sát của MarketingTrips tại thị trường Việt Nam, việc Grab khiến Uber rời khỏi thị trường hay cuộc đua giữa các sàn thương mại điện tử (eCommerce Platforms) như Shopee, Tiki và Lazada (Adayroi thuộc Vingroup đã từ dã cuộc chơi từ sớm) là những ví dụ điển hình nhất cho điều này.
Trong hầu hết các trường hợp, doanh nghiệp nào có doanh số và lợi nhuận càng cao thì doanh nghiệp đó càng có nhiều thị phần trong ngành của mình.
Các chiến lược chính mà thương hiệu có thể sử dụng để xây dựng thị phần là gì?
Thị phần như bạn thấy, hiển nhiên là quá quan trọng với bất kỳ doanh nghiệp nào, hay doanh nghiệp đó đang kinh doanh ngành hàng gì.
Dưới đây là một số chiến lược mà doanh nghiệp có thể sử dụng để mở rộng thị phần và thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp trên thị trường.
1. Chiến lược định giá bán.
Khi nói đến các chiến lược có thể xây dựng hay thúc đẩy thị phần cho doanh nghiệp, bán giá thấp sẽ là chiến lược nên được nhắc tới đầu tiên.
Nằm trong tổng thể các chiến lược định giá trong marketing và kinh doanh, chiến lược bán giá thấp hướng đến mục tiêu bán được nhiều hàng hơn cho nhiều khách hàng có nhu cầu mua hàng giá thấp (hoặc khách hàng nhạy cảm về giá).
Để có thể xem toàn bộ các chiến lược định giá, bạn có thể xem thêm tại: chiến lược giá là gì
Khi thực hiện chiến lược này, điều quan trọng bạn cần lưu ý là, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thành công khi bán giá thấp, tuỳ thuộc vào đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp là gì mà bạn nên chọn các chiến lược giá bán phù hợp.
2. Chiến lược cải tiến và đổi mới sản phẩm.
Trong bối cảnh kinh doanh ngày nay, khi hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng không ngừng thay đổi, việc nghiên cứu và cải tiến sản phẩm (R&D) ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Các doanh nghiệp hay thương hiệu càng nỗ lực đổi mới sản phẩm và cải tiến về công nghệ thì càng có được thị phần tốt hơn trên thị trường.
Từ việc iPhone vươn lên trên thị trường điện thoại thông minh, sự ra đi của đế chế Nokia, sự trỗi dậy của TikTok đến việc các nền tảng mạng xã hội lớn khác dù có hàng tỷ người dùng vẫn không ngừng cập nhật và thay đổi. Mọi thứ đã quá rõ ràng.
Trong tương lai, khi thế giới dần chuyển sang nền kinh tế trải nghiệm (experience economy), metaverse và hơn thế nữa, “đổi mới hay là chết” sẽ vẫn là chìa khoá.
3. Làm hài lòng và tập trung vào trải nghiệm của khách hàng.
Một trong những cách tốt nhất để gia tăng thị phần của doanh nghiệp là không ngừng nỗ lực dựa trên các mối quan hệ hiện có với khách hàng.
Bằng cách làm hài lòng khách hàng hiện tại thông qua các trải nghiệm đặc biệt, bạn có thể truyền cảm hứng cho lòng trung thành của họ tới thương hiệu (Brand Loyalty).
Một khi khách hàng trung thành nhiều hơn và có những điểm chạm tốt hơn với thương hiệu, họ có nhiều khả năng mua hàng lặp lại hơn, điều này cuối cùng sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp có nhiều doanh thu hơn, và thị phần dần tăng lên.
4. Thúc đẩy độ nhận diện thương hiệu (Brand Awareness).
Nhận thức về thương hiệu và Marketing đóng một vai trò rất lớn trong việc gia tăng lượng khách hàng tiềm năng và chiếm thị phần.
Điều quan trọng bạn cần làm khi bắt đầu là cần phải cho phần lớn các khách hàng mục tiêu ngoài kia biết bạn là ai và bạn đang có những cái gì.
Trở thành một cái tên thông dụng và thương hiệu được ưa thích trong ngành là động lực vô cùng lớn để giúp bạn xây dựng thị phần.
Như bạn thấy, thương hiệu có thị phần cao nhất hiếm khi là thương hiệu ít phổ biến nhất.
Một số ví dụ về thị phần của các thương hiệu.
- Thị phần của Nike.
Nike là một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành công nghiệp may mặc và giày dép thể thao, với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau.
Riêng với thị trường giày dép, thị phần toàn cầu của Nike ước tính là 29,25%. Nike là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong ngành của Adidas và Under Armour.
- Thị phần của Tesla.
Tesla là một phần của ngành công nghiệp ô tô và hãng xe này chỉ tập trung sản xuất xe điện (EV). Trong ngành công nghiệp xe điện, Tesla chiếm 18% thị phần.
- Thị phần của gã khổng lồ tìm kiếm Google.
Google hiện chiếm hơn 91,86% thị phần tìm kiếm toàn cầu và là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới tính đến 2022.
FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh chủ đề thị phần.
- Thị phần trong tiếng Anh có nghĩa là gì?
Trong tiếng Anh, thị phần có nghĩa là Market Share hoặc Share of Market.
- Mục tiêu của các doanh nghiệp hay thương hiệu khi muốn mở rộng thị phần là gì?
Đơn giản là các doanh nghiệp này muốn hướng tới doanh số bán hàng, lợi nhuận, khả năng ở lại lâu hơn trên thị trường và sự phát triển bền vững.
- Bảo vệ thị phần là gì?
Là khái niệm đề cập đến các hoạt động của doanh nghiệp được đưa ra với mục tiêu duy trì thị phần của họ trên thị trường. Như đã phân tích trong bài, duy trì ở đây mang ý nghĩa là tương đối so với bình diện toàn dung lượng của thị trường.
- Thị phần kết hợp là gì?
Nhằm hướng tới mục tiêu chính là chiếm lĩnh lợi thế trên thị trường, gia tăng rào cản cho các doanh nghiệp mới gia nhập ngành, hạn chế sự cạnh tranh mới hay thậm chí là đạt được mục tiêu độc quyền nhóm, một số các doanh nghiệp đã quyết định kết hợp thị phần với nhau, thị phần khi này chính là tổng thị phần của các doanh nghiệp tham gia kết hợp.
- Mở rộng thị phần là gì?
Là chiến lược mà mọi doanh nghiệp đều hướng tới, bành trướng thị phần của mình trên thị trường với mục tiêu là bán hàng được nhiều hơn.
- Dung lượng thị trường (Market size) là gì?
Là khái niệm đề cập đến giá trị tính bằng tiền của một thị trường (Market, Marketplace) cụ thể nào đó, ví dụ, theo số liệu nghiên cứu từ McKinsey, vũ trụ ảo Metaverse sẽ có giá trị khoảng 5000 tỷ USD vào năm 2030, tức 8 năm sau kể từ thời điểm bài viết này được đăng.
- Thị phần thương hiệu là gì?
Thị phần thương hiệu hay thị phần của thương hiệu là doanh số bán hàng của một thương hiệu nào đó trong tổng doanh số của một danh mục sản phẩm cụ thể.
Ví dụ trong danh mục giày thể thao Nam tại thị trường Việt Nam, doanh số của thương hiệu giày A nào đó là 1 tỷ và tổng toàn thị trường (của danh mục giày thể thao Nam) là 10 tỷ, Brand Share của A khi này là 1/10 = 10%.
- Mục tiêu thị phần là gì?
Là con số thị phần mà doanh nghiệp muốn có được, ví dụ là 5%.
- Phần trăm thị phần là gì?
Như đã phân tích ở trên, khái niệm thị phần vốn được tính bằng công thức phần trăm, tức tính tương quan giữa một thương hiệu nào đó so với toàn bộ các đối thủ trên thị trường.
Phần trăm thị phần theo đó là số lượng thị phần tính theo phần trăm ví dụ 1/10 sẽ là 10% thị phần chẳng hạn.
Kết luận.
Trên đây là toàn bộ các kiến thức nền tảng cần biết về khái niệm thị phần. Dù với tư cách là một Marketer, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp hay người làm kinh doanh, việc tìm kiếm các cơ hội để xây dựng và phát triển thị phần là mục tiêu hàng đầu.
Bằng cách hiểu rõ thị phần là gì, các lý thuyết xoay quanh thuật ngữ thị phần, cũng như các chiến lược có thể thực thi để mở rộng thị phần và thúc đẩy tăng trưởng, bạn giờ đây có nhiều cách hơn để hiện thực hoá mục tiêu của mình.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nam Nguyen | MarketingTrips
Nguồn: MarketingTrips