Tại sao traffic của website sụt giảm? Nguyên nhân và Phân tích
Google vừa chia sẻ một số cách để nhận diện nguyên nhân khi traffic hay lưu lượng truy cập của website sụt giảm, kèm với đó là các phương pháp phân tích.
Với những người làm digital marketing, SEO, Content Marketing, hay với các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, việc website đột ngột giảm traffic có thể là một vấn đề lớn, để giải quyết vấn đề này, Google vừa cập nhật một số lý do chính mà người dùng có thể sử dụng để kiểm tra website của mình.
Những lý do chính khiến lưu lượng truy cập tự nhiên (organic traffic) của website sụt giảm.
Trong khi trong thực tế có rất nhiều lý do khác nhau cả chủ quan lẫn khách quan có thể khiến traffic của website sụt giảm, dưới đây là những lý do thường gặp nhất:
- Sự cố kỹ thuật: Với những ai từng làm các công việc liên quan đến quản trị website, các lỗi như ngăn Google thu thập dữ liệu, lập chỉ mục (Index) hoặc server của website bị treo khiến người dùng không thể truy cập là điều không có gì mới. Đây có thể là các vấn đề kỹ thuật ở cấp độ website hoặc cấp độ trang (webpage).
- Website vi phạm chính sách (bị phạt): Nếu một website hay webpage nào đó không tuân theo nguyên tắc của Google, vi phạm chính sách về nội dung (content), thì một số trang hoặc toàn bộ website có thể ít được hiển thị hơn hoặc hiển thị với vị trí thấp hơn trên trang kết quả tìm kiếm (SERPs). Website ít được hiển thị hơn với vị trí thấp hơn hiển nhiên sẽ kéo traffic của website giảm xuống.
- Cập nhật thuật toán: Với các công cụ tìm kiếm như Google, các thuật toán xếp hạng sẽ liên tục được cập nhật, thường là theo tháng. Sau mỗi lần cập nhật, lượng traffic của các website sẽ thay đổi đáng kể, có thể tăng hoặc cũng có thể là giảm. Cái khó nhất là Google không bao giờ chia sẻ cụ thể về cách công cụ tìm kiếm đánh giá hay ưu tiên xếp hạng nội dung.
- Gián đoạn sở thích tìm kiếm: Vào những bối cảnh khác nhau, người dùng quan tâm và tìm kiếm những từ khoá khác nhau, và sở thích hay hành vi này thường xuyên thay đổi. Nếu các từ khoá dù là website của bạn có thứ hạng cao tuy nhiên điều đó cũng không có ý nghĩa gì nếu không có ai tìm kiếm nó.
- Hiệu ứng theo mùa: Các biến động tìm kiếm cũng thay đổi theo các sự kiện đặc biệt, kỳ nghỉ hoặc ngày lễ. Traffic của website có thể tăng hoặc giảm theo điều này.
- Lỗi báo cáo: Trong không ít các trường hợp, báo cáo từ các công cụ phân tích web như Google Analytics hay Google Search Console hiển thị sai kết quả.
Phân tích sự sụt giảm traffic bằng cách sử dụng Báo cáo hiệu suất của Google Search Console.
Báo cáo Hiệu suất của Google Search Console (Search Console Performance report) là một công cụ hiệu quả để hiểu về các biến động liên quan đến traffic hay lưu lượng truy cập của website.
Để truy cập Báo cáo hiệu suất trong Google Search Console, hãy làm theo các bước đơn giản như bên dưới:
- Đăng nhập vào trang web Google Search Console tại search.google.com/search-console.
- Sổ chọn website mà bạn muốn phân tích.
- Trong thanh menu bên trái, nhấp vào tab “Hiệu suất” (Performance).
Tại mục báo cáo này, các số liệu như số lần hiển thị, tổng số lần nhấp (click), tỷ lệ nhấp (CTR) trung bình hay vị trí trung bình cho từ khoá và website cũng được thể hiện rõ.
Dưới đây là một số cách mà Google gợi ý bạn nên thử:
- Mở rộng phạm vi ngày phân tích để có thể dễ nhận diện được bối cảnh và xu hướng.
- So sánh khoảng thời gian giảm với khoảng thời gian tương tự (ví dụ: cùng tháng năm trước hoặc cùng ngày tuần trước) để xác định chính xác các thay đổi.
- Khám phá tất cả các thông số phân tích như quốc gia, vị trí hay thiết bị để có thể hiểu sâu hơn về vấn đề, traffic tăng hoặc giảm.
- Phân tích các loại tìm kiếm khác nhau một cách riêng biệt để biết liệu mức giảm có bị giới hạn ở phần Tìm kiếm, Google Hình ảnh, Video hay Tin tức hay không.
Sử dụng Google Trends để phân tích xu hướng ngành.
Google Trends hay Google Xu hướng là công cụ cung cấp những thông tin chuyên sâu về web, hình ảnh, tin tức, mua sắm và xu hướng tìm kiếm trên YouTube.
Dưới đây là những gì Google khuyên bạn:
- Phân tích các xu hướng chung trong ngành hoặc quốc gia để xác định những thay đổi trong hành vi của người dùng hoặc các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.
- Phân khúc dữ liệu theo quốc gia và danh mục để có thêm insight phù hợp hơn về đối tượng mục tiêu của website.
- Kiểm tra yếu tố mùa vụ hay xu hướng của các từ khoá tìm kiếm của website.
Tóm tắt.
Hiểu được lý do đằng sau việc sụt giảm lưu lượng truy cập (traffic) của website là rất quan trọng. Bằng cách sử dụng báo cáo Hiệu suất của Google Search Console và Google Trends, bạn có thể xác định và phân tích nguyên nhân của những sự sụt giảm này để từ đó có thể đón đầu các xu hướng mới của ngành và duy trì sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nam Nguyen | MarketingTrips