Một vài xu hướng thương hiệu nổi bật trong 2022 (Phần cuối)
Nếu bạn đang tìm cách tối ưu hoá chiến lược thương hiệu của mình trong 2022, một số xu hướng nổi bật dưới đây rất đáng để bạn tham khảo.
3. Các hoạt động củng cố thương hiệu và bán hàng nên song hành với nhau.
Tiếp thị thương hiệu (brand marketing) và tiếp thị hiệu suất (performance marketing) sẽ cần được cân bằng vào năm 2022 nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững hơn.
Số liệu từ Kantar cho thấy rằng tiếp thị hiệu suất sẽ chứng kiến mức độ cạnh tranh cao hơn vào 2022, điều này có nghĩa là ngân sách tiếp thị của doanh nghiệp sẽ có xu hướng tăng cao hơn nữa nhằm mục tiêu gia tăng mức độ tương tác trên các nền tảng khác nhau.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có không ít các thương hiệu đã và đang chọn cách tập trung nhiều hơn vào các chiến dịch xây dựng thương hiệu của họ.
Airbnb là một ví dụ điển hình cho điều này, bằng cách cắt giảm chi tiêu tiếp thị hiệu suất và đầu tư nhiều hơn vào các chiến dịch thương hiệu, lưu lượng truy cập của thương hiệu đã tăng lên 15% sau chiến dịch.
4. Các Marketers sẽ sớm chứng kiến một tương lai không có cookies – và chiến lược của họ sẽ cần phải thích nghi với điều này.
Mặc dù Google sẽ không loại cookies của bên thứ ba cho đến giữa năm 2023, những người làm marketing cần phải sớm lập kế hoạch để thu thập và sử dụng dữ liệu của bên thứ nhất mà không cần đến sự hỗ trợ của cookies (mã theo dõi).
Việc sớm hình thành tư duy chiến lược thương hiệu không cần cookies có thể giúp bạn hiểu được đâu là nơi bạn sẽ mất nhiều dữ liệu nhất và đâu là nơi bạn cần đầu tư để thu thập nhiều nhất, bên cạnh đó, bạn cũng sẽ hiểu các quảng cáo được cá nhân hóa sẽ bị ảnh hưởng như thế nào với cách tiếp cận mới này.
Trong khi việc thiếu đi dữ liệu có thể khiến cho các chiến dịch của thương hiệu có phần kém liên quan hơn, hãy đảm bảo bạn có các công cụ (thay thế) phù hợp mới.
5. Trải nghiệm của khách hàng là một phần quan trọng trong giá trị thương hiệu.
Vì trải nghiệm của khách hàng với thương hiệu càng gần gũi thì nó càng phản ánh những giá trị mà thương hiệu muốn truyền tải đến họ, các xu hướng tăng cường trải nghiệm khách hàng sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Những trải nghiệm càng thể hiện được mức độ chân thực và yếu tố con người, nó càng có khả năng cao hơn trong việc xây dựng tính liên kết với các nhóm đối tượng mục tiêu. Các nỗ lực marketing của thương hiệu sẽ cần phải phù hợp với chiến lược và giá trị thương hiệu tổng thể.
6. Người tiêu dùng sẽ ngày càng coi trọng trách nhiệm của doanh nghiệp với môi trường – nhưng không hoàn toàn dựa vào nó trước các quyết định mua hàng.
Biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính toàn cầu hiện nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng người tiêu dùng. Người tiêu dùng không ngại đánh giá hoặc thậm chí là chỉ trích các doanh nghiệp dựa trên các tác động của họ với môi trường.
Theo dữ liệu khảo sát xu hướng toàn cầu của Ipsos năm 2021, 63% người được hỏi coi việc các thương hiệu có thể làm giảm được tác động đến môi trường còn quan trọng hơn cả trách nhiệm của họ về các khoản thuế.
Tuy nhiên, trong khi phần lớn người tiêu dùng coi trọng yếu tố môi trường và bền vững, họ lại không hoàn toàn phụ thuộc vào nó trước các quyết định mua hàng.
Điều này có nghĩa là, ngay cả khi doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, các quyết định mua hàng của họ vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố khác như giá cả và sự tiện lợi.
7. Các hoạt động Marketing trong ngành B2B sẽ phải chọn cách tiếp cận theo hướng “always-on”.
Forrester đã dự báo rằng 70% các nhà tiếp thị B2B sẽ bước vào năm 2022 với chiến lược tương tác kỹ thuật số “always-on” (các chiến dịch sẽ được chạy liên tục), trong đó đầu tư vào các nền tảng công nghệ là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, nếu không có đủ các thông tin chi tiết chính xác và phong phú về người mua (consumer insights), Forrester tin rằng sẽ có đến 75% các nỗ lực marketing sẽ không thể đạt được các mục tiêu lợi nhuận (ROI) đặt ra.
8. Yếu tố cảm xúc sẽ đóng vai trò thúc đẩy sự tương tác và lòng trung thành với thương hiệu.
Khi tương tác trực tuyến tiếp tục tăng cao trong những năm gần đây, song song với đó là các áp lực từ đại dịch Covid-19, cảm xúc sẽ là yếu tố then chốt thúc đẩy sự kết nối của người tiêu dùng với thương hiệu.
Cách các đối tượng mục tiêu cảm nhận về thương hiệu qua các điểm tương tác cụ thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc (tích cực hoặc tiêu cực) của họ với thương hiệu.
Bằng cách khám phá cảm xúc của khách hàng và điều chỉnh các hoạt động sao cho phù hợp với họ, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận tốt hơn và sâu hơn.
Bạn cũng cần nhớ rằng, hành trình kỹ thuật số không chỉ là về việc bán hàng – mà còn là về các kết nối và phát triển lòng trung thành của khách hàng sau bán hàng.
9. Tiếp thị người ảnh hưởng (influencer marketing) sẽ chuyển mục tiêu từ mức độ tương tác sang ROI.
Theo nhận định từ Ogilvy, tiếp thị người có ảnh hưởng sẽ chuyển từ các mục tiêu như mức độ tương tác sang tỷ suất lợi nhuận có được trên các nguồn lực đầu tư (ROI) vào năm 2022.
Đối với các nỗ lực định vị thương hiệu, điều này có nghĩa là các marketers cần phải đảm bảo rằng các đại sứ thương hiệu của họ có thể mang lại các khoản lợi nhuận cụ thể (về doanh số bán hàng) thay vì chỉ là các tương tác đơn thuần khác.
10. Tương lai cần bắt đầu từ bây giờ.
Metaverse, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và hơn thế nữa là các công nghệ sẽ phát triển mạnh mẽ vào năm 2022.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến cách các thương hiệu có thể cải thiện cuộc sống của họ thông qua các công nghệ hoặc ứng dụng mới trong tương lai.
Khi Metaverse được dự báo là có khả năng đạt giá trị khoảng 800 tỷ USD vào năm 2024, các thương hiệu cần phải nghiên cứu xem những công nghệ trong tương lai có thể được kết hợp như thế nào để tăng thêm giá trị cộng hưởng và trải nghiệm cho khách hàng.
Mặc dù tương lai được xem là VUCA, việc các thương hiệu sớm nắm bắt và thích ứng nhanh với các xu hướng mới có thể đảm rằng họ có thêm nhiều cơ hội hơn để kết nối và hỗ trợ khách hàng của mình.
Hết phần cuối!
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh