Trung Quốc không phải là thị trường quan trọng nhất của Apple
Trái ngược những thị trường lâu đời như Nhật Bản hay Trung Quốc, doanh số iPhone trong quý I tại Malaysia hay Ấn Độ ghi nhận mức cao nhất lịch sử.
Trong báo cáo tài chính quý I, CEO Tim Cook nhấn mạnh tình hình tích cực của Apple tại nhiều quốc gia. Thị trường Việt Nam, Mexico, Indonesia, Philippines, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE ghi nhận doanh số hàng quý đạt kỷ lục trong giai đoạn gần đây. Doanh số quý I của Táo khuyết tại Malaysia, Brazil và Ấn Độ cũng cao nhất lịch sử.
Sau 2 quý giảm doanh thu liên tiếp, Apple đang nhắm đến các quốc gia mới nổi để nhanh chóng phục hồi.
Theo Bloomberg, việc Ấn Độ được Tim Cook nhắc đến khoảng 20 lần trong phần chia sẻ về kết quả kinh doanh cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của thị trường này.
Tiềm năng phát triển lớn.
Luca Maestri, Giám đốc Tài chính (CFO) của Apple, cho biết yếu tố giúp doanh số iPhone phục hồi đến từ các thị trường mới nổi trên khắp Nam Á, Trung Đông và Mỹ Latin.
Những quốc gia này góp phần đưa doanh số iPhone quý I chạm mốc cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, các thị trường lâu đời như châu Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đều có doanh số sụt giảm.
“Nơi ghi nhận tình hình kinh doanh xuất sắc trong quý này thực sự đến từ các thị trường mới nổi, chúng tôi không thể tự hào hơn về kết quả này”, Cook chia sẻ.
Bất chấp kết quả kinh doanh tích cực trong quý I, một số nhà phân tích lo ngại Apple sẽ hứng chịu mức tăng trưởng chậm trong nhiều năm. Đáp lại, công ty nhấn mạnh thị trường mới nổi vẫn còn dư địa phát triển và mở rộng khách hàng.
“Tại những nơi có thị phần thấp, chúng tôi có xu hướng thu hút khách hàng mới gia nhập hệ sinh thái Apple… Về lâu dài, điều đó đương nhiên cải thiện khả năng kiếm tiền từ dịch vụ”, Maestri cho biết.
Bản thân Cook cũng nhận thấy tầm quan trọng của các thị trường như Ấn Độ. Vào tháng 4, CEO Apple đến thăm cửa hàng chính thức đầu tiên của công ty tại quốc gia này, nhấn mạnh tiềm năng phát triển tương tự Trung Quốc.
Không cần ra mắt iPhone giá rẻ.
Theo CNBC, các nhà đầu tư đã chú ý đến tiềm năng của Ấn Độ sau khi Apple khai trương cửa hàng chính thức đầu tiên.
Thị trường smartphone Ấn Độ bị chi phối bởi các model giá rẻ đến từ Samsung, Oppo hay Xiaomi. Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu tại đất nước này đang phát triển, và người dùng sẵn sàng chi nhiều tiền cho những thiết bị đắt hơn.
“Những gì tôi thấy là tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ ngày càng nhiều, và hy vọng có thể thuyết phục một số người mua iPhone. Hãy xem điều đó diễn ra như thế nào”, CEO Apple chia sẻ.
Nhận xét của Cook về tầng lớp trung lưu cho thấy Apple chờ đợi sự tiếp cận chủ động từ Ấn Độ thay vì ngược lại. Điều đó đồng nghĩa Táo khuyết không cần sản xuất smartphone giá rẻ để thâm nhập thị trường.
Trên thực tế, 2 Apple Store mới mở tại Ấn Độ là những cửa hàng cao cấp với kiến trúc, danh mục sản phẩm tương tự nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, giá bán iPhone 14 Pro ở Ấn Độ, nếu quy đổi sang USD thậm chí cao hơn Mỹ.
Một số nhà phân tích cho rằng Apple nên giảm giá sản phẩm để tăng sức hút và tốc độ tăng trưởng tại các thị trường mới. Đến hiện tại, Táo khuyết không áp dụng cách tiếp cận ấy vì có thể ảnh hưởng đến thương hiệu và tỷ suất lợi nhuận.
Dù vậy, phân phối thiết bị giá rẻ có thể thu hút người dùng đăng ký dịch vụ của Apple. Theo Maestri, thúc đẩy doanh thu dịch vụ là chiến lược quan trọng tại các thị trường mới nổi.
Theo nhà báo Mark Gurman của Bloomberg, Apple nhiều khả năng không ra mắt iPhone giá dưới 300 USD, tuy nhiên hãng có thể duy trì các mẫu iPhone SE đời cũ như một lựa chọn vừa túi tiền.
“Công ty từng có cơ hội ấy khi tung ra iPhone SE thế hệ 3 vào năm ngoái. Khi đó, tôi đề nghị hãng giảm giá phiên bản trước xuống còn 199 USD, nhưng họ không nghe theo.
Apple sẽ có cơ hội khác với iPhone SE thế hệ tiếp theo. Nếu thực sự đảm bảo các thị trường mới nổi là tương lai, có lẽ họ phải làm như vậy”, Gurman viết.
Chiến lược của Apple tại Ấn Độ không chỉ bán phần cứng. Công ty đang trên đường đưa đất nước này trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Những chiếc iPhone 14 đầu tiên đã được Apple sản xuất tại đất nước tỷ dân vào năm ngoái. Piyush Goyal, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, cho biết Táo khuyết đặt mục tiêu sản xuất 25% tổng số iPhone tại quốc gia này.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips