Skip to main content

Một số sai lầm khi xây dựng thương hiệu cá nhân

20 Tháng Năm, 2022

“Không có lối tắt đến thành công”. Đó là khẳng định của triệu phú tự thân Gerard Adams khi nói về việc xây dựng thương hiệu cá nhân.

sai lầm khi xây dựng thương hiệu cá nhân
Một số sai lầm khi xây dựng thương hiệu cá nhân

Trải nghiệm của chính mình là cơ sở để Gerard Adams đưa ra kết luận trên. Trở thành triệu phú tự thân vào năm 24 tuổi khi công ty marketing của anh kiếm được 10 triệu USD doanh thu, Adams là một doanh nhân, nhà đầu tư thiên thần với cổ phần tại 9 công ty khác nhau. Và, dưới đây là những chia sẻ của Adams về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu cá nhân, cùng 4 sai lầm bạn không bao giờ nên “vướng” phải:

Tôi thậm chí còn không mảy may nghĩ đến việc đầu tư cho “nhân hiệu” của mình lúc mới bắt đầu sự nghiệp. Khi đó, tất cả thời gian lẫn sức lực của tôi đều đổ vào xây dựng EliteD Daily.com cùng các cộng sự, rồi sau đó bán nó lại cho Daily Mail với giá 50 triệu USD.

Tôi đã là một doanh nhân từ trước khi “từ khóa” này trở thành xu hướng trên mạng Internet, trước cả khi tôi quyết định dấn thân vào thế giới mạng xã hội.

Điều này khá quan trọng, đặc biệt khi nhiều người muốn xây dựng cho bản thân một thương hiệu cá nhân thành công trong khi chưa tạo ra hoặc làm được bất cứ điều gì có ý nghĩa với cộng đồng; mà thay vào đó, họ chỉ muốn sự chú ý.

Trên thực tế, một số công ty đã thành công xây dựng thương hiệu thông qua các kênh trực tuyến, bằng cách đăng những câu nói hay video truyền cảm hứng.

Nhưng, đó là khi truyền thông mạng xã hội mới xuất hiện; còn giờ, mọi chuyện đã khác. Trên một không gian mạng với hàng ngàn thương hiệu khác nhau cùng truyền đi một thông điệp, bằng cùng một phương pháp, bạn phải làm thế nào để nổi bật?

Cách duy nhất để xây dựng được một cộng đồng trung thành với thương hiệu của bạn là cho các “khán giả” biết tại sao họ nên theo dõi bạn.

Bạn phải xác định bản thân cần gì để có thể trở thành một người dẫn dắt suy nghĩ của đám đông trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Điều này sẽ giúp định hướng cho những nội dung mà bạn dự định truyền đạt trong tương lai, với mục đích là thu hút nhiều sự chú ý hơn đến doanh nghiệp của bạn, hoặc truyền cảm hứng cho người khác bằng câu chuyện của bạn.

Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quá khứ, cách bạn đạt được thành quả hôm nay, hoặc dẫn các “khán giả” vào hành trình xây dựng một điều gì đó mới mẻ.

Tôi từng nghĩ chẳng ai quan tâm đến câu chuyện của tôi hoặc những gì tôi nói. Nhưng tôi đã lầm. Những bài học cuộc sống và kinh doanh tôi chia sẻ thực sự đã tác động không ít đến cuộc sống của nhiều người.

Để xây dựng thương hiệu cá nhân, bạn có thể kể câu chuyện của mình bằng nhiều cách, nhưng cần đặc biệt lưu ý tránh những điều sau:

1. Không biết bản thân muốn gì.

Trên mạng xã hội, người ta theo dõi ai đó hoặc nội dung nào đó là bởi nó có liên quan đến họ. Nếu không biết mục tiêu của bản thân, bạn cũng không thể xác định “tệp khán giả” của mình. Sở hữu tầm nhìn rõ ràng về những gì muốn đạt được chính là chìa khoá để xây dựng các mối quan hệ có giá trị, đồng thời tạo cơ hội cho người khác cộng tác với bạn.

Dưới đây là vài câu hỏi sẽ giúp bạn xác định mục tiêu một cách rõ ràng:

  • Tôi muốn thương hiệu của mình được biết đến là gì?
  • Thông điệp thương hiệu của tôi là gì?
  • Những bài học và kinh nghiệm nào tôi có thể chia sẻ với người khác?
  • Tại sao việc tạo ra tác động với cộng đồng lại quan trọng với tôi? 

Bạn nên dành thời gian viết ra câu trả lời cho từng câu hỏi, bởi chúng sẽ giúp bạn hiểu hơn về bản thân và xác định mục tiêu rõ ràng cho thương hiệu.

Tin buồn là, nếu bạn đang cố gắng xây dựng thương hiệu bản thân chỉ để trở nên giàu có và nổi tiếng, bạn sẽ phải chờ rất lâu mới thành công.

2. Không mang lại giá trị nào cho cộng đồng.

Điều quan trọng tiếp theo trong xây dựng thương hiệu cá nhân thành công là đảm bảo nội dung bạn chia sẻ có giá trị thật sự và có thể giải thích được.

Đâu là điểm khác nhau giữa sự nổi tiếng và sự ồn ào nhất thời? Đó là giá trị mà bạn mang đến cho cộng đồng. Nếu các “khán giả” cảm thấy họ là một nhân vật trong câu chuyện hay tình huống bạn đưa ra, bạn sẽ thành công.

Do đó, nội dung của bạn phải hướng đến sự thoải mái, tạo cảm xúc nhất định và giúp người khác vượt qua một vấn đề hoặc nỗi sợ mà tất cả chúng ta thường phải đối mặt.

Hãy tự hỏi bản thân điều này:

  • Tôi đang giúp mọi người vượt qua vấn đề hay nỗi sợ nào? 
  • Tôi muốn mọi người cảm thấy như thế nào sau khi xem nội dung của tôi? 
  • Kinh nghiệm trong quá khứ của tôi có thể giúp đỡ người khác như thế nào? 
  • Tôi muốn mọi người học được điều gì? 

Có hàng triệu thương hiệu khác nhau, và thứ phân biệt bạn với các thương hiệu khác chính là sự độc đáo của bạn.

Hãy kể một câu chuyện thật và thành tâm chia sẻ về những gì bạn đã làm để có ngày hôm nay, gồm cả những mất mát, thất bại và cả những điểm khác biệt so với những gì mọi người thường thấy.

Điều này sẽ giúp người xem cảm thấy họ không đơn độc trong vấn đề của mình. Khi mọi người thấy mình trong câu chuyện của bạn, niềm tin sẽ hình thành.

Không có niềm tin thì không có thương hiệu!

3. Không biết mình là ai.

Cần biết rằng, việc mang đến một hình ảnh giả tạo về con người bạn sẽ gây tác hại khôn lường. Ngày nay, không khó để người khác nhận ra sự giả dối, nhất là trên môi trường trực tuyến.

Bạn có thể thu hút sự chú ý bằng cách đăng những mẩu chuyện độc, lạ, song chúng chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn, và rồi bạn sẽ mất hết khán giả khi họ nhận ra sự thật. Người khác muốn biết đến bạn là chính bạn, có hay có dở, có quá trình tự hoàn thiện, chứ không phải qua những điều bạn thể hiện.

Để hiểu mình đang là ai và muốn trở thành ai, cách tốt nhất là học cách tự nhận thức. Đồng thời, việc chia sẻ con đường tự nhận thức bản thân sẽ giúp sự kết nối lẫn ảnh hưởng giữa bạn với các khán giả của mình thêm phần sâu sắc; điều này cũng giúp truyền cảm hứng cho những người khác tự nhận thức về bản thân họ.

Cần lưu ý rằng, câu chuyện cá nhân của bạn phải càng dễ hiểu càng tốt, bởi đây là lý do để khán giả tiếp tục theo dõi bạn.

Và, trả lời những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bản thân, cũng như giúp định hình các đặc điểm gắn liền với thương hiệu cá nhân của bạn:

  • Tôi muốn được gia đình, bạn bè và cộng đồng nhớ đến như thế nào? 
  • Nếu tôi có thể đạt được hoặc trở thành bất cứ điều gì trong cuộc đời này, nó sẽ là gì? 
  • Sai lầm lớn nhất hoặc những câu chuyện dễ bị tổn thương mà tôi chưa chia sẻ là gì? 

4. Không gắn thương hiệu cá nhân với thương hiệu doanh nghiệp.

Bạn hoàn toàn có thể tận dụng thương hiệu cá nhân để thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn.

Bên cạnh đó, một “nhân hiệu” tốt cũng ít nhiều tác động đến cuộc sống của bạn, giúp bạn trở thành người dẫn đầu trong một lĩnh vực, cũng như hỗ trợ tạo ra nguồn thu nhập và kinh doanh bền vững.

Không gắn thương hiệu cá nhân với thương hiệu doanh nghiệp đồng nghĩa với việc bạn đang lãng phí tiền, thời gian, lẫn công sức của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | Theo DNSG

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …