Nghiên cứu: Khoảng 30% chiến lược nhắm mục tiêu theo sở thích trên Facebook là không chính xác
Theo một nghiên cứu mới đây, khoảng 30% chiến lược nhắm mục tiêu theo sở thích với các quảng cáo trên Facebook Ads là không chính xác.
Trong khi nhắm mục tiêu theo sở thích (interest targeting) được xem là hình thức nhắm mục tiêu được phần lớn những nhà quảng cáo lựa chọn, những nghiên cứu mới đây có thể khiến bạn cần xem xét lại.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Bang North Carolina mới đây đã tiến hành nghiên cứu để xác định cụ thể hiệu suất của các chiến dịch quảng cáo nhắm mục tiêu theo sở thích, cách Facebook phân bổ yếu tố hành vi và chủ đề đến từng người dùng.
Kết quả đầu tiên sau nghiên cứu là có khoảng 30% sở thích được phỏng đoán trên Facebook là không chính xác hoặc không liên quan thực sự đến người dùng, chính vì điều này, chi tiêu quảng cáo của nhà quảng cáo có thể tăng lên tuy nhiên kết quả mang lại thì tương đối hạn hẹp.
Theo giải thích của nghiên cứu:
“Để có được thông tin chi tiết về cách Facebook xây dựng sở thích cho người dùng từ các hoạt động khác nhau của họ trên nền tảng, chúng tôi đã thực hiện các thử nghiệm có kiểm soát bằng cách tạo ra các tài khoản mới và thực hiện nhiều hoạt động một cách có hệ thống và chủ đích.
Chúng tôi nhận thấy rằng có 33,22% sở thích được phỏng đoán là không chính xác hoặc không liên quan đến chân dung người dùng mà chúng tôi đã tạo ra.
Để hiểu liệu phát hiện của chúng tôi có phù hợp với một lượng mẫu lớn hơn và đa dạng hơn hay không, chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu người dùng khác, trong đó chúng tôi lựa chọn 146 người tham gia từ các khu vực khác nhau trên thế giới để đánh giá độ chính xác của các sở thích do Facebook xây dựng.
29% người tham gia nghiên cứu cũng báo cáo kết quả tương tự, tức khoảng 30% nhắm mục tiêu theo sở thích là không chính xác.”
Trong khi Facebook theo dõi hầu hết các hoạt động của người dùng trong ứng dụng, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng hệ thống của Facebook thường không phân biệt được các tương tác tích cực và tiêu cực, điều này cũng có thể dẫn đến sự không chính xác.
“Ví dụ: khi truy cập trang Apple (là công ty Công nghệ) hay thích Apple, Facebook cũng suy luận ra Apple (trái cây) cũng là một sở thích của người dùng đó.”
Các nhà quảng cáo có thể làm gì để gia tăng mức độ chính xác khi nhắm mục tiêu vào các đối tượng.
Việc sử dụng các tệp đối tượng tương tự (Lookalike) hoặc tải lên các tệp khách hàng tiềm năng có thể giúp nâng cao mức độ chính xác của các chiến dịch quảng cáo, tuy nhiên như các nghiên cứu đã chỉ ra, đừng kỳ vọng quá nhiều vào Facebook hay một số phương pháp nhắm mục tiêu vốn được cho là hiệu quả.
Kết quả hay hiệu suất quảng cáo tổng thể của bạn còn ảnh hưởng từ rất nhiều các yếu tố khác như sản phẩm, nội dung, trang đích (landing page), các hoạt động nghiên cứu khách hàng và thị trường cùng nhiều giai đoạn tối ưu khác.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen