Tips Deal Lương: Đừng chỉ dùng mỗi chiêu “nói điêu”
“Nói điêu” về mức lương cũ là một cách để bạn nâng giá trị bản thân và dễ dàng hơn trong việc thương lượng mức lương mới. Nhưng một câu hỏi đặt ra là: Liệu việc “nói điêu” trong lúc deal lương có thực sự mang đến cho bạn một tương lai tốt đẹp như mong muốn hay không?
Có mức lương mới tăng hơn gấp 2,3 lần mức lương cũ là điều mà hầu hết chúng ta mong chờ khi nhảy việc. Và để đạt được điều đó, trong lúc deal lương chúng ta phải chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bản thân có giá trị, xứng đáng với một mức lương cao.
Bên cạnh đó, nếu biết mức lương cũ của chúng ta không được cao, hoàn toàn có khả năng nhà tuyển dụng sẽ “ép giá” và đề xuất mức lương thậm chí còn thấp hơn dự tính ban đầu của họ. Chính vì thế mà hầu hết chúng ta khi gặp phải câu hỏi:
Mức lương cũ của bạn bao nhiêu? hoặc Bạn mong muốn mức lương như thế nào?
Chúng ta đều sẽ trả lời bằng câu: Vì mức lương cũ của em hiện tại XXX rồi, nên em mong chờ một mức lương cao hơn mức đó. Và thế là, nhà tuyển dụng sẽ phải cân nhắc và đưa ra một mức lương cao hơn mức bạn đưa ra nếu muốn mời bạn làm việc. Như vậy, việc “nói điêu” một xíu về mức lương không làm hại mà còn giúp bạn nắm giữ một phần lợi thế trước nhà tuyển dụng.
Nhưng liệu điều này có thực sự đúng như những gì chúng ta đã nghĩ không? Việc nói quá về mức lương cũ có mang đến rủi ro nào không?
Chiêu trò cũ liệu có còn tác dụng ở hiện tại?
Việc “nói điêu” về mức lương cũ vốn không hề hiếm thấy. Và quả thật, nó cũng hiệu quả đến không ngờ khi giúp nhiều bạn thành công trong việc deal lương mới cao gấp 2,3 lần mức cũ.
Nhưng rủi ro của hành động “nói điêu” này cũng không phải là không có. Trong buổi livestream với chủ đề: Tìm việc và Đàm phán lương trong thời kì Covid – 19 do VietnamWorks thực hiện vừa qua, anh Tăng Gia Hải Lam – Managing Director của Buzzmetrics đã chia sẻ về vấn đề này như sau:
“Chúng tôi có cả ngàn cách để biết ứng viên có nói dối về mức lương hay không. Vì tất các công ty đều kết nối với nhau. Người làm nhân sự ở Sài Gòn hay Việt Nam, không có nhiều, cùng lắm là vài ngàn người thôi.
Và chúng tôi có cộng đồng nhân sự, các giám đốc, trưởng phòng,…để chia sẻ thông tin với nhau. Và dù không công khai mức lương cụ thể của các bạn vì thỏa thuận bảo mật nhưng chúng tôi hoàn toàn có ước chừng một cách chính xác mức lương của các bạn nhờ vào “range lương” trung bình trên thị trường.”
Quan điểm này được anh Nguyễn Thành Hưng – HR Deputy Manager tại Acecook Việt Nam và chị Phạm Thị Hoài Linh – HR Director tại Navigos Group Việt Nam tán thành. Vì với người làm nhân sự lâu năm, hầu hết đều có kết nối với nhau và nếu cần, họ luôn sẵn sàng chia sẻ thông tin.
Việc “nói điêu” về mức lương cũ có thể đẩy bạn vào tình thế nguy hiểm, chỉ cần một chút sơ sẩy nhỏ trong lời nói lúc deal lương cũng có thể biến bạn trở thành thành “ứng viên nói dối” trong mắt nhà tuyển dụng.
Nhưng vấn đề chưa dừng lại ở việc bạn là “ứng viên nói dối”, sự nghiệp của bạn hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng lâu dài bởi lựa chọn “nói điêu” về lương. Theo anh Nguyễn Thành Hưng – HR Deputy Manager tại Tập đoàn Acecook Việt Nam đã chia sẻ sau khi được hỏi về vấn đề này:
“Quan điểm của Hưng khi đàm phán lương là không nói dối. Vì người không trung thực sẽ được sử dụng nhưng trọng dụng thì không. Có thể, tôi sẽ sử dụng bạn để làm những điều có lợi cho công ty trong thời điểm đó. Nhưng về con đường lâu về dài và những cái vị trí chủ chốt, thì sẽ không dành cho người đã từng nói dối.”
Điều đó có nghĩa là, dù ở thời điểm hiện tại bạn có thể nhận được lời mời làm việc với mức lương đúng như mong muốn, nhưng con đường sự nghiệp lâu dài của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Vì chắc chắn, không một nhà lãnh đạo nào lại có thể đặt hết niềm tin vào một người đã từng nói dối vì lợi ích cá nhân. Nên hãy thật cân nhắc nếu muốn “nói điêu” về vấn đề lương cũ của bản thân trong lúc deal lương nhé!
Hãy bắt đầu bằng chữ thu nhập thay vì mức lương!
Vậy nhưng, nếu không “nói điêu” thì bạn có thể thành công khi đàm phán lương và giúp sự nghiệp mình có một cú bật hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Nhưng Theo anh Tăng Gia Hải Lam chia sẻ:
“Hãy nói về tổng thu nhập thay vì mức lương mà bạn nhận được hàng tháng. Mức lương là số tiền chuyển vào tài khoản của bạn nhưng tổng thu nhập là tất cả những gì mà bạn thực nhận từ công ty hàng tháng.
Đó là hoa hồng, thưởng, thu nhập tháng 13, cơ hội đi đào tạo ở nước ngoài, chính sách bảo hiểm cao cấp,… Điều này sẽ giúp các bạn cân nhắc rõ hơn đâu là nơi phù hợp với mình, có thể nhà tuyển dụng sẽ không có các phúc lợi tốt chỉ có mức lương thì bạn cũng nên cân nhắc xem nên lựa chọn như thế nào.”
Việc chia sẻ tổng thu nhập cũng là tiền đề để bạn chia sẻ đến nhà tuyển dụng mong muốn của mình về thu nhập và chính sách phúc lợi để từ đó đôi bên có cái nhìn rõ ràng hơn về mong muốn của nhau để đi đến quyết định phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, trong quá trình deal lương bạn cũng không nhất thiết phải chia sẻ về mức lương cũ của bản thân nếu cảm thấy không thoải mái.
Theo anh Nguyễn Thành Hưng chia sẻ, bạn có thể từ chối chia sẻ mức lương với nhà tuyển dụng một cách thẳng thắn vì mức lương là một vấn đề riêng tư mà không ai có thể yêu cầu bạn chia sẻ.
Ngoài ra, anh Thành Hưng còn nhấn mạnh việc các bạn trẻ nên tìm hiểu về mức lương trên thị trường cho vị trí, ngành nghề mà mình ứng tuyển để có thể tự tin đề xuất mức lương phù hợp với năng lực của bản thân thay vì đợi chờ từ phía nhà tuyển dụng. Vì hơn ai hết, bạn phải là người nắm giữ quyết định bạn của hiện tại đáng giá bao nhiêu, chứ không phải ở mức lương cũ hay từ phía nhà tuyển dụng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Theo Hà Anh | MarketingTrips via HR Insider