Vì sao quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng kém phù hợp
Kỷ nguyên tăng trưởng chóng mặt quảng cáo trên mạng xã hội đã đột ngột dừng lại, khiến chất lượng giảm sút, người dùng ngày càng nhìn thấy những quảng cáo không phù hợp và vi phạm.
Chia sẻ với New York Times, Portia Kapraun nói rằng cô thường gặp phải những quảng cáo không liên quan trên Twitter, từ các hãng trang sức xa xỉ đến những chiếc xe đắt đỏ mà cô không thể nào chi trả.
Cô không hề hứng thú với những sản phẩm này và cũng không muốn xem lại mãi những quảng cáo vô bổ giống nhau. “Tôi không biết thuật toán nghĩ sở thích của tôi là gì mà các sản phẩm nó đề xuất đều chẳng ra sao”, Kapraun nói.
Chất lượng quảng cáo ngày càng xuống dốc.
Theo New York Times, thị trường quảng cáo đang dần lung lay khi nền kinh tế xuống dốc. Những quảng cáo vốn chẳng nhiều người xem đột nhiên xuất hiện khắp nơi.
Đơn cử như Twitter đã trở thành một tờ tạp chí đúng nghĩa, chuyên dành cho những thương hiệu lạ lẫm như Ron Popeil, Veg-O-Matic… Trên YouTube, quảng cáo cho các kênh lừa đảo, giả mạo người nổi tiếng như Elon Musk lại mọc lên như nấm sau mưa.
Theo New York Times, trên lý thuyết, công nghệ càng tân tiến thì trải nghiệm quảng cáo trên nền tảng số của người dùng sẽ càng được hoàn thiện.
Một người nếu thích giày sẽ thường xuyên nhìn thấy quảng cáo của các thương hiệu sneaker hay sandal thay vì các khóa học hay những sản phẩm làm đẹp không liên quan.
Tuy nhiên, gần đây, trên rất nhiều nền tảng, các quảng cáo ngẫu nhiên lại xuất hiện khắp nơi do thị trường quảng cáo kỹ thuật số xuống dốc. Các nhà quảng cáo lớn dần thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu. Điều này trở thành cơ hội dành cho những nhà quảng cáo nhỏ, kém phổ biến hơn.
“Chỉ cần tiêu chuẩn hạ xuống, chất lượng quảng cáo cũng theo đó xuống thấp”, Jessica Fong, Giáo sư marketing tại Đại học Michigan, nhận định.
Trước đây, quảng cáo xuất hiện trên báo chí hay TV thường phải qua tay các chuyên viên đánh giá và sắp xếp vị trí đặt cho hợp lý. Nhưng hiện nay, 90% quảng cáo số đều hiển thị dựa trên những phần mềm tự động.
Mạng xã hội cho phép quảng cáo xuất hiện dưới nhiều định dạng khác nhau như văn bản tĩnh, video, game tương tác, tin nhắn, filter… và rất dễ để chi tiền mua sản phẩm.
Các nhà quảng cáo sẽ đặt hạn mức chi phí mà họ mong muốn. Sau đó, hệ thống sẽ tự động sắp xếp vào các vị trí để dễ tiếp cận đến đối tượng mong muốn.
Những tên tuổi lớn rời khỏi thị trường quảng cáo.
Nhiều chuyên gia cho rằng số lượng quảng cáo vô bổ đang ngày một tăng cao từ chỉ đơn giản là gây khó chịu cho đến lừa đảo người dùng.
Nguyên nhân đến từ nhiều nhân tố khác nhau, bao gồm tình trạng chảy máu nhân sự, đội ngũ kiểm duyệt nội dung yếu kém tại các công ty công nghệ hoặc nhà quảng cáo tìm đối tác mới.
Bên cạnh đó, tính năng “App Tracking Transparency” (ATT) của Apple và những thay đổi về bảo mật của nhiều hãng công nghệ khác cũng ảnh hưởng đến dữ liệu người dùng gửi về các nhà quảng cáo, dẫn đến chất lượng và tỷ lệ phù hợp của quảng cáo giảm sút.
Theo nghiên cứu của Liên đoàn các nhà quảng cáo thế giới (World Federation of Advertisers – WFA), trong số 43 doanh nghiệp đa quốc gia chi trên 44 tỷ USD/năm cho quảng cáo, có đến 30% công ty có dự định cắt giảm chi phí marketing năm 2023.
Clorox, thương hiệu từng đổ hàng trăm triệu USD/năm cho tiếp thị sản phẩm, tuyên bố họ sẽ điều chỉnh mảng marketing, trong đó có thu hẹp chi tiêu.
Nghiên cứu của Insider Intelligence cũng chỉ ra chi phí quảng cáo số đã chậm tốc trong thời gian gần đây. Trong đó, cái tên chịu nhiều ảnh hưởng nhất là Twitter. Mạng xã hội này gặp khó khăn trong việc giữ chân đối tác quảng cáo kể từ khi Elon Musk mua lại hồi tháng 10.
Trong số 10 đối tác chiếm 55% doanh thu quảng cáo của Twitter, có đến 6 cái tên đã rút lại khoản đầu tư và ngừng hợp tác với Twitter, Sensor Tower cho biết.
Những thách thức trên nền tảng cũng gây khó khăn với các mạng xã hội khác. Trong quý IV/2022, doanh số quảng cáo của YouTube đã giảm 8% so với quý trước đó.
Năm 2022, tập đoàn Meta cũng báo cáo doanh thu quý sụt giảm lần đầu tiên kể từ khi thành lập. Phí quảng cáo trên Facebook và Instagram cũng giảm 24% trong quý cuối năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái.
Thay đổi lớn trong cách làm quảng cáo.
Corey Richardson, Phó chủ tịch tại công ty quảng cáo Fluent360, cho biết ông nhìn thấy ngày càng nhiều quảng cáo về những mặt hàng mà ông không hứng thú trên mạng xã hội. Đơn cử như áo thun hoạt hình, cho đến những tin tức xuyên tạc vaccine hay video mang tính bạo lực. “Họ hiển thị mọi thứ miễn là có tiền”, Richardson nói.
Theo chuyên gia, một trong những nguyên nhân khác khiến chất lượng quảng cáo giảm sút là vì thị trường này đã trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết trong khi trước đây chỉ dành cho những tên tuổi lớn trong ngành.
Hiện nay, đa số thương hiệu đều muốn chi tiền quảng cáo đại trà thay vì quảng cáo mục tiêu, tiếp cận đến một nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể như trước đây. Cách làm này vừa rẻ hơn, vừa thu hút sự chú ý của các khách hàng cả tin hoặc quá chán ngán với những sản phẩm cũ liên tục lặp đi lặp lại.
Do đó, các hãng công nghệ đã thắt chặt chính sách để hạn chế quảng cáo vô bổ xuất hiện trên nền tảng. Twitter đã mở truy cập tự do cho các dịch vụ bên thứ 3 như Tweetbot, Twitterific, giúp người dùng lướt Twitter không có quảng cáo.
YouTube cũng thử nghiệm kế hoạch giảm số lần quảng cáo ngắt quãng video với số lượng quảng cáo hiển thị ở mỗi lần ngắt lại tăng lên. Meta cũng bổ sung tính năng cho phép người dùng cá nhân hóa, tùy chỉnh hiển thị mỗi khi thấy quảng cáo mình không hứng thú.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nam Nguyen | MarketingTrips