Những bài học đầu tư đáng nhớ của huyền thoại Charlie Munger
Charlie Munger đã tạo dựng sự nghiệp thành công từ trước khi gặp Warren Buffett và trở thành Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway. Sau hàng chục năm trên thương trường, ông đã để lại cho các nhà đầu tư nhiều câu nói hay, đáng suy ngẫm.
Tỷ phú Charlie Munger, người khổng lồ trong thế giới đầu tư, đã qua đời ở tuổi 99. Munger không chỉ là cánh tay phải của Warren Buffett tại Berkshire Hathaway, bản thân ông cũng là một nhà đầu tư tài giỏi, đạt được nhiều thành công trong hàng thập kỷ qua.
Munger là người có công giúp Buffett hoàn thiện phong cách đầu tư. Ông đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra mức lợi nhuận 3.787.464% cho các cổ đông của Berkshire từ năm 1964 đến cuối năm 2022.
Sự nghiệp đầu tư
Munger xuất thân là một luật sư. Ông theo đuổi toán học khi còn là sinh viên và sau đó theo học tại Trường Luật Harvard. Munger còn từng có thời gian phục vụ trong quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ hai.
Ông đồng sáng lập một công ty luật chuyên về bất động sản nhưng cuối cùng Munger quyết định dồn sự tập trung vào lĩnh vực quản lý đầu tư.
Munger nổi tiếng nhất với vai trò Phó Chủ tịch Berkshire, nhưng sự nghiệp đầu tư của ông còn nhiều phần ấn tượng hơn. Trên thực tế, phải đến năm 1978 – khi Munger đã 54 tuổi – ông mới đảm nhận trọng trách tại Berkshire, tờ The Motley Fool cho biết.
Từ năm 1962 đến 1975, Munger điều hành công ty đầu tư hợp danh có tên Wheeler, Munger & Co. Công ty có thành tích đáng nể, tạo ra tỷ suất sinh lời chuẩn hóa hàng năm 19,8% (trước phí). Trong khoảng thời gian này, tỷ suất sinh lời của chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones chỉ là 5%.
Một điều thú vị là con số của Wheeler, Munger & Co. gần bằng với tỷ suất lợi nhuận kép dài hạn mà Berkshire tạo ra trong kỷ nguyên của Warren Buffett.
Charlie Munger gặp Warren Buffet vào năm 1959 thông qua sự giới thiệu của một người bạn chung. Trong những năm qua, Munger có lẽ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến phong cách đầu tư của Buffett, trừ người thầy của ông là Benjamin Graham.
Câu “một doanh nghiệp tuyệt vời có mức giá hợp lý sẽ vượt trội hơn một doanh nghiệp hợp lý có mức giá tuyệt vời” thường được cho là của Buffett, nhưng thực ra chính Munger mới là người đã đưa ra nhận xét đó.
Những câu nói đáng suy ngẫm
“Một người phải có cá tính thì mới có thể ngồi trên một đống tiền và không làm gì. Tôi không tiến lên đỉnh cao bằng cách theo đuổi những cơ hội tầm thường”.
Berkshire Hathaway kết thúc quý III năm nay với lượng tiền mặt kỷ lục hơn 157 tỷ USD. Lý do khối tiền mặt tăng cao đến vậy là cả Munger lẫn Buffett đều sẵn lòng chờ đợi cho đến khi cơ hội đáng chú ý xuất hiện.
Nhiều người sẽ không thể chịu đựng được khi để nhiều tiền đến vậy ngoài thị trường trong lúc chờ cơ hội, nhưng Munger coi đây là lợi thế lớn của Berkshire so với những nhà đầu tư khác.
“Bạn không cần trở nên xuất sắc mà chỉ cần khôn ngoan hơn những người khác một chút trong khoảng thời gian rất, rất dài”.
Munger không cố gắng làm điều không tưởng. Ông không mua cổ phiếu rẻ nhất hay doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất với hy vọng sẽ tạo ra thành công vượt bậc. Ông hoàn toàn hài lòng với việc trở thành một nhà đầu tư trên trung bình trong thời gian dài.
Tại công ty hợp danh của Munger và tại Berkshire, tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm của các nhà đầu tư vào khoảng 20% – cao hơn thị trường, nhưng không giúp họ nhân đôi hay nhân ba số vốn.
Theo Munger thì đó là tất cả những gì nhà đầu tư cần làm, miễn là họ có thể duy trì thành tích cao hơn mặt bằng chung trong dài hạn. Con số 20% trong một năm nghe không quá ấn tượng, nhưng hãy lưu ý rằng khoản đầu tư 1.000 USD vào Berkshire trong năm 1964 sẽ đáng giá 38 triệu USD ngày hôm nay.
“Chúng tôi chia các cơ hội đầu tư thành ba nhóm: có, không và quá khó hiểu”.
Munger không phải người hâm mộ chiến lược đầu tư đa dạng hóa, một phần là bởi ông không bao giờ để tiền vào những doanh nghiệp ông không hiểu. Munger và Bufffett đã bỏ lỡ rất nhiều khoản đầu tư tuyệt vời trong 60 năm qua vì nguyên tắc này, nhưng họ cũng tránh được nhiều khoản lỗ.
“Lợi nhuận lớn không nằm ở việc mua hay bán mà đến từ sự chờ đợi”.
Một trong những bài học quan trọng nhất của Munger là 99% công việc của một nhà đầu tư vĩ đại là không làm gì. Mục tiêu của Munger là đặt tiền vào những công ty vĩ đại và để nó nằm yên miễn là những doanh nghiệp đó vẫn vĩ đại – ngay cả khi điều đó có nghĩa là ông không thực hiện bất kỳ động thái nào khác đối với danh mục.
“Nhiều người chỉ số IQ cao là những nhà đầu tư tệ hại vì họ có tính khí thất thường”.
Những người thông minh cũng thường xuyên để mất tiền trên thị trường chứng khoán bởi họ không kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân. Ai cũng biết rằng mục tiêu quan trọng của việc đầu tư là mua thấp và bán cao, nhưng trên thực tế rất nhiều người làm điều ngược lại. Khi cổ phiếu tăng đến mức không bền vững và tâm lý phấn khích bùng nổ thì họ đổ tiền vào. Còn khi thị trường lao dốc, họ hoảng sợ và bán tháo.
“Cả hai chúng tôi dành rất nhiều thời gian mỗi ngày chỉ để ngồi và suy nghĩ. Đó là điều rất khác thường trong giới kinh doanh Mỹ”.
Các nhà đầu tư thường rất ngạc nhiên khi biết rằng Munger và Buffett dành phần lớn thời gian trong ngày làm việc để ngồi trong văn phòng và đọc, chứ không phải họp hành, kiểm tra giá cổ phiếu, phân tích báo cáo tài chính hoặc những việc mà các nhà quản lý đầu tư khác thường làm. Munger tin rằng tích lũy kiến thức là cách tốt nhất để đạt được lợi thế cạnh tranh trong đầu tư và cuộc sống.
“Khi tôi còn học ở Trường Luật Harvard, chúng ta hiếm khi giao dịch một triệu cổ phiếu mỗi ngày còn bây giờ chúng ta giao dịch hàng tỷ cổ phiếu. Chúng ta không cần một thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao như vậy”.
Munger có cái nhìn tiêu cực đối sự bùng nổ của việc mua bán cổ phiếu quá thường xuyên, đặc biệt là đối với các ứng dụng miễn phí giao dịch như Robinhood. Ông thấy rằng điều này đánh vào bản năng cờ bạc của công chúng và trái ngược với cách đầu tư đúng đắn: dài hạn, mua và nắm giữ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh