Hành trình Management Trainee #1
Trở thành Management Trainee (MT) – Quản trị viên Tập sự tại các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia không phải là đích đến, mà là khởi đầu của một hành trình đầy thử thách.
Không màu hồng, không dễ chịu, nhiều đánh đổi, nhiều áp lực, thay đổi công việc liên tục, là cách mà các công ty đào tạo những “nhà lãnh đạo trẻ tương lai”. Hành trình ấy sẽ không có sự chăm bẵm, ưu ái hay mặc nhiên “được làm sếp” như nhiều bạn thường ngộ nhận.
Vì vậy, thay vì đặt câu hỏi “phải làm sao để đậu MT”, chúng tôi viết loạt bài này để mang đến cho các bạn trẻ cái nhìn rõ ràng hơn, đời thực hơn, về những gì một bạn MT phải trải qua, và để “tốt nghiệp MT” thành công, thì cần những tố chất gì.
Có thể khi đọc xong, bạn sẽ tự đặt câu hỏi cho bản thân mình: Liệu tôi có còn MUỐN thi MT nữa không? Với những tố chất hiện tại, liệu MT có phải là con đường tôi NÊN đi hay không? Khi đó, bạn sẽ có cái nhìn và cách tiếp cận đúng hơn khi lựa chọn thi MT.
Nhân vật đầu tiên của chuyên mục “Hành trình Management Trainee” là bạn Nguyễn Đình Giang, người vừa trải qua cột mốc hơn 1 năm làm MT tại NESTLÉ Việt Nam, với nhiều câu chuyện về những va chạm, vấp ngã và sự trưởng thành qua mỗi chặng đường.
* Cảm ơn Giang đã nhận lời chia sẻ về trải nghiệm cá nhân qua 1 năm làm MT tại NESTLÉ. Thông thường thì các bạn trẻ sẽ muốn nghe bạn trả lời câu hỏi đầu tiên là “Bạn đã đậu MT tại Nestlé như thế nào?” nhưng chúng tôi muốn để dành đoạn đó sau. Hãy kể về tuần làm việc đầu tiên của bạn tại Nestle sau khi đậu MT?
Khi mới vào MT, thường thì mọi người hay khuyên đùa là hãy tận hưởng những “tuần trăng mật” ngọt ngào đầu tiên. “Tuần trăng mật” là từ dùng để chỉ quãng thời gian các bạn MT cùng khóa làm quen với văn hóa làm việc, được đào tạo các kiến thức tổng quan từ sứ mệnh của tập đoàn, giá trị của từng thương hiệu cho đến toàn bộ hệ thống hoạt động của công ty. Đợt đó của Giang, chỉ trong 3 tuần đầu mà các MT mới được giao đến tận 4 dự án lớn nhỏ phải hoàn thành: Ra bán hàng cùng các anh Sales ngoài thị trường & viết báo cáo (hồi đó nhóm Giang phải xuống tận Tiền Giang để bán hàng), Thuyết trình kế hoạch phát triển một thương hiệu với Giám đốc cấp cao, Thuyết trình kiến thức tổng quan về toàn bộ công ty cho Giám đốc nhân sự, Tổ chức đêm lửa trại trong kỳ Teambuilding của công ty. Cái khó không chỉ ở khối lượng công việc dồn dập nhiều sức ép, mà còn ở việc làm sao dung hòa và phối hợp nhịp nhàng giữa các MT chưa quen biết nhau – những bạn trẻ đều rất giỏi, giàu nhiệt huyết và mang những nét cá tính rất khác biệt.
* Bạn đã làm sao để có thể vượt qua những thử thách đầu tiên đó?
Mỗi người một điểm mạnh & kinh nghiệm riêng, trưởng nhóm của mỗi dự án phải kết nối và tận dụng được nguồn lực ấy một cách tốt nhất, đó là vai trò của người lãnh đạo. Sự can đảm đứng lên xung phong nhận trách nhiệm, rồi lèo lái và bắt tay cùng làm với mọi người là những gì Giang chọn ở giai đoạn đầu. Lúc đó, Giang xung phong làm trưởng nhóm của kỳ lửa trại teambuilding, rồi chủ động đề xuất ý tưởng chương trình, khuyến khích mọi người đóng góp ý kiến chung, phân nhiệm vụ dựa trên sự yêu thích & thế mạnh của từng bạn, thúc đẩy và kết nối mọi người cùng hành động. Kết quả mang lại là một đêm lửa trại mãn nhãn, đáng tự hào. Hồi còn sinh viên, khi xung phong làm trưởng nhóm thì bản thân Giang thường hay ôm việc một mình, vì chưa tin tưởng người khác, chưa biết cách phân nhiệm vụ, không giỏi thuyết phục hay quản lý con người. Bước sang môi trường làm việc chuyên nghiệp, cần phải cải thiện những kỹ năng ấy rất nhiều.
* Kết thúc ba tuần đầu tiên có vẻ không hề nhẹ nhàng với các bạn MT. Khoảng thời gian tiếp theo là bao lâu và bạn được giao những nhiệm vụ gì khác?
Sau 3 tuần, các MT bước vào giai đoạn luân chuyển công việc giữa các phòng ban. MT khối Commercial / Marketing như Giang có 1,5 tháng được thực tập ở kênh siêu thị dưới vị trí mang tên “Merchandiser” – người quản lý & thực thi “phần nhìn” của toàn bộ danh mục sản phẩm công ty tại mỗi địa điểm siêu thị. Quả thực là khi làm MT thì Giang mới biết có loại công việc này. Giang được làm việc ở siêu thị Coopmart Đinh Tiên Hoàng, Coopmart Xa Lộ Hà Nội và Coopmart Đồng Văn Cống. Công việc hằng ngày của một Merchandiser là phải liên tục vào kho siêu thị, lấy hàng NESTLÉ và lấp hàng lên kệ hàng để đảm bảo các sản phẩm luôn đầy đủ & được trưng bày đẹp mắt, phục vụ cho khách hàng muốn mua sản phẩm. Giang gọi vui đây là công việc “lấp lỗ châu mai”.
Do phải phụ trách tất cả kệ hàng của NESTLÉ với hơn 60 dòng sản phẩm lớn nhỏ khác nhau, mình thực sự vất vả trong khoảng thời gian 2 tuần đầu khi phải nhớ và thuộc hết portfolio sản phẩm, nhớ vị trí kệ hàng và từng sản phẩm trong kho siêu thị. Công việc không chỉ áp lực ở việc ghi nhớ và tính toán, mà còn ở sức khỏe, sức bền do phải dụng tay dụng chân khá nhiều. Giang nhớ mãi hôm 2/9/2017 lúc còn làm việc ở Coopmart Đinh Tiên Hoàng – ngày toàn dân nghỉ lễ và… đi mua sắm. Tối hôm đó, về nhà đúng nghĩa “sấp mặt” và “bất tỉnh” vì đã trải qua một ngày làm việc “kinh hoàng”, quần quật chất hàng và xếp hàng liên tục do khách quá đông.
* Nghe có vẻ rất vất vả, chứ không phải làm việc kiểu “hoàng tử, công chúa” chốn văn phòng nhỉ. Bạn học được điều gì lớn nhất từ công việc này?
Vất vả chưa dừng tại đó. Giang còn nhớ sau hai tuần đầu làm việc, Giang có một buổi gặp mặt với Functional Coach – người trực tiếp hướng dẫn và đánh giá kết quả làm việc của mình, Giám sát Bán hàng Kênh siêu thị tại nơi mình làm việc (Key Account Executive – KAE). Buổi gặp mặt này như “tát” cho mình một cú thức tỉnh. Anh KAE hỏi mình những câu rất căn bản về tình hình đầu ra (off-take) của từng thương hiệu, phản hồi của khách hàng với sản phẩm mới, tính hiệu quả của chương trình khuyến mãi mà đối thủ cạnh tranh đang thực hiện, v.v… mà mình hoàn toàn ấp úng và không có một câu trả lời rõ ràng.
KAE nói công ty cho tụi mình xuống thực tập không phải chỉ để cắm mặt làm “execution”, mà còn phải biết lùi lại để quan sát bức tranh lớn, rút ra những nhận xét, từ đó có những ý kiến đóng góp lại cho công ty, đó mới là những yêu cầu dành cho những nhà lãnh đạo tương lai. Lúc đó, sự thất vọng của anh khiến mình cực kỳ xấu hổ, tự trách bản thân. Rồi từ đó về sau, Giang mới nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân và đặt yêu cầu cao hơn cho công việc.
Nhờ buổi nói chuyện nghiêm khắc đó mà về sau, mình biết sử dụng óc quan sát và “để ý” nhiều hơn trong công việc. Tất cả được tổng hợp thành những insight và ý tưởng đầy thú vị trong bài thu hoạch cuối cùng. Tại buổi gặp chia tay giữa hai anh em, anh bày tỏ sự hài lòng về tính trách nhiệm của mình trong công việc và đặc biệt là về việc mình đã nhìn nhận đúng hơn về bản chất của rotation đối với việc học hỏi của MT.
Kết thúc kỳ thực tập ở kênh Siêu thị, Giang thấu hiểu và tôn trọng hơn công việc của các anh chị Merchandiser ngoài thị trường. Dù chỉ làm nhiệm vụ ở mức thực thi, nhưng chính họ là những người “gác cổng” trực tiếp giữa công ty và khách hàng, đảm bảo hình ảnh thương hiệu ở điểm bán và đầu ra của sản phẩm. Sự mở lòng sẵn sàng học hỏi và tinh thần dấn thân không ngại khó là chìa khóa để Giang kết nối và nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo rất nhiệt tình của các anh chị ở siêu thị.
* Kết thúc 2 tháng đầu tiên này hẳn bạn cũng trưởng thành hơn nhiều. Thử thách tiếp theo bạn được giao là gì, có quá khó khăn với bạn không?
Sau 2 tháng, các bạn MT Commercial / Marketing tụi mình được phân bổ đến khắp ba miền Việt Nam để làm công tác bán hàng ở kênh truyền thống (DSR – Distribution Sales Representative). Hồi đó, Giang nhớ có một luật bất thành văn là nếu mình là dân ở miền nào thì sẽ được đi bán hàng ở miền khác, để trải nghiệm đa dạng văn hóa, và đương nhiên cũng tăng mức độ của thử thách hơn. Giang quê ở miền Nam, và được giao ra làm DSR cho một nhà phân phối của NESTLÉ ở thị trường Đà Nẵng trong vòng 4,5 tháng, chịu trách nhiệm tất cả KPI doanh số như một nhân viên bán hàng bình thường. Giang được giao đi bán hàng tuyến lẻ ở khu vực huyện núi Hòa Vang, quản lý hơn 180 cửa hiệu tạp hóa trong vùng, mỗi ngày phải đến từng cửa hiệu để mời cô chú mua các sản phẩm của NESTLÉ, từ đó bán lại cho người tiêu dùng. Còn nhớ lúc đầu, các cô chú anh chị nói chuyện với nhau mà Giang nghe không hiểu được hết do ngôn ngữ địa phương, rồi trầy trật gần 1 tháng trời mới giao tiếp được ổn với mọi người.
Do phải bán ở khu vực xa, và các khách hàng của Giang phần lớn là những tiệm tạp hóa quy mô nhỏ lẻ, nên Giang phải luôn tự chở hàng hóa, sản phẩm trên xe máy để vừa bán, vừa giao hàng, vừa thu tiền, chứ không phải đơn giản là bấm đơn giao hàng qua hệ thống rồi có xe tải đến giao hàng như các anh DSR tuyến lớn khác.
Những tưởng việc chở xe máy là ổn, nhưng mà cũng vì thế mà các cô chú chủ tiệm tạp hóa lúc đầu nghi ngờ mình bán hàng giả, không rõ nguồn gốc, nhất quyết không chịu nhập hàng. Giang nhớ hoài câu hỏi thường xuyên được hỏi nhất giai đoạn đó: “Ủa biển số xe máy 71 là ở đâu, đâu phải là dân vùng này, lỡ mi bán hàng giả rồi chạy mất thì ta biết kêu ai?” (Biển số xe 71 là ở Bến Tre quê Giang). Không bỏ cuộc, Giang vẫn quyết bám lấy, ghé thăm từng khách hàng thường xuyên để các cô chú quen và thực sự tin tưởng mình, từ đó thuyết phục có được những đơn hàng đầu tiên mà mừng rớt nước mắt.
Thử thách không dừng ở đó. Giang ra Đà Nẵng từ tháng 10/2017, ngay sau đó cơn bão số 12 Ramsey ập tới, gây tê liệt khắp miền Trung. Khi đó, áp lực về chỉ tiêu doanh số vẫn rất lớn, Giang vẫn đội mưa, rong ruổi cùng chiếc xe máy chở đầy hàng đi bán và phân phối trên các tuyến của mình được giao. Có hôm do che chắn không kỹ hoặc mưa tạt quá, các thùng hàng bằng giấy carton bị ướt, rách toạc, hàng hóa bên trong cứ thế rớt ra khắp dọc đường. Mình biết thì mình nhặt lại, còn không biết thì về phải tự đền tiền lại cho nhà phân phối. Còn có những ngày mưa nước ngập lên nhanh, tự mình phải linh hoạt đổi qua tuyến bán hàng khác, chứ nhất quyết không nghỉ. Sau này nhìn lại hành trình, chưa thấy mình nghỉ một ngày bán hàng nào, kể cả ngày Chủ nhật cũng tự mình xách xe đi tìm thêm các khách hàng mới ở khu vực sâu xa hơn trong huyện.
* Đi làm Sales với những chông gai khắc nghiệt như thế, có lúc nào bạn muốn bỏ cuộc không, và bạn đã vượt qua thử thách này như thế nào?
Mình có nhớ trong một đêm mưa gió sau 3 tuần đầu thử sức với nghề này, ngồi một mình ở nhà trọ mà lần đầu tiên trong đời, mình thực sự muốn bỏ hết tất cả đề “về nhà với ba mẹ”. Vì thấy cực quá, khổ quá, mờ mịt quá và cô đơn quá. Không có bạn bè và người thân ở miền Trung, mình hầu như phải tự giải quyết tất cả các thử thách một mình. Sếp mình lúc đó là một anh Quản lý Bán hàng khu vực (Area Sales Manager – ASM); anh có chủ trương là để mình tự “bơi”, tự “cày” doanh số, tự vật lộn với cái khó, rồi chính cái khó của đời sẽ dạy mình cái khôn. Sếp nói: “Ra đời, đứa nào càng lì đòn, tương lai càng rộng.”
Chính câu nói này lúc đó thực sự giúp mình nhiều lần nhìn sâu hơn vào bản chất của khó khăn, chấp nhận và dần chuyển hoá nó thành một cơ hội để tự “mài sắt” chính mình. Lúc đó mình sợ, sợ rằng nếu từ bỏ và chấp nhận thất bại thì tự mình sẽ giết chết đi sự tự tin vào bản thân, như vậy thì cực kỳ có lỗi với niềm kiêu hãnh và sự kỳ vọng của mình về chính mình. Và từ đó, mỗi ngày đi làm là một cuộc đấu tranh thực sự với các thử thách, đầy bền bỉ và không cho phép bản thân ngã gục. Mình nghĩ cũng nhờ sự chịu khó này, kết hợp với tôn chỉ bán hàng thật thà, lấy chữ “tín” làm đầu mà các cô chú khách hàng cũng thương, tin tưởng và lấy hàng ngày một nhiều hơn, đẩy doanh số gần với chỉ tiêu được giao hằng tháng.
Ngoài ra, sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị khác trong cùng nhà phân phối, sự động viên thăm hỏi của sếp nhân sự NESTLÉ ở TPHCM thực sự cũng giúp vực dậy mình rất nhiều những lúc khó khăn. Sự kỳ vọng ban đầu trước khi tụi mình được gửi đi bán hàng luôn nằm trong tâm niệm của Giang cho mỗi ngày làm việc: “Tụi em xuống nhà phân phối thì phải cố gắng trở thành tấm gương cho đội ngũ DSR bán hàng, đại diện cho thế hệ lãnh đạo tương lai tài năng của công ty.”
* Và sự lì đòn, không bỏ cuộc đã mang đến cho bạn kết quả gì sau 4,5 tháng bán hàng xa nhà?
Mình còn nhớ ngày tổng kết chia tay, anh giám sát ASM nói với mình một lời cảm ơn chân thành vì đã không bỏ cuộc trong ngần ấy khó khăn, và nói rằng nếu có tuyển thêm một nhân viên DSR mới thì phải mất đến tận 3 tháng sau cũng chưa chắc có được mối quan hệ tốt với các khách hàng như mình hiện tại. Mình hoàn thành sớm chỉ tiêu tháng cuối cùng, rồi về quê ăn Tết trong niềm vui và sự tự hào.
Nhìn lại, 6 tháng “lăn xả” hết mình ở ngoài thị trường (kênh hiện đại & kênh truyền thống) thực sự giúp mình hiểu hơn rất nhiều về dòng chảy của hàng hoá, về động lực của người bán hàng & người mua hàng, về nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại và tác động của sức mạnh thương hiệu lên hành vi mua sắm. Tất cả trở thành những hành trang hữu ích giúp mài giũa tư duy của mình – một marketer tương lai khi quay trở lại văn phòng chính ở Hồ Chí Minh. Cho đến tận bây giờ khi đã về lại văn phòng, thỉnh thoảng mình vẫn nhận được các cú gọi điện thoại đặt hàng của các cô chú tạp hóa ở Đà Nẵng: “Alo! Ngày mai con chở cho cô 2 thùng sữa Milo nhe”. Những lúc như thế, bỗng nhớ mảnh đất và tình người Đà Nẵng kinh khủng lắm.
Sau tất cả, thì có lẽ từ “Resilience” (hiểu là sự lì đòn, kiên định) là từ mình được học nhiều nhất, được tôi luyện nhiều nhất, tự nhắc mình nhiều nhất trong suốt khoảng thời gian “bão tố” nhưng đầy giá trị ở ngoài thị trường.
* Về văn phòng quay trở lại với chuyên môn Marketing thì chắc công việc của Giang cũng thuận lợi hơn đúng không? Vậy 5 tháng tiếp theo tại NESCAFÉ có những thử thách gì đáng nhớ?
Ở NESCAFÉ, Giang được trải nghiệm gần như đầy đủ các hoạt động marketing để quảng bá và thúc đẩy một nhãn hàng, từ Quảng cáo truyền thông đến Kích hoạt thương hiệu. Sếp mới của Giang lúc đó là một chị Trưởng nhãn hàng cấp cao (Senior Brand Manager – SBM) của NESCAFÉ, chị cực kỳ giỏi.
Còn nhớ khi đó là khoảng sau 2 tháng mình vào team, chị bảo không hài lòng về quá trình làm việc của mình: thiếu tính làm chủ trong công việc (Ownership), thiếu kỹ năng quản lý dự án (Project Management), thiếu kỹ năng lãnh đạo (Leadership), tính cách không phù hợp ở môi trường Tập đoàn (Corporate)… Lúc đó, tự mình cũng giật mình, hốt hoảng, nghi ngờ bản thân lắm.
* Bị sếp đánh giá như vậy chắc bạn bối rối lắm. Bạn đã làm gì trong hoàn cảnh đó?
Bình tâm để suy xét, Giang tự đánh giá thì thấy rằng một phần vì mình chưa quen việc do mới về lại văn phòng, một phần vì yêu cầu rất cao của chị với các bạn MT trong cả tư duy và cách làm việc. Giữa tâm bão của khủng hoảng cá nhân, hai chị em đã ngồi lại và có một buổi đối thoại thẳng thắn với nhau, cùng phân tích tình hình, và mình cũng đã không ngại trình bày rõ ràng quan điểm, với mong muốn cùng nhau tìm cách cải thiện kết quả công việc của mình trong 3 tháng còn lại với team. Và Giang thực sự rất biết ơn buổi chia sẻ hôm đó với chị Sếp vì nó thực sự giúp hai chị em hiểu nhau hơn, từ đó đã ươm mầm cho những thay đổi tích cực sau này.
Đơn cử như khi biết rằng chị đòi hỏi cao, luôn yêu cầu “lính” của mình tập tự đào sâu mỗi vấn đề một cách rốt ráo rồi từ đó đề xuất giải pháp và hỏi ý kiến chị, chứ không phải lúc nào cũng đến đưa cho chị một vấn đề và nhờ chị góp ý giải pháp, mình cũng đã tự nhìn sâu một cách thấu đáo vào mỗi công việc mình đảm nhiệm, tham khảo kỹ kiến thức từ khắp các phòng ban liên quan để có góc nhìn toàn cảnh, để rồi đề xuất những giải pháp thực sự khả thi. “Tự biết thử thách bản thân” , “Luôn đặt những câu hỏi Tại sao/ Tại sao không cho từng vấn đề”, “Làm công việc thực thi với tư duy chiến lược của người làm chủ kinh doanh” là những điều mình tâm đắc nhất được học hỏi từ chị. Rồi dần dà, công việc khởi sắc, giao tiếp tích cực hơn, mình cũng được tin tưởng và giao nhiều công việc quan trọng hơn cho thương hiệu.
* Như vậy, kết thúc rotation ở NESCAFÉ chắc hẳn Giang cũng có nhiều kết quả thích cực đúng không, bài học Giang rút ra lớn nhất cho mình ở thử thách này là gì?
Kết thúc 5 tháng làm việc tại NESCAFÉ, chị sếp chia sẻ là rất hài lòng với bước “nhảy vọt” lớn của mình trong công việc ở giai đoạn về sau. Chị nói đùa vui rằng mình là thành viên nhí trong team giỏi trong việc “quản lý” chị (cười), mình nghĩ chỉ đơn giản là hiểu được yêu cầu cao của sếp, của người đồng đội trong công việc, rồi mình cố gắng thúc đẩy bản thân thêm một chút để phối hợp nhau một cách ưng ý và hiệu quả.
Sau cùng thì mình thấy vui, niềm vui đến từ sự lì lợm, tự vực dậy bản thân, chủ động đối thoại thẳng thắn, tập trung làm việc và rèn luyện, không ngại khó, rồi sau cùng là có được sự công nhận.
Qua giai đoạn đầy sóng gió đó, mình nhận ra một điều là trong công việc thì vai trò của sếp cực kỳ quan trọng. Và nếu được, hãy cứ can đảm tìm đến những sếp giỏi và khó để dấn thân, học hỏi. Đôi khi sẽ bị la mắng, khiển trách nhưng hãy cứ lì đòn mà bám, mà làm, mà học thì sẽ thấy mình cứng cáp hơn rất nhiều sau khi bão tố đi qua.
* Bây giờ đã hơn 1 năm làm MT, điều gì chờ đợi bạn phía trước?
Hiện tại, mình đã chuyển qua bộ phận Phát triển Sản phẩm mới (New Business Development), được tin tưởng giao vị trí “Project Leader” cho một dự án cực kỳ thú vị nhằm nghiên cứu và phát triển một dòng sản phẩm mới của NESTLÉ Việt Nam (và chưa có trên NESTLÉ toàn cầu). Đây quả thực là một cơ hội thú vị cho Giang được làm “Start-up” ngay trong một tập đoàn lớn. Và đương nhiên rồi, cho dù đi đến đâu thì sự lì lợm, gan dạ và tinh thần dấn thân học hỏi không ngại khó vẫn sẽ là hành trang của Giang và các MT khác của NESTLÉ, để đương đầu với mọi thử thách.
* Vậy theo Giang, tố chất các nhà tuyển dụng tìm kiếm ở một MT là gì?
“Management Trainee” là lãnh đạo tương lai của tổ chức, nên Giang nghĩ đó là tinh thần chủ động, tư duy lãnh đạo, khả năng chiến đấu và sự phù hợp văn hóa công ty. Và xuyên suốt hành trình tôi luyện thì sự lì lợm và can trường (resilience) sẽ mài giũa, giúp cho các tố chất ấy được tỏa sáng.
Với Giang, MT không phải là một đích đến mà nó chỉ là một điểm khởi đầu, đem đến cho chúng ta cả một hành trình dài, và nhiều cơ hội để được trui rèn, để được “lột xác” và trưởng thành hơn sau mỗi thử thách. Quả ngọt ở đằng sau hành trình. Vì vậy, cứ “lì đòn” cùng nhau trước chông gai nhé, người trẻ!
Cũng đều cấu tạo từ các nguyên tử carbon, nhưng nếu chịu được áp lực lớn thì sẽ hoá thành kim cương cứng cáp, còn không tới thì sẽ hoá than chì dễ gãy, tất cả là do lựa chọn của bản thân mình, Giang tâm niệm như vậy.
Hãy tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips
Theo BrandsVietnam