Mục tiêu đứng thứ 2 chuỗi F&B Việt Nam của Phúc Long bây giờ ra sao
Thị trường chuỗi đồ uống (F&B) tại Việt Nam chứng kiến sự bám đuổi quyết liệt của ba cái tên lớn gồm Phúc Long được Masan Group hậu thuẫn, The Coffee House dưới trướng của Seedcom và Highlands Coffee được tập đoàn Philippines Jollibee mua lại từ năm 2011.
Trong những năm qua, thị trường này còn có nhiều cái tên khác đến và đi, cả doanh nghiệp nội lẫn ông lớn ngoại. Đến nay, Highlands Coffee đang là chuỗi đồ uống lớn nhất tại Việt Nam, xét theo quy mô. Vị trí này được duy trì trong suốt nhiều năm liền.
Khảo sát của người viết cho thấy hồi đầu tháng 2 năm nay, Highlands Coffee có 597 cửa hàng thì đến cuối tháng 7, con số này đã tăng lên 674 cửa hàng. Tức trong 6 tháng qua, Highlands Coffee mở mới 77 cửa hàng, trung bình mỗi tháng có thêm 12 cửa hàng mới.
Con số này tốt hơn cả Phúc Long – vốn được coi là “ngựa ô” trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi đồ uống. Kể từ khi về tay Masan Group, giai đoạn 2021 – 2022, trung bình mỗi năm Phúc Long mở thêm 26 cửa hàng mới (không tính các điểm bán kiosk).
Trong cùng khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, Phúc Long mở mới được 15 cửa hàng, đưa tổng số cửa hàng chuỗi sở hữu lên 147. Trong khi đối thủ The Coffee House giảm 7 điểm bán, đang có 150 cửa hàng.
Cuối năm ngoái, ban lãnh đạo Masan đặt mục tiêu đưa Phúc Long trở thành chuỗi đồ uống có số lượng cửa hàng lớn thứ hai tại Việt Nam, chậm nhất vào quý II/2023. Như vậy với con số trên có thể thấy mục tiêu của Masan chưa thực hiện được.
Chúng tôi đã liên hệ với phía Phúc Long để bình luận về mục tiêu này, nhưng chưa nhận được câu trả lời ngay lập tức.
Thực tế, báo cáo tài chính mới đây của Masan thừa nhận nửa đầu năm nay việc mở cửa hàng mới chậm hơn trong bối cảnh ngành F&B gặp khó khăn đã khiến doanh thu Phúc Long giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 783 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Phúc Long vẫn đang bám đuổi rất sít sao hai đối thủ đầu bảng về biên lãi gộp. Năm 2019, biên lãi gộp của Phúc Long rơi quanh mức 35%, trong khi Highlands Coffee và The Coffee House lần lượt đạt 68% và 70%.
Đến thời điểm hiện tại, kết thúc quý II, con số này ở Phúc Long đang là 64,4% – tốt nhất trong số các mảng kinh doanh của Masan.
Cuối năm 2022, Masan cho biết trên cơ sở hiệu quả tính theo đơn vị cửa hàng, ước tính các cửa hàng flagship của Phúc Long mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi so với doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA của cửa hàng là trên 35%, cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới.
Tương tự dựa vào kết quả kinh doanh năm 2022, báo cáo của Q&me cũng ghi nhận doanh thu hàng ngày trên mỗi cửa hàng của Phúc Long đang cao gấp đối so với đối thủ Highlands Coffee. Năm ngoái, doanh thu mỗi tháng trên từng cửa hàng của Highlands Coffee đạt 516,89 triệu đồng và con số này ở Phúc Long là 986,79 triệu đồng.
Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, 147 cửa hàng flagship đã mang về cho Phúc Long 581 tỷ đồng, chiếm 74% tổng doanh thu. Tức trung bình, mỗi cửa hàng Phúc Long đạt 659 triệu đồng/tháng, giảm so với năm ngoái do khó khăn chung của ngành F&B như đã nói ở trên.
Để tiếp tục bám đuổi đường đua, ban lãnh đạo Phúc Long cho biết từ giờ tới cuối năm, Phúc Long sẽ mở thêm 25 cửa hàng mới, đồng thời cải thiện doanh thu trên mỗi cửa hàng tiệm cận mức của nửa cuối năm ngoái.
Ngoài ra, Phúc Long sẽ tiếp tục triển khai mô hình Hubs & Spokes, và cải thiện doanh số B2B. Hubs & Spokes được định nghĩa là mô hình chuyển khách hàng online từ cửa hàng flagship sang kiosk xung quanh đó vào giờ cao điểm. Động thái này giúp các cửa hàng flagship phục vụ khách hàng tại cửa hàng tốt hơn.
Hồi đầu năm nay, trong giai đoạn thử nghiệm mô hình Hubs & Spokes cho thấy doanh thu hàng ngày của các kiosk đã tăng lên 2,8 lần. Đến quý II, mô hình này đã giúp nâng doanh thu trung bình ngày của các kiosk Phúc Long lên 40% so với trước khi chuyển đổi mô hình trong nửa đầu năm.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo Đức Huy