Skip to main content

Do đâu Huawei đang mờ nhạt dần trên thị trường

15 Tháng Ba, 2021

Hàng loạt cửa hàng bán lẻ sản phẩm Huawei tại Trung Quốc đang dần đóng cửa vì nguồn cung khan hiếm, bắt nguồn từ những lệnh trừng phạt của Mỹ.

Một cửa hàng Huawei rộng 158 mét vuông được dựng lên ở vị trí đắc địa tại trung tâm thương mại Donlim Emperor Court ở thành phố Phật Sơn, miền nam Trung Quốc.

Logo Huawei khổng lồ trên tường cho thấy tầm quan trọng của thương hiệu này, đến mức công ty quản lý trung tâm thương mại đã đưa nó vào tài liệu quảng cáo để thu hút khách.

Advertisement

Tuy nhiên, cửa hàng này gần đây gần như bị bỏ trống, chỉ còn một cây thông Giáng sinh nhỏ cùng vài món đồ nội thất bên trong. Cửa bị khóa kín. Nó đã ngừng hoạt động ngay trước Tết Nguyên đán 2021, chỉ 8 tháng sau khi khai trương.

Việc đóng cửa nhanh chóng là dấu hiệu cho thấy hàng loạt vấn đề đang xảy ra với Huawei – hãng sản xuất smartphone hàng đầu của Trung Quốc, khi năng lực sản xuất của họ bị suy giảm nghiêm trọng vì những lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ.

Trong đó, Huawei không thể tiếp cận phần cứng, phần mềm và dịch vụ có nguồn gốc từ Mỹ.

Hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc dự báo sản lượng smartphone trong năm nay sẽ giảm 60% so với năm 2020. Đây là đòn đánh nặng nề vào các nhà phân phối bán lẻ sản phẩm của Huawei.

Advertisement

Eddie Chen, quản lý cho thuê mặt bằng tại Donlim Emperor Court, cho biết Huawei thừa nhận là nguồn cung thiết bị đã cạn kiệt. Công ty từng vận hành 30 cửa hàng trong giai đoạn cao điểm, nhưng đã phải đóng cửa ít nhất 9 trong số này.

Vấn đề này không chỉ diễn ra ở Phật Sơn. Thông tin nguồn cung cho sản phẩm Huawei cạn dần đang được ghi nhận khắp Trung Quốc những tháng gần đây. Các nhà bán lẻ cũng đang chuyển dần sang những thương hiệu khác, như Oppo, Vivo và Realme.

Huawei không bình luận về thông tin trên.

Các cửa hàng bán thiết bị Huawei từng “mọc lên như nấm”

Thương hiệu này được các nhà bán lẻ nội địa ưa chuộng một phần bởi sản phẩm của họ mang lại lợi nhuận cao hơn các hãng smartphone Trung Quốc khác.

Advertisement

Một chiếc điện thoại Huawei có thể bán với giá cao hơn 154 USD so với chi phí đầu vào, gấp ba lần những thương hiệu khác, Tony Zhang, một chủ cửa hàng điện thoại ở Phật Sơn, cho hay.

Nhu cầu mua điện thoại Huawei cũng từng tăng vọt nhờ tinh thần dân tộc trong bối cảnh căng thẳng Trung – Mỹ leo thang. Với nhiều người Trung Quốc, Huawei được coi là biểu tượng của niềm tự hào quốc gia.

Hồi mùa hè năm ngoái, Huawei từng vượt mặt Samsung để trở thành hãng bán smartphone hàng đầu thế giới, trong đó doanh số tại Trung Quốc giúp bù đắp suy giảm trên toàn cầu.

Huawei hồi tháng 10/2020 từng thông báo số lượng “cửa hàng bán lẻ trải nghiệm” tại Trung Quốc đã vượt 10.000, đồng thời đây cũng là thương hiệu smartphone bán chạy nhất ở Trung Quốc trong quý IV cùng năm, theo công ty nghiên cứu Canalys.

Advertisement

Người khổng lồ công nghệ Trung Quốc bắt đầu đối mặt các lệnh cấm vận của Mỹ từ năm 2019, nhưng ban đầu vẫn đủ sức sản xuất smartphone bằng linh kiện bán dẫn tích trữ được mua từ các nhà cung cấp Mỹ và thúc đẩy hợp đồng với TSMC.

Nhưng biện pháp trừng phạt tăng cường hồi năm ngoái đã ngăn các nhà sản xuất chip bán sản phẩm dùng công nghệ Mỹ cho Huawei khi chưa có sự đồng ý từ Washington. Động thái này gần như đã cắt đứt Huawei khỏi chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Mở cửa hàng bán lẻ Huawei vào năm 2020 là tính toán sai lầm của nhà đầu tư

Huawei được dự báo chỉ sản xuất được 70 đến 80 triệu điện thoại trong năm nay, thấp hơn nhiều so với con số 189 triệu chiếc hồi năm ngoái. Họ có thể chỉ xuất xưởng được 20% so với năm 2020, theo chuyên gia phân tích Ethan Qi tại tổ chức Counterpoint Research.

“Phần lớn cửa hàng bán lẻ đã cạn kho. Huawei đã đánh giá các nhà phân phối dựa trên thành tích bán hàng của họ từ tháng 9/2020.

Advertisement

Ngay cả những cửa hàng lớn giờ đây cũng phải vật lộn để duy trì nguồn cung, trong khi các doanh nghiệp nhỏ không có cơ hội bổ sung kho hàng”, Qi nói.

Ít nhất 5 cửa hàng tại chợ điện tử Huaqiangbei ở Thâm Quyến không có điện thoại Mate X2 ra mắt tháng trước. Một hãng bán lẻ giấu tên cho biết nhiều khách hàng đang tìm kiếm những mẫu smartphone cao cấp của Huawei, như Mate X2, bởi chúng quá khan hiếm.

“Ít người mua loại điện thoại màn gấp này để dùng, phần lớn đều coi đó là món quà để tặng. Giá bán đã tăng từ gần 2.800 USD lên hơn 3.600 USD”, đại diện hãng này cho hay.

Ngay cả những sản phẩm tầm trung, như Mate 40 Pro cũng đang dần hết hàng. “Chúng tôi chỉ còn một hoặc hai chiếc Mate 40 Pro màu vàng”, chủ một cửa hàng bán lẻ tiết lộ.

Advertisement

Nhiều cửa hàng phân phối sản phẩm Huawei đã không thể tồn tại.

Một chủ cửa hàng họ Đặng đã ghi lại hành trình dài 9 tháng từ khi khai trương đến lúc đóng cửa hàng Huawei ở tỉnh Tứ Xuyên.

Đặng hồi tháng trước còn đăng video thu hút hơn 400.000 lượt xem, nay cho biết cửa hàng đã phá sản, dù anh “đổ hết tâm huyết” vào nó.

Sự tuyệt vọng hiện tại hoàn toàn trái ngược với tâm lý lạc quan khi Đặng mở cửa hàng hồi tháng 5/2020, khi anh hy vọng về cuộc sống và công việc kinh doanh mới.

Advertisement

Nguồn cung thiết bị cho cửa hàng của Đặng bắt đầu xuống dốc từ tháng 9/2020. Có những gian đoạn, anh không nhận được lô hàng nào trong hơn 10 ngày.

Đặng dần chán nản với cách Huawei quản lý nguồn hàng, cho rằng không có cách nào để biết khi nào cửa hàng có thể nhận điện thoại mới.

Đặng bị lỗ hơn 15.000 USD trước khi chấm dứt kinh doanh.

Nguồn dự trữ chip Kirin 9000 được dùng cho mẫu P40 có thể vẫn đủ cho dòng P50 và Mate 50 sắp ra mắt, trong khi dây chuyền sản xuất phần lớn điện thoại tầm trung và giá rẻ đã chấm dứt.

Advertisement

Sự khan hiếm đã tạo ra “chợ đen” cho sản phẩm Huawei

Ben Xu – một cư dân thành phố Quảng Châu – từng hứa tặng điện thoại Huawei cho nhân viên hồi năm ngoái, cho biết ông phải trả thêm 76 USD cho mỗi sản phẩm. “Không có cách nào để mua điện thoại Huawei qua kênh thông thường”, Xu nói.

Điện thoại Huawei vẫn có sự ủng hộ từ những người hâm mộ nhiệt thành, trong đó, mẫu Mate X2 bán hết chỉ trong một phút kể từ khi mở bán trên mạng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cảnh báo Huawei có thể sớm mất lợi thế trước những thương hiệu cạnh tranh.

“Oppo và Vivo đã có chiến lược bán lẻ ngoại tuyến rất mạnh. Họ có thể là những bên hưởng lợi nhiều nhất từ cảnh ngộ hiện tại của Huawei. Realme cũng cho thấy đà tiến rất mạnh và có thể trở thành cái tên quan trọng trên thị trường”, Qi đánh giá.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Advertisement

Hà Anh | MarketingTrips

Theo VnExpress

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement