5 mặt trận chuyển đổi số trọng yếu với các doanh nghiệp tầm trung
Trong khi tăng trưởng về doanh thu trung bình của các doanh nghiệp tầm trung đã tăng lên vào năm 2021, thì 45% doanh nghiệp báo cáo doanh thu tăng trưởng từ 10% trở lên và 34% khác có doanh thu không đổi hoặc giảm sút.
Các doanh nghiệp tầm trung (middle-market business) được hiểu như thế nào.
Theo Investopedia, các doanh nghiệp tầm trung là phân khúc của các doanh nghiệp (Mỹ) có doanh thu trung bình hàng năm khoảng từ 10 triệu đến 1 tỷ USD, mặc dù một số tổ chức khác có thể đặt ra con số cao hơn mức này.
Hiện có khoảng 200.000 doanh nghiệp kiểu này tại Mỹ, hầu hết trong số chúng thuộc sở hữu tư nhân hoặc được tổ chức chặt chẽ, và tổng doanh thu hàng năm của chúng có giá trị khoảng 10.000 tỷ USD.
Các doanh nghiệp tầm trung hiện gánh khoảng 30 triệu việc làm và chiếm khoảng 1/3 trong tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp tư nhân Mỹ là 30.000 tỷ USD.
Theo Wikipedia, cũng có một số đơn vị có thẩm quyền đưa ra các định nghĩa khác nhau về các doanh nghiệp tầm trung hay các doanh nghiệp trong thị trường tầm trung.
Trong khi một số đơn vị xem xét doanh thu do các doanh nghiệp tạo ra để xác định quy mô của doanh nghiệp đó, các nguồn khác coi quy mô về tài sản hoặc số lượng nhân viên là thước đo tốt nhất khi nói đến việc so sánh quy mô.
The National Center for the Middle Market đã theo dõi về hiệu suất của các doanh nghiệp có doanh thu từ 10 triệu đến 1 tỷ USD kể từ năm 2012.
Hơn 2 năm vừa qua, đại dịch đã mang đến những thách thức chưa từng có đối với các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và thị trường, đặc biệt là với những doanh nghiệp tầm trung tại thị trường Mỹ.
The National Center for the Middle Market (NCMM) đã theo dõi hoạt động về hiệu suất và chỉ số tâm lý (sentiment) của các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 10 triệu đến 1 tỷ USD kể từ năm 2012.
Sau khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng không mấy khả quan vào năm 2020, tăng trưởng doanh thu trung bình trong giai đoạn từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 6 Năm 2021 là 8%.
Đó là một tín hiệu hết sức tích cực vì mức tăng trưởng trung bình hàng năm (AAG) kể từ năm 2012 chỉ vào khoảng 6,5%.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, thì nghiên cứu cho thấy sự phục hồi này là không đáng kể: có 45% doanh nghiệp báo cáo doanh thu tăng trưởng từ 10% trở lên, nhưng 34% khác lại có doanh thu không đổi hoặc bị giảm sút.
Các nhà lãnh đạo tại các công ty quy mô vừa (midsize companies) nêu ra hai khía cạnh khó khăn nhất khi điều hành doanh nghiệp của họ trong môi trường hiện tại: 51% cho biết họ đang gặp nhiều thách thức bởi sự gắn bó, năng suất và giao tiếp với nhân viên, và 45% đang gặp các vấn đề với sự tương tác và ủng hộ của khách hàng.
Mức độ nghiêm trọng của những thách thức này là khác nhau tùy theo ngành.
Ví dụ: 60% các công ty chăm sóc sức khỏe cho biết họ gặp khó khăn trong việc gắn kết với nhân viên và 55% công ty xây dựng gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng theo những cách mới và có lợi hơn.
Với những thách thức và sự mất cân bằng trong quá trình phục hồi, làm thế nào các doanh nghiệp có quy mô vừa có thể tiếp tục phát triển?
Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, tập trung vào số hóa doanh nghiệp sẽ là chiến lược hiệu quả giúp giải quyết những thách thức của các doanh nghiệp xung quanh yếu tố tương tác hay gắn bó của khách hàng và nhân viên.
Đại dịch đã làm thay đổi các ưu tiên.
Việc đầu tư vào các công nghệ khác nhau đã được tăng tốc bởi đại dịch, với mục tiêu giải quyết một số thách thức chẳng hạn như an ninh mạng, tương tác với khách hàng hay cả vấn đề về truyền thông.
Tuy nhiên, sự chuyển dịch sang con đường số hóa này không có nghĩa rằng chúng đang phản ánh đúng đắn cách mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang hình dung và cảm thấy như thế nào về tình trạng hiện tại của doanh nghiệp của họ.
Khi nói về tầm quan trọng của việc số hóa doanh nghiệp, trong khi có đến 52% cho rằng nó quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng, chỉ 35% trong số họ tự cho mình là tiên tiến hoặc đang đi trước các đối thủ của họ.
Ngoài ra, chỉ 46% các doanh nghiệp tầm trung cho biết họ đã có một lộ trình kỹ thuật số gắn liền với chiến lược phát triển doanh nghiệp của họ, có nghĩa là số còn lại tức hơn 50% hiện không có các kế hoạch hay chiến lược cụ thể.
Cũng như các thách thức khác, mức độ trưởng thành về khả năng kỹ thuật số (digital maturity) cũng khác nhau theo từng ngành.
Lấy ngành công nghiệp sản xuất làm ví dụ, một trong những ngành lớn nhất ở các doanh nghiệp tầm trung với khoảng 17% tổng số doanh nghiệp.
Gần 50% trong số các doanh nghiệp này nói rằng họ đang lo lắng về việc liệu có thể bắt kịp với các công nghệ phù hợp để cạnh tranh hay không.
Công nghệ thực sự đã chạm đến tất cả các khía cạnh kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong khi hầu hết các mối quan tâm đều đã được nhận ra trong đại dịch – sự bất ổn, khả năng tham gia tương tác với khách hàng và giao tiếp với nhân viên vẫn là một thách thức không hề nhỏ.
Gần 1/3 các doanh nghiệp có quy mô vừa cho biết họ đã chuyển hẳn sang lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số (digital communications) trong nội bộ doanh nghiệp, 24% doanh nghiệp khác dự định cũng sẽ làm tương tự trong tương lai. Ngoài ra, 31% doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp công nghệ lâu dài để tương tác với khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp tầm trung cũng đang bị thách thức bởi những hạn chế về nguồn lực. Khi được hỏi về những trở ngại, hầu hết các doanh nghiệp đều đề cập đến vấn đề chi phí và ngân sách liên quan đến việc thích ứng và triển khai các công nghệ mới.
Xây dựng một khuôn mẫu chuyển đổi số.
Việc đầu tư vào các công cụ và quy trình kỹ thuật số cũng như các khía cạnh khác của doanh nghiệp đã không ngừng phát triển trong những năm vừa qua.
Điều này hoạt động như một cách thức để đạt được các mục tiêu một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, có lợi nhuận và năng suất cao hơn trong tương lai.
Các doanh nghiệp tầm trung có tầm nhìn kỹ thuật số rõ ràng, toàn diện và có chiến lược phát triển trung bình nhanh hơn 75% so với các doanh nghiệp kém hơn.
Gần 2/3 các nhà lãnh đạo cũng nói rằng khoảng trống về kỹ năng kỹ thuật số (digital skills gap) trong lực lượng lao động của họ đang kìm hãm họ trước những mục tiêu mới.
Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp có thể vượt qua được rào cản này?
NCMM đã phát triển một mô hình nhằm mục tiêu giúp hướng dẫn các doanh nghiệp tầm trung trong quá trình chuyển đổi số. Về cơ bản, mô hình xoay quanh 5 yếu tố sau:
- Chúng ta đang bán gì – sản phẩm và dịch vụ chúng ta đang cung cấp.
- Chúng ta sản xuất nó như thế nào – những thứ liên quan đến chuỗi cung ứng, quá trình sản xuất và vận hành.
- Chúng ta bán nó như thế nào – những nội dung liên quan đến trải nghiệm khách hàng (CX), kênh và marketing.
- Nền tảng công nghệ của chúng ta là gì – cơ sở hạ tầng, bảo mật, công nghệ.
- Lực lượng lao động của chúng ta – nhân tài, kỹ năng kỹ thuật số.
Để giải quyết 2 trong số những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp tầm trung, các doanh nghiệp nên tập trung vào cách chúng ta bán nó (tương tác với khách hàng) và lực lượng lao động (tương tác với nhân viên).
Sự tương tác với khách hàng. Các doanh nghiệp tầm trung cho biết trải nghiệm khách hàng, xây dựng tệp khách hàng tiềm năng và các công cụ marketing hiện là 3 ưu tiên kỹ thuật số hàng đầu của họ. Dưới đây là một số phương pháp hay nhất bạn có thể làm để nhanh chóng tiến bộ trong các phạm vi này:
- Đặt tầm quan trọng lớn hơn vào việc tích hợp đa kênh các hoạt động marketing và bán hàng, tìm ra sự kết hợp phù hợp giữa mảng dịch vụ, bán hàng, marketing trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline).
- Phát triển một website với các chức năng có thể kết nối khách hàng với nhân viên và cung cấp những sự hỗ trợ cần thiết.
- Đẩy mạnh khả năng tương tác trực tuyến với khách hàng.
- Sử dụng nhiều công cụ phân tích và trải nghiệm khách hàng kỹ thuật số.
- Sử dụng các công nghệ mới để hỗ trợ lực lượng bán hàng, chẳng hạn như hệ thống CRM và các phương tiện truyền thông mạng xã hội.
- Hướng tới trải nghiệm kỹ thuật số đa kênh (omni-channel), trải nghiệm số toàn diện trên tất cả các nền tảng và kênh.
Sự tương tác hay gắn bó của nhân viên. Tiếp cận, thu hút và giữ chân những nhân tài phù hợp đã là một thách thức lớn ở các doanh nghiệp tầm trung trong nhiều năm.
Các nhà lãnh đạo đặc biệt gặp thách thức khi tìm kiếm những nhân viên tiềm năng với các kỹ năng kỹ thuật số phù hợp. Để giải quyết những vấn đề này, các doanh nghiệp tầm trung nên làm những công việc sau:
- Hãy nỗ lực đầu tư vào những người có chuyên môn kỹ thuật số tốt và sẵn sàng trả lương hay những ưu đãi tốt hơn cho họ.
- Áp dụng những công nghệ và quy trình kỹ thuật số mới nhất và tốt nhất vào doanh nghiệp, bao gồm việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để thiết lập mục tiêu và quản lý hiệu suất của nhân viên.
- Thực hiện một số cách tiếp cận chiến lược mới để sắp xếp lại lực lượng lao động nhằm mục tiêu chống lại những khoảng trống kỹ thuật số đang ngày càng tăng lên.
- Đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho nhân viên.
Bằng cách sử dụng một số phương pháp hay cách tiếp cận chiến lược nói trên, các doanh nghiệp tầm trung có thể bắt đầu và củng cố năng lực kỹ thuật số của họ và tự tạo cho mình những cơ hội mới trong tương lai.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Tra Nguyen