Tại sao Content hay Nội dung là nền tảng để phát triển thương hiệu
Dù với tư cách là người làm marketing hay chủ doanh nghiệp, bạn cũng cần biết rằng xây dựng nội dung cho thương hiệu không còn là lựa chọn mà là chiến lược bắt buộc nếu muốn duy trì khả năng tương tác và bán hàng.
Trong bối cảnh kinh doanh ngày nay, khi người tiêu dùng có nhiều quyền lựa chọn hơn về các thương hiệu mà họ muốn mua hàng, các nền tảng họ muốn được tương tác, hay thậm chí là các loại nội dung phù hợp với cá nhân của họ, thứ mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng giờ đây không chỉ là sản phẩm mà còn là những giá trị và cảm xúc được xây dựng trước, trong và sau khi mua hàng.
Nội dung hay Content vừa đóng vai trò là “chất liệu” chính trong các điểm chạm của thương hiệu với khách hàng, vừa là nguồn gốc xây dựng nên thứ gọi là giá trị cảm nhận hay nhận thức của khách hàng về thương hiệu (các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp).
Một khi bạn đã có thể nhận ra vai trò này, nhiệm vụ của bạn bây giờ là bắt đầu xây dựng, phân phối và tối ưu các chiến lược nội dung của mình.
Trước khi bắt đầu, bạn cần tìm hiểu cơ bản về khái niệm của nội dung (content).
Content hay nội dung là gì?
Theo từ điển Cambridge, thuật ngữ Content có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau như là Sự hài lòng (một thuật ngữ mô tả cảm xúc hay trạng thái hài lòng, thoải mái, hạnh phúc) hay Hàm lượng của một chất cụ thể có trong một thứ gì đó.
Tuy nhiên, trong bài viết này, tức ở phạm vi ngành marketing, Content sẽ được phân tích dưới góc nhìn truyền thông nói chung và nó có nghĩa là Nội dung.
Thuật ngữ Nội dung đề cập đến tất cả những gì có thể được nhìn thấy hay nghe bằng các giác quan thông thường của con người. Nội dung theo đó có thể ở dạng văn bản, âm thanh, video, hoặc các định dạng kết hợp sử dụng các dạng nói trên.
Content trong Marketing được hiểu là các nội dung được xây dựng với mục tiêu làm marketing, tức là hướng trực tiếp đến khả năng tương tác (engagement) và bán hàng cho khách hàng.
Cách xây dựng, phân phối và tối ưu nội dung với mục tiêu phát triển thương hiệu.
1. Có mặt ở bất cứ nơi đâu có sự xuất hiện của khách hàng mục tiêu.
Ngày nay, thuật ngữ bán hàng đa kênh (Omni Channel) chắc chẳn không còn là khái niệm mới với những người làm kinh doanh nói chung.
Dù cho doanh nghiệp của bạn kinh doanh sản phẩm gì hay đối tượng khách hàng mục tiêu ra sao, ưu tiên của bạn vẫn nên là xây dựng một chiến lược tiếp cận toàn diện, xuất hiện, cung cấp các nội dung hữu ích và chủ động tương tác với khách hàng ở bất cứ nơi đâu.
Để có thể đảm bảo rằng bạn đang ở nơi khách hàng của mình đang ở và cung cấp những nội dung liên quan và có giá trị, các nghiên cứu cơ bản về chân dung khách hàng cũng như am hiểu về nền tảng là hết sức cần thiết.
Hãy suy nghĩ xem khách hàng thực sự của bạn là ai, điều gì sẽ khiến họ muốn truy cập vào website của bạn hay đơn giản là tương tác lại trực tiếp với các nội dung của thương hiệu.
2. Tìm kiếm các khán giả đích thực của thương hiệu.
Trước khi bạn đi sâu hơn vào quá trình sáng tạo nội dung, hãy phân tích và cân nhắc thật kỹ về các đối tượng được xem là có liên quan nhất đến thương hiệu.
Từ những khách hàng tiềm năng (người có khả năng mua các sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu) đến những người có ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của khách hàng đều được xem là đối tượng mục tiêu của thương hiệu.
Tuỳ vào việc bạn đang muốn tiếp cận ai, người mua hàng, người sử dụng hay những người có ảnh hưởng, bạn hiển nhiên là sẽ cần sản xuất các loại nội dung khác nhau.
Ở khía cạnh tổng thể, bạn cũng cần coi các nội dung của bạn là lời khuyên hữu ích hay thông tin có giá trị hơn chỉ là quảng cáo và bán hàng đơn thuần.
3. Khám phá các giải pháp nội dung mới.
Nếu bạn đã có thể hiểu thực sự nội dung là gì trong marketing, bạn có thể hình dung rằng, bạn có vô số cách tiếp cận khác nhau tới khách hàng của mình. Từ Video Marketing, Influencer Marketing, Content Storytelling đến User-generated Content, tất cả đều cần được thử nghiệm một cách có chủ đích trước khi xác định chính xác đâu là con đường mà thương hiệu nên đi.
4. Phân tích và lặp lại.
Là một marketer, thử nghiệm phân tích là chìa khoá cho mọi chiến lược đúng đắn.
Một khi các nội dung bắt đầu được phân phối và thương hiệu cũng nhận được các tương tác hay phản hồi từ đối tượng mục tiêu, đây là lúc bạn cần từng bước thử nghiệm (Thử nghiệm A/B) và phân tích có chủ đích (framework) với mục tiêu đưa các định hướng (Contet Direction) mới phù hợp hơn.
Bạn có thể sử dụng các công cụ đơn giản như Google Analytics 4, các công cụ được cung cấp trực tiếp trên nền tảng (ví dụ Instagram Insights trên Instagram), hay các công cụ lắng nghe mạng xã hội (Social Listening) để hiểu rõ hơn về hiệu suất hay sức ảnh hưởng có được từ các nội dung đã phân phối.
Ở khía cạnh đo lường, bạn cũng nên tập trung vào các chỉ số thực sự có giá trị, thay vì chỉ đơn giản là đo lường phạm vi tiếp cận (Reach), Lượt thích (Like) hay lượng người truy cập vào website (website traffic), bạn có thể tính toán đến các chỉ số nhiều giá trị khác như lượt chuyển đổi (Conversion), khách hàng tiềm năng hay doanh số bán hàng.
Những nội dung có giá trị nhất là những nội dung được sản xuất để phục vụ các nhu cầu cụ thể.
Cuối cùng, một trong những thành phần quan trọng nhất của một chiến lược nội dung tốt là tính hữu ích mà nó mang lại cho đối tượng mục tiêu. Khách hàng của bạn rõ ràng là không muốn đọc những nội dung của bạn vì họ muốn được quảng cáo. Họ đến với bạn vì họ tin rằng nội dung của bạn có thể mang lại điều gì đó cho họ, dù là trong công việc hay cuộc sống cá nhân.
Hãy nghĩ xem điều gì khiến bạn nhớ đến một mẫu nội dung nào đó hoặc điều gì khiến bạn muốn chia sẻ nội dung đó với bạn bè hoặc đồng nghiệp của mình, miễn là nó có giá trị với đối tượng mục tiêu, nó luôn có cơ hội để nhận được các phản hồi tích cực.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips