Skip to main content

Shopee – Đi sau về trước trong cuộc đua thương mại điện tử Đông Nam Á

20 Tháng Năm, 2022

Chỉ trong vòng 6 năm, Shopee của tập đoàn Sea (Singapore) đã trở thành sàn thương mại điện tử số một Đông Nam Á, bất chấp đi sau nhiều ‘ông lớn’ như Lazada, Tokopedia.

Hai năm qua, khi phần lớn lĩnh vực bán lẻ Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, thương mại điện tử (eCommerce) vẫn phát triển như vũ bão khi người mua, kẻ bán dần chuyển sang các nền tảng trực tuyến.

Theo báo cáo chung của Google, Temasek và Bain & Company, thị trường eCommerce Đông Nam Á trị giá 38 tỷ USD năm 2019, tăng từ 5,5 tỷ USD năm 2015 và dự báo vượt 100 tỷ USD vào năm 2025.

“Lướt” trên con sóng này chính là Shopee. Năm 2015, Sea ra mắt sàn eCommerce Shopee với ưu tiên hàng đầu là người dùng di động. Dù là một kẻ đến sau, công ty chỉ mất 6 năm để  trở thành nền tảng số một tại khu vực Đông Nam Á.

Theo Giám đốc Thương mại Shopee Zhou Junjie, đi sau không đồng nghĩa với bất lợi. Ngược lại, họ có thể quan sát thị trường cẩn thận hơn và xác định xu hướng hay lĩnh vực cần cải thiện.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Junjie chia sẻ: “Đầu năm 2015, chúng tôi xem eCommerce như một ngành công nghiệp và dù đã có người chơi, chúng tôi vẫn nhìn thấy có nhiều tiềm năng tăng trưởng và nhiều khía cạnh chưa được những người chơi hiện hữu giải quyết tốt”.

Làm thế nào Shopee đạt thành tích này chỉ trong thời gian ngắn như vậy? Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố dẫn đến vị trí của Shopee ngày nay.

Ưu tiên di động.

Người dân Đông Nam Á nằm trong số người dùng Internet di động nhiều nhất thế giới. Theo Google, Temasek và Bain & Company, có khoảng 360 triệu người dùng Internet trong khu vực và 90% kết nối với Internet chủ yếu bằng điện thoại di động.

Ngay từ đầu, Shopee đã xem di động là xu hướng đang lên và là con đường kế tiếp của eCommerce trong khu vực. Công ty tập trung tối ưu hóa trải nghiệm và tương tác của người dùng trên di động.

Theo Shopee, mua sắm trực tuyến phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người dùng trẻ, đặc biệt là những người lớn lên cùng công nghệ, thường xuyên liên lạc, làm việc và giải trí trên thiết bị. Cách tiếp cận này giúp Shopee tận dụng lợi thế tăng trưởng của thuê bao di động.

Shopee cho biết hơn 95% đơn hàng trên nền tảng thực hiện trên di động. Trước nhu cầu đó, công ty cung cấp giải pháp mua sắm khép kín trực tiếp ngay trong ứng dụng. Khách hàng có thể xem sản phẩm, đặt hàng, thanh toán và theo dõi đơn hàng.

Trong khi đó, người bán dùng ứng dụng để chụp ảnh, lên danh mục sản phẩm, quản trị hiệu suất, nhận tiền và giám sát quá trình vận chuyển thông qua công cụ thanh toán và logistics tích hợp sẵn.

Địa phương hóa ứng dụng.

Đông Nam Á là một khu vực lớn, không phải thị trường riêng lẻ. Mỗi quốc gia lại có một thách thức và đặc điểm khác nhau, phân khúc khách hàng cũng khác biệt.

Do đó, Shopee áp dụng cách tiếp cận địa phương hóa tại mỗi thị trường để mang đến trải nghiệm mua sắm phù hợp nhất cho các thương hiệu, người bán và người mua. Nó nằm trong triết lý ưu tiên khách hàng của Shopee.

Hiểu rõ thị trường và hành vi người dùng đồng nghĩa Shopee có thể phản hồi linh hoạt trước nhu cầu của họ.

Hoạt động này nhằm xây dựng lòng trung thành và tạo ra trải nghiệm đáng nhớ. Không chỉ có văn phòng và nhân viên tại mỗi nước, danh mục sản phẩm và chiến dịch tiếp thị của Shopee cũng linh hoạt.

Chẳng hạn, tại Indonesia, Shopee ra mắt Shopee Barokah để phục vụ người dùng Hồi giáo, đặc biệt trong tháng ăn chay.

Vào các dịp lễ, Tết âm lịch, Shopee cũng chạy các chương trình có chủ đề gắn với những ngày này. Shopee có 7 phiên bản ứng dụng khác nhau và có nhiều tùy chọn thanh toán để đáp ứng nhu cầu của từng nước.

Shopee bắt tay với ngân hàng và dịch vụ logistics bản địa để chăm sóc khách hàng. Ví dụ, tại Malaysia, nhận thấy cước giao hàng cao ảnh hưởng đến giao dịch của người dùng, công ty xử lý bằng cách đưa ra tùy chọn giao hàng miễn phí trên toàn quốc với hàng có trọng lượng tối đa 5kg.

Khi nói đến tương tác, một cách tiếp cận hiệu quả khác của Shopee là mời các ngôi sao, người có tầm ảnh hưởng làm đại sứ thương hiệu.

Tại Philippines, Shopee mời ca sỹ, nhạc sỹ Jose Mari Chan, người nổi tiếng với các bài hát mừng Giáng sinh và vô cùng phù hợp với một đất nước nổi tiếng vì ăn mừng Giáng sinh dài nhất thế giới.

Tại các thị trường khác như Thái Lan, người dùng yêu thích nhiều ngôi sao đa chủng tộc, còn tại Việt Nam, Shopee cũng mời diễn viên, ca sỹ, danh hài tham gia chiến dịch quảng cáo.

Không chỉ là mua sắm.

Một sáng kiến quan trọng của Shopee là cung cấp trải nghiệm cá nhân và xã hội cho người dùng. Về trải nghiệm cá nhân, Shopee dựa vào dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định các mẫu và thông tin chi tiết từ lịch sử duyệt và mua sắm của người dùng.

Thay vì chỉ tập trung vào tăng lượng đơn hàng và cạnh tranh bằng giá, người bán có thể giành chiến thắng bằng cách tương tác với khách hàng và tạo dựng quan hệ thông qua những trải nghiệm này.

Shopee tích hợp mua sắm với mạng xã hội, xây dựng cộng đồng đủ mạnh để người dùng kết nối và giao lưu với người khác.

Các tính năng mà nền tảng đưa ra là Shopee Live (phát sóng trực tiếp), Shopee Games (chơi game ngay trong ứng dụng), Shopee Feed (bảng tin để người dùng chia sẻ nội dung về các mặt hàng), Shopee Live Chat (chat trực tiếp, cho phép người mua tương tác với người bán trực tiếp và tìm thêm thông tin trước khi giao dịch).

Ngoài ra, dữ liệu và AI còn được dùng để xác định các trường hợp nghi ngờ lừa đảo, hàng giả, hàng nhái, giúp người dùng an tâm khi mua sắm. Cùng lúc đó, các ví điện tử như ShopeePay, AirPay mang đến phương thức thanh toán tiện lợi, bảo mật, giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới.

Shopee cam kết củng cố hệ sinh thái đối tác bán hàng. Ở cấp độ cơ bản nhất, Shopee liên tục nâng cấp và giới thiệu tính năng mới để người bán theo dõi, quản lý hiệu quả bán hàng, thanh toán, tồn kho và giao nhận.

Chẳng hạn, trong hoạt động tiếp thị, Shopee cung cấp hàng loạt công cụ trực quan và dữ liệu để nắm bắt thói quen của khách hàng, đồng thời cho phép người bán tạo các phiếu giảm giá và khuyến mại khác.

Gần đây, Shopee bắt tay với Google ra mắt “Google Ads với Shopee”, giải pháp Marketing có một không hai để thúc đẩy doanh số trực tuyến. Nhằm bảo đảm nhiều doanh nghiệp tận dụng làn sóng chuyển đổi số và chống chọi với dịch Covid-19, nền tảng giới thiệu các khóa học và gói hỗ trợ cho người bán.

Nhờ chiến lược tiếp thị bài bản cho mỗi thị trường hoạt động, Shopee ghi nhận thành công cả trong nước và quốc tế, trở thành nền tảng eCommerce hàng đầu Đông Nam Á.

Không ngừng đổi mới và lên kế hoạch chiến lược là điều cần thiết để thích ứng với nhu cầu thay đổi liên tục của người dùng.

Du Lam

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo ICT News

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …