Uber lần đầu báo lãi sau 14 năm khởi nghiệp
Uber lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận hàng năm vào ngày 7 tháng 2. Đây được coi là cột mốc quan trọng đối với công ty cung cấp dịch vụ gọi xe và đồ ăn nhanh có trụ sở tại San Francisco, vốn nổi tiếng “chảy máu” tiền mặt trong quá trình tăng trưởng bằng mọi giá. Uber, thay vì chìm trong thua lỗ, gần đây còn gia nhập rổ chỉ số S&P 500 và thậm chí, vào ngày 14 tháng 2, hội đồng quản trị đã thông qua kế hoạch hoàn trả 7 tỷ USD cho các cổ đông.
Nói cách khác, “đứa trẻ” điển hình cho sự gián đoạn ở Thung lũng Silicon dường như đã trưởng thành. Dưới đây là hành trình gập ghềnh Uber đã trải qua để có được lợi nhuận.
Uber Technologies được thành lập vào năm 2009, nổi lên trong thời kỳ lãi suất thấp giúp vốn đầu tư mạo hiểm được luân chuyển tự do. Dưới phong cách lãnh đạo có phần thô bạo của đồng sáng lập và Giám đốc điều hành lúc bấy giờ là Travis Kalanick, công ty chi rất nhiều tiền lôi kéo tài xế và khách hàng tham gia ứng dụng dịch vụ ô tô theo yêu cầu. Điều này giúp dịch vụ cho thuê xe trở nên dễ tiếp cận hơn, đi kèm với tính năng mới tiện lợi và riêng tư chỉ trong vài phút.
Emil Michael, giám đốc kinh doanh vào thời điểm đó cho biết, để tạo ra đủ doanh số, công ty đã đảm bảo cho tài xế 500 USD với 10 chuyến đi đầu tiên, đồng thời tặng 20 USD đi xe miễn phí cho những khách hàng sẵn sàng giới thiệu bạn bè tham gia.
“Nó tiêu tốn rất nhiều tiền”, ông nói. “Chúng tôi đã cố gắng giành thị phần và tạo thói quen rằng khách hàng có thể bắt xe trong vòng 10 phút hoặc ít hơn ở bất kỳ thành phố nào”.
Theo Bloomberg, Uber đã chơi trò ‘mèo vờn chuột’ với phía quản lý thành phố, đồng thời né tránh các quy định tại địa phương để đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định vị thế. Đến năm 2016, 7 năm sau khi thành lập, công ty được định giá 69 tỷ USD với 45 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Để so sánh, Lyft, đối thủ của Uber, chỉ có 6,6 triệu người dùng sau 4 năm thành lập.
Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi, Uber còn kinh doanh xe tự lái và thâm nhập thị trường chia sẻ xe đạp và xe tay ga. Đến năm 2018, công ty lỗ tổng cộng 7,87 tỷ USD.
Sau một thời gian, Uber bị một loạt phương tiện truyền thông đưa tin về văn hóa làm việc độc hại, hành vi của CEO Kalanick cũng như các cuộc điều tra pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty. Năm 2017, ông Kalanick bị sa thải. Cựu Giám đốc điều hành Dara Khosrowshahi của Expedia Group đã được chiêu mộ để đại tu Uber.
Phong cách lãnh đạo của Dara Khosrowshahi khác xa Kalanick. Ông chủ trương “Tiến về phía trước”, một phần trong chiến dịch toàn cầu trị giá 500 triệu USD nhằm xây dựng lại hình ảnh công ty. Quyết định đưa Nelson Chai làm giám đốc tài chính vào năm 2018 cũng đánh dấu sự thay đổi của Uber theo hướng kỷ luật hơn về chi phí.
Sau khi Chai và Giám đốc Glen Le xây dựng thành công các quy trình cần thiết để vận hành một công ty đại chúng cơ bản, Uber đã có thể huy động 8,1 tỷ USD khi lần đầu tiên ra mắt Sở giao dịch chứng khoán New York vào năm 2019.
Các nhà đầu tư lúc này vẫn hoài nghi về khả năng tăng trưởng của công ty và ngành công nghiệp gọi xe rộng lớn hơn. Cổ phiếu giảm 7,6% trong ngày giao dịch đầu tiên, qua đó biến Uber trở thành một trong những đợt chào bán cổ phiếu tồi tệ nhất nước Mỹ trong bối cảnh thị trường đại chúng hỗn loạn.
Covid-19 là cột mốc quan trọng đối với Uber. Chai cho biết, công ty buộc phải đánh giá lại các ưu tiên đầu tư của mình sau khi hoạt động kinh doanh cốt lõi bị ảnh hưởng. Công ty cũng bán bớt mảng kinh doanh xe đạp và xe tay ga thua lỗ, đồng thời giải tán bộ phận xe tự hành. 20% lực lượng lao động bị sa thải. Uber cũng rời khỏi một số thị trường nước ngoài.
Nhằm tận dụng các đợt phong toả trong đại dịch Covid-19, Uber đầu tư rất nhiều vào hoạt động kinh doanh giao hàng thực phẩm và tạp hóa. Công ty cũng mua lại ứng dụng giao đồ ăn Postmate, công ty giao rượu Drizly và công ty giao hàng tạp hóa Mỹ Latinh Cornershop. Thương vụ đồng nghĩa với việc Uber tiếp tục lỗ lũy kế trước khi có lãi.
Đến năm 2022, bất chấp việc Uber đã lỗ hơn 30 tỷ USD, giới đầu tư vẫn bị thu hút bởi những lợi ích tiềm năng từ quy mô công ty. Uber sau đó cố gắng thu hút nhiều người dùng và tài xế hơn bao giờ hết, đồng thời bắt đầu cắt giảm chi tiêu để lôi kéo người dùng mới.
Trong tương lai, Uber và một số các công ty khác có thể sẽ phải tiếp tục đối mặt với sự giám sát pháp lý chặt chẽ. Nhiều ý kiến vẫn nghi ngờ mô hình định giá không rõ ràng của Uber.
Theo phân tích dữ liệu dựa trên 500.000 tài xế Uber của ứng dụng Gridwise, thu nhập hàng tháng của các tài xế và người chuyển phát Uber vào năm 2023 giảm 17% so với một năm trước đó. Một số nhà phân tích cho rằng Uber đã bắt đầu kiếm được lợi nhuận nhờ cắt giảm các khoản thanh toán cho tài xế.
Ở những thị trường mà các quy định lao động có hiệu lực, Uber và một số công ty cùng ngành hầu hết đều đã chuyển chi phí sang cho khách hàng. Sau khi New York quy định tiêu chuẩn trả lương tối thiểu cho tài xế giao hàng, Uber còn tính thêm phí chuyển phát nhanh 2 USD cho tất cả các đơn đặt. Hãng cũng giới thiệu một hệ thống lập kế hoạch giúp hạn chế số lượng tài xế có thể giao hàng tại thời điểm nhất định để kiểm soát chi phí.
“Với sự nghiêm ngặt về chi phí và cách tiếp cận phân bổ vốn cân bằng, chúng tôi đã có vị thế tốt để duy trì lợi nhuận”, Giám đốc điều hành Dara Khosrowshahi cho biết trong bài phát biểu. “Kỳ vọng sẽ ngày càng cao hơn”.
Theo: Bloomberg, WSJ
Special Offer từ MarketingTrips:
- Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
- Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
- Đăng ký (dành cho Agency): Sign up
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer