Tổng hợp một số công cụ mà mọi Content Marketer đều nên dùng
Nếu bạn đang là một Content Marketer hay có ý định trở thành một Content Marketer trong tương lai, dưới đây là những công cụ bạn không thể bỏ qua.
Theo số liệu từ Statista, hơn 50% doanh số bán hàng trực tuyến được tạo ra thông qua các tìm kiếm tự nhiên và hầu hết các lượt tìm kiếm này đến từ các hoạt động Content Marketing theo định hướng tối ưu SEO.
- SEO là gì? Các lý thuyết về SEO trong Marketing
- Content Marketing là gì? Thấu hiểu Content Marketing
Tuy nhiên, để Content Marketing hay tiếp thị nội dung thực sự có hiệu quả, những người làm marketing nói chung và nhà tiếp thị nội dung (content marketer) nói riêng cần phải làm nhiều thứ hơn chỉ là việc sản xuất và tối ưu nội dung.
Để bạn có thể tăng cường các nỗ lực marketing của mình, dưới đây là một số công cụ đã được MarketingTrips tổng hợp lại, những thứ mà mọi Content Marketer đều nên cần.
1. Hệ thống quản trị nội dung (CMS).
Công cụ đầu tiên mà các Content Marketer nên tiếp cận đó là các nền tảng quản trị nội dung (content management system) hay còn được gọi nhanh là CMS.
Các CMS là giải pháp giúp những nhà tiếp thị nội dung quản lý, xây dựng, phân quyền, chỉnh sửa, xuất bản nội dung hay thậm chí đơn giản là quản lý các đội nhóm cộng tác viên nội dung của doanh nghiệp.
Một CMS tốt là CMS ngoài tính năng chính là quản trị nội dung, chúng cũng cần hỗ trợ khả năng tối ưu SEO chẳng hạn như tối ưu URL, tối ưu tiêu đề hay tối ưu các thẻ SEO.
WordPress hiện là CMS lớn nhất toàn cầu.
2. Hệ thống quản trị mối quan hệ với khách hàng.
Theo LinkedIn, 65% các chuyên gia bán hàng sử dụng CRM. CRM được sử dụng để quản lý các mối quan hệ và tương tác của doanh nghiệp với khách hàng và khách hàng tiềm năng nhằm mục tiêu cuối cùng là bán hàng và xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu (Brand Loyalty).
Một số đơn vị lớn chuyên cung cấp CRM là Salesforce, HubSpot hay Marketo.
Ngoài các tính năng quản trị mối quan hệ với khách hàng, một CRM tốt cũng giúp doanh nghiệp tự động hoá các hoạt động marketing (Marketing Automation) của mình.
Theo một cuộc khảo sát của HubSpot, 61% các nhà lãnh đạo có hiệu suất cao sử dụng CRM để tự động hóa quy trình bán hàng và làm marketing.
3. Một nền tảng tiếp thị qua email (Email Marketing).
Mặc dù email không còn thể hiện được sức mạnh của nó như những năm trước đây do tình trạng không ít các doanh nghiệp lạm dụng chúng (Spam).
Trên thực tế, HubSpot phát hiện ra rằng khoảng 80% các nhà marketer đã chứng kiến một sự gia tăng tương tác nhất định qua email từ năm 2019 đến năm 2020.
Đó là lý do tại sao các nền tảng email marketing như Mailchimp, HubSpot hay Marketo là những công cụ không thể thiếu.
Một nền tảng tiếp thị qua email tốt cũng cần có khả năng tích hợp với CRM hay CDP, từ đó cho phép bạn quản lý thông tin khách hàng và khách hàng tiềm năng một cách đồng bộ và liền mạch hơn.
Theo một số nghiên cứu, 46% email được mở từ các thiết bị di động, điều này có nghĩa là khi thiết kế các nội dung email, “thân thiện với thiết bị di động” nên là ưu tiên hàng đầu.
4. Một hệ thống tự động hóa Marketing (Marketing Automation System/Platforms).
Trong một cuộc khảo sát từ MarketingProfs, 92% các Agency về Marketing cho biết đã đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực và ngân sách hơn vào các hoạt động tự động hóa tiếp thị.
Từ các phần mềm tự động hóa được sử dụng cho các nền tảng truyền thông mạng xã hội, email, trò chuyện với khách hàng, đến chăm sóc và nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng, các doanh nghiệp đều nên ưu tiên sử dụng các công cụ tự động.
Khả năng tích hợp đa kênh là một trong những yêu cầu hàng đầu của các hệ thống này.
5. Các phần mềm hay công cụ quản lý dự án.
Thay vì phải mất rất nhiều thời gian để phân bổ và quản lý công việc giữa các thành viên khác nhau trong đội nhóm, các phần mềm quản lý dự án như Asana, Monday và Trello giúp bạn quản lý toàn bộ quá trình làm việc một cách chi tiết và rõ ràng nhất.
Một hệ thống quản lý dự án tốt sẽ cho phép bạn giao nhiệm vụ cho từng nhân viên khác nhau, theo dõi hiệu suất và đánh giá họ một cách tức thời thông qua các kết quả có được.
6. Phần mềm thiết kế.
Nếu bạn là một marketer, có lẽ bạn không mấy xa lạ với các phần mềm thiết kế như Canva hay Adobe Creative Suite.
Thay vì bạn phải chờ đợi các bản thiết kế từ các nhà thiết kế chuyên nghiệp, với các phần mềm hỗ trợ tự động như ngày nay, bạn có thể nhanh chóng tự thiết cho mình những banner đơn giản mà vẫn không mất đi tính sáng tạo của nó.
Ngoài các phần mềm đơn giản nói trên, bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về Adobe InDesign hoặc Illustrator cho những thiết kế phức tạp hơn.
7. Công cụ phân tích.
Để có thể đo lường được mức độ hiệu quả của tất cả các hoạt động marketing nói chung và hiệu suất của Content Marketing nói riêng, các công cụ phân tích là không thể thiếu.
Tuỳ thuộc vào từng nhu cầu khác nhau, bạn có thể cần đến những công cụ phân tích khác nhau như Google Analytics (Google Analytics 4), Google Tag Manager, và hơn thế nữa.
8. Các nền tảng quản trị nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.
Nền tảng quản trị phương tiện truyền thông mạng xã hội (social media management platform) giúp việc xây dựng và phân phối nội dung trên đa nền tảng một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Khi nói đến các nền tảng này, HubSpot, Hootsuite và Buffer là những cái tên quen thuộc hay phổ biến nhất trên toàn cầu.
Một nền tảng quản lý nội dung trên mạng xã hội tốt cũng sẽ cho phép bạn đánh giá hiệu suất của các bài đăng trên các nền tảng khác nhau, bao gồm cả số lần hiển thị, số lần nhấp chuột hay bình luận (nếu có).
Kết luận.
Như đã phân tích ở trên, trong khi có vô số các công cụ khác nhau mà các Content Marketer cần tham khảo, tuỳ thuộc vào từng mục tiêu của từng doanh nghiệp ở từng giai đoạn mà bạn có thể lựa chọn cho mình những công cụ phù hợp nhất.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen