Skip to main content

FPT Retail gia nhập thị trường viễn thông có giá trị ước tính là 6.3 tỷ USD vào năm 2022

11 Tháng Một, 2024

FPT Retail thông báo từ 11/1, mạng di động ảo FPT – MVNO chính thức ra mắt trên phạm vi toàn quốc với đầu số 0775.

Mạng di động ảo của FPT Retail hướng tới đối tượng khách hàng là người dùng trẻ, hiện đại gắn với slogan “Turn “On” Amazing Life – Tận hưởng từng khoảnh khắc”.

FPT Retail cho biết muốn khai thác hiệu quả tập khách hàng hiện có và xây dựng được tập khách hàng trung thành, từ đó tạo nên nguồn doanh thu bền vững.

Công ty kỳ vọng sẽ kết hợp được lợi thế của các đơn vị trong cùng tập đoàn để có được hiệu quả cộng hưởng như phát triển nhóm khách hàng doanh nghiệp (giải pháp viễn thông dành cho doanh nghiệp), khách hàng hộ gia đình (kết hợp internet – truyền hình), khách hàng sử dụng các dịch vụ IoT, M2M.

“Chúng tôi sẽ tích hợp các dịch vụ, tiện ích, nội dung trong hệ sinh thái FPT và các đối tác để khách hàng sử dụng thuận lợi các dịch vụ và khai thác hiệu quả các gói cước đã lựa chọn.

Phát huy thế mạnh công nghệ từ tập đoàn, dịch vụ di động FPT cũng sẽ được ứng dụng những công nghệ như Cloud computing, Chat BOT, AI…”, ông Hoàng Trung Kiên, Tổng Giám đốc FPT Retail cho biết.

Doanh nghiệp nhận định giữa bối cảnh thị trường bán lẻ đầy khó khăn và biến động, việc triển khai mạng di động ảo là động thái linh hoạt giúp FPT Retail tận dụng và phát huy tối đa các lợi thế sẵn có để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Sở hữu chuỗi hơn 800 cửa hàng FPT Shop trên toàn quốc, mỗi năm, FPT Retail bán ra trên 1,5 triệu smartphone cũng như thiết bị IoT các loại và là đại lý cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn.

“Do đó, việc triển khai dịch vụ viễn thông sẽ là một kênh duy trì kết nối giữa FPT Retail và khách hàng, từ đó tăng tỷ lệ khách hàng quay lại. Điều này cũng giúp hỗ trợ hiệu quả trong chuỗi giá trị của toàn hệ thống”, phía doanh nghiệp nhấn mạnh.

FPT Retail kỳ vọng dịch vụ viễn thông do đơn vị triển khai sẽ là một mảnh ghép giúp hoàn thiện hệ sinh thái số của tập đoàn FPT, hướng tới ứng dụng các công nghệ mới như 5G, IoT,…

Hiện tại Việt Nam có 4 nhà mạng di động ảo đang hoạt động, gồm iTel (đầu số 087) và Wintel (đầu số 055), Local (đầu số 089) hợp tác cùng Vinaphone và MobiFone, gần đây là VNSKY (đầu số 0777).

Việc thuê lại một phần hạ tầng của các công ty viễn thông sẽ giúp đơn vị khai thác mạng di động ảo giảm đáng kể rào cản khi bước vào thị trường vì không phải bỏ ra hàng nghìn tỷ để xây dựng cơ sở vật chất.

Hồi tháng 7 năm ngoái, ông Nguyễn Văn Dũng, CEO VNSKY đánh giá dù thị trường mạng di động đã có nhiều ông lớn song vẫn còn nhiều dư địa để trở thành một phần của ngành viễn thông trong mảng dịch vụ số đi kèm dữ liệu.

Số liệu nghiên cứu của VNSKY cho thấy thị trường viễn thông tại Việt Nam có giá trị ước tính là 6,3 tỷ USD vào năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng kép (CARG) 4,4% giữa các năm 2022 và 2027. Hiện nay, trong bối cảnh bùng nổ của tiện ích số cũng như siêu ứng dụng, nhu cầu sử dụng Internet nói chung và dữ liệu di động (mobile data) của người dân ngày càng tăng cao.

Theo Global Data, nhu cầu sử dụng mobile data đang có xu hướng phát triển nhanh với tỷ lệ tăng trưởng 11,2% mỗi năm (giai đoạn 2021-2026). Cả nước có hơn 125 triệu thuê bao (tính đến hết năm 2022), với hơn 100 triệu smartphone, đồng nghĩa rằng trung bình mỗi người sở hữu trên một SIM. Tuy nhiên, mới chỉ có 65% số người dùng đang sử dụng dữ liệu di động.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Tài sản của ông chủ Meta tăng hơn 84 tỷ USD năm 2024

3 Tháng Một, 2025
Năm 2024 là một năm bận rộn của Mark Zuckerberg. Vị CEO của Meta (Facebook) này đã phân bổ hàng t…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …