Content Brief là gì? Mẫu Content Briefs trong Marketing
Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu các kiến thức cơ bản về thuật ngữ Content Brief như: Content Brief là gì, tại sao Content Brief lại quan trọng với người làm marketing, ví dụ về cách xây dựng một bản mẫu Content Brief và hơn thế nữa.
Với tư cách là những người làm marketing nói chung, câu nói “Content is King” chưa bao giờ trở nên vô giá trị.
Trong khi việc xây dựng Content hay tạo ra Nội dung về cơ bản là khá dễ dàng, để các nội dung này thực sự có sức ảnh hưởng với khách hàng hay đối tượng mục tiêu, các marketer cần làm nhiều hơn chỉ là việc viết nội dung.
Các bản Tóm tắt nội dung hay còn được gọi trong tiếng Anh là Content Brief chính là câu trả lời cho điều này.
Content Brief là gì?
Content Brief trong tiếng Việt có nghĩa là Tóm tắt nội dung hay Bản tóm tắt nội dung, nó là một tài liệu ngắn cung cấp cho người viết nội dung những hướng dẫn và hiểu biết cơ bản để bắt đầu quá trình xây dựng nội dung. Nội dung có thể là các bài viết trên blog, bài PR, sách trắng hoặc các bài đăng trên mạng xã hội.
Mục tiêu của Content Brief là trình bày những yếu tố quan trọng mà người viết cần đưa vào bài viết hay nội dung của mình. Và đảm bảo rằng mỗi phần nội dung được viết đều hướng tới việc đạt được mục tiêu chung của toàn bộ bài viết.
Content Brief đơn giản là từ ghép từ thuật ngữ Content và Brief.
Content là gì?
Content (Nội dung) ở đây là khái niệm đề cập đến tất cả những gì có thể được nhìn thấy hay nghe bằng các giác quan thông thường của con người.
Mặc dù cụm từ Content được sử dụng khá phổ biến và có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức hay định dạng khác nhau, có không ít các quan điểm nhìn nhận sai lầm về thuật ngữ này.
Trong phạm vi ngành Marketing, Content có thể được hiểu là các nội dung hay thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải tới khách hàng mục tiêu với mục đích cuối cùng là đạt được các yêu cầu do Marketing đã đặt ra.
Để có thể tìm hiểu sâu hơn về khái niệm Content, bạn có thể xem thêm tại content là gì
Brief là gì?
Brief trong tiếng Anh mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau như một cái gì đó ngắn và đơn giản, một bản chỉ dẫn, một lá thư hay một bài viết ngắn.
Trong phạm vi ngành Marketing hay cụ thể hơn là sáng tạo nội dung, Brief được sử dụng với ý nghĩa là một bản “Tóm tắt” về một nội dung, yêu cầu hay chủ đề sự kiện nào đó.
Trong khi tuỳ thuộc vào từng mục tiêu và bối cảnh khác nhau, các bản Content Brief hay Tóm tắt nội dung có thể được trình bày theo những cách khác nhau, dưới đây là một số thông tin thường thấy trong các bản Content Brief tiêu chuẩn.
- Đối tượng mục tiêu. Dù cho bạn đang viết nội dung về chủ đề gì, đó là nội dung quảng cáo, SEO hay PR, nó cũng đều hướng tới những nhóm đối tượng nhất định được gọi là đối tượng mục tiêu. Để có thể tạo ra những nội dung phù hợp với họ, việc hiểu về ít nhất là các thông tin cơ bản như độ tuổi, nghề nghiệp hay sở thích là hết sức cần thiết.
- Mục tiêu cần đạt được: Mục tiêu của các bản Content Brief là gì, là xây dựng độ nhận biết thương hiệu, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, gia tăng thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm (SEO) hay xây dựng lòng trung thành của các khách hàng mục tiêu. Tuỳ thuộc vào từng mục tiêu khác nhau, Content Brief rõ ràng là sẽ được xây dựng theo những cách khác nhau.
- Định dạng lý tưởng của nội dung. Content Brief được tạo ra là để hướng tới việc xây dựng nên các bài viết dài (ví dụ bài PR), các video ngắn, các TVC quảng cáo hay là các bản đồ hoạ thông tin (Infographics) với nhiều tính trực quan.
- Nơi nội dung sẽ được xuất hiện: Nơi các nội dung được xây dựng dựa trên Content Brief hiển thị cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cách xây dựng Content Brief. Một nội dung được hiển thị trên một trang báo sẽ khác với nội dung được hiển thị trên mạng xã hội hay tạp chí.
- Ngoài ra, nếu Content Brief hướng tới mục tiêu xây dựng nên các bài viết SEO và có được thứ hạng cao hơn trên trang kết quả tìm kiếm, Content Brief còn có thể có các nội dung như từ khoá chính và từ khoá phụ, mức độ cạnh tranh của từ khoá hay các phân tích khác về đối thủ.
Content Brief có giống với Creative Brief không?
Mặc dù trong một số trường hợp Content Brief và Creative Brief có thể tương tự nhau, tuy nhiên về bản chất và mục tiêu của chúng là khác nhau.
Các bản Content Brief thường hướng tới việc tạo ra các mẫu nội dung bằng văn bản hay nội dung có thể đọc và xem được.
Ngược lại, Creative Brief lại thiên về yếu tố sáng tạo trực quan (ví dụ cách phối màu), yếu tố bố cục hình ảnh hay các ý tưởng (câu chuyện) cần được truyền tải đằng sau các nội dung được thể hiện.
Tại sao Content Brief lại quan trọng.
Nếu bạn có thể hiểu được khái niệm và các nội dung có trong các bản Content Brief, bạn hẳn là đã hình dung được về tầm quan trọng của nó.
Các bản Content Brief hay Tóm tắt nội dung giữ cho các nội dung được viết hay sản xuất ra tập trung vào đúng mục tiêu tổng thể ban đầu. Đồng thời, nó cũng đảm bảo rằng các nội dung được xây dựng sẽ chứa đựng tất cả các thông tin quan trọng nhất.
Ví dụ, nếu bạn đang xây dựng một bản Content Brief cho nội dung của một trang đích (Landing Page) được sử dụng để tìm kiếm khách hàng tiềm năng, bạn không thể bắt tay ngay vào việc viết nội dung nếu bạn chưa “gạch đầu dòng” những thông tin cần phải có và đủ để đạt được mục tiêu sau khi Landing Page được xuất bản và hiển thị trước mặt khách hàng.
Một bản SEO Content Brief tiêu chuẩn cần có những nội dung chính là gì?
Nói đến Content Brief, SEO Content Brief là một trong những bản Brief được sử dụng phổ biến nhất trong phạm vi ngành Marketing.
Một bản SEO Content Brief thường có các nội dung chính sau đây:
- Một tiêu đề dự kiến (được đề xuất).
- Thông tin cơ bản về đối tượng mục tiêu và trình độ kiến thức hiện tại của họ.
- Danh sách các từ khóa (Keyword) mục tiêu (từ khoá chính) và từ khóa phụ.
- Mục đích hay ý định tìm kiếm (Search Intent) đằng sau từ khóa mục tiêu.
- Số từ được đề xuất.
- Danh sách các liên kết nội bộ (internal links) được đề xuất.
- Danh sách các liên kết bên ngoài (External Links) được đề xuất.
- Và các thông tin khác về phong cách viết bài.
Như đã đề cập ở trên, Content Brief là thuật ngữ rất rộng và do đó, tuỳ thuộc vào từng bối cảnh và mục tiêu cụ thể, nó sẽ được xây dựng theo những cách khác nhau.
Tuy nhiên, có một điểm chung duy nhất giữa hầu hết các bản Content Brief hay Tóm tắt nội dung đó là chúng được xây dựng với mục tiêu giúp cho các sản phẩm cuối cùng là Nội dung trở nên phù hợp hơn với đối tượng mà chúng hướng tới, bao gồm cả việc đạt được các mục tiêu cuối cùng (của thương hiệu).
Đạt được mục tiêu của nội dung một cách dễ dàng hơn với các bản tóm tắt nội dung tức Content Brief.
Content Brief như bạn có thể thấy, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cách các bản nội dung (Content) được tạo ra và cách những nội dung hoàn thành được sứ mệnh của mình trước đối tượng mục tiêu.
Content Brief không phải là những phác thảo đơn thuần thể hiện ý tưởng hay sự sáng tạo của các Content Marketer, ngược lại, nó đòi hỏi rất nhiều về khả năng nghiên cứu, lập kế hoạch, phân tích dữ liệu và hơn thế nữa.
Nếu bạn đang tìm cách tối ưu hoá chất lượng của các sản phẩm nội dung (được tạo ra) thì Content Brief theo đó chính là kim chỉ nam cho hành động.
Ngoài ra, nếu bạn không phải là người trực tiếp xây dựng nội dung, việc tạo ra các bản Content Brief chất lượng cũng đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng người làm nội dung có thể tạo ra những nội dung phù hợp với thương hiệu và đạt được mục tiêu cuối cùng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips
Nguồn: MarketingTrips