Skip to main content

Temu và nền tảng thương mại điện tử giá rẻ

13 Tháng Ba, 2023

Hiện tại, Temu là ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất ở Mỹ với mức giá bán rẻ đến kinh ngạc, ít nhất là theo tiêu chuẩn của các nước phương Tây.

Temu và nền tảng thương mại điện tử giá rẻ
Temu và nền tảng thương mại điện tử giá rẻ

Tại kiện Super Bowl ngày 19/2/2023, một website có tên Temu đã chi ra hơn 7 triệu USD cho màn ”chào sân” ấn tượng dài 30 giây, đồng thời góp mặt tại một trong những sự kiện đông người xem nhất nước Mỹ.

Theo Data.ai, Temu đã có 10,8 triệu lượt tải về từ 11/12/2022 đến 4/3/2023 cùng với đó là 11,2 triệu người dùng hoạt động. Hiện tại, Temu là ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất ở Mỹ, trên cả App Store và Google Play.

Tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) hàng tháng của Temu tăng mạnh từ 3 triệu USD vào tháng 9/2022 lên tới 192 triệu USD vào tháng 1/2023, theo YipitData.

Chỉ trong thời gian ngắn, Temu nổi lên như là đối thủ lớn nhất của Shein. Được biết, cả Temu và Pinduoduo đều là các đơn vị thuộc PDD Holdings – tập đoàn đã niêm yết trên sàn Nasdaq, Mỹ. Việc được thừa hưởng nhiều “chất xám” từ Pinduoduo có lẽ là lý do khiến Temu có thể hoạt động hiệu quả đến vậy.

Thông qua Temu, người tiêu dùng có thể lựa chọn vô vàn mặt hàng đa dạng như: quần áo, đồ trang sức, đồ dùng cho thú cưng và nhà vườn…

Tại Trung Quốc, Temu được coi là cú hích lớn nhất của Pinduoduo ra nước ngoài khi nền kinh tế nước này đối mặt với Covid-19, cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo các chuyên gia, thứ khiến Temu gây ấn tượng với người tiêu dùng đó chính là chiến lược giá bán rẻ đến kinh ngạc, ít nhất là theo tiêu chuẩn của các nước phương Tây.

Một bộ đồ bơi nữ được bán trên Temu chỉ có giá 6,5 USD, một cặp tai nghe không dây giá 8,5 USD hay một chiếc dao cạo lông mày được bán với giá 0,9 USD.

Ngoài các chiến lược giảm giá, Temu cũng có thể có lợi thế từ “mối quan hệ hiện có với các nhà sản xuất giá rẻ ở Trung Quốc chưa mở rộng sang Mỹ”.

Điều này phù hợp với chiến lược của Pinduoduo, khi công ty này đã làm chủ được mô hình C2M (consumer-to-manufacturer), tức mô hình sản xuất hướng tới người tiêu dùng và loạt bỏ phí trung gian, “mang số lượng lớn đơn hàng trực tiếp đến các nhà sản xuất”.

Cách tiếp cận từng giúp Pinduoduo hái “trái ngọt”. Sau nhiều năm xếp sau Alibaba, nền tảng này ghi nhận 788 triệu người dùng hoạt động hàng năm vào năm 2021, tức vượt qua cả đối thủ nặng ký.

Gần đây, Temu đã chính thức mở rộng sang thị trường Canada. Trang thương mại điện tử cũng được cho là sẽ sớm ra mắt tại Úc và New Zealand, sau đó đến thị trường Châu Âu.

Ông Chen Lei – CEO và Chủ tịch Pinduoduo từng nhắc đến Temu như “một sàn TMĐT quốc tế”. Tất nhiên, quá trình này sẽ tiêu tốn khá nhiều tiền, bởi theo Momentum Works, khoản lỗ của Temu trong năm đầu vận hành có thể lên tới 720 triệu USD.

Để thu hút và giữ chân những người tiêu dùng, nền tảng này đã triển khai một số dịch vụ hấp dẫn, đồng thời khuyến khích người dùng giới thiệu bạn bè cùng tải xuống Temu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | Theo The Leader

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …