Cách tối ưu hóa hồ sơ LinkedIn của bạn cho việc tuyển dụng Digital Marketing
Cùng tìm hiểu các mẹo và thủ thuật để giúp bạn có được công việc Digital Marketing thông qua tài khoản cá nhân LinkedIn của mình, nơi mà gần như mọi nhà quản lý tuyển dụng đều sẽ muốn kiểm tra bạn. Đặc biệt với các vị trí Senior.
Các chuyên gia digital marketing là một trong những vị trí ‘nóng’ nhất trên thị trường tuyển dụng hiện tại. Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây của LinkedIn cho thấy digital marketing là một trong 10 công việc được yêu cầu nhiều nhất trên toàn thế giới.
Mặc dù có rất nhiều nơi ngoài LinkedIn mà bạn có thể nộp đơn xin việc hoặc tương tác với nhà tuyển dụng, gần như mọi nhà tuyển dụng hoặc người quản lý tuyển dụng đều sẽ muốn kiểm tra hồ sơ LinkedIn của bạn tại một số thời điểm nhất định trong quá trình tuyển dụng.
LinkedIn là nơi tốt nhất để bạn làm nổi bật thành tích, kinh nghiệm và thương hiệu cá nhân của mình.
Tuy nhiên, việc tối ưu hóa hồ sơ LinkedIn của bạn không chỉ đơn thuần là tải lên sơ yếu lý lịch (CV) và thêm một vài thành tích.
Nó đòi hỏi sự suy nghĩ đúng đắn về cách bạn cấu trúc hồ sơ của mình, sử dụng các công cụ cũng như áp dụng từ khóa phù hợp để tối ưu hóa hồ sơ.
Bạn cần chứng minh với nhà tuyển dụng tiềm năng rằng bạn là ứng viên phù hợp và nổi bật hơn ai hết so với hàng ngàn ứng viên khác.
Sau đây là các mẹo và phương pháp hay nhất để tối ưu hóa hồ sơ LinkedIn của bạn nhằm giúp bạn hoàn thành cuộc phỏng vấn digital marketing và tìm được vị trí mới mà bạn đang theo đuổi.
Ảnh hồ sơ và ảnh nền.
Hãy nhớ rằng hồ sơ LinkedIn của bạn phải thể hiện bạn là một người chuyên nghiệp (không giống các mạng xã hội khác như Facebook hay TikTok). Bạn nên sử dụng ảnh hồ sơ trung tính với nền đơn giản. Hình ảnh chỉ nên bao gồm bạn; đừng chụp chung với bất cứ ai khác.
Hình nền (background photo) phải là thứ liên quan đến ngành hoặc sở thích của bạn. Hãy sử dụng không gian này để làm nổi bật những gì bạn đam mê nhất.
Nếu bạn đã phát biểu tại một hội sự kiện ngành nào đó, bạn có thể sử dụng hình ảnh của bạn đang đứng phát biểu. Hoặc, thử chụp với một cái gì đó liên quan đến vị trí của bạn.
Tiêu đề LinkedIn (LinkedIn Headline) của bạn là một ‘bất động sản cao cấp’.
Sau tên và hình ảnh của bạn, dòng tiêu đề chính là điều đáng chú ý tiếp theo trên hồ sơ LinkedIn của bạn.
Hãy sử dụng nó để thu hút sự chú ý và làm nổi bật kỹ năng của bạn bằng một câu hoặc một vài cụm từ được trau chuốt kỹ lưỡng.
Ví dụ: tiêu đề của một senior digital marketer có thể là: “Digital Marketer với hơn 5 năm kinh nghiệm xây dựng chiến lược marketing có trả phí và không trả phí thông qua SEO, SEM và email marketing”.
Bạn cũng có thể làm nổi bật các chi tiết cụ thể dựa trên kết quả, nếu có thể, chẳng hạn như việc bạn từng dẫn dắt một nhóm 8 nhân sự digital marketer cải thiện tỷ lệ giữ chân khách hàng lên đến 25% hàng năm chẳng hạn.
Hoàn thành đầy đủ hồ sơ của bạn.
Mạng xã hội LinkedIn cung cấp cho các hồ sơ đầy đủ và hoàn chỉnh thông tin khả năng hiển thị nhiều hơn so với các hồ sơ chưa hoàn chỉnh, vì vậy đây là bước bạn không thể bỏ lỡ.
Hãy điền vào tất cả các phần trong hồ sơ của bạn, bao gồm:
- Tên.
- Vị trí.
- Ngành hàng.
- Thông tin liên lạc.
- Kỹ năng và Sự công nhận.
- Việc làm hiện tại.
- Kinh nghiệm.
- Thành tựu.
- Sở thích.
Hãy viết một cái gì đó cho công việc hiện tại của bạn – Không để trống trường này.
Một trong những thông số quan trọng trong thuật toán tìm kiếm của LinkedIn là vị trí công việc hiện tại của bạn. Do đó, bạn đừng nên để trống trường này.
Ngay cả khi bạn đang thất nghiệp, hãy thêm việc gì đó mà bạn hiện đang làm, chẳng hạn như vai trò hỗ trợ ai đó trong lĩnh vực digital marketing chẳng hạn.
Nếu bạn thực sự bế tắc và không biết phải viết gì ở vị trí hiện tại của mình, hãy thêm một mong muốn cho những gì bạn đang tìm kiếm, ví dụ: “Tìm kiếm cơ hội mới trong lĩnh vực digital marketing”.
Chọn các từ khóa phù hợp.
Hồ sơ LinkedIn của bạn có thể tìm kiếm được, vì vậy hãy đảm bảo rằng các thuật ngữ mà nhà tuyển dụng thường sử dụng để tìm kiếm các chuyên gia như bạn có trong trang tóm tắt LinkedIn của bạn.
Ví dụ: Đối với các công việc digital marketing, hãy bao gồm các từ khóa như: Digital, SEO, SEM, Social Media, Content Marketing…
Hãy sử dụng khéo léo các từ khóa cụ thể bạn muốn đưa vào để tối ưu hóa cho tìm kiếm.
Đừng lạm dụng nó, vì những người quản lý tuyển dụng hay nhà tuyển dụng sẽ thấy đó như là những hồ sơ Spam.
Hãy thể hiện tài năng, thành tích và kỹ năng làm việc của bạn.
Một trong những tính năng tuyệt vời nhất của LinkedIn là bạn có thể giới thiệu các liên kết (link), media (hình ảnh, video), bài viết… về công việc của mình trực tiếp trong phần ‘Giới thiệu’ (About).
Nếu bạn đã được giới thiệu trên các tạp chí hoặc video nào đó, bạn có thể làm nổi bật điều này. Bạn cũng có thể chia sẻ liên kết đến các công việc và dự án đã hoàn thành của mình.
Một danh mục tốt về các dự án đã hoàn thành giúp nhà tuyển dụng hiểu được các kỹ năng và kinh nghiệm độc đáo của bạn hơn rất nhiều.
Đảm bảo bạn cũng liệt kê những thành tích trong quá khứ của mình trong khi thể hiện các kỹ năng.
Ví dụ: nếu bạn đã giúp một công ty cải thiện doanh số bán hàng thông qua SEO, bạn có thể chia sẻ rằng bằng việc thực hiện SEO cho marketingtrips.com, mình đã cải thiện khả năng hiển thị các sản phẩm của họ trên Google, dẫn đến doanh số bán hàng tăng 15%.
Thêm chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc kinh nghiệm.
LinkedIn là một nền tảng duy nhất, nơi bạn không chỉ có thể liệt kê các bằng cấp, chứng chỉ của mình mà còn có thể kể một câu chuyện về quá trình học tập và kinh nghiệm của bản thân.
Thêm tất cả các kỹ năng digital marketing của bạn trong phần mô tả kinh nghiệm của bạn.
Có rất nhiều chứng chỉ trong ngành mà bạn có thể muốn thêm vào để thể hiện kinh nghiệm của mình với các công cụ cụ thể.
Một số điều bạn không nên làm trên LinkedIn.
Từ thông dụng trong ngành: Đảm bảo rằng bạn đăng những thứ liên quan đến hồ sơ, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và sở thích của mình. Không sử dụng các từ thông dụng hoặc thuật ngữ khó hiểu trong ngành một cách không cần thiết.
Bỏ qua các yêu cầu kết nối. LinkedIn là một mạng xã hội và là một mạng lưới lớn giúp bạn tăng khả năng tiếp cận. Bạn luôn có thể xóa các kết nối nếu họ gửi thư rác cho bạn, nhưng theo ý kiến của đại đa số các chuyên gia, bạn không nên hạn chế các kết nối (connections).
Sao chép và dán hồ sơ của bạn: Việc sao chép và sử dụng lại tương tự sơ yếu lý lịch của bạn với các vai trò trước đây sẽ không thu hút các nhà tuyển dụng hoặc giành được sự quan tâm của các nhà quản lý nhân sự.
Xác nhận hồ sơ của bạn: Uy tín nghề nghiệp của bạn phải được coi trọng và chỉ nên đề cập đến các sự kiện có thể xác minh được và các chi tiết chính xác.
Điểm mấu chốt.
Mọi hồ sơ trên LinkedIn đều có thể được tối ưu hóa!
Hãy chú ý đến các chi tiết và suy nghĩ về những gì nhà tuyển dụng và công ty bạn muốn làm việc đang tìm kiếm trong việc tuyển dụng các vị trí digital marketing của họ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Huy Lâm | MarketingTrips