Skip to main content

Doanh thu quảng cáo của YouTube giảm mạnh tính từ quý 4 năm 2021

23 Tháng Mười Một, 2023

‏Theo Variety, doanh thu quảng cáo hàng quý của YouTube đã giảm 2,6% từ 6,87 tỷ USD năm ngoái xuống còn 6,69 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay. Doanh thu của YouTube cũng đã giảm 7,8% trong quý 4 năm 2022 sau khi giảm 1,9% trong quý trước đó.

Doanh thu quảng cáo của YouTube giảm mạnh tính từ quý 4 năm 2021
Doanh thu quảng cáo của YouTube giảm mạnh tính từ quý 4 năm 2021

Trong những ngày qua, chiến dịch triệt tiêu các trình chặn quảng cáo của YouTube đã gây ra là sóng phản đối gay gắt từ người dùng. Nhìn từ phía người dùng, có vẻ như quảng cáo (Advertising) trên YouTube đã ngoài sức chịu đựng của họ.

Người dùng không chỉ phải xem quảng cáo trong video, mà còn có quảng cáo ngoài video, xuất hiện trên khắp trang chủ YouTube. Quảng cáo độc hại, lừa đảo tràn làn cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người ngao ngán.

Không chỉ thế, một số người dùng muốn có các tính năng bổ sung mà Premium không cung cấp được, điển hình như khả năng xem lượt Like và Dislike của một video.

Nhưng trên thực tế, việc người dùng muốn có một YouTube miễn phí và không quảng cáo là bất khả thi. Có vẻ đây sẽ là một ý kiến kỳ lạ, nhưng chúng ta hãy thử nhìn lại vấn đề quảng cáo từ phía YouTube.

Cuộc chiến chặn quảng cáo nhìn từ phía YouTube.

Nếu xem việc YouTube ra sức ngăn cản trình chặn quảng cáo giống như đang “tuyên chiến” với người dùng, thì rất dễ để nhận định YouTube (hay nói rộng hơn là Google) chính là kẻ tấn công, và những người dùng trình chặn quảng cáo là phe bị công kích. Tuy nhiên, câu thành ngữ “Không có lửa làm sao có khói” dường như khá đúng ở đây.

Khi Google mua YouTube vào năm 2006, trang web non trẻ này vẫn không tạo ra một đồng lãi nào, dù nó vốn đã là một hiện tượng văn hóa, với các video lan truyền được xem hàng triệu lần mỗi ngày, nhưng lại không kiếm được tiền. Phải đến năm 2009, Google mới thu được lợi nhuận đầu tiên từ khoản đầu tư 1,65 tỷ USD vào trang chia sẻ video này. Google làm được điều này thông qua một nguồn doanh thu duy nhất: quảng cáo.

Kể từ năm 2009, Google tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào doanh thu quảng cáo để duy trì hoạt động của YouTube. Việc giới thiệu YouTube Premium — một dịch vụ đăng ký trả phí cung cấp YouTube và YouTube Music không có quảng cáo — đã tăng doanh thu lên một chút nhưng vẫn không thấm vào đâu so với những gì Google kiếm được từ quảng cáo, chỉ tính riêng năm 2022 đã đạt hơn 29 tỷ USD.

Hàng tỷ USD đó được chia sẻ một phần với những nhà sáng tạo nội dung trên YouTube. Một phần lớn khác dùng để giúp trang web hoạt động: trả lương nhân viên, phát triển và tất nhiên là duy trì số lượng máy chủ cực lớn cần thiết để lưu trữ khoảng 3,7 triệu video được tải lên YouTube mỗi ngày. Bất cứ doanh thu nào còn sót lại sẽ được chuyển đến túi của Google.

YouTube nhất định phải kiếm được tiền để tồn tại. Google chưa bao giờ công khai về chi phí lưu trữ, băng thông, nhân viên, v.v. của dịch vụ, nhưng ước tính nó lên tới hàng triệu USD mỗi ngày. Ngay cả khi Google quyết định điều hành YouTube “vì lòng tốt” mà không quan tâm đến lợi nhuận, họ vẫn cần kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm chỉ để hòa vốn. Trên thực tế, doanh thu quảng cáo của công ty đang giảm.‏

YouTube cần phải có lãi.

Google ngày càng muốn tăng doanh thu từ YouTube, và quảng cáo chính là thứ mà họ tìm đến. Tại thời điểm này, quảng cáo xuất hiện ở khắp mọi nơi trên YouTube, ngay cả ở ngoài màn hình chính và trong chính các video. Google có thể đã kỳ vọng điều này sẽ thúc đẩy nhiều người đăng ký Premium hơn, tuy nhiên, nó lại chủ yếu khiến người ta muốn dùng các trình chặn quảng cáo và điều này đã ảnh hưởng đến doanh thu của YouTube.

‏Theo Variety, doanh thu quảng cáo hàng quý của YouTube đã giảm 2,6% từ 6,87 tỷ USD năm ngoái xuống còn 6,69 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay. Doanh thu của YouTube cũng đã giảm 7,8% trong quý 4 năm 2022 sau khi giảm 1,9% trong quý trước đó.

Việc một công ty mất doanh thu tất nhiên không phải là một điều tốt. YouTube đang phải chịu sự cạnh tranh với các nền tảng khác như TikTok hay Instagram Reels.

Và Google không phải chỉ cần lo lắng đến chi phí máy chủ và nhân viên. Họ cũng cần phải kiếm đủ tiền để trả cho hàng triệu nhà sáng tạo nội dung, vì đây là nhân tố cốt lõi khiến người xem gắn kết với YouTube. Những nhà sáng tạo đó không thể làm việc miễn phí, do đó Google còn phải chi thêm nhiều triệu USD mỗi ngày để duy trì mức độ hấp dẫn cho YouTube.

Là một doanh nghiệp, Google tất nhiên quan tâm chủ yếu đến lợi nhuận, vì vậy YouTube cần kiếm nhiều hơn mức chỉ vừa đủ để trang trải chi phí và trả tiền cho nhà sáng tạo.

Google cần thêm hàng tỷ USD mỗi năm cho những chi phí đó. Nhiều tỷ USD này sẽ đến từ đâu?

YouTube Premium có thể tạo ra doanh thu cho YouTube nhưng không thể bằng doanh thu được tạo ra từ quảng cáo. Doanh thu YouTube Premium đến từ phí đăng ký hàng tháng do người dùng chọn.

Ngược lại, quảng cáo tạo doanh thu dựa trên số lượt xem và số nhấp vào quảng cáo nhận trên YouTube. Các nhà quảng cáo trả tiền cho YouTube để hiển thị quảng cáo của họ và YouTube chia sẻ một phần doanh thu đó với người tạo nội dung dựa trên lượt xem và mức độ tương tác của video.

Mặc dù YouTube Premium có thể tạo ra doanh thu cho nền tảng này nhưng nó khó có thể đủ để chi trả mọi thứ. Hơn nữa, theo một nhà sáng tạo nội dung YouTube chia sẻ trên Reddit, YouTube không hưởng toàn bộ doanh thu từ phí đăng ký Premium, mà doanh thu đó cũng sẽ được chia sẻ với các nhà sáng tạo nội dung.

Giải pháp tốt nhất của Google cho vấn đề này là quảng cáo. Quảng cáo giúp mọi người có thể sử dụng trang web miễn phí — cả để xem và tải video lên. Đối với những người không thể chịu được quảng cáo, Google cung cấp YouTube Premium.

Đối với những người không thể xem quảng cáo hoặc trả tiền cho Premium, luôn có tùy chọn thứ ba theo góc nhìn của Google, đó là không xem YouTube. Và họ thực sự đã làm như vậy trong chiến dịch càn quét trình chặn quảng cáo mới nhất.

Cuối cùng, đó là một cái vòng luẩn quẩn giữa người xem, nhà sáng tạo nội dung, và YouTube: Người dùng xem video từ nhà sáng tạo, YouTube cần trả phí cho nhà sáng tạo để khuyến khích họ đăng video, và người dùng sẽ trả số tiền đó nếu không nền tảng YouTube sẽ sụp đổ.

Quảng cáo trên YouTube: Đi tìm điểm cân bằng.

Chúng ta đã biết cuộc chiến này có hai phía, nhưng trên thực tế, vẫn còn một bên nữa âm thầm tham gia, mà sẽ được đề cập đến sau.

Hiện tại, nhìn từ hai phía của cuộc chiến quảng cáo, thì giải pháp là gì? Một nhóm ít người dùng khăng khăng rằng không bao giờ nên trả tiền cho YouTube và quảng cáo phải biến mất hoàn toàn. Đối với những người này, cách duy nhất để họ hài lòng là có thể sử dụng YouTube miễn phí mà không có quảng cáo ở bất cứ đâu.

Không cần phải nói, đây là một lập luận buồn cười. Google là một doanh nghiệp và cần kiếm tiền. YouTube là một sản phẩm đắt đỏ để duy trì. Nếu mọi người có thể sử dụng nó mà không cần xem quảng cáo và không đăng ký Premium thì nền tảng này sẽ chết. Nó cần tiền, giống như mọi việc kinh doanh khác.

Nhiều người khác chỉ bất mãn với một số quảng cáo. Họ muốn quảng cáo trong video biến mất vì chúng làm gián đoạn trải nghiệm xem, hoặc ít nhất là YouTube nên kiểm soát quảng cáo tốt hơn để không còn những quảng cáo nhạy cảm, lừa đảo, đồng thời giới hạn lượng quảng cáo ở mức hợp lý trong video. Các quảng cáo khác ngoài video vẫn ổn.

Những nhà sáng tạo quảng bá nội dung được tài trợ cũng không sao, bởi vì những người sáng tạo đó sẽ mất khán giả nếu họ quảng cáo loại nội dung này quá nhiều, vì vậy đó là một hệ thống tự kiểm soát.

Một nhóm khác sẵn sàng trả tiền cho YouTube Premium. Tuy nhiên, mong muốn đăng ký này nên xóa mọi quảng cáo khỏi trang web, bao gồm cả nội dung được tài trợ trong chính video đó. Premium cũng nên cung cấp các tính năng mà người dùng muốn và đã sử dụng thông qua các ứng dụng bên thứ ba chẳng hạn như Vanced. YouTube Premium nên có giá rẻ hơn nếu người dùng không mua YouTube Music Premium.

Đây là lúc mà ý kiến của phía thứ ba cần được xem xét, đó chính là các nhà phát triển trình chặn quảng cáo.

Một “thỏa thuận đình chiến” với YouTube dường như khó xảy ra trong tương lai gần, nhưng các nhà cung cấp công cụ chặn quảng cáo, nhà phát hành và nhà quảng cáo đã cố gắng đạt được thỏa thuận trung lập về các định dạng quảng cáo ít rắc rối hơn mà các trình chặn quảng cáo sẽ cho phép thông qua.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Tuấn Nguyễn | Markettimes

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …