Skip to main content

Xu hướng thương mại điện tử nửa đầu 2022

13 Tháng Ba, 2022

Chuyên gia dự đoán một số xu hướng mới cùng các yếu tố cũ 2021 sẽ giúp doanh nghiệp thương mại điện tử tăng tính cạnh tranh và bứt tốc mạnh mẽ trong 2022.

xu hướng thương mại điện tử 2022

Theo ông Brad Houldsworth, Giám đốc Sản phẩm Remarkable Commerce, các xu hướng mới xuất hiện hoặc phát triển từ xu hướng cũ mỗi năm là yếu tố doanh nghiệp ngành này có thể nắm bắt để phát triển, tạo ưu thế cạnh tranh.

Với kinh nghiệm chuyên xây dựng chiến lược phát triển cho các doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử, vị Giám đốc cho rằng làn sóng e-commerce sẽ giảm tốc khi đại dịch dần được kiểm soát.

Song đây lại là thời điểm “vàng” để đẩy mạnh đầu tư nền tảng công nghệ và tập trung vào các xu hướng mới, tận dụng cơ hội bứt tốc, mở rộng tầm ảnh hưởng.

Dưới đây là các xu hướng chính ông Brad Houldsworth dự đoán sẽ định hình ngành thương mại điện tử trong nửa đầu năm 2022. Các doanh nghiệp ngành này có thể tham khảo để xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển trong năm mới.

Đầu tư giải pháp công nghệ có chọn lọc.

Sở hữu nền tảng công nghệ vững chắc là yếu tố quan trọng giúp các sàn thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và bền vững.

Tuy nhiên Giám đốc Remarkable Commerce lại nhận định rằng không phải tất cả giải pháp công nghệ và công cụ hỗ trợ đều phù hợp, hiệu quả với mọi doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp đã quen với việc thu mua một số công nghệ cung cấp tính năng, giải pháp thương mại trực tuyến mà không xem xét chức năng cụ thể của chúng.

Với sự biến chuyển nhanh chóng của thị trường hiện nay, song song với thu mua các công nghệ mới, doanh nghiệp cũng cần xem xét loại bỏ những giải pháp lỗi thời để tiết kiệm chi phí, tối giản hệ thống mà vẫn cải thiện hiệu quả cho toàn quy trình kinh doanh trực tuyến”, ông Brad Houldsworth chia sẻ.

Theo ông, một trong những yếu tố khiến nền tảng thương mại điện tử kém ổn định, thiếu khả năng tùy chỉnh là phụ thuộc quá nhiều vào bên thứ ba.

Cách giải quyết vấn đề này là tìm các giải pháp công nghệ mới hoàn thiện, đa nhiệm hơn. “Càng phụ thuộc nhiều vào những đối tác cung cấp giải pháp công nghệ, nền tảng sẽ càng khó kiểm soát quy trình, hệ thống và không có sự linh hoạt, quyền quyết định”, ông cho hay.

Biến mạng xã hội thành kênh bán hàng.

Các nền tảng mạng xã hội lớn như TikTok, Facebook, Instagram… hiện nay có đến hàng tỷ người dùng trên toàn cầu. Trong đó, TikTok hiện là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên Apple’s App Store, khiến người dùng chi hơn 50 triệu USD mỗi năm.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, các nền tảng mạng xã hội này cũng buộc phải không ngừng cải tiến.

Việc tích hợp các tính năng thương mại trực tuyến góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng nền tảng này bán hàng. Đồng thời người dùng của họ cũng có thể mua sắm sản phẩm từ các nhà bán lẻ đối tác của họ mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Năm 2020, Instagram ra mắt tính năng thẻ (tab) Mua sắm, cho phép người dùng khám phá các sản phẩm mới được gợi ý cá nhân hóa.

Trong khi Facebook khuyến khích các nhà bán lẻ sử dụng tính năng Facebook Shop được tích hợp sẵn.

Nền tảng này cũng đơn giản hóa quy trình tải sản phẩm lên. Pinterest không kém cạnh khi sử dụng tính năng ghim (Pin) dành riêng cho những thương hiệu muốn quảng cáo sản phẩm, dịch vụ.

Từ khi đại dịch xuất hiện, mọi người dành thời gian ở nhà nhiều hơn, khiến phương tiện truyền thông xã hội trở thành trung tâm của hầu hết hoạt động trong cuộc sống.

Bằng chứng là hơn 90% người dùng mạng xã hội truy cập các nền tảng yêu thích của họ bằng thiết bị di động. Trong đó có đến 54% sử dụng mạng xã hội để nghiên cứu sản phẩm và mua sắm.

Theo Giám đốc Remarkable Commerce, mua sắm trực tiếp trên mạng xã hội sẽ là một trong những xu hướng thương mại dự kiến tăng trưởng mạnh vào năm 2022.

Nhất là khi các nền tảng như Instagram và Facebook hoàn thiện các tính năng phát sóng trực tiếp (livestream) của riêng họ.

Ủng hộ thương hiệu nội địa và nhà bán nhỏ lẻ.

Trải qua các đợt ảnh hưởng kinh tế nặng nề từ dịch bệnh, một nhóm người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang ủng hộ các SMEs nội địa, giúp họ tăng doanh số, duy trì kinh doanh.

Một khảo sát khác cho thấy 65% người dùng muốn mua sản phẩm từ các thương hiệu bền vững, bảo vệ môi trường.

Việc tập trung vào chủ nghĩa “tiêu dùng xanh”, phát triển bền vững cho thấy các thương hiệu đó ưu tiên yếu tố thân thiện môi trường.

Song song với các thói quen tiêu dùng mới, ông Brad Houldsworth dự đoán đây sẽ là xu hướng chiếm lĩnh thị trường trong những năm tới.

“Những thương hiệu nhỏ, nội địa, nhà bán lẻ tuy có lương đơn hàng thấp và quy trình xử lý, vận chuyển đơn giản.

Song đây lại là lợi thế cạnh tranh khi họ có thể linh hoạt thay đổi, đưa yếu tố bền vững, vì môi trường vào sản phẩm dễ dàng hơn những doanh nghiệp lớn với quy trình phức tạp hơn”, ông Brad chia sẻ.

Mua sắm trực quan trên đà phát triển.

Hình thức mua sắm thông qua các hình ảnh, video sản phẩm trực quan hiện được người dùng ưa chuộng hơn dạng tĩnh trước đây.

Người dùng có thể tương tác, xem xét các chi tiết, chất lượng sản phẩm tương tự như khi đến trực tiếp cửa hàng. Đây được xem là bước tiến vượt trội của các thương hiệu thời trang, tiêu dùng, gia dụng, điện tử… trong năm vừa qua.

Theo đó, nhiều thương hiệu, doanh nghiệp thương mại đã nắm bắt xu hướng này và phát triển nó lên tầm cao mới.

Họ kết hợp miêu tả, giới thiệu sản phẩm với các hình thức sáng tạo nội dung khác như tương tác qua livestream, video, trải nghiệm sản phẩm bằng thực tế ảo tăng cường (AR)…

Giám đốc Remarkable Commerce gợi ý các doanh nghiệp thương mại điện tử và thương hiệu, nhà bán lẻ có thể tận dụng hình thức mua sắm trực quan bằng nhiều cách.

Đơn cử như thay đổi định dạng hình ảnh sản phẩm từ ảnh tĩnh JPG, PNG sang định dạng WebP để cải thiện chất lượng và tốc độ tải; tạo hình ảnh hoặc video 360 độ về các sản phẩm bán chạy nhất; đầu tư công cụ tìm kiếm trực quan cho phép khách hàng tìm sản phẩm bằng hình ảnh, giọng nói hoặc chụp trực tiếp những đồ vật, sản phẩm ngoài đời thực…

Cải tiến trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa.

Cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm trực tuyến của khách hàng là chìa khóa giúp tăng sự hài lòng mà các sàn thương mại điện tử hiện nay tích cực áp dụng.

Người tiêu dùng ngày càng muốn được trợ giúp tìm sản phẩm họ cần nhanh chóng hơn. Họ đánh giá cao trải nghiệm cá nhân hóa thông qua các đề xuất sản phẩm liên quan hoặc tương tự.

Theo ghi nhận của Remarkable Commerce, 80% người dùng có xu hướng mua sắm sản phẩm từ những thương hiệu, sàn thương mại điện tử có yếu tố cá nhân hóa và ưu đãi hấp dẫn. Tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng trên các nền tảng chứa tính năng này cũng tăng đến 20%.

“Các doanh nghiệp thương mại điện tử muốn thống trị thị trường phải chuẩn bị sẵn nền tảng công nghệ, nguồn lực kinh tế và các yếu tố khác để nắm bắt và triển khai các xu hướng mới nhất càng sớm càng tốt.

Trong năm 2022, cá nhân hóa cùng với các xu hướng kể trên sẽ trở nên phổ biến hơn hiện tại rất nhiều. Quan trọng là phải biết nắm bắt đúng thời điểm và xây dựng chiến lược triển khai sao cho hiệu quả, phù hợp nhu cầu thị trường nhất”, ông Brad nói.

Nhìn chung, tất cả xu hướng thương mại điện tử (eCommerce) trong nửa đầu năm 2022 kể trên đều nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm người dùng.

Qua đó, ông Brad Houldsworth khuyên rằng trước khi chọn áp dụng bất cứ xu hướng nào các doanh nghiệp nên tiến hành phân tích chi tiết xem liệu mình có đủ sức theo đuổi hay không.

“Cách tốt nhất để xác định xem liệu xu hướng hoặc giải pháp đó có hiệu quả với doanh nghiệp mình hay không là hỏi thẳng khách hàng.

Bởi mục tiêu cuối cùng của mỗi doanh nghiệp bán lẻ và thương mại điện tử đều là tối ưu hóa sự hài lòng của họ”, ông Brad kết luận.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh (Theo VnExpress)

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …