Skip to main content

CPM là gì? Hiểu về chỉ số CPM trong Quảng cáo

27 Tháng Hai, 2022

Cùng tìm hiểu các thông tin về thuật ngữ CPM (Cost Per Mille) như: CPM là gì, CPM được hiểu như thế nào trong phạm vi Digital Marketing và Quảng cáo, CPM khác với CPC và CPA ra sao, những rủi ro trong cách tính CPM và hơn thế nữa.

cpm là gì
CPM là gì? Tìm hiểu về chỉ số Cost Per Mille trong Digital Marketing và Quảng cáo

Đối với hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến và làm việc nhiều với các chiến dịch quảng cáo, việc thấu hiểu khái niệm CPM hay hiểu CPM là gì không chỉ giúp họ có được những cái nhìn khách quan hơn về các chỉ số đánh giá hiệu quả mà còn biết được doanh nghiệp nên đầu tư ngân sách vào đâu trong các chiến dịch digital marketing nói chung.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài.

  • CPM là gì?
  • Quảng cáo CPM là gì?
  • CPM Facebook là gì?
  • Những thông tin Marketer cần hiểu về thuật ngữ CPM.
  • Thấu hiểu khái niệm CPM là gì?
  • Thuật ngữ CPM khác gì so với CPC và CPA.
  • Phân biệt số lần hiển thị với số lần xem trang và số lần tiếp cận.
  • Những rủi ro cho chủ yếu khi tính theo CPM là gì?
  • Một số chỉ số đo lường hiệu suất quảng cáo khác ngoài CPM.
  • FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh chủ đề CPM.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

CPM là gì?

CPM là từ viết tắt của Cost Per Mille hoặc Cost Per Thousand, là mức chi phí mà nhà quảng cáo phải chi trả trên mỗi một ngàn lần quảng cáo của họ được hiển thị và đó cũng là những gì mà các nền tảng quảng cáo nhận được.

Nếu bạn là nhà xuất bản trang web (publisher) và bạn tính phí CPM là 2 USD chẳng hạn, điều này có nghĩa là nhà quảng cáo phải trả cho bạn 2 USD với mỗi một ngàn lần hiển thị quảng cáo.

Ngược lại, nếu bạn chạy quảng cáo trên các nền tảng như Google hay Facebook và bạn nhận thấy CPM đang là 3 USD, khi này bạn phải trả 3 USD cho họ để quảng cáo của bạn được hiển thị 1000 lần.

Chữ “M” trong CPM đại diện cho từ “Mille”, trong tiếng Latinh nó có nghĩa là “hàng nghìn”, tuy nhiên trong nhiều trường hợp bạn cũng có thể sử dụng “Thousand” thay cho “Mille”.

Quảng cáo CPM là gì?

CPM là chữ viết tắt của “cost per 1000 impressions” (giá mỗi 1000 lần hiển thị). Nhà quảng cáo chạy quảng cáo CPM sẽ đặt giá mong muốn cho mỗi 1000 lần quảng cáo được phục vụ, chọn vị trí đặt quảng cáo cụ thể để hiển thị quảng cáo và trả phí mỗi khi quảng cáo của họ xuất hiện.

Đối với các nhà xuất bản, điều này đồng nghĩa với doanh thu trong tài khoản của bạn mỗi khi quảng cáo CPM được phục vụ cho trang của bạn.

Quảng cáo CPM cạnh tranh với quảng cáo trả cho mỗi nhấp chuột (hoặc CPC, giá mỗi nhấp chuột) trong phiên đấu giá quảng cáo. Nhà quảng cáo cần phải đặt giá thầu CPM cao hơn quảng cáo CPC hiện tại để hiển thị.

Quảng cáo CPM có thể là quảng cáo văn bản hoặc quảng cáo hình ảnh và luôn được nhắm mục tiêu theo vị trí.

CPM Facebook là gì?

Cũng như các nền tảng quảng cáo khác, dù cho mục tiêu các nhà quảng cáo chọn cho các chiến dịch là gì, dù cho bạn có đạt được mục tiêu như kỳ vọng hay không, Facebook vẫn sẽ tính phí khi quảng cáo chính thức được duyệt và hiển thị.

Tuỳ theo một số yếu tố khác nhau như dung lượng hay độ lớn của đối tượng mục tiêu (volume), phạm vi nhắm mục tiêu quảng cáo hay mục tiêu của chiến dịch (chuyển đổi, khách hàng tiềm năng, tương tác…), giá cho mỗi 1000 lần hiển thị quảng cáo (CPM) trên Facebook có thể rất khác nhau.

Thông thường, tệp đối tượng càng lớn thì giá CPM càng thấp và ngược lại, CPM trung bình trên Facebook giao động từ khoảng 20.000 VNĐ đến 100.000 VNĐ.

Những thông tin Marketer cần hiểu về thuật ngữ CPM.

  • CPM là một thuật ngữ được sử dụng trong marketing dùng để chỉ mức chi phí mà một nhà quảng cáo phải trả cho mỗi một nghìn lần quảng cáo được hiển thị trên website hoặc ứng dụng (của bên thứ 3).
  • Lần hiển thị (impression) là số liệu tính số lượt xem quảng cáo hoặc tương tác của người xem mà một quảng cáo nhận được.
  • CPM là một trong một số phương pháp được sử dụng để định giá quảng cáo trực tuyến; các phương pháp khác có thể bao gồm CPC (chi phí trên mỗi lần nhấp chuột) và CPA (chi phí trên mỗi hành động).
  • Nhược điểm của việc sử dụng CPM là nó liên quan đến các cách tính không chính xác của cái gọi là “số lần hiển thị” do các lượt xem trùng lặp, quảng cáo không tải được hoặc các hành vi gian lận trong quảng cáo.
  • Những gì mà CPM đại diện chỉ là lượt hiển thị trong khi mục tiêu của doanh nghiệp có thể cần nhiều hơn.

Thấu hiểu khái niệm CPM là gì?

Với nhiều nền tảng quảng cáo khác nhau, CPM là phương pháp phổ biến nhất để định giá quảng cáo trên các website (hoặc ứng dụng) trong tiếp thị kỹ thuật số.

Phương pháp này dựa trên cách tính số lần hiển thị, là số liệu tính số lượt xem hoặc tương tác kỹ thuật số cho một mẫu quảng cáo cụ thể.

“Số lần hiển thị” (Impressions) còn được gọi là “lượt xem quảng cáo” (ad views). Các nhà quảng cáo phải trả cho chủ sở hữu website (hoặc ứng dụng) một khoản phí cố định cho mỗi nghìn lần hiển thị quảng cáo.

Mặc dù một lần hiển thị đo lường số lần một quảng cáo được hiển thị trên một nền tảng, nhưng nó không đo lường liệu quảng cáo đó có được nhấp vào hay không hay người dùng đã hành động gì sau đó.

Để đo lường tỷ lệ nhấp chuột vào các quảng cáo, nhà quảng cáo sử dụng chỉ số CTR (click through rate), nó thể hiện tỷ lệ phần trăm số người xem quảng cáo đã nhấp vào.

Ví dụ: một quảng cáo nhận được 2 lần nhấp chuột cho mỗi 100 lần hiển thị thì CTR là 2%.

Tuy nhiên, bản thân nhà quảng cáo hay doanh nghiệp cũng không thể đo lường những gì mà một chiến dịch có thể mang lại chỉ bằng CTR bởi vì một quảng cáo mà người dùng xem nhưng không nhấp vào vẫn có thể mang lại những tác động nhất định trong suốt quá trình ra quyết định mua hàng của họ.

Thuật ngữ CPM khác gì so với CPC và CPA.

Ngoài cách tính CPM thông thường, các nền tảng quảng cáo có thể sử dụng các phương thức định giá quảng cáo khác là giá trên mỗi lần nhấp chuột (CPC), trong đó nhà quảng cáo chỉ trả tiền khi có một người dùng nào đó nhấp vào quảng cáo.

Phương thức chỉ tính phí cho nhà quảng cáo khi quảng cáo được nhấp vào gọi là PPC (pay per click). Để hiểu rõ hơn về cách tính này, bạn có thể nhìn vào hệ thống quảng cáo của Google, Google Ads, rõ ràng là nhà quảng cáo chỉ trả tiền quảng cáo khi có ai đó nhấp vào quảng cáo được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm.

Ngoài hai cách tính phổ biến trên, CPA cũng là một phương thức định giá quảng cáo khác, nhà quảng cáo chỉ trả phí khi người dùng thực hiện các hành động nhất định sau khi nhấp vào quảng cáo. Hành động đó có thể là mua hàng hoặc đăng ký tư vấn.

Trong khi CPM nên được sử dụng đối với các chiến dịch tập trung vào việc nâng cao nhận thức về thương hiệu (brand awareness) hoặc truyền tải một thông điệp cụ thể, CPC hoặc CPA lại tập trung vào các kết quả cụ thể.

Nếu nhà quảng cáo đang tập trung vào các khách hàng đang ở giai đoạn đầu của phễu bán hàng (Sales Funnel), CPM là hợp lý, tuy nhiên nếu đó là các giai đoạn giữa (MoFu) và đặc biệt là cuối (BoFu), các cách tính theo CPA hoặc CPC tỏ ra hiệu quả hơn.

Phân biệt số lần hiển thị với số lần xem trang và số lần tiếp cận.

Số lần hiển thị quảng cáo có thể khác với số lượng người dùng truy cập vào website hiển thị quảng cáo hoặc số người xem quảng cáo.

Ví dụ: Có đến 2 mẫu quảng cáo hiển thị trên mỗi Trang (webpage), khi này số lượt hiển thị quảng cáo là 2 tuy nhiên chỉ có 1 lần xem Trang.

Ngoài ra, quảng cáo có thể hiển thị nhiều lần tuy nhiên lại chỉ có một số ít các người xem (lượt tiếp cận quảng cáo) vì một người có thể xem quảng cáo nhiều lần. Trong một chiến dịch, số lượt hiển thị (Impression) luôn cao hơn số lượt tiếp cận (Reach).

Những rủi ro cho chủ yếu khi tính theo CPM là gì?

Những rủi ro cho chủ yếu khi tính theo CPM là gì?
Những rủi ro cho chủ yếu khi tính theo CPM là gì?

Liên quan đến cách tính theo số lượt hiển thị quảng cáo, không ít các nhà quảng cáo đặt ra câu hỏi liệu họ có được tính phí một cách công bằng hay không, có gian lận gì không từ phía các nền tảng (nơi quảng cáo được hiển thị).

Mặc dù các nền tảng quảng cáo liên tục cập nhật các thuật toán nhằm mục tiêu phát hiện các gian lận có thể xảy ra trong suốt quá trình ‘Mua-Bán’, tuy nhiên trên thực tế vẫn có những rủi ro nhất định.

Những lần hiển thị quảng cáo trùng lặp, việc các nền tảng sử dụng Bots để gian lận lượt xem (traffic) hay quảng cáo được hiển thị cho nhiều tài khoản ảo (đối với các nền tảng mạng xã hội) vẫn là những gì mà các nhà quảng cáo vẫn phải đối mặt.

Ngoài ra, khi một quảng cáo không tải được hoặc tải không đầy đủ, thì những quảng cáo này vẫn được tính vào số lần hiển thị trong khi đáng ra nó không nên được tính.

Để có thể phát triển xa hơn trong nghề marketing nói chung và digital marketing nói riêng, những gì các nhà quảng cáo hay người làm marketing cần là hiểu “tường tận” các chỉ số đánh giá hiệu suất quảng cáo, tuỳ vào từng mục tiêu kinh doanh khác nhau, họ có thể lựa chọn các chỉ số đo lường phù hợp.

Một số chỉ số đo lường hiệu suất quảng cáo khác ngoài CPM.

Trong khi phần lớn các nền tảng quảng cáo như Facebook, Google hay TikTok tính phí cho các nhà quảng cáo theo hình thức CPM, dưới đây là một số cách tính khác liên quan đến việc đánh giá hiệu suất của các chiến dịch quảng cáo.

  • Impressions: Tổng số lượt quảng cáo được hiển thị.
  • Reach: Tổng số người quảng cáo tiếp cận được. 1 Reach có thể có nhiều Impressions. Reach > Impressions.
  • CPM: Chi phí bỏ ra trên 1000 lần hiển thị (impressions).
  • CPC: Chi phí trên mỗi lần nhấp chuột.
  • CTR: Tỷ lệ nhấp chuột. CTR=Click/Impressions. Quảng cáo có CTR càng cao thì càng hiệu quả. Tuỳ vào từng định dạng, nền tảng, ngành hàng, sản phẩm hay những gì nhà quảng cáo thể hiện…CTR có thể khác nhau.
  • Conversion rate: Tỷ lệ chuyển đổi, với các quảng cáo nhắm mục tiêu là chuyển đổi trực tiếp hoặc gián tiếp qua landing page, CPC thấp hay CTR cao cũng không phải là yếu tố quyết định hay chứng minh là hiệu quả, tỷ lệ chuyển đổi cuối cùng (Lead hoặc Sales) mới là điểm quyết định.
  • Benchmark: Điểm tiêu chuẩn dùng làm hệ quy chiếu để so sánh mức độ hiệu quả giữa các chỉ số. Ví dụ Benchmark về tỷ lệ chuyển đổi từ Lead thành Qualified Lead của ngành BĐS giá từ 1.5-2 tỷ là khoảng 60%. Benchmark là con số trung bình của ngành (từ nhiều doanh nghiệp khác) tại một thời điểm nhất định.

* Lưu ý: Khi đánh giá mức độ hiệu quả của các chỉ số cần dựa trên 2 thứ: Benchmark và mức độ hiệu quả của số liệu kinh doanh (Revenue, SQL…)

FAQs – Những câu hỏi thường gặp xoay quanh chủ đề CPM.

  • CPM là từ viết tắt của từ gì?

Thuật ngữ CPM được viết tắt từ Cost Per Mille hoặc Cost Per Thousand, có nghĩa là chi phí trên mỗi 1000 lần hiển thị.

  • Chỉ số CPM là gì?

CPM đơn giản chỉ là một số liệu giúp các nhà quảng cáo đo lường chi phí hay mức độ hiệu quả của các quảng cáo.

Kết luận.

Hy vọng với bài viết trên, bạn có thể hiểu rõ thực chất CPM là gì, phân biệt CPM với các chỉ số còn lại, những hạn chế với cách tính CPM và hơn thế nữa.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …