Hàn Quốc phạt Google 32 triệu USD vì cạnh tranh không lành mạnh
Để tránh bị phát hiện vi phạm quy định cạnh tranh công bằng, Google còn ra lệnh cho nhân viên xóa email liên quan. Cơ quan quản lý chống độc quyền của Hàn Quốc đã phạt Google 42,1 tỷ won (31,88 triệu USD) vì chặn phát hành trò chơi điện tử di động trên nền tảng của đối thủ cạnh tranh.
Cơ quan quản lý chống độc quyền của Hàn Quốc đã phạt Google 42,1 tỷ won (31,88 triệu USD) vì chặn phát hành trò chơi điện tử di động trên nền tảng của đối thủ cạnh tranh.
Hôm 11/4, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc (KFTC) cho biết Google đã yêu cầu các nhà sản xuất trò chơi điện tử phát hành độc quyền các tựa game trên Google Play. Đổi lại, các game này sẽ được hiển thị trên Google Play dưới dạng “featured” (nổi bật) từ tháng 6/2016-4/2018.
Động thái này gây tổn hại đến doanh thu và giá trị của One Store – “chợ” ứng dụng đang thu hút sự chú ý của người dùng Hàn Quốc như một lựa chọn thay thế cho Google Play.
Theo KFTC, để tránh bị phát hiện vi phạm quy định cạnh tranh công bằng, Google còn ra lệnh cho nhân viên xóa email liên quan cũng như thảo luận miệng các vấn đề trên, nhằm tránh để lại dấu vết.
Nhà chức trách nhận xét thỏa thuận đã giúp Google củng cố vị trí thống trị trên thị trường chợ ứng dụng Hàn Quốc.
Google cho biết họ sẽ xem xét quyết định cuối cùng của KFTC để đánh giá hướng hành động tiếp theo.
“Google đầu tư nhiều vào sự thành công của các nhà phát triển và chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với kết luận của KFTC”, người phát ngôn của Google cho biết.
KFTC cho biết động thái chống lại gã khổng lồ công nghệ Mỹ là một phần trong nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm đảm bảo thị trường luôn ở trạng thái công bằng.
Cơ quan quản lý chống độc quyền tiết lộ, các nhà sản xuất game bị ảnh hưởng bởi hành động của Google gồm Netmarble, Nexon, NCSOFT và một số công ty nhỏ khác.
Năm 2021, Google đã bị KFTC phạt hơn 200 tỷ won vì chặn các phiên bản tùy chỉnh của hệ điều hành Android.
One store, một công ty con của nhà mạng không dây hàng đầu Hàn Quốc SK Telecom, ra mắt năm 2016 với tư cách như một đối thủ nhỏ hơn của Play store trên hệ điều hành Android của Google.
Theo One Store, chợ phần mềm của công ty có tốc độ tăng trưởng đều đặn kể từ khi ra mắt, ghi nhận lần đầu tiên có lãi vào năm 2020, trong khi các giao dịch mua phần mềm trên nền tảng chợ này đã tăng trưởng quý thứ 10 liên tiếp trong quý IV/2020.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nam Nguyen | MarketingTrips